Các lựa chọn cho hạ tầng giao thông trên trục Bắc – Nam ở Việt Nam – Phần IV


I. NĂNG LỰC HIỆN HỮU VÀ CÁC KẾ HOẠCH

I.1. Đường bộ

Quốc lộ 1A ở hành lang phía đông với chiều dài 2301km từ Móng Cái đến Cà Mau (1719 km từ Hà Nội đến TPHCMC) đang là huyết mạch giao thông quan trọng nhất trên trục Bắc-Nam. Chiều rộng của tuyến đường này chủ yếu là 2 hay 3 làn xe. Trừ một số đoạn ngắn dẫn đến các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM có từ 4 làn xe trở lên. Theo số liệu của Tư vấn ADB, mật độ giao thông bình quân trên các đoạn liên tỉnh (trừ những đoạn ngắn dẫn vào các đô thị lớn) (1) vào khoảng 20 nghìn đơn vị xe quy đổi một ngày đêm. (2) Vận tốc trung bình của xe chỉ vào khoảng 50-60km/giờ. (3) Bình quân mất khoảng 30 giờ để đi từ Hà nội vào TPHCM bằng đường bộ.

Nhìn chung hiệu suất sử dụng của QL1A đang tiến gần đến công suất thiết kế. Nếu không có những tuyến đường khác thay thế hay mở rộng tuyến đường hiện tại, thì trong khoảng 3-5 năm nữa trục đường này sẽ quá tải ở nhiều đoạn.

Bên cạnh QL1A, nhiều đoạn của đường Hồ Chí Minh (chủ yếu là 2 làn xe) đang được hoàn thành. Khả năng vận chuyển của tuyến đường này khoảng 20 nghìn đơn vị xe quy đổi một ngày.

Nếu kế hoạch dự kiến đến năm 2030 được hoàn thành thì năng lực vận tải của hệ thống đường bộ trên trục Bắc-Nam tối thiểu sẽ là 140 nghìn đơn vị xe quy đổi/ngày. Riêng ĐBCT 4 làn xe sẽ là 80 nghìn đơn vị. (4) Mỗi tuyến đường còn lại gồm QL1A, đường Hồ Chí Minh và đường ven biển sẽ có khả năng vận chuyển 20 nghìn đơn vị xe quy đổi một ngày. (5)

Căn cứ vào số liệu của Tư vấn ADB, sau khi đã điều chỉnh với giả định bình quân một xe máy chở 1,2 người, xe ô-tô dưới 8 chỗ chở 2 người, xe ô-tô từ 8-15 chỗ chở 10 người và xe khách trên 15 chỗ chở 28 người, bình quân một đơn vị xe quy đổi sẽ vận chuyển 5,23 hành khách vào năm 2030. Nếu giả định toàn bộ đường dành cho vận tải hành khách thì năng lực vận chuyển của các tuyến đường bộ trên trục Bắc-Nam vào năm 2030 lên đến 267 triệu HK/năm. Nếu giả định chỉ 60% đường bộ dành cho vận chuyển hành khách (6) thì khả năng vận chuyển sẽ là 160 triệu người/năm. Nếu không tính đường ven biển thì năng lực vận tải hành khách của 60% đường bộ trên trục Bắc-Nam sẽ là 137 triệu lượt người/năm (tính toán chi tiết xem phụ lục 2).

I.2. Đường sắt

I.2.1. Đường sắt thông thường

2.600km đường sắt hiện tại (1.723km đoạn Hà Nội – TPHCM) là đường khổ hẹp 1.000mm, với năng lực vận chuyển chỉ là 18 đôi tàu/ngày. Tám đôi chở khách chỉ chở được bình quân 6-8 nghìn HK/ngày (hình 1).(7)  Tốc độ tàu bình quân chỉ từ 50-60 km/giờ.

Hình 1: Phân bố lượng khách bình quân trên tuyến đường sắt hiện tại

Nếu giả định mỗi đoàn tàu 10 toa chở được 500 khách và 10 đôi tàu sẽ được dùng để chở khách thì năng lực tối đa của đường sắt hiện hữu sẽ là 3,65 triệu KH/năm.

Việc nâng cấp đường sắt lên 120km/giờ đã nằm trong kế hoạch. Khi đó, năng lực vận chuyển của đường sắt nâng cấp sẽ là 15 triệu hành khách một năm với 60% dành cho vận tải hành khách và 40% dành cho vận tải hàng hóa. (8)

I.2.2. Đường sắt cao tốc

Theo Báo cáo đầu tư ĐSCT (sau đây gọi là Báo cáo Đầu tư) do Liên doanh Tư vấn Việt Nam- Nhật Bản thực hiện, đây sẽ là tuyến đường đôi với chiều dài 1570km, tốc độ tàu sẽ từ 300-350km/giờ, năng lực vận chuyển 140 triệu HK/năm. Sẽ mất khoảng 6-7 giờ để đi từ Hà Nội vào TPHCM. (9) Dự kiến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác một số đoạn và năm 2035 hoàn tất toàn bộ. (10)

I.3. Đường hàng không

Theo thống kê của Tư vấn ADB, năng lực vận tải của các sân bay trong cả nước hiện nay là 28,4 triệu HK/năm. (11) Theo số liệu của TCTK, năm 2009, ngành hàng không đã vận chuyển 10,7 triệu hành khách. Số hàng khách nội địa vào khoảng 7 triệu. Tính bình quân một ngày có khoảng 19 nghìn hành khách trên tất cả các tuyến của ngành hàng không Việt Nam với cự li đi lại bình quân là 855 km. Theo dự báo của Tư vấn ADB, số lượng hành khách bay theo trục Bắc-Nam vào năm 2010 khoảng 11 nghìn người/ngày hay 4 triệu người/năm. (12) Thời gian đi từ Hà Nội vào TPHCM mất khoảng 3 giờ, tính cả thời gian làm thủ tục và chờ.

Kế hoạch xây dựng sân bay Long Thành đang được triển khai với năng lực 100 triệu HK/năm và tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đô-la. Nếu cộng năng lực được nâng cấp của sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 17 triệu HK/năm thì năng lực của khu vực TPHCM sẽ vào khoảng 117 triệu HK/năm vào năm 2030. (13) Nếu một sân bay như sân bay Long Thành được xây dựng ở phía bắc (14) và 2/3 công suất sử dụng cho các chuyến bay nội địa thì năng lực vận chuyển hàng không vào năm 2030 sẽ vào khoảng 70 triệu HK/năm.

I.4. Vận tải đường biển

Việt Nam có đường biển dài, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hải. Đường biển hầu như chưa được khai thác cho vận chuyển hành khách, nhưng đường biển đang chuyên chở đến 60% khối lượng hàng hóa trên trục Bắc-Nam. Dự kiến năng lực vận tải cảng biển Việt Nam vào năm 2020 sẽ là 176 triệu tấn/năm. (15)

Tóm lại, nếu ước tính một cách thận trọng về năng lực vận tải hành khách theo kế hoạch đã duyệt mà chưa kể ĐSCT với giả định: (1) 40% năng lực vận tải đường bộ cũng như đường sắt nâng cấp dành cho vận tải hàng hóa, (2) đường bộ ven biển vẫn chưa được xây dựng, và (3) năng lực vận tải hàng không chỉ là 35 triệu thay vì 70 triệu như tính toán nêu trên, tổng khả năng vận chuyển của các tuyến giao thông trục Bắc-Nam vào năm 2030 sẽ khoảng 190 triệu lượt người một năm. Nếu tính cả ĐSCT và đường ven biển thì con số này lên đến 350 triệu người.

(còn tiếp)

Nguồn: Tài liệu sưu tập của SCDRC

———-

(1) Xem Tư vấn ADB (2007, Phụ lục 3-J)

(2) Theo số liệu của Tư vấn ADB, một ô-tô 4 chỗ là 1 đơn vị xe quy đổi, xe máy 0,3 đơn vị, xe khách từ 8-15 chỗ 2 đơn vị, xe khách trên 15 chỗ 2,5 đơn vị, xe tải nhỏ 2 đơn vị, xe tải trung 2,5 đơn vị và xe tải lớn 3 đơn vị.

(3) Tư vấn ADB (2007, Tập 1, trang 24)

(4) Tư vấn ADB (2008, trang 22)

(5) Theo Sổ thay hướng dẫn đường cao tốc của Mỹ, công suất của một làn xe trong một giờ là 2200 đơn vị xe quy đổi. Nếu công suất đạt tối đa trong 24 giờ thì một làn đường có thể chở 52.800 đơn vị xe một ngày. Tuy nhiên, do mật độ phân bố không đồng đều ở giờ cao điểm và giờ bình thường, nên công suất thực tế thấp hơn. Theo tính toán của Tư vấn ADB thì khả năng của làn đường cao tốc là 20.000 đơn vị xe tương đương một ngày (Tư vấn ADB, 2008, E26). Đối với các tuyến đường 2 làn xe hiện tại, Tư vấn ADB đánh giá khả năng vận chuyển chỉ là 10.000-15.000 đơn vị xe một ngày. Tuy nhiên trên thực tế, QL1A đang vận chuyển khoảng 20.000 đơn vị xe một ngày. Do vậy, bài viết giả định năng lực vận chuyển của các đường 2 làn xe là 20.000 đơn vị xe một ngày.

(6) Đoạn Đà Nẵng-Quảng Ngãi năm 2006 là 57% (Xem tư vấn ADB, 2007, Phụ lục 3-J, trang 25)

(7) Tư vấn Việt Nam-Nhật Bản (2010, trang 6)

(8) Tư vấn Việt Nam-Nhật Bản (2010, trang 6)

(9) Hà Nhân (2010)

(10) Tư vấn Việt Nam-Nhật Bản (2010)

(11) Tư vấn ADB (2007, Phụ lục 3-J)

(12) Tư vấn ADB (2007, Phụ lục 3-J)

(13) Nguyễn Xuân Thành và David Dapice (2009, trang 9)

(14) Kế hoạch này đang được xem xét. Xem tại http://www.mt.gov.vn/Default.aspx?tabid=27&catid=203&articleid=2086

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s