III. TÍNH TOÁN CHI PHÍ KINH TẾ
Chi phí kinh tế của mỗi loại hình vận tải gồm 4 thành phần: (1) chi phí đầu tư hạ tầng, (2) chi phí vận hành phương tiện, (3) giá trị thời gian của hành khách, và (4) các chi phí ngoại tác như gây ô nhiễm, tai nạn…sẽ được phân tích một cách cụ thể trong các phần tiếp theo.
III.1. Các thông số và giả định chung
- Suất chiết khấu (chi phí kinh tế của vốn): 12% tương tự như giả định của Tư vấn Việt Nam- Nhật Bản, Tư vấn ADB và Ngân hàng Thế giới (NHTG) (25)
- Việc tính toán chi phí kinh tế cần loại trừ thuế vì chúng là những khoản chuyển giao. Trong phạm vi bài viết này, giả định các chi phí được tính toán không bao gồm thuế
- Hầu hết các nguyên vật liệu cho việc vận hành phương tiện đều là các hàng hóa có thể ngoại thương, do vậy các chi phí ngoài lao động sẽ tương tự như các nước khác
- Giá thực của các loại hàng hóa nguyên vật liệu (trừ chi phí lao động) vào năm 2030 không thay đổi so với hiện tại
- Chi phí lao động thay đổi theo vận tốc phương tiện và sẽ tăng 3 lần so với hiện nay
- Tất cả các chi phí sẽ được tính bằng đô-la Mỹ
- 60% năng lực vận chuyển của đường bộ và đường sắt nâng cấp dành cho việc chở khách. Do vậy, hành khách sẽ được phân bổ 60% chi phí đầu tư
- Xe khách trên 15 chỗ chiếm 12,2% (26) diện tích mặt đường và 43,5% lượng khách. Do vậy, lượng khách này sẽ được phân bổ 12,2% chi phí đầu tư của đường bộ tương ứng
- Trong 18 đôi tàu hiện tại, 10 đôi sẽ sử dụng cho việc chở khách và một đoàn tàu chở được 500 HK. Tỷ lệ phân bổ chi phí đầu tư cho cho hành khách sẽ là 56%
- Để chạy mô hình tính toán chi phí các phương tiện vận tải đường bộ của NHTG (HDM4), bài viết này giả định tỷ lệ các loại xe giống như số đếm xe của tư vấn ADB.
III.2. Phân bổ hành khách theo 3 kịch bản
Các giả định cho việc phân bổ hành khách:
- ĐSCT, đường sắt nâng cấp và đường sắt hiện tại sẽ thay thế nhau
- Phân bổ hành khách theo dự báo của Tư vấn ADB: đường bộ 52%, đường sắt 25% và đường hàng không 23% (27)
- Tỷ lệ phân bổ hành khách đường bộ cho ĐBCT và QL1A dựa trên tỷ lệ chuyển từ QL1A sang ĐBCT theo giả định của Tư vấn ADB gồm: xe máy 15%, xe ô-tô cá nhân 85%, xe khách 8-15 chỗ 40% và xe khách trên 15 chỗ 70% (28)
- Số hành khách trên mỗi tuyến sẽ là số nhỏ nhất của công suất tối đa và số hành khách được phân bổ. Ví dụ, theo phương án của Tư vấn ADB, lượng hành khách đi đường sắt vào năm 2030 là 18,5 triệu người (25%), nhưng công suất tối đa của đường sắt hiện hữu chỉ là 3,65 triệu. Do vậy số được chọn là 3,65 triệu.
III.3. Các chi phí đầu tư hạ tầng
III.3.1. Đường bộ
ĐBCT: Có hai loại chi phí gồm chi phí ban đầu và chi phí duy tu bảo dưỡng. Tư vấn ADB ước tính chi phí đầu tư 1km ĐBCT 4 làn xe là 5,73 triệu đô-la (gồm cả chi phí đất 10%). Với thời gian kinh tế 50 năm và suất chiết khấu 12%, chi phí đầu tư ban đầu được phân bổ hàng năm sẽ là 690 nghìn đô-la/km/năm. (29) Chi phí duy tu hàng năm là 1,250 đô-la/km và chi phí trung tu 250 nghìn đô-la/km cho 8 năm. (30) Tổng chi phí hạ tầng sẽ là 742 nghìn đô-la/km hay 1,275 triệu đô-la/1719km/năm. Tính riêng 60% dành cho chở khách sẽ là 764,8 triệu đô-la/năm.
QL1A: Giả định không có chi phí đầu tư do đường đã được đầu tư nên xem là chi phí chìm. Chi phí bảo dưỡng 26 nghìn đô-la/km (bằng một nửa ĐBCT) hay 43,3 triệu đô-la/1719km/năm. Tính 60% phần dành cho chở khách sẽ là 26,6 triệu đô-la/năm.
III.3.2. Đường sắt thông thường
Đường sắt hiện tại: tương tự như đường bộ, giả định không có chi phí cố định. Chi phí bảo dưỡng là 15,000 đô-la/km/năm (31) hay 25,8 triệu đô-la/1723km/năm. Tính 56% phần dành cho chở khách sẽ là 14,4 triệu đô-la/năm.
Đường sắt nâng cấp: Giả định chi phí đầu tư sẽ là 3,2 triệu đô-la/km, (32) bằng chi phí đầu tư tuyến đường Thanh Hải -Tây Tạng Trung Quốc, dự án qua những địa hình hiểm trở. Với thời gian kinh tế 50 năm và chi phí bảo dưỡng 15,000 đô-la/km, tổng chi phí sẽ là 400 nghìn đô-la/km/năm hay 689,8 triệu đô-la/1723km. Tính 60% phần dành cho chở khách sẽ là 413,9 triệu đô-la/năm.
III.3.3. Đường sắt cao tốc
Chi phí đầu tư ước tính là 55,85 tỷ đô-la. Trong đó, chi phí thiết bị là 9,5 tỷ đô-la, chi phí đền bù giải tỏa là 1,8 tỷ đô-la. (33) Còn lại được phân bổ cho đầu tư hạ tầng là 44,55 tỷ đô-la. Chi phí thiết bị sẽ được phân bổ vào chi phí vận hành và phần đền bù giải tỏa là một khoản chuyển giao không tính vào chi phí kinh tế. Với thời gian kinh tế 50 năm và suất chiết khấu 12% và chi phí bảo dưỡng 40,000 đô-la/km/ năm, (34) chi phí hạ tầng của ĐSCT sẽ là 5.427,4 triệu đô-la/1570km/năm.
III.3.4. Đường hàng không
Theo dữ liệu trong Báo cáo Đầu tư dự án ĐSCT, đường hàng không có khả năng vận chuyển 35 triệu hành khách vào năm 2030 cho trục Bắc-Nam. (35) Cho dù khả năng hiện tại trên 10 triệu hành khách, nhưng bài viết giả định phần đầu tư thêm vẫn là 35 triệu hành khách cho hai đầu vận chuyển. Căn cứ vào dự án sân bay Long Thành, chi phí đầu tư sân bay cho 10 triệu hành khách sẽ khoảng 1 tỷ đô-la. Như vậy kinh phí cần thiết sẽ là 7 tỷ đô-la. Giả định chi phí bảo dưỡng là 0,5%. Với thời gian kinh tế là 50 năm, và suất chiết khấu 12% thì chi phí đầu tư phân bổ của hàng không sẽ là 872,9 triệu đô-la/năm.
III.3.5. Tổng hợp chi phí đầu tư của các loại phương tiện
Chi phí đầu tư phân bổ hàng năm của từng tuyến đường được tổng hợp ở hình 6 và phân bổ chi phí cho một hành khách đi hết tuyết đường ở hình 7 với 3 trường hợp gồm: dự báo của tư vấn ADB, JICA và giả định mỗi tuyết đường được sử dụng tốt đa công suất chuyên chở.
(còn tiếp)
Nguồn: Tài liệu sưu tập của SCDRC
——–
(25) Xem Tư vấn Việt Nam-Nhật Bản (2010), Tư vấn ADB (2007 và 2008), và các thông số trong mô hình HDM4 của NHTG.
(26) Theo số liệu tại phụ lục 2 là 11,4% trong 56,3% diện tích mặt đường mà các loại xe chở khách chiếm. Tuy nhiên, do giả định xe chở khách sẽ chiếm 60% diện tích mặt đường nên tỷ lệ này tăng lên 12,2%.
(27) Tư vấn ADB (2007) giả định đoạn Đà Nẵng- Quảng Ngãi vào năm 2035 vẫn chưa có ĐSCT. Bài viết này giả định thị phần của đường bộ, đường sắt và đường hàng không trên đoạn này vào năm 2030 giống như đoạn Nha Trang- Ninh Thuận vào năm 2035 (Xem Tư Vấn ADB, 2007, Phụ lục 3-J, trang 16).
(28) Tư vấn ADB (2007, Tập 3, trang 54)
(29) Để tính con số này có thể dùng hàm PMT trong Excel với các thông số suất chiết khấu (rate) 12%, thời gian 20 năm (Nper), giá trị hiện tại (PV) 5,73 triệu đô-la
(30)Tư vấn ADB (2007, Tập 3)
(31) Hiện tại, chi phí này chỉ khoảng 80 triệu đồng (4.500 đô-la) và chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu (Như Trang, 2008)
(32) Nguyễn Xuân Thành và David Dapice (2009, trang 9)
(33) Tư vấn Việt Nam-Nhật Bản (2010, trang 26)
(34) Chi phí bảo dưỡng ở Châu Âu hay Hoa Kỳ từ 75.000- 80.000 đô-la. Bài viết giả định ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 1 nửa ở Châu Âu hay Hoa Kỳ.
(35) Tư vấn VJC (2010, trang 6)