III.4. Chi phí vận hành phương tiện vận tải
Với giả định số người bình quân trên một phương tiện (xe, tàu, máy bay) không thay đổi, chi phí vận hành sẽ không nhạy cảm với tổng số người đi lại trên toàn tuyến đường với điều kiện tốc độ xe nằm trong giới hạn sử dụng năng lượng hiệu quả (xem phụ lục 4 đối với ô-tô).
III.4.1. Đường bộ
Chi phí vận hành các loại phương tiện vận tải đường bộ được ước tính dựa vào mô hình (HDM4) của NHTG và giá vé xe khách thực tế.
Chi phí vận hành của các loại xe bao gồm xăng dầu, nhớt, lốp xe, phụ tùng bảo dưỡng, chi phí lao động bảo dưỡng, chi phí lái và phụ xe, khấu hao xe, lãi suất vốn đầu tư và chi phí chung. Sử dụng mô hình HDM4 với các thông số chính trong phụ lục 4, chi phí vận hành tính cho một hành khách/1719km được thể hiện trong bảng 4.
Mặt khác, hiện tại giá một vé xe khách một chiều Hà Nội-TPHCM vào khoảng 360 nghìn đồng hay 19 đô-la. Con số này rất gần với số liệu tính toán trong bảng 4 cho năm 2010. Ngoài tiền vé còn có một số khoản phụ thu hành lý, nhưng khả năng chi phí cao hơn giá vé là không cao.
Bài viết này giả định chi phí vận hành của các phương tiện đường bộ tương tự như kết quả của mô hình HDM4. Đối với xe khách trên 15 chỗ trên ĐBCT, chi phí lao động là 4,9 đô-la/HK/1719km và xe khách trên 15 chỗ trên QL1A sẽ là 8,1 đô-la/HK/1719km.
III.4.2. Đường sắt thông thường
Chi phí vận hành của đường sắt hiện tại được ước tính thông qua doanh thu của ngành đường sắt Việt Nam và giá vé tàu hiện tại (so sánh với giá vé xe khách).
Dựa vào doanh thu của ngành đường sắt Việt Nam: Theo số liệu của Tổng công ty đường sắt, năm 2005, toàn ngành vận chuyển 4,558 tỷ lượt HK-km và 10,464 tỷ tấn hàng hóa-km với tổng doanh thu là 1,96 nghìn tỷ đồng hay 123 triệu đô-la (tỷ giá 16.000 VND/USD năm 2005). Nếu giả định rằng toàn bộ doanh thu đến từ hành khách thì doanh thu/ HK-km sẽ là 2,68 xen. Nếu giả định rằng 10 tấn hàng hóa-km tương đương một HK-km, thì doanh thu/HK-km sẽ là 2,22 xen. Nếu giả định rằng các khoản thu khác chiếm 10% doanh thu và chí phí tương đương với doanh thu từ vé thì chi phí sẽ vào khoảng 2 xen/HK-km và 34,5 đô-la/HK/1,723km vào năm 2005.
Dựa vào giá vé tàu và vé xe khách: Giá vé tàu hiện tại cho một ghế ngồi mềm là 810 nghìn đồng hay 42,6 đô-la (tỷ giá19,000 VND/USD). Trung bình không trọng số của 12 loại vé hiện tại là 890 nghìn đồng hay 46,8 đô-la. Như vậy, giá vé tàu thường cao gấp 2,25 -2,47 giá vé xe khách. Giả định rằng tỷ lệ chi phí vận hành của tàu hỏa và xe khách cũng từ 2,25-2,47 lần, chi phí vận hành phân bổ cho một hành khách toàn tuyến sẽ từ 42,5 đến 46,8 đô-la.
Giả định chi phí lao động cho 1 hành khách đi suốt tuyến trên đường sắt hiện hữu bằng với xe khách trên QL1A (hiện tại là 2,7 đô-la, năm 2030 là 8,1 đô-la). Như vậy, chi phí vận hành cho một hành khách của tàu lửa hiện hữu/1,723km trong các tình huống lạc quan, khả năng xảy ra cao và bi quan lần lượt là 39,9; 47,9 và 52,2 đô-la.
Đối với đường sắt nâng cấp, giả định chi phí phi lao động bằng với đường sắt hiện tại và chi phí lao động chỉ bằng xe khách trên đường cao tốc. Như vậy, chi phí vận hành cho một hành khách của tàu lửa trên đường sắt nâng cấp/1,723km trong các tình huống lạc quan, khả năng xảy ra cao và bi quan lần lượt là 36,7; 44,7 và 49,0 đô-la.
III.4.3. Đường sắt cao tốc
Chi phí vận hành tàu cao tốc được ước tính từ các dự án ở Đài Loan, Châu Âu và Hoa Kỳ.
Ước tính theo dự án đường sắt cao tốc ở Đài Loan: Trong tháng 4 năm 2008, hệ thống 336km đường sắt cao tốc ở Đài Loan đã vận chuyển 550 triệu HK-km với hiệu suất sử dụng ghế 46,5%. (36) Chi phí vận hành (không bao gồm chi phí khấu hao tàu) từ 850-900 triệu đài tệ. (37) Với tỷ giá 31NTD/USD, chi phí vận hành tính ra đô-la thấp nhất sẽ là 4,99 xen/HK-km.
Giả định chi phí lao động chiếm 20% tổng chi phí vận hành tàu ở Đài Loan, (38) và chi phí lao động của tàu cao tốc ở Việt Nam sẽ bằng 2/3 chi phí lao động cho một hành khách đi suốt tuyến của đường sắt nâng cấp (39)– 2,7 đô-la/HK/1570km hay 0,17 xen/KH-km. Chi phí vận hành không kể chi phí khấu hao tàu sẽ là 4,16 xen/HK-km.
Nếu giả định một cách lạc quan rằng hiệu suất sử dụng có thể được cải thiện lên đến 80% mà chi phí vẫn không đổi và chi phí lao động như trên, chi phí vận hành không kể chi phí khấu hao tàu ở Việt Nam sẽ là 2,49 xen/HK-km.
Trung bình 500km đường sẽ cần khoảng 40 chiếc tàu. Số lượng tàu cho 1570km sẽ không quá 200 chiếc. Giả định đây là số lượng tàu sẽ mua cho dự án ĐSCT. Phân bổ 9,5 tỷ đô-la (gồm cả các chi phí thiết bị khác) cho số tàu này, bình quân chi phí cố định cho một tàu sẽ là 47,5 triệu đô-la. Theo báo cáo đầu tư thì Việt Nam sẽ sử dụng tàu Shinkansen 1328 chỗ, với hiệu suất sử dụng 80% số chỗ, chi phí cố định sẽ vào khoảng 0,85 xen/HK-km.
Như vậy, chi phí vận hành của ĐSCT ở Việt Nam ít nhất cũng là 3,34 xen/HK-km hay 52,4 đô-la/HK/1570km đối tình huống lạc quan nhất và 5,02 xen/KH-km hay 78,8 đô-la/HK/1570km đối với thực tế đang xảy ra tại Đài Loan.
Dựa vào số thấp nhất của Châu Âu: Theo phân tích của Terry Gourvish, một chuyên gia về giao thông, chi phí vận hành thấp nhất cho một HK-km ở Châu Âu thuộc về tàu TGV Duplex của Pháp với 0,08 ơ-rô.(40) Với tỷ giá 1,35 USD/EUR, tính ra đô-la sẽ là 10,8 xen/người-km. Nếu chi phí lao động chiếm 36% và chi phí lao động ở Việt Nam là 0,17 xen/HK-km, khi đó chi phí vận hành của tàu cao tốc ở Việt Nam sẽ là 7,08 xen/HK-km hay 111,2 đô-la/HK/1570km.
Dựa vào dự án ĐSCT ở Mỹ: Công ty Quản lý Hệ thống và Kinh tế Giao thông (TEMS Inc.) đã ước tính chi phí vận hành cho một km/tàu 300 chỗ ở Mỹ là 31,17 đô-la. (41) Nếu hiệu suất sử dụng là 80%, chi phí lao động ĐSCT ở Mỹ chiếm 36% (tương đương với tỷ lệ chi phí lao động của hàng không của Mỹ) (42) và chi phí lao động ở Việt Nam là 0,17 xen/HK-km (như trường hợp Đài Loan), chi phí vận hành tính cho 3 loại tàu được thể hiện trong bảng 5.
Tổng hợp các khả năng chi phí vận hành của tàu cao tốc ở Việt Nam được minh họa ở hình 8
Bài viết này giả định chi phí vận hành của tàu cao tốc trong tình huống lạc quan, khả năng xảy ra cao và bi quan lần lượt là 52,4; 65,2 và 78,8 đô-la. Tình huống lạc quan sẽ được sử dụng để so sánh với các phương tiện giao thông khác với tình huống khả năng xảy ra cao nhất.
(còn tiếp)
Nguồn: Tài liệu sưu tập của SCDRC
———–
(36) Vụ thống kê Bộ Giao thông Đài Loan
(37) Ben Shen (2008)
(38) GPD bình quân đầu người của Đài Loan vào cuối năm 2009 là 16.620 đô-la, bằng khoảng 40% của Mỹ. Chi phí lao động của ngành hàng không Hoa Kỳ là 36% và chi phí lao động của Uni Air (Đài Loan) vào năm 2005 chỉ chiếm có 15% tổng chi phí hoạt động (Chang and Wu, 2005).
(39) Vận tốc tàu cao tốc gấp hơn 2 lần nhưng việc vận hành phức tạp hơn nên chi phí lao động sẽ cao hơn.
(40) Gourvish (2009, trang 24)
(41) Xem TEMS Inc (2010)
(42) Con số này được tính toán từ cơ sở dữ liệu của Hiệp hội vận chuyển hàng không Hoa Kỳ