Những bài học lịch sử
Cuộc cách mạng thông tin hiện nay thực ra là cuộc cách mạng thông tin lần thứ tư trong lịch sử loài người. Cuộc cách mạng lần thứ nhất là sự phát minh ra chữ viết từ năm đến sáu ngàn năm về trước ở Lưỡng Hà (Mesopotamia); rồi nhiều ngàn năm sau nữa lại diễn ra một cách độc lập tại Trung Quốc; và khoảng 1500 năm sau nữa tại Trung Mỹ bởi người Maya. Cuộc cách mạng thông tin lần thứ nhì do việc sáng tạo ra sách viết, trước tiên là ở Trung Quốc vào khoảng năm 1300 trước Công nguyên, và sau đó 800 n8am cũng diễn ra một cách độc lập tại Hy Lạp khi mà Peisitratos, bạo chúa của thành Athens, đã cho in thành sách các thiên anh hùng ca truyền khẩu của Homer. Cuộc cách mạng thông tin lần thứ ba là do phát minh ra máy in và bộ chữ in của Gutenberg vào khoảng thời gian 1450 và 1455 và bởi phát minh về chạm khắc vào cùng thời gian đó. Chúng ta hầu như không có tư liệu lưu trữ nào về hai cuộc cách mạng thông tin đầu tiên, mặc dù chúng ta biết rằng sự phát minh ra sách viết đã có tác động lớn lao như thế nào ở Hy Lạp, La Mã cũng như Trung Quốc. Thực ra toàn bộ nền văn minh và hệ thống chính quyền của Trung Quốc vẫn dựa trên nền tảng đó. Nhưng đối với cuộc cách mạng thông tin lần thứ ba về in ấn và chạm khắc chúng ta có tư liệu rất phong phú. Ngày nay chúng ta có thể rút ra bài học gì từ những sự kiện đã xảy ra cách đây 500 năm?
Điều để học đầu tiên là một chút khiêm tốn.
Ngày nay mọi người tin rằng cuộc cách mạng thông tin hiện nay là chưa từng có trong việc giảm chi phí, và việc lan truyền thông tin, dù tính trên chi phí cho một “byte” hay trên sự sở hữu máy tính, cũng như về tốc độ và tầm ảnh hưởng của nó. Niềm tin đó là thiếu cơ sở.
Vào thời kỳ Gutenberg phát minh ra máy in, ở châu Âu ngành công nghiệp thông tin đã lớn mạnh. Có thể nói đây là ngành thu hút nhiều nhân công nhất châu Âu thời bấy giờ. Nó bao gồm hàng trăm tu viện, mỗi tu viện lại có rất nhiều tu sĩ có trình độ cao. Mỗi tu sĩ lao động cật lực từ sáng sớm đến tối khuya, 6 ngày làm việc một tuần để sao chép lại các cuốn sách bằng tay. Một tu sĩ chăm chỉ, được đào tạo tốt mỗi ngày có thể chép được bốn trang sách, hoặc 25 trang sách một tuần làm việc, và từ 1200 – 1300 trang sách một năm.
50 năm sau đó, tức vào năm 1500, các tu sĩ trở nên thất nghiệp. Các tu sĩ này (theo ước tính là hơn 10 ngàn người trên toàn châu Âu) đã bị thay thế bởi một số lượng rất nhỏ các thợ sắp chữ, tức các “thợ in” mới, tổng cộng vào khoảng 1000 người, nhưng ở rải rác khắp châu Âu (mặc dù lúc đầu chỉ tập trung ở vùng Bắc Âu). Để in một cuốn sách đòi hỏi phải có sự phối hợp của một đội thợ gồm tới 20 người, từ một thợ cắt chữ in lành nghề cho đến hơn chục thợ đóng sách không cần tay nghề cao. Một đội thợ như thế mỗi năm làm ra khoảng 25 đầu sách, trung bình 200 trang sách một cuốn, tức 5000 trang sách một năm. Vào năm 1505 máy in có thể cho ra một nghìn cuốn sách. Điều đó có nghĩa là một đội thợi in có thể làm ra hàng năm ít nhất 5 triệu trang sách, đóng thành 25000 cuốn sách, tức là 250.000 trang sách cho mỗi thợ trong đội so với 1200 – 1300 trang sách mà mỗi tu sĩ làm ra 50 năm trước đó.
Giá cả giảm đi rất nhiều. Vào giữa những năm 1400, trước khi Gutenberg phát minh ra máy in, sách là hàng xa xỉ mà chỉ có người giàu và các học giả mới có thể mua được. Nhưng khi cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Đức của Martin Luther ra đời vào năm 1522 (cuốn sách dày hơn 1000 trang) thì giá của nó rất thấp đến nỗi gia đình nông dân nghèo nhất cũng có thể mua được.
Việc giảm chi phí và giá cả của cuộc cách mạng thông tin lần thứ ba chí ít cũng bằng với mức của cuộc cách mạng thông tin lần thứ tư hiện nay. Về tốc độ và phạm vi lan truyền cũng tương tự như vậy.
Điều này cũng đúng đối với mọi cuộc cách mạng lớn về công nghệ. Mặc dù bông vải là loại sợi được ưa chuộng nhất trong tất cả các loại sợi – dễ giặt và có thể làm thành rất nhiều loại vải khác nhau – nhưng nó đòi hỏi quá trình gia công tốn nhiều thời gian và sức lao động. Để làm ra một pao (tương đương 0,454 kg) sợi bông bằng tay thì cần đến 12 – 14 ngày công lao động nếu là sợi tơ lụa. Từ năm 1764, khi mà lần đầu tiên máy dệt sợi bông được đưa vào sử dụng – làm nổ ra cuộc Cách mạng Công nghiệp – cho đến năm 1784, thời gian cần để làm ra một pao sợi bông chỉ còn vài giờ đồng hồ. (Một cách tình cờ khoảng thời gian này cũng bằng khoảng thời gian giữa máy tính ENIAC và IBM 360). Giá cả giảm đi 70% và năng suất lao động tăng lên 25 lần. Nhưng đó là trước khi xuất hiện máy tách hột bông khỏi bông thô do Eli Whitney sáng chế (năm 1793) đã hạ giá sợi bông giảm xuống hơn 90% và sau cùng giá sợi bông chỉ bằng một phần ngàn trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 50 hoặc 60 năm về trước.
Quan trọng không kém việc giảm chi phí và tốc độ của công nghệ in ấn mới là ảnh hưởng của nó đối với ý nghĩa của thông tin. Những cuốn sách in đầu tiên, cuốn Kinh Thánh của Gutenberg, là bằng tiếng Latinh và có cùng chủ đề với các cuốn sách do các tu sĩ chép tay trước đó, đó là các luận văn về tôn giáo và triết học, và các bài văn cổ nổi tiếng Latinh còn sót lại. Nhưng chỉ 20 năm sau phát minh của Gutenberg, nhiều cuốn sách do các tác giả đương thời sáng tác đã bắt đầu xuất hiện, mặc dù vẫn bằng tiếng Latinh. 10 năm sau nữa thì xuất hiện các sách in không chỉ bằng tiếng Hy Lạp và Do Thái mà còn bằng các tiếng bản địa khác (đầu tiên là tiếng Anh, sau đó bằng các tiếng châu Âu khác). Vào năm 1476, chỉ 20 năm sau phát minh của Gutenberg, một nhà in ấn người Anh tên là William Caxton (1422 – 1491) đã xuất bản một cuốn sách về một đề tài rất trần tục là đánh cờ. Vào năm 1500 thì không chỉ có thơ ca, thiên anh hùng ca, đặc biệt thơ ca do truyền miệng là phổ biến, mà còn có cả văn xuôi in thành sách cũng phổ biến.
Không bao lâu, cuộc cách mạng in ấn cũng làm thay đổi các định chế, kể cả hệ thống giáo dục. Trong vài thập kỷ sau đó, hàng loạt các trường đại học được thành lập khắp châu Âu, nhưng khác với trước các trường đại học này không nhằm đào tạo các giáo sĩ hay để nghiên cứu thần học, mà được thành lập để phát triển các môn khoa học thế tục như luật, y học, toán học, triết học. Và cuối cùng, dù mất đến 200 năm, các cuốn sách in đã tạo ra nền giáo dục phổ thông và các trường học như ngày nay.
Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất của in ấn là đối với nhà thờ, trọng tâm của châu Âu thời kỳ trước phát minh của Gutenberg. Máy in đã làm cho phong trào cải cách Tin lành thành công. Trước đó, phong trào cải cách của John Wyeliffe ở Anh (1330 – 1384) và của Jan Hus ở Bohemia (1372 – 1415) đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của dân chúng. Tuy nhiên, các cuộc vận động này không thể đi xa hơn và nhanh hơn lời nói và do đó đã bị khoanh vùng và đàn áp. Việc này đã không xảy ra đối với Luther vào ngày 31/10/1517 đã đóng đinh treo 95 bản luận thuyết của mình lên cánh cửa nhà thờ tại một thị trấn hẻo lánh của nước Đức. Ông ta chỉ có ý định khơi mào cho cuộc tranh luận bên trong nhà thờ về thần học cổ điển. Nhưng không cần sự đồng ý của Luther (có thể Luther cũng không biết việc này) người ta đã cho in ấn và phân phát miễn phí các bản luận thuyết của Luther trên khắp nước Đức và sao đó ra toàn châu Âu. Những bản truyền đơn được in ấn này đã làm bùng cháy cơn bão lửa tôn giáo mà sau đó biến thành Phong trào cải cách Tin Lành.
Liệu có thể xuất hiện thời đại của các phát minh khám phá bắt đầu tư nửa sau của thế kỷ XV hay không, nếu như không có máy in? Nhờ máy in mà công chúng biết được từng bước tiến mà những người đi biển Bồ Đào Nha đạt được khi thám hiểm dọc ven bờ biển phía tây của châu Phi để tìm kiếm con đường biển đi đến Ấn Độ. Nhờ máy in mà Columbus có được các bản đồ đầu tiên (dù hoàn toàn sai) về các vùng đất huyền thoại nằm bên kia chân trời phía tây như là Trung Hoa của Marco Polo và Nhật Bản. Nhờ máy in mà người ta có thể ghi chép lại kết quả ngay lập tức của từng chuyến đi thám hiểu và qua đó xây dựng các bản đồ mới và tin cậy hơn.
Những thay đổi phi kinh tế thì không thể lượng hóa được. Nhưng có thể nói là ảnh hưởng của cuộc cách mạng in ấn đối với xã hội, giáo dục, văn hóa – chứ chưa kể đến tôn giáo – là rất lớn và rất nhanh chẳng khác gì ảnh hưởng của cuộc cách mạng thông tin ngày nay, nếu không nói là còn nhanh hơn.
Bài học của lịch sử dành cho các nhà công nghệ
Bài học mà cuộc cách mạng thông tin lần trước, cuộc cách mạng in ấn, đem lại cho các nhà công nghệ thông tin ngày nay, những người trong lĩnh vực IT và MIS và các giám đốc thông tin CIO là: Họ sẽ không biến mất. Tuy nhiên, họ sắp trở thành “diễn viên phụ” hơn là “các siêu sao” như họ đã từng đóng vai trong suốt 40 năm qua.
Cuộc cách mạng về máy in đã ngay lập tức tạo ra một lớp các nhà công nghệ thông tin, cũng như cuộc cách mạng thông tin gần đây nhất đã tạo ra hàng loạt các doanh nghiệp thông tin, các chuyên gia MIS và IT, các nhà thiết kế phần mềm và các giám đốc thông tin. Các nhà công nghệ thông tin của cuộc cách mạng in ấn chính là các thợ in lúc đầu. Từ chỗ không hề tồn tại và thậm chí không có trong trí tưởng tượng, vào năm 1455, họ đã trở thành các ngôi sao 25 năm sau đó. Những bậc thầy của ngành in ấn trước đây đã được biết đến và sùng bái khắp châu Âu, chẳng khác gì tên tuổi của hãng máy tính và phần mềm được công nhận và ngưỡng một khắp thế giới ngày nay. Các thợ in ấn đã từng được các vua chúa, hoàng tử, giáo hoàng và thương gia giàu có ve vãn và họ đã từng tắm mình trong vàng bạc và danh vọng.
Người thợ in trở nên giàu có nổi tiếng đầu tiên là Aldus Manutius (1449 – 1515). Ông ta đã nhận ra rằng máy in mới có thể in được số lượng lớn ấn phẩm từ một bản kẽm, vào năm 1505 số lượng này là 1000. Ông ta đã làm ra các cuốn sách được sản xuất hàng loạt với giá thấp. Chính Aldus Manitius đã lập ra ngành công nghiệp in. Ông là người đầu tiên đã mở rộng việc in ấn sang các ngôn ngữ ngoài tiếng Latinh, và cũng là người đầu tiên in sách do các tác giả đương thời sáng tác. Tính tổng cộng ông đã in ra hơn 1000 đầu sách cách loại.
Người cuối cùng trong số các nhà công nghệ in ấn nổi tiếng là Christophe Plantin (1520 – 1589) của thành phố Antwerp. Khởi nghiệp từ thợ học việc đóng sách, ông ta đã xây dựng nên một hãng in ấn lớn nhất và nổi tiếng nhất châu Âu. Bằng cách kết hợp hai kỹ thuật mới là in ấn và chạm khắc ông đã làm ra các bộ sách có tranh minh họa. Ông đã trở thành một nhà quý tộc hàng đầu của thành phố Antwerp (thời đó Antwerp là một trong những thành phố giàu có nhất châu Âu, nếu không nói là nhất thế giới), và trở nên giàu có đến mức xây dựng cho mình một cung điện nguy nga mà ngày nay còn được bảo tồn như một viện bảo tàng của ngành in. Tuy nhiên, sau đó sự nghiệp của Platin và nhà in của công bắt đầu đi xuống trước khi ông chết và nhanh chóng tàn lụi vào lãng quên.
Vào khoảng năm 1580, các thợ in ấn với sự tập trung chủ yếu vào công nghệ, trở thành các thợ lành nghề và thương gia đáng kính trọng nhưng không còn được liệt vào tầng lớp trên nữa. Và họ không còn hoạt động sinh lời nhiều hơn các ngành khác, cũng như thu hút được nhiều vốn đầu tư như trước. Vị trí của họ nhanh chóng bị chiếm giữ bởi tổ chức mà ngày nay gọi là các nhà xuất bản (mãi về sau tên gọi này mới xuất hiện) mà sự tập trung chủ yếu của các tổ chức này là vào chữ “I” trong hai chữ “IT” thay vì chữ “T” như trước đó.
Sự biến đổi này diễn ra khi công nghệ mới bắt đầu có tác động đến việc xác định Ý NGHĨA của thông tin và cùng với nó là ý nghĩa và chức năng nhiệm vụ của các định chế chủ yếu ở thế kỷ XV như là nhà thờ và các trường đại học. Đây chính là tình thế mà ngày nay chúng ta đang gặp phải trong cuộc cách mạng thông tin hiện tại. Phải chăng đây chính là tính thế của công nghệ thông tin và các nhà công nghệ thông tin hiện nay?
(còn tiếp)
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Peter F.Drucker – Những thách thức của quản lý trong thế kỷ XXI – NXB Trẻ 2003.