Như tôi đã nêu, nếu chúng ta có vô số lựa chọn thì chúng ta nhận được kết quả tốt hơn khi quyết định so với nếu chúng ta chỉ có ít lựa chọn, nhưng thực ra chúng ta lại cảm thấy không hài lòng với quyết định của mình hơn so với khi chỉ có ít lựa chọn. Tuy nhiên vấn đề ở đây không chỉ gây ra một chút thất vọng. Tôi cho r8àng quá nhiều lựa chọn có thể dẫn tới sự đau khổ thực sự. Khi kết quả của những quyết định – về những việc vặt vãnh hay những việc quan trọng, về những món đồ cần mua hay về công việc hoặc mối quan hệ nào đó – làm ta thất vọng thì chúng ta sẽ hỏi tại sao. Và khi chúng ta hỏi tại sao, các câu trả lời mà chúng ta nghĩ ra thường khiến chúng ta tự trách mình.
“Chỉ số hạnh phúc” của người Mỹ trong hơn một thế hệ qua đã luôn đi xuống từ từ. Mặc dù người Mỹ có tổng sản phẩm quốc nội – tiêu chí chính để đo sự thịnh vượng – tăng hơn gấp đôi trong hơn 30 năm qua, nhưng tỉ lệ dân số tự cho mình “cực kỳ hạnh phúc” lại giảm đi khoảng 5%. Con số này nghe có vẻ không nhiều nhưng 5% lại tương đương với khoảng 14 triệu người – những người này đã từng nói rằng họ hạnh phúc trong những năm 70, nhưng giờ đây họ không cảm thấy thế nữa. Tình trạng như thế cũng xảy ra đối với những người được hỏi những câu hỏi cụ thể hơn về mức độ hạnh phúc trong hôn nhân, công việc, tình trạng tài chính và nơi ở. Dường như xã hội Mỹ ngày càng giàu có hơn, người Mỹ ngày càng có nhiều tự do theo đuổi và làm những việc mình muốn hơn, và chính họ cũng lại cảm thấy càng ngày mình càng ít hạnh phúc.
Biểu hiện đáng kể nhất của sự sụt giảm mức độ hạnh phúc của xã hội là ở sự phổ biến của tình trạng chán nản bệnh lý, con người nằm ở tận cùng bên kia của “thước đo hạnh phúc”. Một vài phép ước lượng cho thấy tình trạng buồn chán vào năm 2000 đã tăng khoảng gấp 10 lần so với năm 1900.
Những triệu chứng chán nản bao gồm:
+ Mất niềm vui hoặc hứng thú trong những hoạt động thường ngày bao gồm công việc và gia đình.
+ Kiệt sức, buồn chán.
+ Cảm giác vô dụng, tội lỗi và tự trách mình.
+ Do dự.
+ Không có khả năng tập trung hay suy nghĩ thấu đáo.
+ Suy nghĩ thường xuyên về cái chế, có cả ý định tự sát.
+ Mất ngủ.
+ Không có hứng thú về tình dục.
+ Chán ăn.
+ Buồn chán: cảm thấy vô dụng và tuyệt vọng.
+ Đánh giá thấp bản thân.
Ngoài việc rõ ràng rằng nạn nhân của sự chán nản cảm thấy khổ sở, chán nản còn gây thiệt hại đáng kể cho xã hội nói chung. Bạn bè, đồng nghiệp, bạn đời và cả con cái của người bị chứng chán nản cũng bị vạ lây. Con cái ít được chăm sóc hơn, bạn bè thì bị lãng quên hay bị đối xử không tốt, đồng nghiệp phải gánh những gì họ gây ra do làm việc chểnh mảng. Ngoài ra những người bị chán nản cũng hay đau ốm hơn. Những người mắc chứng chán nản nhẹ sẽ làm việc với năng suất thấp hơn những người không bị chứng chán nản 1,5 lần, và những người bị nặng thì thấp hơn đến 5 lần. Những người mắc chứng này chế sớm hơn do nhiều nguyên nhân, trong đó có bệnh tim. Dĩ nhiên, tự sát chính là hậu quả tệ nhất của chứng buồn chán. Những người mắc chứng này có tỉ lệ tự tử cao gấp 25 lần so với người không mắc, và có khoảng 80% những người tự sát là do buồn chán quá mức.
Tình trạng chán nản bệnh lý là một hiện tượng phức tạp có nhiều dạng và chắc chắn có nhiều nguyên nhân. Khi hiểu biết của chúng ta về chứng chán nản tăng, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng cái mà chúng ta từng cho rằng chỉ là sự rối loạn mang tính cá nhân, đơn lẻ thì bây giờ là một tập hợp các rối loạn đi kèm nhau với những biểu hiện trùng lặp nhưng có nguyên nhân rõ ràng. Vì vậy bạn cần hiểu rằng việc thảo luận về chứng chán nản sau đây sẽ không chỉ dựa vào trải nghiệm của những người phải hứng chịu mà còn dựa vào một số vấn đề nảy sinh khác, giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn về hiện tượng này.
Tình trạng bất lực, tự chủ và chán nản có ý thức
Ở những phần trước chúng ta đã thảo luận khám phá của Seligman và đồng sự của ông về tình trạng “bất lực có ý thức”. Họ đã tiến hành một loạt các thử nghiệm về quá trình học được phản xạ ở mức độ cơ bản trên động vật. Các thử nghiệm này bắt những con vật phải nhảy qua những rào nhỏ để thoát khỏi bị điện giật ở chân. Những con vật này về cơ bản thì học được rất nhanh và khá dễ dàng, nhưng một nhóm các con vật đã từng bị điện giật trước đây thì không học được kỹ năng này. Trong thực tế nhiều con không làm được dù chúng có cố gắng. Chúng chỉ ngồi đợi một cách bị động và chờ bị điện giật, không bao giờ dám thử vượt qua rào. Sự thất bại này được giải thích rằng khi những con vật đã bị sốc điện mà không thể kiểm soát thì chúng biết rằng chúng không thể làm gì khác. Khi đã ý thức được sự bất lực này thì những con vật được chuyển qua một bài học với một tình huống mới mà chúng có thể thực sự kiểm soát được.
Khi công việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về chứng bất lực có ý thức được tiếp tục, Seligman đã gặp nhiều sự tương đồng giữa những con vật bất lực và những người mắc chứng buồn chán lâm sàng. Đặc biệt bất ngờ là sự tương đồng giữa tính bị động của con vật bất lực và tính bị động của người mắc chứng buồn chán, những người này đôi khi lại thấy những việc nhỏ nhặt như mặc đồ gì vào buổi sáng trở nên thật mệt mỏi. Seligman cho rằng, ít nhất một vài trường hợp chán nản lâm sàng là kết quả của việc những người đó đã từng trải qua một sự mất tự chủ đáng kể nào đó đối với cuộc sống của mình và trở nên tin rằng mình bất lực, và họ có thể nghĩ rằng tình trạng này sẽ luôn đeo bám mình trong tương lai và xuất hiện trong nhiều tình huống khác. Vì thế theo giả thuyết Seligman, tính tự chủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với hạnh phúc về tâm lý.
Tầm quan trọng của tính tự chủ đã được nhấn mạnh trong một nghiên cứu trên trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi được thực hiện cách đây hơn 30 năm. Những em bé có tự chủ được đưa vào cùng một nhóm. Em bé được đặt nằm ngửa trong những chiếc cũi và đầu nằm lên gối. Một cái dù đung đưa được treo trên chiếc cũi và có nhiều hình thú vật lắc lư bên trong các lò xo. Các em bé không nhìn thấy được các hình thú vật này, nhưng nếu chúng nhổm đầu lên khỏi gối thì sẽ có ánh sáng chiếu vào đằng sau chiếc dù làm cho em bé nhìn thấy hình các con thú nhảy múa trong một lát. Sau đó đèn được tắt đi. Khi em bé thấy hình các con thú nhảy múa. Các em bé tỏ ra rất thích thú và vui vẻ. Chúng nhanh chóng ý thức được rằng cứ nhổm đầu dậy thì sẽ thấy các hình thú nhảy múa và chúng cứ nhổm dậy liên tục. Chúng cũng tỏ ra thích thú trước những hình ảnh chúng nhìn thấy. Còn những em bé khác trong nghiên cứu thì được để tự do. Bất cứ khi nào một em bé “tự chủ” làm bật đèn sau chiếc dù trên cũi của mình thì hành động đó cũng khiến cho đèn sau chiếc dù trên cũi của một em bé khác cũng bật. Vì vậy những em bé được để tự do này cũng được nhìn thấy những hình thú nhảy múa thường xuyên và lâu như những em bé có tự chủ. Ban đầu, những em bé này cũng rất hứng thú với những hình nhảy múa. Nhưng sự hứng thú của các em này nhanh chóng qua đi. Những em bé này đã thích nghi.
Phản ứng khác nhau giữa hai nhóm đã giúp các nhà nghiên cứu kết luận rằng không phải những con vật nhảy múa là niềm hứng thú bất tận của các em bé được chủ động. Các em cười và tỏ ra thích thú với các hình thú bởi dường như chúng ý thức được chính chúng làm cho các con thú nhảy múa – “Con đã làm đấy. Tuyệt không? Và con có thể làm lại bất cứ lúc nào con muốn?” Còn những em bé thuộc nhóm kia chỉ xem buổi trình diễn “miễn phí” và chúng không có được niềm hứng khởi khi được tự chủ này.
Trẻ nhỏ hầu như không điều khiển được điều gì. Chúng không thể di chuyển cơ thể mình đến nơi có thứ chúng muốn hoặc tránh xa nơi mà chúng không muốn. Chúng không điều khiển được tay mình nhuần nhuyễn nên việc nắm và chụp đồ vật không hề dễ dàng. Chúng mò mẫm, đẩy qua đẩy lại, nhặt lên và đặt xuống nhiều lần, không đón trước và giải thíhc được. Thế giới chỉ là những thứ xảy đến với chúng, và số phận của chúng hoàn toàn nằm trong tay người khác. Có lẽ vì lý do này mà khi có những sự kiện xảy ra mà chúng có thể điều khiển thì chúng cảm thấy vô cùng thích thú và quan trọng.
Tầm quan trọng của tự chủ đối với hạnh phúc cũng đã được chứng minh trong một nghiên cứu trong một nhóm người đã gần đất xa trời. Một nhóm người trong viện an dưỡng được hướng dẫn về tầm quan trọng của việc tự chịu trách nhiệm cho chính mình. Nhóm thứ hai được hướng dẫn về việc nhân viên ở đó chăm sóc họ được tốt là quan trọng như thế nào. Nhóm đầu tiên cũng được đưa ra vài chọn lựa cho một số việc làm trong ngày và được giao một cái cây để họ chăm sóc trong phòng. Nhóm thứ hai thì không được giao việc gì cả, còn cây của họ thì được nhân viên chăm sóc. Nhóm những người được giao nhiệm vụ để kiểm soát một phần cuộc sống của họ, tức nhóm đầu tiên, dường như chủ động hơn và tỉnh táo hơn. Họ bảo họ cảm thấy hạnh phúc hơn những người không có sự tự chủ như vậy. Thậm chí còn hơn thế nữa, những người có tự chủ đã sống lâu hơn trung bình vài năm so với những người không có. Vì vậy, từ khi chào đời cho đến lúc chết đi, rõ ràng khả năng kiểm soát cuộc sống thực sự quan trọng.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Barry Schwartz – Nghịch lý của sự lựa chọn – NXB Trẻ 2008.