4/ Suy nghĩ về giá của cơ hội
Khi đưa ra quyết định, thường là tốt khi chúng ta xem xét về những lựa chọn/khả năng mà ta sẽ bỏ qua khi chọn được cái ưng ý nhất. Việc bỏ qua những cái “giá của cơ hội” này có thể khiến chúng ta trở nên đánh giá quá cao về cái gọi là lựa chọn tốt nhất. Mặt khác, chúng ta càng suy nghĩ về “giá của cơ hội” thì chúng ta lại càng trở nên bất mãn với những gì chúng ta đã chọn. Vì vậy hãy cố gắng hạn chế suy nghĩ về những khả năng/những sự lựa chọn mà chúng ta đã bỏ qua.
Nếu cứ suy nghĩ về sự hấp dẫn của những lựa chọn mà chúng ta đã bỏ qua, thì chúng ta càng không hài lòng với cái mà ta đã chọn. Nhưng nếu chúng ta quên hết về giá của cơ hội thì điều đó là rất khó, hoặc không thể đánh giá một lựa chọn là tốt nếu không có mối liên hệ với những lựa chọn khác. Ví dụ như định nghĩa một sự đầu tư hiệu quả là thế nào phải dựa vào mức độ lãi mà nó mang lại so sánh với lãi của những vụ đầu tư khác. Không có một tiêu chuẩn tuyệt đối nào mà chúng ta có thể dựa vào, vì vậy cũng cần phải xem xét những giá của cơ hội khác, nhưng đừng xem xét nhiều quá.
Lập ra những quyết định dự phòng có thể có tác dụng. Khi chúng ta quyết định bỏ qua những lựa chọn về một vấn đề nào đó trong cuộc sống thì chúng ta không phải nghĩ nhiều về giá của cơ hội nữa. Làm một người biết thỏa mãn cũng có tác dụng. Do người biết thỏa mãn có những tiêu chuẩn riêng của họ về mức độ “vừa phải” nên họ cũng ít phụ thuộc hơn những người cầu toàn vào những so sánh về những lựa chọn khác. Đối với một người biết thỏa mãn, một vụ đầu tư hiệu quả là vụ đầu tư mang lại lãi cao hơn mức lạm phát. Chuyện này đã qua rồi. Không cần phải lo lắng về các lựa chọn khác. Không cần phải giảm mức độ hài lòng khi phải cân nhắc việc tiền bạc của mình có thể đã được đầu tư tốt hơn chăng. Liệu có phải những người biết thỏa mãn thì kiếm được ít hơn so với người cầu toàn khi đầu tư? Có lẽ. Liệu người này có bất mãn với kết quả đạt được không? Có lẽ không. Liệu người này sẽ có nhiều thời gian để suy nghĩ về những quyết định thực sự quan trọng với mình? Chắc chắn rồi.
Có một số phương pháp mà bạn có thể sử dụng để tránh bị thất vọng khi nghĩ về những lựa chọn mình đã không chọn:
- Nếu bạn không thực sự thấy mình bất mãn thì hãy dùng thứ mình luôn dùng.
- Đừng bị cám dỗ bởi những thứ “mới mẽ và cải tiến”.
- Đừng “gãi” nếu không bị “ngứa”.
- Và đừng lo lắng nếu bạn làm điều này thì bạn sẽ bỏ lỡ mất những thứ mới mẻ hay ho khác trong cuộc sống.
Dù sao đi nữa thi bạn sẽ luôn phải đối mặt với những thứ mới lạ. Bạn bè và đồng nghiệp của bạn sẽ nói cho bạn nghe về các sản phẩm mà họ mua trong kỳ nghỉ của họ chẳng hạn. Vì vậy bạn sẽ thay đổi những lựa chọn theo thói quen của bạn mặc dù bạn không tìm kiếm điều đó. Nếu bạn chỉ ngồi yên và đợi những điều “mới mẻ, tiến bộ” tìm đến bạn, thì bạn sẽ mất ít thời gian hơn cho việc chọn lựa và sẽ thấy ít bực mình hơn nếu bạn không tìm được thứ thay thế mà đáp ứng mọi yêu cầu của bạn.
5/ Hãy làm cho lựa chọn của mình không thể hủy bỏ được
Hầu hết mọi người đều muốn mua hàng ở một cửa hàng cho đổi hơn là mua ở cửa hàng không cho đổi. Chúng ta không nhạn ra một điều rằng chính việc cho phép chúng ta thay đổi ý định dường như càng khiến chúng ta dễ thay đổi quyết định. Khi chúng ta có thể thay đổi quyết định của mình về một vấn đề nào đó thì chúng ta càng ít thỏa mãn với quyết định của mình. Khi quyết định cuối cùng được đưa ra, chúng ta sẽ vướng vào những quá trình tâm lý có thể tăng cảm giác của chúng ta về lựa chọn của mình so với những lựa chọn khác. Nếu một lựa chọn là không thể thay đổi thì chúng ta sẽ không mắc vào quá trình này nhiều như trước nữa.
Tôi nghĩ rằng sức mạnh của những quyết định không thể thay đổi sẽ xuất hiện rõ nhất khi chúng ta suy nghĩ về những lựa chọn quan trọng nhất. Một người bạn từng bảo tôi rằng một mục sư đã từng gây sốc cho một giáo đoàn khi ông thuyết giảng một bài về hôn nhân, trong đó ông thẳng thừng nói rằng thảm cỏ phía bên kia đồi lúc nào cũng xanh hơn (tức đặc tính “đứng núi này trông núi nọ” của con người). Ông ta có ý rằng bạn sẽ không thể tránh khỏi việc gặp gỡ những người trẻ hơn, đẹp hơn, vui tính hơn, thông minh hơn, hoặc có vẻ biết thấu hiểu và thông cảm hơn so với bạn đời của chúng ta. Nhưng vấn đề tìm kiếm bạn đời không giống như việc so sánh lựa chọn khi đi chợ hay mua sắm. Cách duy nhất để cảm thấy hạnh phúc và bình ổn trước những lựa chọn có vẻ hấp dẫn và thu hút hơn đó là nói rằng “tôi không định thay đổi đây. Tôi đã lựa chọn bạn đời của mình, nên cho dù người kia có biết thông cảm hay xinh đẹp như thế nào cũng không có ý nghĩa gì với tôi. Tôi không phải đang đi chợ – câu chuyện chấm dứt ở đây”. Cứ mải trăn trở không biết tình yêu của mình có phải thực sự không, mối quan hệ tình cảm của mình liệu đã đạt yêu cầu chưa, và tự hỏi liệu có phải mình đã có thể làm tốt hơn không – tất cả những điều này là đơn thuốc cho sự đau khổ. Khi bạn biết mình vừa ra một quyết định không thể thay đổi khiến bạn dồn công sức để cải thiện mối quan hệ bạn đang có hơn là cứ mải nghi ngờ/đứng núi này trông núi nọ.
6/ Thực hành thái độ sống biết ơn
Cách đánh giá các lựa chọn bị tác động sâu sắc bởi việc cho ta so sánh các lựa chọn đó với cái gì, bao gồm cả việc so sánh với điều chỉ có trong trí tưởng tượng của chúng ta. Cùng một trải nghiệm nhưng chúng có thể chứa đựng cả khía cạnh gây thú vị lẫn gây thất vọng. Việc chúng ta chú trọng vào khía cạnh nào có thể quyết định việc chúng ta đánh giá trải nghiệm của mình là đáng hài lòng hay không. Khi chúng ta tưởng tượng ra những phương án tốt hơn thì phương án mà chúng ta chọn bỗng trở nên không tốt bằng. Khi chúng ta tưởng tượng ra những phương án tệ hơn, thì cái chúng ta chọn lại trở nên tốt hơn.
Chúng ta có thể cải thiện đáng kể cảm nhận chủ quan của mình bằng cách cố gắng biết ơn/hài lòng một cách có ý thức đối với những khía cạnh tốt của một trải nghiệm hay chọn lựa nào đó, và hãy bớt thất vọng với những khía cạnh không tốt.
Tài liệu nghiên cứu cho thấy thái độ biết ơn không phải lúc nào cũng tự nhiên đến với chúng ta. Thông thường chúng ta nghĩ đến những phương án khác là do chúng ta cảm thấy bất mãn với những gì chúng ta đã chọn. Khi cuộc sống không được suôn sẻ, chúng ta nghĩ nhiều về việc làm thế nào để nó tốt hơn. Khi cuộc sống đang tốt đẹp thì chúng ta có khuynh hướng không suy nghĩ về việc nó sẽ xấu đi như thế nào. Nhưng nhờ luyện tập chúng ta có thể học được cách nhìn được những khía cạnh tốt của mọi việc, điều này ngược lại cũng sẽ giúp cải thiện cuộc sống của chúng ta.
Dường như không được cao quý lắm khi chấp nhận quan điểm rằng lòng biết ơn cần phải được thực hành. Vậy thì tại sao bạn không tự bảo mình rằng “bắt đầu tư ngày mai, tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến những khía cạnh tốt trong cuộc sống” và thực hành nó? Câu trả lời là vì thói quen của tư duy rất khó thay đổi. Chắc chắn rằng khi bạn tự đưa ra một “chỉ thị” chung chung như thế thì bạn sẽ chẳng thực sự làm theo đâu. Thay vào đó bạn hãy cân nhắc tập luyện thói quen đơn giản sau đây:
- Giữ một tập giấy bên giường ngủ
- Mỗi sáng thức dậy hoặc mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn hãy sử dụng tập giấy trên liệt kê ra 5 việc xảy ra trong ngày hôm đó mà bạn cảm thấy hài lòng/biết ơn. Những việc khiến bạn biết ơn này đôi khi là những việc lớn (ví dụ được thăng chức to, cuộc hẹn hò đầu tiên thật tuyệt), nhưng đa phần thì đó là những việc nhỏ (ánh mặt trời chiếu xiên qua phòng ngủ, nhận được những lời nói tốt đẹp từ một người bạn, một món cá kiếm được nấu theo cách bạn thích, một bài báo nhiều thông tin trên tạp chí).
- Khi bạn mới bắt đầu thì bạn có thể thấy việc này có gì đó hơi ngớ ngẩn, thậm chí khiến bạn cảm thấy ngượng ngập. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục thì bạn sẽ thấy rằng nó sẽ càng ngày càng dễ và ngày càng tự nhiên. Bạn cũng sẽ tự mình khám phá ra nhiều thứ mà mình có thể biết ơn dù trong những ngày bình thường nhất. Cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và thấy cuộc sống đẹp hơn, ít bị lôi cuốn vào cuộc tìm kiếm những thứ “mới lạ và hiện đại” thì mới cảm thấy tốt hơn.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Barry Schwartz – Nghịch lý của sự lựa chọn – NXB Trẻ 2008.