Nghịch lý của sự lựa chọn – Phải làm gì với lựa chọn – Phần cuối


7/ Hãy ít hối tiếc hơn

Sự day dứt khi hối tiếc (dù hối tiếc đó là có thật hay chỉ là tiềm năng) thì cũng tác động tiêu cực đến nhiều quyết định, và đôi khi còn khiến chúng ta không dám ra quyết định. Mặc dù hối tiếc là thường mang tính tích cực và đem lại bài học cho chúng ta, nhưng một khi chúng trở thành một điều ám ảnh thì nó có thể đầu độc, thậm chí khiến chúng ta không dám quyết định. Chúng ta nên cố gắng để giảm thiểu nó bằng những cách sau đây:

  1. Theo những tiêu chuẩn của một người biết thỏa mãn chứ không phải một người cầu toàn.
  2. Hãy giảm bớt các lựa chọn trước khi chúng ta ra quyết định.
  3. Thực hành lòng biết ơn/sự hài lòng đối với những mặt tích cực hơn là cứ chăm chăm thất vọng về những mặt không tốt.

Cũng có lợi khi chúng ta luôn nhớ rằng cuộc sống phức tạp như thế nào và nhận ra rất hiếm khi có một quyết định nào đó có khả năng thay đổi cuộc sống. Tôi có một người bạn, người này luôn cảm thấy mình phải đạt được nhiều thành tích trong cuộc sống và anh ta đã bỏ ra hàng đống thời gian trong 30 năm qua để hối tiếc về một cơ hội mà anh ta đã bỏ lỡ để được đi học trường Cao đẳng Ivy nào đó. Anh ta thường càu nhàu rằng: “Mọi việc chắc chắn đã khác nếu hồi đó tôi theo học trường đó”, Thực ra anh ta nếu đi học trường đó thì có thể trên đường đi học anh ta bị xe buýt tông, Thực ra nếu anh ta có theo học trường đó thì anh ta cũng có thể bị đuổi học vì thi trượt, hoặc gặp một thất bại nào đó hoặc không theo kịp và trở nên ghét việc học ở đó. Nhưng tôi đã luôn muốn chỉ cho anh ta thấy được rằng khi anh ta đưa ra quyết định đó vì nhiều lý do, và những lý do này gắn với lúc còn trẻ anh ta như thế nào. Thay đổi một quyết định – ở đây là có quyết định theo học ở một trường danh tiếng hơn hay không – không làm thay đổi được tính cách cơ bản của anh ta hoặc xóa bỏ được những vấn đề mà anh ta phải trải qua. Vì thế cho dù anh ta có đi học ở trường đó hay không thì không có gì chắc chắn rằng cuộc sống hay nghề nghiệp của anh ta có thể tốt hơn. Nhưng có một điều tôi chắc chắn nếu ta bớt hối tiếc đi thì có lẽ anh ta đã hạnh phúc hơn.

8/ Đoán trước quá trình thích nghi

Chúng ta thích nghi với hầu hết mọi thứ trong cuộc sống với bất kỳ quy tắc nào/cho dù trải nghiệm đó có xảy ra thường xuyên hay không. Khi cuộc sống khó khăn, khả năng thích nghi giúp chúng ta tránh được cảm giác gánh nặng khi đối diện với nó. Nhưng khi cuộc sống suôn sẻ, khả năng thích nghi lại đặt chúng ta vào một vòng luẩn quẩn đi tìm hứng thú, lấy mất của chúng ta cảm giác thỏa mãn hoàn toàn khi chúng ta có được một điều gì đó tốt đẹp. Chúng ta không thể tránh được quá trình thích nghi. Những gì chúng ta có thể làm đó là chỉ nên kỳ vọng một cách thực tế về việc trải nghiệm thay đổi như thế nào theo thời gian. Thử thách là ở chỗ chúng ta phải luôn nhớ rằng dàn âm thanh nổi, chiếc xe hơi sang trọng và ngôi nhà rộng hàng ngàn mét vuông không thể lúc nào cũng mang lại cho chúng ta cảm giác hứng thú như khi chúng ta sử dụng chúng lần đầu. Học cách hài lòng khi sự hào hứng bỗng trở thành cảm giác dễ chịu sẽ giúp chúng ta ít thất vọng hơn với quá trình thích nghi khi nó diễn ra. Chúng ta cũng có thể giảm nỗi thất vọng về quá trình thích nghi theo cách của người biết thỏa mãn, đó là bỏ ít thời gian và công sức nghiên cứu khi đưa ra quyết định.

Ngoài việc ý thức được cái vòng luẩn quẩn của hứng thú, chúng ta cũng cần phải ý thức được cái vòng luẩn quẩn của sự thỏa mãn. Đây chính là “tác động kép” của quá trình thích nghi. Chúng ta không chỉ thích nghi với một trải nghiệm nào đó và cảm thấy càng ngày nó càng bớt hay hơn trước, mà chúng ta còn có thể thích nghi với một mức độ này không còn làm chúng ta thấy hứng thú nữa. Ở đây thì thói quen biết ơn có thể cũng có tác dụng. Khi chúng ta tưởng tượng về những điều khiến chúng ta cảm thấy tệ hơn thì điều này khiến chúng ta không xem cảm giác hứng thú mình đang có sẽ tồn tại mãi/hiển nhiên như thế.

Vì vậy nên chuẩn bị cho quá trình thích nghi và ít bị thất vọng bằng cách:

  1. Khi bạn mua mới một chiếc xe, hãy tin rằng niềm hứng khởi mà bạn có lúc đó sẽ không giống như vậy sau hai tháng nữa.
  2. Dành ít thời gian hơn cho việc tìm kiếm thứ hoàn hảo, đừng cầu toàn, nhờ đó bạn sẽ không phải trả một cái giá khổng lồ cho việc tìm kiếm, mà cái giá này bạn sẽ phải trả dần bằng sự thỏa mãn mà bạn có từ chọn lựa của mình.
  3. Tự nhắc mình những điểm tốt của những thứ mình có thay vì cứ chú tâm vào những điểm đã xâu hơn so với ban đầu.

9/ Kiểm soát kỳ vọng

Cách đánh giá trải nghiệm của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi chúng ta thường so sánh trải nghiệm với kỳ vọng của mình. Vì vậy cách dễ nhất để tăng sự thỏa mãn của mình đối với kết quả của quyết định của chúng ta, đó là hãy đừng kỳ vọng quá nhiều vào những kết quả đó. Điều này nói dễ hơn làm, đặc biệt trong trong một thế giới khuyến khích của con người kỳ vọng và có quá nhiều lựa chọn đến nỗi khiến người ta tin rằng chắc chắn phải có một lựa chọn hoàn hảo đâu đó. Vì vậy để làm cho việc kỳ vọng ít hơn trở nên dễ dàng chúng ta cần:

  1. Giảm bớt số lựa chọn mà bạn sẽ cân nhắc.
  2. Hãy là một người biết thỏa mãn chứ đừng là một người cầu toàn.
  3. Tính đến khả năng may mắn.

Bạn có thường gặp tình huống này không: bạn bước vào một nơi nghỉ dưỡng mà bạn đã trông đợi từ lâu và sau đó lại có cảm giác không hề thấy ấn tượng/hứng thú? Niềm hứng thú bất ngờ mà chúng ta có được có thể làm cho một bữa ăn nhỏ hoặc một quá trọ ở miền quê trở nên thú vị hơn rất nhiều so với một bữa ăn trong một nhà hàng Pháp tao nhã hoặc trong một khách sạn 4 sao.

10/ Giảm so sánh xã hội

Chúng ta đánh giá chất lượng trải nghiệm của mình bằng cách so sánh trải nghiệm của mình với người khác. Mặc dù so sánh xã hội có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích, nhưng nó lại làm giảm cảm giác hài lòng của chúng ta. Vì vậy nếu chúng ta ít so sánh hơn thì chúng ta sẽ càng thấy hài lòng hơn. Thật dễ đưa ra lời khuyên rằng “đừng quá chú ý đến những người xung quanh đang làm”, nhưng lại khó làm theo lời khuyên này. Bởi thông tin về việc người khác đang làm gì hiện diện khắp nơi và bởi hầu hết chúng ta dường như quan tâm rất nhiều về địa vị. Và cuối cùng là bởi vì những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống (ví dụ như những trường đại học tốt nhất, những công việc tốt nhất, những ngôi nhà đẹp nhất trong những khu vực sống tốt nhất) chỉ được dành cho những đối tượng nào đó mà hơn hẳn người đồng trang lứa với họ. Tuy nhiên, so sánh xã hội dường như lại hủy hoại cảm giác hạnh phúc của chúng ta. Vì thế chúng ta phải luôn nhắc nhở mình hãy ít so sánh đi. Bởi những người biết thỏa mãn thường dễ tránh được so sánh xã hội hơn so với người cầu toàn, đối với họ việc ý thức được mức độ “vừa phải” là thích hợp nên họ sẽ tự động ít quan tâm hơn tới những việc người khác đang làm.

Vì vậy:

  1. Hãy nhớ rằng suy nghĩ “ai mà khi chết có nhiều của cải nhất là người thắng cuộc” là một cái gai kìm hãm chứ không phải là sự khôn ngoan.
  2. Chú trọng vào những gì làm bạn hạnh phúc và những gì làm cho cuộc sống của bạn ý nghĩa.

11/ Học cách yêu lấy các giới hạn

Khi ngày càng chúng ta càng có nhiều sự lựa chọn, thì tự do lựa chọn rốt cuộc lại hóa thành nô lệ cho lựa chọn. Những quyết định thường ngày chiếm của chúng ta quá nhiều thời gian và tập trung đến nỗi chúng ta cảm thấy vượt qua một ngày thật khó khăn. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta nên học cách giới hạn các tùy chọn, đây là một sự giải phóng chứ không phải giam cầm. Xã hội đặt cho chúng ta những luật lệ, tiêu chuẩn và quy tắc thông thường cho việc lựa chọn, và chính trải nghiệm của từng cá nhân sẽ tạo nên thói quen của họ. Khi chúng ta quyết định theo một nguyên tắc nào đó (ví dụ như phải luôn cài dây an toàn, không bao giờ uống quá hai ly rượu vào buổi tối), chúng ta tránh được việc phải cân nhắc để quyết định tùy hứng hết lần này đến lần khác. Dạng quy tắc này giúp chúng ta tránh được việc phải cân nhắc để quyết định tùy hứng hết lần này đến lần khác. Dạng quy tắc này giúp chúng ta dành được nhiều thời gian và chú ý hơn cho những lựa chọn và quyết định quan trọng, mà hững quy tắc này không thể áp dụng được cho những quyết định đó.

Trong thời gian đầu, việc suy nghĩ về những quyết định thứ cấp/hạng hai – tức những quyết định về việc khi nào chúng ta sẽ suy nghĩ và sẽ theo những con đường đã được vạch ra – có thể làm cho cuộc sống có thêm một tầng phức tạp. Nhưng về lâu dài thì nhiều rắc rối hàng ngày sẽ biến mất, và chúng ta sẽ thấy mình có thêm thời gian, sức lực và sự chú tâm cho những quyết định quan trọng mà chúng ta đã chọn để xem xét.

Trong một bức biếm họa về con cá bố cận thị và con cá con trong một bể cá. Con cá bố cận thị nói với con cá con của mình rằng “Con có thể trở thành bất cứ thứ gì con muốn – không có giới hạn” mà không nhận ra rằng không gian của cái bể cá hạn chế như thế nào. Nhưng liệu con cá bố này có thực sự là cận thị? Việc sống trong thế giới bể cá bị giới hạn nhưng được bảo vệ giúp cho cá con có thể khám phá, thử nghiệm, tạo ra và cả viết nên cuộc đời của nó mà không phải lo lắng việc bị chết đói hay bị ăn thịt. Không có cái bể cá thỉ mới đúng là không có giới hạn. Nhưng lúc đó thì con cá sẽ phải luôn đấu tranh để tồn tại. Lựa chọn trong giới hạn, tự do trong giới hạn, chính là điều giúp cho con cá nhỏ hình dung ra được rất nhiều điều tuyệt vời khác.

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Barry Schwartz – Nghịch lý của sự lựa chọn – NXB Trẻ 2008.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s