Thói quen thứ 4: Tư duy cùng thắng
Sáu mô thức của mối quan hệ tương hỗ giữa con người:
- Cùng thắng: Tư duy cùng thắng là một khuôn khổ của suy nghĩ, khối óc và con tim nhằm tìm kiếm lợi ích chung trong sự tương hỗ giữa con người với nhau. Covey gọi đây là niềm tin vào một giải pháp thứ ba – một cách khác tốt hơn, có lợi cho cả hai.
- Thắng thua: Mô thức này nói rằng “Nếu tôi thắng có nghĩa anh đã thua” hoặc “Đó là cách của tôi chứ không phải cách của anh”. Theo Covey, phần lớn cuộc sống là sự tương hỗ lẫn nhau, không phải là một thực tại độc lập. Các kết quả mong muốn đều có được từ sự hợp tác giữa bạn và người khác và tâm lý thắng/thua rõ ràng không phù hợp với quá trình này.
- Thua thắng: Mô thức này khuyên bạn “hãy là người chơi đẹp”, thậm chí nếu bạn là người đến đích sau cùng. Theo Covey, người có tư duy thắng – thua rất thích người có tư duy thua – thắng vì họ có thể được lợi từ kiểu người này. Ngoài ra, nó còn tăng cường sức mạnh cho họ. Đây là sự chấp nhận thất bại.
Covey khẳng định, cả hai mô thức thắng – thua và thua – thắng đều ở thế yếu vì nó xuất phát từ cảm giác bất an của con người.
- Thua thua: Kết quả này xảy ra khi hai người có tư duy thắng – thua gặp nhau – đó là sự tương tác giữa hai kẻ cương quyết, ngoan cố và chỉ biết đến bản thân. Covey cho rằng cả hai đều trở nên thù hận và muốn “chơi lại” hoặc “bất chấp”, mù quáng nên không nhận thức được rằng trả đũa là con dao hai lưỡi.
- Chỉ có thắng: Những người hào hứng với mô thức chỉ có thắng cảm thấy kết quả của đối phương không liên quan gì đến mình, thắng hay thua đều được. Những người kiểu này cố gắng bảo vệ mục đích cứu cánh của mình và để mặc cho những người khác tự bảo vệ họ. Thắng là phương pháp tiến cận phổ biến nhất trong các cuộc thương lượng hàng ngày.
- Cùng thắng hoặc khỏi thỏa thuận gì cả: Khi không có thỏa thuận nào để lựa chọn, theo Covey điều này giúp cho tư duy được giải phóng vì khi đó bạn không cần thiết phải thao túng người khác, hay xúc tiến kế hoạch và thúc đẩy điều mình muốn. Kiểu người này có thể cởi mở và ở thế thượng phong để hiểu ra các vấn đề cơ bản ẩn sâu bên trong. Cách thức này là thiết thực nhất trong giai đoạn đầu của một mối quan hệhay lúc mới khởi nghiệp.
Covey cho rằng nguyên tắc cùng thắng gắn chặt với năm yếu tố tương hỗ lẫn nhau chủ yếu trong cuộc sống:
- Tính cách là nền tảng cơ bản của tư duy cùng thắng. Tính chính trực, sự chín chắn và trí tuệ dồi dào (ai cũng có thể có) là ba tố chất cần thiết đối với mô thức cùng thắng.
- Các mối quan hệ bao gồm xã giao, tôn trọng và đề cao.
- Các thỏa thuận
- Các hệ thống hỗ trợ
- Các quy trình
Thói quen thứ 5: Hiểu người hiểu mình
Từ khi còn nhỏ chúng ta đã bỏ ra nhiều năm để học đọc, học viết và học nói. Tuy nhiên, ngoại trừ các bài tập luyện nghe ngoại ngữ, hầu hết mọi người đều chưa trải nghiệm qua một lớp học nghe nào. Covey nhận định dù nghe là một kỹ năng cần thiết để giao tiếp hiệu quả, nhưng đa số mọi người nghe để đối đáp hơn là để hiểu vấn đề.
Lắng nghe để biết cảm thông
Khi một người khác nói, chúng ta thường “lắng nghe” ở một trong bốn cấp độ sau:
- Phớt lờ
- Giả vờ như đang lắng nghe
- Lắng nghe có chọn lọc
- Chăm chú lắng nghe
Tuy nhiên, rất ít người từng có được hình thức cao nhất của việc lắng nghe, điều mà theo Covey, đó là lắng nghe để biết cảm thông, nghĩa là đi vào bên trong khung tham chiếu của người nói. Chúng ta phải nhìn xuyên suốt và thấy được thế giới theo quan điểm của người nói cũng như hiểu được cảm nhận của họ. Điều quan trọng là phải hiểu rằng lắng nghe để biết cảm thông không có nghĩa là đồng tình với người khác – mà là để hiểu người nói một cách đầy đủ và sâu sắc cả về cảm xúc và lý trí của họ.
Lắng nghe để biết cảm thông gồm bốn giai đoạn phát triển:
- Lặp lại nội dung
- Diễn đạt bằng cách khác để làm rõ nội dung
- Bày tỏ cảm xúc
- Diễn đạt nội dung và bày tỏ cảm xúc
Mấu chốt lắng nghe để biết cảm thông là chân thành tìm ra lợi ích của người mà bạn đang lắng nghe.
Chuẩn đoán trước khi kê đơn
Trước khi kê đơn thuốc thì bác sĩ luôn chẩn đoán các triệu chứng của bệnh nhân. Một luật sư giỏi trước khi phân tích một vụ kiện thì luôn bắt đầu bằng việc vạch ra lý lẽ của vị luật sư bào chữa cho bên kia. Chỉ một bộ phận của chiếc máy bay phản lực hoạt động sai lệch thì ngay lập tức các phi công phải nắm bắt vấn đề trước khi giải quyết nó. Chuẩn đoán trước khi kê đơn là một nguyên tắc đúng đắn thể hiện rõ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Trong kinh doanh, một nhân viên bán hàng giỏi là bán các giải pháp sau một quá trình lắng nghe khách hàng và nắm bắt nhu cầu của họ. Một nhân viên bán hàng kém cỏi thì chỉ bán sản phẩm và chấm dứt quá trình sau khi đã nhận được tiền hoa hồng.
Bốn phản ứng chủ quan
Do con người có xu hướng lắng nghe một cách chủ quan nên cũng có xu hướng phản ứng lại bằng cách đánh giá, thăm dò, đưa ra lời khuyên và thuyết minh, nghĩa là cố gắng lý giải động cơ và hành vi của người khác dựa vào chính các động cơ và hành vi của mình.
Hiểu và nhận thức
Khi biết chú tâm lắng nghe người khác, bạn sẽ khám phá ra nhiều khác biệt đáng kể trong nhận thức. Thói quen số 5 là bước đầu tiên trong quy trình cùng thắng. Biết cách làm cho người khác hiểu mình là nửa phần còn lại trong Thói quen số 5 và là điều cốt lõi để đạt tới giải pháp cùng thắng.
Từng bước một
Thói quen số 5 nằm ngay giữa Vòng ảnh hưởng của bạn. Trước hết bạn có thể luôn tìm cách để hiểu. Hãy dành thời gian từng bước một để lắng nghe đồng nghiệp và con cái của bạn.
Thói quen thứ 6: Cùng hiệp đồng
Hiệp đồng (Synergise) là từ gốc Hy Lạp chỉ một tổng thể thì luôn mạnh hơn từng phần riêng lẻ cộng lại. Thiên nhiên tiến hóa dựa trên hiệp đồng. Ví dụ: ai cũng biết một con ngựa có thể kéo được trọng lượng khoảng 4 tấn, nhưng hai con ngựa giống hệt nhau lại có thể kéo được tới 22 tấn. Con số này nhiều gấp gần sáu lần (hoặc một con ngựa trong đàn thì kéo tích cực hơn gấp ba lần so với khi chỉ có mình nó kéo). Một dẫn chứng khác là trong lĩnh vực hóa học. Cả Natri và Clo đều là những chất độc hại cho cơ thể. Nhưng nếu kết hợp hai nguyên tố lại với nhau thì lại cho ra một hợp chất không thể thiếu đối với cuộc sống con người – đó là muốn ăn. Điều này gọi là hiệp đồng. Trong làm việc nhóm, hiệp đồng đem lại kết quả cao hơn so với kết quả của một cá nhân.
Theo Covey, rất ít người trải nghiệm qua hiệp đồng trong cuộc sống vì phần lớn họ bị rập khuôn trong lối giao tiếp tự vệ và đề phòng. Hiệp đồng cũng có thể gây nản chí trừ khi con người có đủ kiên nhẫn chờ đợi những gì còn mơ hồ và hiệp đồng được bảo đảm từ tính toàn vẹn cho tới các nguyên tắc và giá trị bên trong.
Hiệp đồng trong kinh doanh
Hợp tác trong kinh doanh đòi hỏi con người phải chủ động, cởi mở và chân thành. Khi một người sẵn sàng đón nhận ảnh hưởng của các thành viên khác trong nhóm, thì người đó sẽ có được những nhìn nhận sâu sắc hơn và tạo điều kiện nảy sinh các lựa chọn mới. Mức độ hợp tác và tin cậy cao giữa con người với nhau thực sự có thể tạo ra nhiều điều kỳ diệu.
Hiệp đồng và giao tiếp
Trong trường hợp còn có sự nghi ngờ, nghĩa là chưa có được sự tin cậy đầy đủ, đều dẫn tới mức độ giao tiếp kém hiệu quả. Điều này thể hiện qua sự dè dặt, đề phòng và thái độ bằng mọi cách che giấu bản thân, do đó mọi việc sẽ không diễn ra như mong muốn. Theo kinh nghiệm chuyên môn, tôi đã chứng kiến ở các dự án có tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi phải chịu nhiều áp lực cao do bán quá nhiều hợp đồng với một lượng lớn các nhà thầu của nhiều công ty khác nhau. Nếu thiếu sự lãnh đạo đúng đắn, hầu như không diễn ra sự hiệp đồng nào, dù là sự hiệp đồng tiêu cực, và trò chơi đổ lỗi cho nhau sẽ sớm bắt đầu, dẫn tới không khí làm việc không thỏa mãn.
Cấp độ giao tiếp trung bình là cấp độ quan trọng và cần được đánh giá cao. Hãy hình dung cấp độ này như một tình huống mà những người trưởng thành ngang nhau giao tiếp với nhau ở mức độ chín chắn. Đây là cơ sở của hiệp đồng nhưng nó có thể sẽ đi theo một trong hai cách, hiệp đồng hay không hiệp đồng.
Cấp độ giao tiếp cao nhất là giao tiếp có phối hợp, nghĩa là tất cả mọi người tham gia đều định sẵn trong đầu mô thức cùng thắng.
Coi trọng sự khác biệt
Covey cho rằng coi trọng sự khác biệt là bản chất của hiệp đồng. Cá nhân nên học cách thừa nhận những hạn chế trong nhận thức của mình và thừa nhận nguồn lợi dồi dào có được thông qua sự tương hỗ với người khác. Trong nhiều trường hợp tương hỗ với nhau, con người lại bổ sung cho nhau. Không vận dụng sự học hỏi từ người khác chính là bỏ qua sự khác biệt, và điều này sẽ không dẫn tới hiệp đồng.
Phân tích trường lực
Thành tích do con người nỗ lực giúp tạo ra sự thăng bằng nhất định giữa động lực thúc đẩy sự phát triển đi lên và áp lực kìm hãm kéo xuống – thăng bằng đó là một trường lực. Bằng cách nhìn nhận hiệp đồng thông qua việc phân tích trường lực, có thể dẫn tới sự phân biệt giữa các loại lực khác nhau ảnh hưởng tới hiệp đồng:
- Nhìn chung, các lực thúc đẩy đều tích cực, hợp lý, có khoa học, dễ nhận biết và có tính kinh tế.
- Các lực kìm hãm thường tiêu cực, thuộc về cảm tính, phi lý, khó nhận biết và có tính xã hội/tâm lý.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Koenraad Tommissen – Tư vấn quản lý, một quan điểm mới – NXB TH TPHCM 2008.