PGS, TS. Vũ Văn Phúc
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Tham mưu là hiến kế, kiến nghị, đề xuất, đưa ra các ý tưởng, đề xuất các phương pháp, giải pháp sáng tạo có cơ sở khoa học, các sáng kiến, các phương án tối ưu, những dự báo chiến lược, sách lược và các giải pháp hữu hiệu cho cơ quan cấp trên, cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác ngắn hạn, dài hạn, với mục đích đạt kết quả cao nhất.
Công tác tham mưu không chỉ là tham dự, đề xuất chủ trương, chính sách cho cơ quan lãnh đạo cấp trên, cho lãnh đạo, quản lý cấp mình mà còn là hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện về lĩnh vực mình đảm trách cho cấp lãnh đạo, quản lý và cơ quan tham mưu cấp dưới. Tham mưu vừa là tham gia vào việc đề xuất thiết kế một kế hoạch, một chương trình, vừa đề ra các phương án tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình của một chủ thể quyền lực lãnh đạo, quản lý nhất định.
Công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương được quy định cụ thể trong các quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, ban, ngành. Trong hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế, chế độ chính sách, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước và giải quyết các vấn đề quốc gia đại sự đều cần có sự tham mưu, hiến kế của các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng là các ban Đảng Trung ương, Ban cán sự Đảng các bộ, ngành, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội và ý kiến tham mưu, đề xuất của các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, đặc biệt là sự tham mưu hiến kế của người thầy vĩ đại là Nhân dân.
Thực tiễn chứng minh rằng, trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, ở bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào, đều cần đến công tác tham mưu. Tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương là tham mưu chiến lược, gắn liền với hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước. Ở nước ta, các cơ quan Đảng Trung ương có chức năng tham mưu chiến lược cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện Cương lĩnh, các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, kế hoạch, các chương trình công tác, trong triển khai và kiểm tra thực hiện các quyết định lãnh đạo, quản lý, trong tổ chức quản lý và điều hành, điều phối hoạt động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Bài viết này chỉ đề cập và phân tích, đánh giá khái quát về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trong việc chuẩn bị xây dựng, hoàn thiện, phát triển đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng ta.
1. Tham mưu để hình thành đường lối đổi mới (trước Đại hội VI)
1.1. Quá trình hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta xuất phát từ những bước đột phá về đổi mới tư duy kinh tế trước khi hình thành đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội VI. Việc nghiên cứu, tổng kết và khẳng định những bước đột phá đó là cơ sở hình thành đường lối đổi mới của Đảng có vai trò đóng góp rất quan trọng của các cơ quan tham mưu ở Trung ương.
Các cơ quan tham mưu của Đảng đã phát hiện những hiện tượng “phá rào” trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, tổ chức nghiên cứu tổng kết các sáng kiến, tìm tòi từ thực tiễn của nhân dân, phân tích, đánh giá, đề xuất những kiến nghị, xây dựng đề án trình Hội nghị Trung ương 6 khóa IV. Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (8-1979) đã thảo luận và đề ra chủ trương với quyết tâm làm cho sản xuất “bung ra”. Đây là bước đột phá đầu tiên của quá trình đổi mới ở nước ta. Hội nghị tập trung vào các biện pháp nhằm khắc phục những yếu kém trong quản lý kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa; điều chỉnh những chủ trương, chính sách kinh tế, phá bỏ rào cản, mở đường cho sản xuất phát triển; khuyến khích tính tích cực, sự chủ động của người lao động… Trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, điều chỉnh một số chính sách kinh tế không còn phù hợp; cải tiến các chính sách lưu thông, phân phối; đổi mới công tác xây dựng, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kết hợp kế hoạch với thị trường; kết hợp ba lợi ích: lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tập thể và lợi ích của cá nhân người lao động. Chấn chỉnh công tác tổ chức và chỉ đạo thực hiện.
Cũng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn triển khai “khoán chui” ở một số địa phương như Hải Phòng, Vĩnh Phúc,… các cơ quan tham mưu của Đảng đã đề xuất, kiến nghị để Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13-01-1981 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. “Khoán 100” đánh dấu khởi đầu tư duy kinh tế mới đã tạo ra động lực mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.
Trên lĩnh vực công nghiệp, đột phá trong tư duy là phát huy quyền tự chủ của các cơ sở trong sản xuất, kinh doanh, tiến hành hạch toán trong kinh doanh, với chủ trương “ba phần kế hoạch” (phần Nhà nước giao có vật tư bảo đảm, phần xí nghiệp tự làm, phần sản phẩm phụ) bước đầu được xác định theo Quyết định số 25/CP và Quyết định số 26/CP, ngày 21-01-1981 của Hội đồng Chính phủ về việc mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh, được áp dụng.
Trên lĩnh vực cải tạo xã hội chủ nghĩa, vấn đề sử dụng nhiều thành phần kinh tế đã được đặt ra; lấy hiệu quả kinh tế làm căn cứ, tiêu chí để vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức sản xuất thích hợp; chính sách đối với kinh tế cá thể từng bước được điều chỉnh cho sát với thực tế hơn; nhấn mạnh chống tư tưởng nóng vội, chủ quan, duy ý chí, mệnh lệnh, làm ồ ạt gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống.
Có thể khẳng định: đổi mới tư duy, đặc biệt là đổi mới tư duy kinh tế là xuất phát điểm cho việc xây dựng đường lối đổi mới của Đảng ta và những bước đột phá về tư duy kinh tế trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV, trong Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư và trong các quyết định 25/CP, 26/CP của Chính phủ thời kỳ này như là những ý tưởng ban đầu, tuy còn sơ khai, chưa cơ bản và toàn diện, nhưng là bước khởi đầu có ý nghĩa quan trọng. Tư tưởng nổi bật trong những tìm tòi đó là “giải phóng lực lượng sản xuất” trên cơ sở khắc phục những khuyết điểm trong quản lý kinh tế, trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, tạo ra động lực cho sản xuất: chú ý kết hợp 3 lợi ích, quan tâm hơn đến lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất thiết thân của người lao động.
Nhận thấy những hạn chế, những cản trở trong quản lý kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp, các cơ quan tham mưu đã đề xuất, tham vấn, để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 20-11-1980, trong đó nhấn mạnh hiệu lực quản lý của Nhà nước về kinh tế theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao động, nhất là quyền làm chủ về kinh tế, phát huy quyền tự chủ của các cơ sở sản xuất – kinh doanh…
1.2. Các cơ quan Đảng Trung ương đã tham mưu để từng bước hình thành đường lối đổi mới của Đảng.
Trên cơ sở tổng kết những thành công và hạn chế bước đầu từ cuối nhiệm kỳ Đại hội IV về đổi mới tư duy, nhất là đổi mới tư duy kinh tế, triển khai trong thực tiễn những bước đổi mới đầu tiên, các cơ quan tham mưu của Đảng đã tham mưu xây dựng, chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội V của Đảng. Đại hội V của Đảng (3-1982) đã đánh giá khách quan những thành tựu và hạn chế bước đầu đổi mới, từ đó đề ra một số chủ trương đổi mới quan trọng. Đại hội V nêu lại tư tưởng về sự phân kỳ thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta với khái niệm “chặng đường đầu tiên”; xác định mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn, cụ thể trong giai đoạn 1981-1985, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu hợp lý, xem đó là “nội dung chính của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường trước mắt”. Đại hội V còn khẳng định sự tồn tại trong một thời gian nhất định ở miền Nam 5 thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, cá thể, tư bản tư nhân)…
Nhận thấy tình hình: trước khó khăn về kinh tế và đời sống lúc bấy giờ, có khuynh hướng muốn quay trở lại với quan niệm và cách làm cũ, các cơ quan tham mưu đã tiếp tục tổng kết thực tiễn và nhận thấy rằng trước sự hối thúc của thực tiễn cuộc sống tất yếu phải có một quyết sách chính trị: muốn tồn tại và đứng vững thì phải quyết tâm đổi mới, không có con đường nào khác. Trên cơ sở đó, các cơ quan tham mưu đã kiến nghị, tham mưu để Hội nghị Trung ương 8 khóa V (6-1985) thông qua chủ trương dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện cơ chế một giá; xóa bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá thấp; chuyển mọi hoạt động sản xuất – kinh doanh sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; chuyển ngân hàng sang hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh. Điểm quan trọng là Hội nghị Trung ương 8 khóa V đã thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa. Như vậy, Hội nghị Trung ương 8 khóa V được coi như là bước đột phá thứ hai của quá trình hình thành đường lối đổi mới.
Trên cơ sở các đề án tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương, tháng 8-1986, trong quá trình chuẩn bị Dự thảo Báo cáo Chính trị và các văn kiện trình Đại hội VI, Bộ Chính trị đã xem xét kỹ các vấn đề lớn, mang tính bao trùm trên lĩnh vực kinh tế, từ đó đưa ra Kết luận đối với một số vấn đề thuộc về quan điểm, đường lối kinh tế: a)Trong bố trí cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, phải lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu; ra sức phát triển công nghiệp nhẹ; công nghiệp nặng được phát triển có chọn lọc. b)Trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, xác định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. c)Trong cơ chế quản lý kinh tế, lấy kế hoạch làm trung tâm, nhưng đồng thời phải sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hóa – tiền tệ, dứt khoát đoạn tuyệt với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp; chính sách giá phải vận dụng quy luật giá trị, tiến tới thực hiện cơ chế một giá. Đây là bước đột phá thứ ba, có ý nghĩa lớn trong đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, đóng vai trò định hướng cho việc soạn thảo lại một cách căn bản Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội VI của Đảng. Căn cứ vào những kết luận có tính nguyên tắc nêu trên, các cơ quan tham mưu của Đảng đã tích cực triển khai, chuẩn bị lại theo tinh thần Đổi mới Dự thảo Báo cáo Chính trị và các văn kiện trình Đại hội VI của Đảng, để xin ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương khóa V.
Những đổi mới trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trước Đại hội VI của Đảng là sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hơn về tính khó khăn, phức tạp của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế lạc hậu, sản xuất nhỏ là phổ biến; về bước đi và chặng đường phải trải qua; về sự cần thiết phải giải phóng mọi lực lượng sản xuất xã hội, về phát triển sản xuất hàng hóa; sự cần thiết phải thay đổi cơ chế quản lý, xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp; thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa; sự cần thiết phải tạo ra động lực mạnh mẽ cho người lao động – quan tâm đến lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất thiết thân của người lao động.
Để hình thành và khẳng định những bước đột phá trong nhận thức lý luận của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, để từng bước hình thành đường lối đổi mới, bắt đầu từ đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng đã đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định: từ việc tổng kết những sáng kiến của nhân dân trong thực tiễn để có căn cứ đủ sức thuyết phục nhằm tham mưu đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức đến việc tham mưu để hình thành từng chính sách, từng chủ trương đổi mới, dần dần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng ta
(còn tiếp)
Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/