Nâng cao chất lượng tham mưu, góp phần xây dựng, hoàn thiện đường lối đổi mới – Phần III


PGS, TS. Vũ Văn Phúc

Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

2.2. Khái quát những quan điểm, chủ trương nổi bật trong đường lối đổi mới của Đảng ta được hình thành, phát triển trong gần 30 năm qua, có sự tham mưu vô cùng quan trọng của các cơ quan Đảng Trung ương trên cơ sở khảo nghiệm thực tế, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận:

Một là, khẳng định và phát triển nền tảng tư tưởng đường lối đổi mới của Đảng

Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Càng đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực tiễn càng đòi hỏi sự phát triển không ngừng của lý luận, nhất là phương thức xử lý trước những vấn đề mới mẻ và chưa chín muồi. Xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đổi mới, Đại hội VII (6-1991) của Đảng quyết định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng và có ý nghĩa hết sức to lớn đối với tiến trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới và tiền đồ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây cũng là một bước tiến lớn, một đóng góp vô giá của công tác tham mưu trong việc xây dựng các quan điểm và các nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới.

Đến Đại hội IX (4-2001), Đảng ta đã hình thành nhận thức đầy đủ hơn, toàn diện hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh, mối quan hệ nội tại và sức mạnh vô địch của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong tiến trình lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới.

Hai là, xác định định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam 

Tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một tất yếu vận động của cách mạng Việt Nam. Nước ta đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với những bước đi dích dắc, khúc khuỷu, thậm chí cả giật lùi… nên cần phải có định hướng xã hội chủ nghĩa đối với toàn bộ hành trình trên con đường phải đi. Đây vừa là đòi hỏi khách quan, vừa là nhu cầu chủ quan trong mỗi bước tiến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đáp ứng đòi hỏi đó, các cơ quan tham mưu đã nghiên cứu, đề xuất để Đảng hoạch định về cơ bản định hướng xã hội chủ nghĩa trên những lĩnh vực chủ yếu của công cuộc đổi mới: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…, chỉ rõ những khía cạnh cần đề phòng nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trong bối cảnh mới của thời đại và đất nước. Luận điểm định hướng có tính chất then chốt là giữ vững vai trò lãnh đạo của một Đảng Cộng sản cầm quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; là lý thuyết về sự “phát triển rút ngắn” con đường quá độ “bỏ qua” chế độ tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam một cách biện chứng và thực tế: từ định hướng, định tính tới định lượng và định kỳ với những nấc thang, nhịp độ, bước đi cụ thể, phù hợp. Có thể hình dung khái quát, định hướng xã hội chủ nghĩa là quá trình xác định những giới hạn, những “độ” tồn tại lịch sử của chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ điểm xuất phát tới đích cuối cùng, với những hành trình, bước đi xác định cụ thể và phù hợp… theo những tính quy luật, quy luật và nguyên tắc xã hội chủ nghĩa mà nếu vượt ra ngoài những giới hạn, những “độ” ấy sẽ chệch hướng xã hội chủ nghĩa và tất yếu xuất hiện một chế độ xã hội khác với xã hội xã hội chủ nghĩa.

Các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng đã nghiên cứu, tổng kết, đề xuất với Đảng xác định định hướng xã hội chủ nghĩa trên từng lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội đất nước và ngày càng bổ sung thêm những nhận thức mới về vấn đề căn bản này. Từ mô hình chủ nghĩa xã hội với 6 đặc trưng (năm 1996) tới mô hình với 8 đặc trưng (năm 2006 và bổ sung phát triển năm 2011) là bước tiến vượt bậc trong xử lý cái phổ biến và cái đặc thù về chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay của Đảng ta, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam.

Ba là, phát kiến lý luận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Bắt đầu công cuộc đổi mới (năm 1986), Đảng ta xác định: xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Với khâu đột phá là đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, công tác lý luận tập trung mọi cố gắng kiến giải, xác lập và nỗ lực góp phần thực thi nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, và đến Đại hội IX (4-2001) Đảng ta khẳng định: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc thể hiện bản chất của chủ nghĩa xã hội nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo quá trình xây dựng, phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đảng ta không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ thống quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo chủ yếu, nội dung khá toàn diện và các biện pháp hiệu quả thực thi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm xác lập một nền kinh tế quốc dân phát triển mạnh mẽ, bền vững và độc lập tự chủ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đủ tiềm lực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ là vấn đề mang tính tất yếucủa công cuộc đổi mới mà còn là sự đúng đắn về nguyên tắc, quan điểm của Đảng, đồng thời là đòi hỏi của thực tiễn đất nước với điểm xuất phát thấp đi lên chủ nghĩa xã hội như Việt Nam; không chỉ là nền móng bảo đảm độc lập, tự chủ về chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh mà còn là điều kiện căn bản và môi trường rộng mở tối ưu bảo đảm cho sự phát triển năng động, mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế gắn chặt với công bằng xã hội và vì mục tiêu tiến bộ xã hội, xét trên cả hai bình diện đối nội và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động, hiệu quả. Đó cũng là sự thể hiệnưu thế tuyệt đối của chế độ xã hội ta khi xem kinh tế thị trường chỉ là phương tiện, công cụ hữu hiệu để xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm phục vụ nhân dân so với các chế độ xã hội khác cũng phát triển kinh tế thị trường.

Đó là một quyết sách đúng đắn, hợp quy luật, hợp lòng dân trên nguyên tắc xã hội chủ nghĩa và hợp với xu thế phát triển của thời đại của Đảng ta, một đóng góp to lớn và mới mẻ của công tác lý luận, của các cơ quan tham mưu chiến lược.

Bốn là, kiến tạo lý luận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Lý luận về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân là sự phát triển mới vềnhận thức chính trị, một mục tiêu quyết định, một nội dung căn bản, một bước tiến lớn về thực tiễn của công cuộc đổi mới toàn diện, trước hết trên bình diện chính trị của Đảng ta.

Nhà nước pháp quyền mà chúng ta xây dựng phải giữ bản chất cách mạng, bản chất giai cấp, thực sự là công cụ hữu hiệu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, với phương thức thực thi quản lý bằng pháp quyền, theo pháp luật; nêu cao vị trí, vai trò của pháp chế, yêu cầu mọi tổ chức, mọi công dân trong xã hội đều phải có nghĩa vụ tôn trọng và tuân thủ luật pháp đi đôi với phát huy các giá trị đạo đức và văn hoá dân tộc.

Ở thời điểm hiện nay, mặc dù còn không ít khiếm khuyết, không ít hạn chế, song công tác lý luận đã phác thảo một cách vừa đại lược có tính căn bản sâu sắc vừa cụ thể có tính thực tiễn khả thi cao một hệ thống lý thuyết và nỗ lực tổ chức thực tiễn nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: từ vị trí, vai trò, bản chất, chức năng, nhiệm vụ tới đặc trưng, nội dung, mô hình tổ chức quyền lực, đổi mới thể chế và cơ chế vận hành bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và những điều kiện tiên quyết cần và đủ theo hướng căn cơ, hiện đại bảo đảm cho việc thực thi quyền lực của Nhà nước, tất cả nhằm phục vụ và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với điều kiện đất nước và xu thế vận động của thời đại.

Năm là, nhận diện và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Trên nền tảng văn hoá truyền thống, kế thừa một cách chọn lọc những thành tựu đổi mới đất nước, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, Đảng ta đã từng bước xác lập được một hệ giá trị mới của nền văn hoá Việt Nam dân tộc, hiện đại, hoạch định chiến lược phát triển của văn hoá theo nghĩa rộng nhất của phạm trù này, với những lĩnh vực then chốt hợp thành chỉnh thể hữu cơ của nền văn hoá mới Việt Nam, với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, vừa là động lực nhằm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vấn đề hết sức mới mẻ là, Đảng ta đã nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ tạo cho được sự phát triển hài hoà, gắn bó hữu cơ giữa kinh tế với văn hoá đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu của đất nước trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, với sự tương dung và hiệu quả trên cả ba phương diện: cơ chế vận hành phù hợp, thiết chế không ngừng đổi mới và đội ngũ cán bộ thích ứng. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện…

Có thể nói, sự đột phá ấy trên phương diện này là mới mẻ và phù hợp, là bộ phận quan trọng có tính tiền đề góp phần hợp thành chỉnh thể chiến lược phát triển đất nước một cách căn bản và bền vững trong những thập niên đầu thế kỷ XXI.

(còn tiếp)

Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s