ASEAN vận dụng “ngoại giao cân bằng nước lớn” trong vấn đề Biển Đông – Phần III


b) Campuchia, Lào và Myanmar

Do quan hệ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh giữa Campuchia, Lào và Myanmar với Trung Quốc rất mật thiết, thêm vào đó, các nước này đều không phải là các nước ven Biển Đông. Nếu khái quát về mặt tổng thể đối với “ngoại giao cân bằng nước lớn” của ASEAN, chúng ta phát hiện ra rằng nếu nói chính sách của 4 nước tranh chấp là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei và hai nước không tranh chấp là Singapore và Indonesia đều thể hiện hai mặt “kiềm chết” Trung Quốc ở mức độ khác nhau, thì chính sách của 3 nước không tranh chấp là Campuchia, Lào, Myanmar lại rất rõ ràng, chủ trương của các nước này trong việc xử lý và giải quyết vấn đề tranh chấp thậm chí gần với Trung Quốc hơn.

Do ba nước Campuchia, Lào, Myanmar giữ quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh ngày càng mật thiết với Trung Quốc nên không muốn làm cho mối quan hệ này bị tổn hại vì áp dụng lập trường bất lợi cho Trung Quốc, đặc biệt là Campuchia không muốn gây ra sự bất an cho Trung Quốc. Với tư cách là Chủ tịch thờng trực luân phiên ASEAN năm 2012, Campuchia đề nghị loại trừ tranh chấp Biển Đông ra ngoài chủ đề chính thức của ASEAN. Trong Hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức tháng 4 cùng năm, Campuchia còn chủ trương cần phải mời Trung QUốc tham gia ngay từ đầu tiến trình xử lý và quản lý tranh chấp, bao gồm đàm phán và soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử. Kết quả tại Hội nghị cấp cao lần này, ASEAN chỉ cần trao đổi ý kiến về việc đàm phán những yếu tố mà “Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” trong tương lai cần phải bao hàm và thực hiện tiến trình DOC. Tuyên bố chủ tịch đưa ra sau hội nghị một lần nữa đã khẳng định DOC là một văn kiện mang tính dấu mốc giữa Trung Quốc với ASEAN, đã phát huy vai trò lớn trong việc thiết thực thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tăng cường lòng tin lẫn nhau. Tại cuộc họp báo được tổ chức sau khi bế mạc Hội nghị cấp cao, Thủ tướng Campuchia Hunsen bày tỏ thái độ rất đáng tiếc đối với tin đồn xuất hiện, cho rằng quan điểm Campuchia chịu sức ép từ thế giới bên ngoài là “rất ngu xuẩn”, “Trung Quốc không bao giờ làm việc đó (can thiệp), không giống như một số quốc gia khác”. Hunsen nhấn mạnh vấn đề Biển Đông cần phải được giải quyết bởi các nước ở khu vực này, chứ không nên chịu sự chỉ huy của các nước ngoài khu vực. Ông còn chỉ rõ, biểu hiện của một số nước ASEAN trên thực tế là đang phủ nhận tinh thần của Tuyên bố, là biểu hiện muốn tách ra khỏi ASEAN.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức vào tháng 7 cùng năm, Thủ tướng Hunsen với tư cách là Chủ tịch hội nghị đã kiên trì lập trường, từ chối không nhượng bộ đối với những đòi hỏi vô lý mà Philippines và Việt Nam kiên trì đòi đưa vấn đề Biển Đông và “sự kiện đảo Hoàng Nham” vào thông cáo của hội nghị đồng thời tiến hành chỉ trích Trung Quốc, khiến cho ý đồ của Philippines và Việt Nam không đạt được. Hội nghị tuy không đưa ra được “Thông cáo chung”, đã tránh được việ mở rộng tranh chấp Biển Đông đến cấp độ giữa Trung Quốc với ASEAN, bảo vệ ổn định tổng thể quan hệ song phương, đồng thời cũng giúp thúc đẩy việc tham vấn đối thoại.

4) Bàn thêm về sự khác nhau và giống nhau trong chính sách Biển Đông của các nước thành viên ASEAN

Bản thân những phân loại nói trên đối với các nước thành viên ASEAN đã thể hiện sự khác nhau và giống nhau về chính sách ngoại giao trong vấn đề Biển Đông của các nước thành viên với những đòi hỏi lợi ích khác nhau, đồng thời đã lần lượt phân tích động cơ khác nhau của các nước. Bài viết tổng kết thêm về vấn đề này.

ASEAN thực sự có nhận thức chung về một số chính sách cơ bản, đó là nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tránh sử dụng vũ lực, ngoài ra, còn bao gồm cả thực hiện các biện pháp tin cậy lẫn nhau, giảm bớt xung đột… Nhưng ngoài những nhận thức chung cơ bản này, các nước thành viên ASEAN đã không thống nhất ý kiến về việc làm thế nào đối phó Trung Quốc, xử lý tranh chấp, tìm kiếm các phương án giải quyết… trong vấn đề Biển Đông. Những sự khác biệt này chủ yếu được quyết định bởi những nhân tố sau: Thứ nhất, liệu có thể phân định biên giới đảo, bãi đá và vùng biển phụ cận ở Biển Đông cho các nước đòi hỏi chủ quyền hay không. Căn cứ theo sự phân định này, sự khác biệt về chính sách Biển Đông của các nước ASEAN có thể phân chia rõ rệt thành hai loại nước tranh chấp và không tranh chấp. Thứ hai, liệu có thể cho rằng tranh chấp này có liên quan đến lợi ích của bản thân nước đó và liên quan với mức độ lớn hay không. Thứ ba, liệu có thể cho rằng tranh chấp này có ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng đối với quan hệ của nước đó với Trung Quốc hay không. Đằng sau 3 nhân tố này còn tiềm ẩn nhân tố thứ tư, đó là sự khác biệt về hình tượng của Trung Quốc ở trong các nước ASEAN. Căn cứ vào những phân tích nói trên có thể thấy rằng nhận thức của 3 loại quốc gia đối với Trung Quốc lần lượt phù hợp với “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, “Thuyết về cơ hội từ Trung Quốc”, “Thuyết về bạn bè từ Trung Quốc”. Có thể nói vai trò tổng hợp của 3 nhân tố sau đã tạo ra sự khác biệt về chính sách giữa Việt Nam, Philippines với Malaysia, Brunei, và cũng là nguyên nhân chủ yếu về sự khác biệt chính sách giữa các nước không tranh chấp là Indonesia, Singapore, Thái Lan với Campuchia, Myanmar, Lào. Trước tiên là giữa Việt Nam, Philippines với Malaysia, Brunei. Khoảng cách giữa hai nước Malaysia, Brunei với Trung Quốc khá xa, có khuynh hướng giảm nhẹ tranh chấp. Ngoài ra, giữa 4 nước này cũng tồn tại tranh chấp (đòi chủ quyền chồng lấn), điều này cũng khiến cho các nước này không thể có được lập trường thống nhất. Thứ hai là, đối với Indonesia và Singapore, hai nước này tuy không phải là nước đương sự tranh chấp (không có đòi hỏi chủ quyền về đảo), nhưng cảm thấy lo ngại đối với việc đòi chủ quyền cảu Trung Quốc, trong đó, Indonesia đã chính thức đưa ra kháng nghị lên Liên hợp quốc về việc đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, Singapore lại yêu cầu Trung Quốc xác định rõ chủ trương của mình. Bốn nước không nằm ở vùng ven biển rõ ràng giữ im lặng về vấn đề Biển Đông, đồng thời cho rằng không có quan hệ lợi ích trực tiếp đến tranh chấp, do đó cũng không coi tranh chấp này là vấn đề cấp bách.

IV/ Ngoại giao cân bằng nước lớn trong vấn đề Biển Đông của tổ chức ASEAN

Mặc dù tính hội tụ và tính thống nhất của ASEAN hiện nay còn khá thấp, nhưng về mặt chính sách đối ngoại đã hình thành phương thức ứng xử hay thái độ bày tỏ tương đối nhất trí. Có học giả đã tiến hành khảo sát đối với ASEAN với tư cách là “Cộng đồng ngoại giao”. Theo ý kiến của tác giả, tuy tính điều hòa của ASEAN vẫn không đủ để khiến Hiệp hội này trở thành một thực thể ngoại giao nhất trí cao độ, nhưng từ trong đó chúng ta vẫn có thể quan sát được chính sách ngoại giao của ASEAN có tính tập thể nhất định, hoặc có thể nói quan sát được nỗ lực của ASEAN về phương diện này.

Xét về mặt ý nghĩa, vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN, nó chỉ liên quan đến quan hệ song phương giữa Trung Quốc với một vài nước thành viên ASEAN đưa ra đòi hỏi chủ quyền. Nhưng cùng với sự phát triển không ngừng của chủ nghĩa khu vực ASEAN và tiến trình nhất thể hóa khu vực, các nước ở khu vực này ngày càng có khuynh hướng coi ASEAN là cơ cấu an ninh khu vực tổng thể để giải quyết tranh chấp này, bản thân ASEAN cũng có sự quan tâm liên tục và sâu sắc đối với vấn đề Biển Đông. Bắt đầu từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20, vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những đề tài quan trọng trong cơ chế đa phương mà ASEAN tạo dựng, nhiều lần xuất hiện trong chương trình nghị sự của các hội nghị đa phương như Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN…, đồng thời cũng trở thành điểm tựa để ASEAN tìm kiếm nâng cao địa vị chủ đạo của mình trong các công việc ở khu vực bằng “ngoại giao cân bằng nước lớn”. Cách làm này của ASEAN xét về mặt chủ quan là nhằm nắm quyền chủ động và quyền quyết định các công việc ở khu vực Đông Nam Á, làm nổi rõ địa vị lãnh đạo của bản thân ở khu vực này (theo cách nói của bản thân ASEAN là một “địa vị cốt lõi”), xét về mặt khách quan lại là tạo điềukiện cho các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… can dự vào vấn đề Biển Đông.

1/ Phân tích nguyên nhân

“Cân bằng nước lớn” là một chiến lược ngoại giao toàn diện mà ASEAN thực hiện trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh… Vấn đề Biển Đông được coi là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến bố cục chiến lược và cục diện an ninh ở khu vực này, đương nhiên là lĩnh vực trọng điểm để ASEAN đẩy mạnh chiến lược ngoại giao này. Tuy ASEAN không đòi hỏi các nước thành viên thực thi chính sách ngoại giao và an ninh chung nhất trí cao độ giống như Liên minh châu Âu (EU), nhưng giữa các nước thành viên của Hiệp hội này có nhiều lợi ích chung và đặc tính chung, bao gồm địa vị thực lực của các nước nhỏ yếu, hoàn cảnh quốc tế bị nước láng giềng lớn bao vây, trình độ kinh tế ở vào tình trạng đang phát triển, tranh thủ môi trường xung quanh hòa bình ổn định và tranh thủ kết cấu sức mạnh xung quanh có lợi cho mình… những đặc tính và lợi ích chung này đã quyết định các nước ASEAN cũng có nhận thức chung nhất định về phương diện xử lý các vấn đề lớn trong quan hệ đối ngoại. Nói cách khác, ASEAN tuy không xây dựng chính sách đối ngoại thống nhất cho các nước thành viên, nhưng những đòi hỏi lợi ích tương đồng hay gần nhau khiến cho các nước thành viên có thể đạt được những nhận thức chung về ngoại giao nào đó. “Cân bằng nước lớn” chính là biểu hiện điển hình của nhận thức chung về ngoại giao, mặc dù đối tượng trọng điểm, lĩnh vực và mức độ chú trọng mà mỗi nước thành viên ASEAN đang thực thi vẫn có sự khác biệt.

Khảo sát về mặt vĩ mô, nguyên nhân ASEAN thực thi “ngoại giao cân bằng nước lớn” chủ yếu bao gồm các nhân tố như địa chính trị, lý luận về thế cân bằng lực lượng, tình hình quốc tế và ký ức lịch sử… Hơn nữa, xét về vấn đề cụ thể ở Biển Đông, ngoài điểm chung nói trên, còn có một số nguyên nhân đặc biệt: Thứ nhất, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí được coi là tuyến hàng hải trọng yếu là động lực quan trọng thúc đẩy ASEAN tiếp tục quan tâm. Thứ hai, trong các nước ASEAN dù là nước đòi hỏi chủ quyền đều mong muốn duy trì và phát triển quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, cũng đều mong muốn Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ mang tính hợp tác, cùng hết lòng để ổn định Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Ý nguyện ban đầu của ASEAN không phải là đẩy mạnh quốc tế  hóa vấn đề Biển Đông, mà là để “bảo vệ ổn định và phồn vinh ở khu vực Đông Nam Á”. Thứ ba, ASEAN không muốn nhìn thấy Trung Quốc một mình chi phối các công việc ở khu vực, mà hy vọng đồng thời với việc hoan nghênh Trung Quốc phát huy vai trò mang “tính xây dựng”, còn tiến hành hạn chế địa vị “độc tôn” của Trung Quốc ở khu vực này. Từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20 đến nay, quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN đã thực sự phát triển nhanh chóng, đây là kết quả của việc Trung Quốc thực thi “tấn công mềm” và từ đó giảm bớt sự lo ngại của ASEAN đối với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng thực sự đang nhanh chóng trở thành nước lớn khu vực. Mặc dù các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã không còn hoặc rất ít nhắc đến “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, nhưng “Thuyết về thách thức từ Trung Quốc” vẫn là từ ngữ mà họ sử dụng khá nhiều, hơn nữa hầu như tất cả các nhà lãnh đạo của các nước Đông Nam Á đều bày tỏ sự lo ngại đối với ý đồ chính sách của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Thứ tư, ASEAN không muốn nhìn thấy sức quy tụ của bản thân bị yếu đi bởi vấn đề Biển Đông, đồng thời cũng hy vọng thông qua việc tham gia quản lý tranh chấp để thể hiện quyền lực mềm của mình. Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo ở đại đa số các nước ASEAN đặc biệt là các nước biển đảo, tranh chấp Biển Đông là một sự thử thách về ý nguyện và khả năng đối với sự tin cậy và quản lý vấn đề an ninh khu vực của ASEAN. Hơn nữa chỉ dựa vào sức mạnh của bản thân ASEAN rõ ràng không thể đạt được mục tiêu nói trên, thực thi chính sách ngoại giao cân bằng nước lớn đương nhiên trở thành sự lựa chọn tất yếu của ASEAN.

(còn tiếp) 

Nguồn: Tạp chí Châu Á – Thái Bình Dương đương đại – số 1/2014 – TQ

TLTKĐB 18 + 19/07/14

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s