Phan Quang
Sự sùng bái đồng tiền nằm trong hai bàn tay đáng tin cậu của con buôn. Anh ta gánh lấy trách nhiệm làm cho tất cả mọi người thấy rõ rằng tất cả mọi thứ hàng hóa và tất cả những người sản xuất ra hàng hóa đều phải gục ngã trước đồng tiền.
- Engels
Lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam là lịch sử làm ruộng và đánh giặc. Suốt mấy nghìn năm kể từ ngày dựng nước ông cha ta đã bám chặt mảnh đất quê hương, khai phá ruộng đất, cải tạo thiên nhiên để nuôi sống mình và qua đó từng bước mở mang bờ cõi, xây dựng cơ đồ để lại cho con cháu muôn đời về sau. Một tay cầm chiếc cuốc vỡ hoang một tay nắm thanh gươm giữ nước, không có hình ảnh nào diễn tả chân xác lịch sử hơn.
Ít nhất là hai nghìn năm, kể từ khi sử thành văn bắt đầu ghi chép, hầu như không một thế hệ nào nhân dân ta có thể ngưng cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Ấy thế mà dải đất không lấy gì làm rộng, đối tượng xâm lược dai dẳng của các tập đoàn phong kiến phương Bắc, dải đất ấy từ thời thượng cổ đã là nơi bao dung cho chính những người của nước lớn ấy, vì lý do này hoặc nguyên nhân khác, buộc phải rời bỏ xứ sở họ, đi phiêu lãng mong tìm đất sống còn. Miền Nam là nơi tỵ nạn của các danh tướng và đại thần triều Minh, triều Thanh và trước đó nữa. Nó là chốn lập nghiệp của những nhà buôn, và vài thế kỷ gần đây, của hàng loạt dân nghèo phương Bắc tuyệt kế sinh nhai bỏ quê hương xứ sở đi tha phương cầu thực – nhiều người trong số này về sau trở thành những người giàu nứt đố đổ vách, đưa tiền của ùn ùn trở lại đất tổ mà họ đã buộc phải từ bỏ ra đi trong tuyệt vọng.
Nếu những công trình nghiên cứu nghiêm túc của một tác giả người Trung Quốc – giáo sư Trần Kinh Hoa – là đáng tin cậy, thì từ đời Tần Thủy Hoàng đã có những người Hán lánh nạn sang Việt Nam, từ văn quan, võ tướng, tao nhân mặc khách cho đến đạo sĩ, nhà buôn, dân đánh cá và cả nô lệ đi tìm tự do nữa. Cứ mỗi lần ở Trung Hoa có chính biến hay xảy ra loạn lạc, một số quan lại còn sót của đấng thiên tử vừa bị hạ bệ hoặc con dân trung thành với triều đại vừa bị đánh đổ, không chịu thần phục tập đoàn thống trị mới, lại chạy sang nước ta tìm chỗ dung thân. Và họ bao giờ cũng nhận được sự bao dung của một dân tộc tuy nghèo nhưng quan điểm đối với những người gặp hoạn nạn trước sau vẫn là “chật bụng chứ không chật nhà”. Và có lẽ do thấm nhuần câu tục ngữ Việt Nam “đất lành chim đậu”, hầu hết những con chim vô vọng ấy đậu mãi, không nghĩ tới chuyện bay trở về tổ quốc của họ nữa.
Cuối đời Đông Hán sang đầu đời Tam Quốc – vẫn theo giá sư Trần Kinh Hoa – có đến ba, bốn trăm người danh vọng chạy sang đất Giao Chỉ tìm sự che chở của những người vẫn được họ gọi là man di. Sử còn chép rõ tên nhiều danh sĩ và tướng tài, trong số đó có Trần Quốc, Viên Trung, Hứa Tĩnh, Triết Tôn, Biểu Trung…
Thế kỷ thứ 13, người Nguyên Mông từ các thảo nguyên phương Bắc tràn vào chinh phục và thống trị toàn đại lục Trung Hoa. Không muốn cộng tác với những người cầm quyền mới, một số người dân Nam Tống dùng thuyền vượt biển sang Việt Nam lánh nạn. Bấy giờ là vào năm 1273. Vua Trần Thánh Tông cho phép họ định cư và mở các hiệu buôn vải lụa, thuốc bắc ở phố Hàng Bè (Thăng Long). Có lẽ đó là những “hiệu khách”, “phố khách” đầu tiên trên đất nước Việt Nam ta.
Ba thế kỷ sau, vào đời nhà Minh, các hoàng đế cho phép dân Trung Hoa xuất dương buôn bán với nước ngoài, trừ Nhật Bản nước đang bị triều Minh phân biệt đối xử và coi là kẻ thù số một. Người Nhật thì vẫn được Thiên hoàng của họ khuyến khích giao thương với người Hoa. Đương nhiên, người Hoa, người Nhật muốn “làm ăn” thuận lợi với nhau cần dựa vào địa bàn ở một nước thứ ba. Thế là thị xã Hội An ở Đàng Trong bấy giờ thuộc quyền Chúa Nguyễn trở thành một trung tâm giao dịch quốc tế. Đến đây buôn bán đông hơn cả vẫn là người Trung Hoa và người Nhật Bản. Hàng năm, Hội An mở hội chợ suốt bốn tháng liền cho người nước ngoài giao dịch. Chúa Nguyễn sai lập những khu phố riêng biệt cho người Tàu, người Nhật. Hội An chính là nơi đầu tiên được phép thành lập xã Minh Hương, từ đó ra đời một tên gọi sau này trở nên rất quen thuộc ở miền Trung: người Minh Hương (chỉ người gốc Hoa sinh tại Việt Nam và phần nhiều là con lai với người Việt). Ngày nay, đến thị xã Hội An, chúng ta còn thấy nhiều chứng tích của một thời buôn bán phồn thịnh ngày xưa qua những dãy phố hẹp và dài, những chùa Tàu, chùa Nhật với lối kiến trúc rườm rà, khác hẳn phong cách kiến trúc chùa chiền Việt Nam.
Thế kỷ 17, người Mãn Thanh, một dân tộc ít người gốc từ vùng Đông Bắc Trung Hoa, thống trị toàn bộ lục địa và các hải đảo nước ấy, lập nên triều đại nhà Thanh. Họ buộc người Hán phải bỏ phong tục tập quán của mình và theo tập quán Mãn. Nhiều người Hán không chịu, rời Trung Quốc sang Việt Nam, trong số đó – lần này cũng vậy, giống như các lần trước – có cả quan văn, tướng võ, nho sĩ, binh lính và dân thường. Nhiều nhà nghiên cứu về sau cho đây là “một cuộc di dân tập thể lớn nhất của người Trung Hoa ra nước ngoài”. Ba nghìn quân sĩ dùng năm chục chiến thuyền dưới sự thống lĩnh của tổng binh Dương Ngạn Địch, vốn là quan trấn thủ Long Môn, và Trần Thượng Xuyên tổng binh ba châu Cao – Lôi – Liêm (tỉnh Quảng Tây) dong buồm chạy thẳng vào Quảng Nam lúc bấy giờ đang rộng mở thông thương với nước ngoài, “xin được làm dân An Nam”. Chúa Nguyễn chấp nhận nhưng không cho họ ở lại miền Trung vốn đất chật mà sai người dẫn đường đưa họ vào Nam Bộ khai phá đất hoang, sinh cơ lập nghiệp. Một số trong loạt người tỵ nạn ấy chẳng bao lâu chuyển sang nghề buôn. Hợp sức với những người từ Trung Hoa lục tục kéo sang sau đó, họ hình thành những khu buôn bán tại Đông Phố (sau này là Biên Hòa) và Bến Nghé (Sài Gòn – Chợ Lớn ngày nay). Người Hoa ở Biên Hòa được phép lập xã Thanh Hà, còn những người ở Gia Định thì lập xã Minh Hương (hai tên gọi đều chỉ rõ xuất xứ và triều đại di dân). Căn cứ vào những sử liệu cũ, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thế kỷ 20 sẽ viết: “Những người ấy đều thuộc vào sổ bộ nước ta”.
Sau Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên ít lâu, một người Hoa có tên là Mạc Cửu từ Quảng Đông theo đường biển sang, dong buồm chạy thẳng vào tận Hà Tiên. Ở đây họ Mạc mở sòng đánh bạc, thu tiền hồ, làm giàu nhanh chóng. Có đủ vốn liếng, Mạc dần dần chiêu mộ lưu dân, lập ra ba xã và ít lâu sau xin thần phục, nguyện làm con dân Chúa Nguyễn.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhất là sau thời gian phát xít Nhật chiếm đóng một phần lãnh thổ Trung Quốc, kinh tế nước này lâm vào suy thoái nghiêm trọng. Loạn lạc, đói kém, mất mùa xảy ra liên tiếp. Số người từ các tỉnh Nam Trung Hoa di cư sang các nước Đông Nam Á, mà gần gũi hơn cả là Việt Nam, ngày càng đông. Theo tài liệu nước ngoài, năm 1937 Hoa Kiều ở Việt Nam đã có khoảng 40 vạn người.
Đến năm 1955, theo thống kê của chính quyền Sài Gòn, tổng số Hoa kiều từ vĩ tuyến 17 trở vào là hơn 80 vạn người, trong đó riêng ở Sài Gòn – Chợ Lớn có khảong 570.000. Những địa phương có nhiều người Hoa sinh sống sau Sài Gòn – Chợ Lớn là Rạch Giá 27000 người, Bạc Liêu 26.000 người, Sóc Trăng 25.000 người, Trà Vinh và Gia Định mỗi nơi 20.000 người. Đồng Bằng Sông Cửu Long có đến 17 vạn Hoa kiều, trong khi toàn bộ miền Trung từ Quảng Trị tor73 vào Phan Thiết chỉ có 25.000, ít hơn số người Hoa ở riêng một tỉnh Bạc Liêu hoặc tỉnh Rạch Giá. Những con số ấy cho chúng ta thấy rõ tại sau ở đồng bằng sông Cửu Long, người Hoa có điều kiện lũng đoạn thị trường lúa gạo hơn bất cứ nơi nào khác ở miền Nam.
Đầu năm 1975, khi đất nước ta hoàn toàn giải phóng, cả miền Nam có chừng 1,3 triệu đến 1,5 triệu người Việt gốc Hoa và Hoa kiều. Khoảng 90% số đó mang quốc tịch Việt. Phần lớn sống tập trung ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn. Trên đây là con số ước lượng vì không có thống kê chính thức và trong sinh hoạt thực tế ở nhiều lĩnh vực từ lâu không còn có sự phân biệt thật rạch ròi giữa người Việt và người Việt gốc Hoa.
(còn tiếp)
Nguồn: Phan Quang – Đồng Bằng Sông Cửu Long – NXB LĐ 2014.