Chính phủ của Hội Quốc ước – Phần cuối


Cùng với cuộc nội chiến, không lâu sau đã xảy ra chiến tranh với nước ngoài. Phái Girondin những tưởng rằng có thể giải quyết tất cả nỗi thống khổ này bằng cách ban hành Hiến pháp mới. Vả chăng, đây cũng là một truyền thống đối với những đám tụ tập cách mạng luôn tin vào hiệu lực thần bí của những thể thức. Tại Pháp, niềm tin này chưa từng bao giờ bị ảnh hưởng bởi thất bại của những cuộc thử nghiệm.

“Một niềm tin vững vàng, một trong những người ngưỡng một cuộc Cách mạng Pháp là ngài Rambaud viết, đã trợ lực cho Hội Quốc ước trong công cuộc nặng nhọc này; nó đã tin một cách mạnh mẽ rằng một khi nó đã thể thức hóa những nguyên lý Cách mạng thành một đạo luật thì những kẻ thù của nó sẽ bị tiêu tan, hơn thế nữa, còn quy theo, và sự lên ngôi của lẽ công bằng sẽ có thể giải đáp những người khởi nghĩa”.

Trong thời gian tồn tại của mình, Hội Quốc ước đã soạn thảo hai bản Hiến pháp, bản năm 1793 hay là bản của Năm thứ I và bản năm 1795, được gọi là của Năm thứ III. Bản thứ nhất chưa từng được áp dụng bao giờ, bởi một nền chuyên chế tuyệt đối đã sớm thay chân nó; còn bản thứ hai đã tạo ra Ban Đốc chính.

Hội Quốc ước đã bao gồm một số lượng tương đối lớn những cố vấn luật học và những nhà kinh doanh, những người đã hiểu được tương đối nhanh tính bất khả thi của cách quản lý một quốc hội quá đông người. Họ đã dẫn nó tới chỗ chia nhỏ thành nhiều ủy ban độc lập: các ủy ban giao dịch kinh doanh, lập pháp, tài chính, nông nghiệp, nghệ thuật… Những ủy ban này đã soạn thảo những bộ luật mà Quốc hội nhìn chung đều nhắm mắt bỏ phiếu thông qua.

Nhờ có những ủy ban ấy mà sự nghiệp của Hội Quốc ước không phải toàn là phá hủy. Họ cũng có được một vài hành động hữu ích: thành lập những trường học lớn, tạo lập hệ thống đo lường hệ mét,… Đa số thành viên của Quốc hội tự ẩn mình trong các ủy ban này, như chúng tôi đã nói, để tránh những cuộc tranh giành chính trị, nơi họ sẽ có thể phải giơ đầu mình ra.

Ở tầng trên của những ủy ban sự vụ xa rời chính trị này, có Ủy ban Cứu quốc, được thành lập vào tháng 4 năm 1793, và bao gồm 9 ủy viên. Lúc đầu do Danton lãnh đạo, sau đó vào tháng 7 cùng năm Robespierre đã thay thế, Ủy ban này đã thâu tóm dần mọi quyền lực, bao gồm cả quyền ra lệnh cho các bộ trưởng và các tướng lĩnh. Ở đấy, Carnot đã chỉ huy những hoạt động chiến tranh, Cambon chỉ đạo tài chính, Saint-Just và Collot d’Herbois lo việc chính trị chung.

Nếu những đạo luật được các ủy ban kỹ thuật từng bỏ phiếu thông qua thường là sáng suốt và là sự nghiệp lâu dài của Hội Quốc ước, thì những đạo luật do toàn thể Quốc hội thông qua dưới sự đe dọa của những đoàn đại biểu can thiệp vào Quốc hội lại mang tính phi lý hiển nhiên.

Trong số những đạo luật này, ít ích lợi nhất đối với cộng đồng hoặc đối với chính Hội Quốc ước, người ta có thể nhắc đến những đạo luật tối đa, được thông qua vào tháng 9 năm 1793 nhằm đánh thuế giá cả lương thực thực phẩm và không có kết quả gì khác hơn là gây ra nạn đói kém dai dẳng; việc phá hủy những mộ phần hoàng gia ở Saint-Denis, việc xét xử Hoàng hậu, việc tàn phá có hệ thống xứ Vendee bằng những vụ đốt phá, việc thiết lập tòa án cách mạng…

Khủng bố từng là một phương tiện lớn của chính phủ và Hội Quốc ước. Được bắt đầu vào tháng 9 năm 1793, nó bao trùm nước Pháp suốt 10 tháng, nghĩa là cho tới tận cái chết của Robespierre. Một vài người thuộc phái Girondin, như Danton, Camille Desmoulins, Hérault de Sechelles… đã đề xuất trong vô vọng việc thử xin khoan hồng. Kết quả duy nhất thu được là đẩy chính các tác giả của nó lên đoạn đầu đài. Duy chỉ có sự bất bình chán nản trong dư luận quần chúng mới chấm dứt được cái chế độ đáng xấu hổ này.

Những cuộc chiến lần lượt diễn ra giữa các phe đảng trong Hội Quốc ước và sự vận hành của nó dẫn tới những cực đoan đã loại bỏ dần dần những nhân vật qua trọng từng có vai trò trên chính trường. Rốt cuộc cuối cùng nó đã sụp đổ dưới sự thống trị mang tính chuyên chế cực đoan của Robespierre.

Trong khi Hội Quốc ước đang làm tan rã và tàn phá nước Pháp, thì quân đội của chúng ta lại có những chiến thắng huy hoàng. Đã chiếm được tả ngạn sông Rhin, nước Bỉ và Hà Lan. Hiệp ước Bale là sự thừa nhận những cuộc chinh phục này.

Chúng tôi đã trình bày và sẽ sớm quay lại một điều là cần phải chia tách rạch ròi những công trạng của các đạo quân cộng hòa và của Hội Quốc ước. Những người đương đại ngày ấy đã làm điều này rất tốt, trong khi ngày nay nó lại bị lãng quên.

Sau khi Hội Quốc ước giải tán, ngày 26 tháng 10 năm 1795, sau 3 năm vận hành, Quốc hội ấy đã bị bao phủ bởi một sự khinh miệt chung. Là đối tượng xét đoán không thay đổi của tầng lớp bình dân thất thường, nó đã không thể xoa dịu được nước Pháp mà còn đầy đất nước vào tình trạng vô chính phủ. Quan điểm mà nó gợi lên được tóm tắt một cách hoàn hảo trong một bức thư viết vào tháng 7 năm 1799 bởi vị đại biện lâm thời của Thụy Điển, nam tước Drinckmann:

Tôi dám hy vọng rằng không bao giờ còn có một dân tộc nào bị cai trị bởi ý muốn của những kẻ gian ác, ngu xuẩn hơn và tàn ác hơn cái thể chế mà nước Pháp vừa thoát khỏi từ khi bắt đầu nền tự do mới của mình”.

3/ Sự kết thúc của Hội Quốc ước. Những cội nguồn của Ban Đốc chính

Vào cuối thời kỳ tồn tại của mình, Hội Quốc ước, vẫn còn tin tưởng vào sức mạnh của những thể thức, đã tạo tác thêm một Hiến pháp mới, Hiến pháp của Năm thứ III, nhằm thay thế cho Hiến pháp năm 1793 – bản Hiến pháp vốn chưa bao giờ được áp dụng. Theo đó chế độ Đốc chính và Lưỡng viện lập pháp đầu tiên trong lịch sử nước Pháp được thành lập. Quốc hội bao gồm Hạ viện gồm 500 đại biểu (Conseil des Cinq-Cents – Hội đồng 500) và Thượng viện gồm 250 đại biểu (Conseil des Anciens). Quyền hành pháp nằm trong tay 5 đốc chính do Thượng viện bổ nhiệm hàng năm từ danh sách do Hạ viện đưa lên.

Người ta cũng chỉ rõ thêm rằng hai phần ba số thành viên của Quốc hội mới sẽ được lựa chọn trong số những đại biểu cũ của Hội Quốc ước. Biện pháp thận trọng này đã tỏ ra ít hiệu quả, bởi lẽ chỉ có 10 tỉnh còn trung thành với phái Jacobin.

Để tránh nguy cơ bầu cho những người bảo hoảng, Hội Quốc ước đã quyết định tuyên hình phạt biệt xứ vĩnh viễn đối với những người thuộc phái đào vong.

Việc công bố bản Hiến pháp này đã không gây được hiệu ứng mong đợi nào đối với công chúng. Nó không có ảnh hưởng nào đối với những cuộc nổi dậy của nhân dân, bởi vì chúng vẫn tiếp tục nổ ra. Một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất là vào ngày 5 tháng 10 năm 1795 một cuộc nổi dậy tự phát đã đe dọa Hội Quốc ước. Các thủ lĩnh đã tung về phía Quốc hội một đạo quân thực thụ. Trước những sự khiêu khích như vậy, Hội Quốc ước cuối cùng phải quyết định tự vệ, triệu về những đạo quân và trao cho Barras quyền chỉ huy.

Bonapatre là người đã bắt đầu nổi lên từ bóng tối được trao nhiệm vụ đàn áp, bắt bớ. Với một người chỉ huy như vậy, nhiệm vụ này đã được thực hiện mạnh mẽ và nhanh chóng. “Bị tấn công dữ dội bằng súng máy gần nhà thờ Saint-Roch, những người nổi dậy đã trốn chạy, để lại trên hiện trường hàng trăm xác chết. Hành động cứng rắn này, vốn rất ít được Hội Quốc ước trải nghiệm, chỉ được htực hiện nhờ có sự mau lẹ của tác chiến quân sự, bởi vì trong khi chúng đang được tiến hành, thì những người nổi dậy đã gửi tới Quốc hội những đoàn đại biểu, còn Quốc hội thì như thường lệ đã tỏ ra hoàn toàn sẵn sàng nhượng bộ.

Việc đàn áp cuộc nổi dậy này là hành động quan trọng cuối cùng của Hội Quốc ước. Ngày 26 tháng 10 năm 1795 Hội Quốc ước tuyên bố kết thúc sứ mệnh của mình và nhường chỗ cho Ban Đốc chính.

Chúng tôi đã làm nổi rõ được nhiều trong số những bài học về tâm lý mà thể chế của Hội Quốc ước để lại. Một trong những bài học gây ấn tượng nhất là sự bất lực của bạo lực trong việc khống chế lâu dài những tâm hồn.

Chưa bao giờ chính phủ lại được sở hữu những phương tiện hành động đáng sợ đến thế, và, tuy vậy, bất chấp máy chém luôn thường trực, bất chấp những đại biểu được gửi về các tỉnh có đao phủ hộ tống, bất chấp những đạo luật hà khắc của họ, Hội Quốc ước vẫn phải chiến đấu liên miên chống lại những cuộc nổi dậy, những cuộc khởi nghĩa và những cuộc mưu phản. Các thành phố, các tỉnh, các khu ngoại ô Paris đều nổi dậy không ngừng, mặc dù hàng nghìn cái đầu vẫn phải rơi.

Quốc hội này vốn tin rằng mình là tối thượng, đã đấu tranh với những lực lượng vô hình, cố kết trong những tâm hồn và những trở ngại vật chất không nổi trội. Nó đã không bao giờ hiểu được sức mạnh của những cơ ẩn giấu này và đã đấu tranh một cách vô vọng chống lại chúng. Những sức mạnh vô hình cuối cùng đã ca khúc khải hoàn.

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Gustave le Bon – Cách mạng Pháp và tâm lý học của các cuộc cách mạng – NXB TG 2014.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s