Tư sản Hoa Kiều và sự lũng đoạn của họ đối với nền kinh tế Miền Nam – Phần cuối


***

Lịch sử phát triển của xí nghiệp dệt Vimytex, một trong bốn nhà máy dệt lớn nhất miền Nam, minh họa khá rõ sự cấu kết giữa tư sản mại bản gốc Hoa ở Sài Gòn với tư bản Đài Loan, Hong Kong và Mỹ. Đó cũng là một tài liệu sống cho thấy rõ, dựa vào chiến tranh, tư sản mại bản phát triển nhanh đến thế nào.

Khoảng đầu những năm 1960, Châu Đạo Sanh nợ Ngân hàng Giao thông Bangkok một món không thanh toán nổi. Không muốn cho Châu phá sản, ngân hàng này tìm cách nâng đỡ, giúp y làm ăn để có điều kiện trả nợ dần. Vừa lúc ấy, một công ty Mỹ – Đài Loan là “Johnson quốc tế phát triển công ty” đang muốn tìm người cộng tác để khai thác công nghiệp dệt sợi ở Việt Nam. Châu Đạo Sanh làm nghề xuất nhập khẩu vải, được Ngân hàng Giao thông Bangkok giới thiệu với công ty Johnson. Thế là Việt Mỹ dệt sợi công ty, gọi tắt là Vimytex, thành lập với số vốn ban  vỏn vẹn 50 triệu đồng. Toàn bộ vốn do tư bản nước ngoài bỏ ra, nhưng trên danh nghĩa, 50% là của Việt Nam vì Châu Đạo Sanh có quốc tịch Việt. Đại diện công ty Johnson cũng là một người Hoa mang quốc tịch Mỹ, tên là H.P. Jen làm giám đốc kỹ thuật.

Dưới sự bảo trợ của cơ quan viện trợ Mỹ USAID, Vimytex được mọi sự dễ dàng. Đôla nhập máy móc và nguyên liệu được đổi theo tỷ giá chính thức có lợi rất nhiều so với giá chợ đen. 40000 cọc sợi và 854 máy dệt mua của Nhật Bản. Nguyên liệu là bông Mỹ hồi ấy đang thừa ế.

Công ty phát tài. Chỉ sau 23 năm, vốn đã tăng gấp ba lần. Nhưng rồi nó phải trải qua một cơn sóng gió: thị trường miền Nam bị hàng dệt bằng sợi tổng hợp của Nhật Bản xâm chiếm. Vải pôpơlin sợi bông, mặt hàng chính của Vimytex hồi đó, bán không chạy. Không sao, đã có USAID tiếp sức. Nhờ sự nâng đỡ của tổ chức này, nó tìm được lối thoát trong phồn vinh: chuyển sang sản xuất vải trận cho quân đội Ngụy. Hàng tốt, hàng xấu đều tiêu thụ được hết. Miễn là đút tiền vào miệng một số tướng tá chỉ trong năm năm, từ 1967 đến 1972, vốn của công ty từ 150 triệu tăng lên 1.050 triệu đồng.

Trong số người ít ỏi đứng tên làm chủ “công ty” Vimytex, ngoài Châu Đạo Sanh, vợ của y và đại diện công ty Johnson, còn có một số người nước ngoài đầy thế lực tên là Tseng Jeng Ching. Tseng giữ vai trò “cố vấn kỹ thuật”. Với danh nghĩa này, Tseng đưa 52 chuyên viên kỹ thuật Đài Loan sang, kiểm soát toàn bộ hoạt động của Vimytex. Phụ trách kế toán cũng là một người thân tín của Tseng: Yuan Nol Nam, vốn là một viên chức cao cấp của sở thuế Đài Loan. Yuan nắm toàn bộ công việc kinh doanh của công ty.

Tseng Jen Ching là ai vậy? Theo một người Hoa thân cận của Châu Đạo Sanh từng giữ một trách nhiệm quan trọng trong Vimytex từ khi công ty này thành lập cho tới giải phóng nói với tác giả rằng, y là một trong những tư bản cá mập ở Đông Nam Á. Trong tay Tseng ở Đài Loan có một xưởng dệt lớn và một xưởng lắp ráp xe hơi hợp tác với hãng Toyota (Nhật Bản). Khi Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc lục địa, quan hệ của nó với Đài Loan trở nên lạnh nhạt, thì công ty xe hơi Ford của Mỹ thế chân Toyota để hợp tác với Tseng. Tseng cò có nhiều tài sản khác rải ra ở nhiều nơi trên thế giới, đại khái một đồn điền ở Brazil, một nhà máy dệt len ở Australia.

Mỗi năm, Tseng chỉ đến Việt Nam vài ba bận để kiểm tra công việc. Để khống chế Châu Đạo Sanh lúc này đã trả xong nợ và bắt đầu giở quẻ, Tseng mở rộng công ty, đưa thêm năm cổ đông nữa vào để chiếm đa số trong hội đồng quản trị. Những cổ đông này không ai khác vợ, con trai và con dâu của Tseng. Họ cũng chỉ đến Sài Gòn mấy ngày, đủ làm xong các thủ tục rồi biến luôn.

Cũng cần nói thêm: Nhờ sự giúp đỡ của tư bản nước ngoài, chỉ sau mấy năm, Châu Đạo Sanh đã trả được nợ, còn có vốn bỏ sang các ngành kinh doanh khác. Châu đã nhân lúc H.P. Jen vắng mặt, “tạm mượn” của Vimytex mấy mươi triệu đồng bỏ ra làm vốn ban đầu cho các công ty Sakybomi và Viflomeco mà y là một trong những ông chủ chính. Rõ ràng sự giúp đỡ dựa trên “huyết thống” không chỉ có lợi cho người được giúp mà thôi.

Châu Đạo Sanh đã chạy ra nước ngoài khi chế độ Sài Gòn sụp đổ. Còn H.P. Jen, chiều 26/4/1975, y được chính xe của sứ quán Mỹ mang biển số ngoại giao đến rước lên máy bao, kịp trước khi quân đội ta tràn vào.

***

Vấn đề người gốc Hoa ở nước ngoài, đặc biệt ở Đông Nam Á, là một hiện tượng lịch sử và xã hội có tầm quốc tế khiến các nước có nhiều người Hoa sinh sống không thể không quan tâm. Các nhà nghiên cứu cũng như báo chí quốc tế đã bỏ ra không ít giấy mực bàn về hiện tượng này. Ở ta, hơn nửa thế kỷ trước đây, một nhà báo từng làm dư luận chú ý với cuốn sách đề cập vấn đề nóng hổi “Thế lực khách trú và vấn đề di dân Nam Kỳ”. Từ bấy đến nay biết bao đổi thay! Ở miền Nam, cái gọi là thế lực khách trú ấy – nói đúng hơn là sự lũng đoạn của tư sản gốc Hoa đối với nền kinh tế và toàn bộ đời sống xã hội – ngày càng tăng, gây nên lo lắng. Nhân dân lao động ngỡ ngàng trước sự thao túng của họ. Những người trí thức băn khoăn cho tương lai đất nước. Giới kinh doanh bị chèn ép, cất tiếng kêu la.

Mỗi nhà nghiên cứu tùy theo chỗ đứng của mình mà có cách nhìn khác nhau, song hầu như không ai không chú ý một đặc điểm phổ biến của các cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á: tính biệt lập của họ. Dưới những hình thức có khác biệt chút ít song cơ bản giống nhau, người Hoa tạo nên những “xã hội” nhỏ trong xã hội, những “quốc gia” trong quốc gia mà họ cư trú.

Là một nước rộng bị chia cắt lâu đời, Trung Quốc có tính địa phương sâu sắc. Trong cùng một tỉnh cũng có khác biệt về tiếng nói và về phong tục tập quán, do đó những người Hoa tha phương cầu thực có xu hướng tập hợp nhau lại theo địa phương để dễ hiểu biết và nâng đỡ lẫn nhau. Như vậy nhân tố gắn bó họ, trước hết là nhu cầu nương tựa để sống còn nơi đất khách. Người Hoa vài thế kỷ lại đây ra nước ngoài chủ yếu vì không thể sống nổi trong nước, ở đó đói nghèo và bóc lột đè nặng lên thân phận họ. Hoàn cảnh ấy tạo nên cho họ tinh thần phấn đấu cao, nhiều khi mang màu sắc tuyệt vọng. Hầu hết không có nghề nghiệp chuyên môn, lao động của họ thường đơn giản, dựa trên sự cần cù, chịu thương chịu khó hơn là kỹ năng. Tinh thần ấy đã giúp một số người dần dần nắm được kỹ thuật tinh xảo về thủ công và cơ khí nhỏ, nhờ đó bắt chước làm ra được một số sản phẩm hoặc chi tiết sản phẩm theo mẫu của người khác và đáng lẽ sản xuất trên cơ sở kỹ thuật cao hơn.

Về mặt kinh doanh, việc tập hợp theo địa phương cũng là cách chia vùng làm ăn để khỏi giẫm chân lên nhau, tránh sự cạnh tranh không có lợi. Mỗi địa phương có bang trưởng được cử ra trong số người giàu có, thạo việc làm ăn. Đó là người thay mặt cộng đồng giao thiệp với chính quyền sở tại. Đó là người khi có việc cần cân nhắc thì thay tập thể quyết định.

Tập hợp theo bang còn có cái lợi là có thể đóng cửa bảo nhau, cùng nhau giải quyết những vụ tranh chấp không qua sự can thiệp của nhà chức trách.

Tổ chức “bang” hình thành sớm ở Việt Nam, từ khi người Trung Quốc ồ ạt di cư sang nước ta, cách đây hai trăm năm. Từ thời khởi nghĩa Tây Sơn, họ ủng hộ Nguyễn Ánh. Thời thực dân PHáp, tất cả các bang Hoa kiều: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam đều ủng hộ chế độ thuộc địa. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Tưởng Giới Thạch lợi dụng danh nghĩa một nước đồng minh, ký với nhà cầm quyền Pháp đang nuôi ảo vọng đặt lại ách thống trị của họ lên các nước Đông Dương, một thỏa ước hợp thức hóa chế độ bang, hội của Hoa kiều. Theo thỏa ước ký ngày 20/8/1948, các tổ chức Hoa kiều thống nhất lại dưới tên gọi “Lý sự hội”. Lãnh sự quán Trung Hoa dân quốc được quyền bác bỏ hay thông qua sự lựa chọn người đứng đầu lý sự hội. Nói cách khác, chính quyền cơ chính quốc trực tiếp nắm Hoa kiều ở Đông Nam Á.

Bằng mọi cách, các tổ chức Hoa kiều, nuôi dưỡng tinh thần nước lớn. Nhờ khả năng to lớn về tài chính – kinh tế, dựa trên sự đóng góp của các thành viên và các nguồn thu nhập khác. Ngụy trang dưới danh nghĩa trường học, bệnh viện, dưỡng đường, hội quán…, họ có điểu kiện nâng đỡ lẫn nhau trong việc kinh doanh, từ đó chi phối đời sống tinh thần của mọi thành viên, giàu cũng như nghèo. Cách tổ chức ấy cũng là một biện pháp xóa nhòa ranh giới giai cấp, che đậy sự bóc lột trắng trợn của tư sản đối với công nhân và những người lao động gốc Hoa.

Ở Sài Gòn – Chợ Lớn trước giải phóng có khoảng hai mươi trường tiểu học và trung học dành cho con em người Hoa, do người Hoa trực tiếp quản lý. Trên danh nghĩa, những trường này giảng dạy theo chương trình chính thức, lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ chính, song trên thực tế đó là những trường Hoa trên đất Việt Nam, sáu bệnh viện lớn, trang bị hiện đại là tài sản của các bang. Nấp dưới mục đích y tế – xã hội, những cơ sở kinh doanh ấy “làm ăn” sinh lợi mà không phải đóng thuế. Cùng với một hệ thống chùa chiền riêng, nơi chơi bời riêng, nơi giải trí riêng, sự biệt lập của người gốc Hoa ở miền Nam trước đây thật là trọn vẹn.

Bất kỳ ở đâu, người Hoa cũng nổi tiếng là biết dùng đồng tiền để mua chuộc những người trong guồng máy chính quyền từ những viên chức ở bậc thang thấp nhất cho tới những chính khách ngất nghểu trên chóp bu. Họ có phương ngôn xử thế: Trên đời mọi thứ đều có thể mua bán, miễn là biết trả đúng giá. Ở Sài Gòn – Chợ Lớn trước đây chuyện Hoa kiều mua những người có trách nhiệm trong chế độ cũ, từ thủ tướng, bộ trưởng cho đến anh chạy giấy – mỗi bậc theo giá trị của nó – đã trở thành nhiều giai thoại phổ biến.

Tóm lại, ý thức biệt lập dựa trên sự nuôi dưỡng tinh thần nước lớn, tổ chức nội chặt chẽ, cơ sở kinh tế mạnh, có nhiều thủ đoạn tinh vi, sự câu kết với các chế độ phản động, thêm vào đó là hậu thuẫn mạnh mẽ của tư sản Hoa kiều ở các nước khác – đấy là những đặc điểm và cũng là điều kiện cho phép giai cấp tư sản gốc Hoa thao túng hầu như toàn bộ nền kinh tế miền Nam nước ta trước giải phóng.

Đó cũng là một lớp người làm giàu nhờ bóc lột mồ hôi nước mắt nông dân đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Phan Quang – Đồng Bằng Sông Cửu Long – NXB LĐ 2014.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s