Các loại tiền tệ, vốn và lý thuyết phức hợp – Phần cuối


Trong giai đoạn đầu của nền văn minh, ngân sách nghiên cứu để tìm ra lửa là bằng 0, trong khi các lợi ích từ lửa là không thể kể hết. Thử so sánh điều này với chi phí phá triển các máy bay Boeing thế hệ mới, liên quan đến một vài cải tiến nhỏ trong vận chuyển hàng không. Sự thay đổi này mang theo nhiều hàm ý đối với các lợi ích ước đoán từ sự gia tăng chi tiêu công, trừ khi có điều kiện của một nền móng thấp.

Theo thời gian khi cấp độ phức hợp gia tăng, tỷ suất lợi nhuận từ đầu tư xã hội bắt đầu chựng lại và chuyển biến tiêu cực. Khi các dự án đơn giản cho hệ thống thủy lợi đã hoàn tất, xã hội sẽ bắt đầu các dự án lớn hơn với các đường ống dài hơn và lượng nước ít hơn. Giới chức quan liêu, ban đầu còn là nhà tổ chức hiệu quả, thì nay lại trở thành những vật cản đối với sự cải tiến khi họ quan tâm nhiều đến việc duy trì sự tồn tại của bản thân họ hơn là các dịch vụ xã hội. Giới tinh hoa quản lý các định chế xã hội cũng dần dần quay sang quan tâm đến phần chia của họ từ chiếc bánh đang nhỏ lại, thay vì chú trọng đến phúc lợi của toàn xã hội. Các nấc thang trong xã hội đã trở thành công cụ bóc lột chứ không phải là công cụ dẫn dắt như trước nữa. Giới tinh hoa hành xử như các sinh vật ký sinh trên cơ thể xã hội và kiếm tìm cái mà các nhà kinh tế học gọi là “tô kinh tế” – tích lũy sự thịnh vượng thông qua các phương tiện phi sản xuất. Nền tài chính hậu hiện đại là một ví dụ.

Tới năm 2011, đã có đủ bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ đang xuống dốc theo đường cong lợi nhuận biên, đến điểm mà tại đó các nỗ lực lớn hơn của con người chỉ mang lại thành quả kém hơn cho xã hội, trong khi giới tinh hoa cầm nắm được phần lớn tăng trưởng trong thu nhập và lợi nhuận. Hai mươi lăm nhà quản lý quỹ phòng vệ được báo cáo lại là đã nhận được hơn 22 tỷ USD trong năm 2010, còn 44 triệu người Mỹ đang sống bằng tem phiếu thực phẩm. Lương thưởng cho các CEO đã tăng 27% trong năm 2010 so với mức của năm 2009, trong khi hơn 20 triệu người Mỹ hoặc đang thất nghiệp hoặc rời khỏi lực lượng lao động nhưng vẫn muốn có việc làm. Trong số những ai còn việc làm, số lượng làm việc cho cơ quan nhà nước cao hơn số lao động trong các ngành xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất, khai thác mỏ và hạ tầng cộng lại.

Một trong các phép đo lường tốt nhất về quan hệ kiếm tìm tô kinh tế giữa giới tinh hoa và các công dân trong giai đoạn kinh tế đình trệ là hệ số Gini, một thước đo về sự bất bình đẳng trong thu nhập. Hệ số càng cao có nghĩa là sự bất bình đẳng càng lớn. Năm 2006, chẳng bao lâu trước khi đợt suy thoái bắt đầu, hệ số Gini của Hoa Kỳ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 47, hoàn toàn trái ngược với mức thấp nhất từng có là 38,6 (được ghi nhận vào năm 1968 sau hai thập niên ổn định với tiền tệ được đảm bảo bằng vàng). Hệ số Gini có xu hướng đi xuống trong năm 2007 nhưng lại lên đến gần đỉnh điểm một lần nữa trong năm 2009 và đang có chiều hướng tiếp tục tăng. Hiện nay hệ số Gini của Hoa Kỳ đang gần bằng hệ số Mexico – một xã hội chính trị đầu sỏ cổ điển với đặc trưng là sự bất bình đẳng trắng trợn về thu nhập và sự tập trung của cải vào tay giới tinh hoa.

Một thang đo khác dành cho sự tìm kiếm tô kinh tế của giới tinh hoa là tỷ lệ giữa thu nhập của nhóm 20% cao nhất so sánh với nóm sống dưới mức nghèo khổ. Tỷ lệ này đi từ mức thấp là 7,7 trong năm 1968 lên cao điểm 14,5 vào đầu năm 2010. Xu hướng của cả hệ số Gini lẫn tỷ lệ thu nhập giữa nhóm giàu và nhóm nghèo tại Hoa Kỳ đều nhất quán với những gì Tainter thu được khi tìm hiểu các nền văn minh trong giai đoạn sắp sụp đổ. Khi xã hội mang đến những yếu tố đầu vào tiêu cực cho đại bộ phận người dân, họ sẽ chọn lựa để tách khỏi xã hội đó và sau cùng gây bất ổn cho chính họ và cho cả giới tinh hoa.

Trên lý thuyết lợi tức giảm dần này, Tainter tìm ra một biến số lý giải được sự sụp đổ của nền văn minh. Nhiều nhà sử học truyền thống đã cho rằng yếu tố khiến nền văn minh sụp đổ, chẳng hạn như các trận động đất, hạn hán hoặc các cuộc xâm lăng của những tộc người man rợ, nhưng Tainter chứng minh rằng có các nền văn minh đã từng nhiều lần đẩy lùi các tộc người man rợ trước khi bị xóa sổ, và có các nền văn minh đã từng nhiều lần phục hồi sau động đất rồi cuối cùng mới bị nạn động đất chôn vùi vĩnh viễn. Kết cục sau cùng không phải là do sự xâm lược hay động đất, mà là sự phản ứng. Các xã hội không chịu thuế suất quá đáng hoặc các nghĩa vụ quá nặng nề sẽ có thể phản ứng mãnh liệt với cơn khủng hoảng và tái thiết sau thảm họa. Còn các xã hội “sưu cao thuế nặng”, người dân gồng gánh quá nhiều nghĩa vụ trên lưng sẽ chỉ đơn giản là đầu hàng cơn khủng hoảng. Khi những tộc người mọi rợ sau cùng cũng tràn ngập Đế chế La Mã, họ đã không gặp bất cứ sự phản kháng nào từ những người nông dân; mà ngược lại nông dân còn chào đón những kẻ xâm lược. Nông dân La Mã đã phải chịu đựng khổ sở trong nhiều thế kỷ, từ các chính sách giảm giá trị tiền tệ tới thuế suất nặng nề khiến lợi tức còn rất ít, do đó trong tâm trí họ thì các man tộc không thể nào tệ hơn chính quyền Rome. Thực ra, bởi vì những man tộc này đã vận hành trong các hệ thống với trình độ phức hợp thấp hơn nhiều so với cấp độ của Đế chế La Mã, nên họ có thể mang đến sự bảo vệ căn bản cho nông dân với phí tổn rất thấp.

Tainter còn đưa ra một quan điểm bổ sung nữa, có liên hệ mật thiết đến xã hội trong thế kỷ 21. Có khác biệt giữa sự sụp đổ của nền văn minh và sự sụp đổ các xã hội đơn lẻ hoặc các quốc gia trong một nền văn minh. Khi đế chế La Mã sụp đổ, đó là sự sụp đổ của cả nền văn minh bởi vì khi đó chưa có một xã hội độc lập. Ngược lại, nền văn minh Liên minh châu Âu đã không sụp đổ một lần nữa từ thế kỷ 6 sau Công nguyên, bởi vì cứ một nhà nước sụp đổ thì đã có sẵn một chính quyền khác lên thay thế. Sự suy tàn của Tây Ban Nha hoặc Venice được bù đắp bởi sự phát triển của Anh hoặc Hà Lan. Từ quan điểm lý thuyết phức hợp, một thế giới tích hợp cao độ, kế thành mạng lưới và liền lập của Đế chế La Mã, khác xa các chính quyền tự trị của châu âu thời Trung Cổ và hiện đại. Theo quan điểm của Tainter, “sự sụp đổ, nếu tái diễn trong giai đoạn hiện nay, sẽ là sụp đổ trên toàn cầu. Không thể có tình trạng một quốc gia đơn lẻ bị sụp đổ. Nền văn minh thế giới sẽ tan rã hoàn toàn”.

Tóm lại, Chaisson cho thấy cách thức mà các hệ thống phức hợp cao độ, chẳng hạn như các nền văn minh, đòi hỏi lượng năng lượng đầu vào tăng theo hàm lũy thừa để phát triển, trong khi Tainter chứng minh rằng các nền văn minh đó tạo nên các đầu ra tiêu cực từ những yếu tố đầu vào và sau cùng sẽ sụp đổ như thế nào. Tiền có thể đóng vai trò thước đo đầu vào – đầu ra trong mô hình của Chaisson bởi vì nó là dạng thức lưu trữ năng lượng. Các thị trường vốn và tiền tệ đều là các hệ thống phức hợp đầy quyền lực, được lồng vào trong nền văn minh lớn hơn theo mô hình của Tainter. Khi xã hội trở thành một hệ thống với độ phức hợp cao hơn, nó đòi hỏi khối lượng tiền tệ nhiều hơn, theo hàm lũy thừa, để hỗ trợ. Tới một mức nào đó, năng suất và thuế không thể duy trì xã hội được nữa, và giới tinh hoa lại ra sức lừa dối quy trình đầu vào bằng nghiệp vụ tín dụng, đòn bẩy tài chính, phá giá và những hình thức tiền tệ giả tạo khác để tạo thuận lợi cho quá trình tìm kiếm tô kinh tế từ sản xuất. Các cách thức này mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn để rồi sau đó ảo ảnh của sự phát triển giả tạo nhờ vay nợ bị xóa sạch bởi thực tiễn là mất đi sự thịnh vượng và bất bình đẳng về thu nhập ngày càng tăng.

Tới lúc đó thì xã hội có 3 chọn lựa: đơn giản hóa, chinh phục hoặc sụp đổ. Đơn giản hóa có nghĩa là một nỗ lực tự nguyện để thu hẹp quy mô xã hội và đi lùi lại một tỷ lệ đầu vào – đầu ra bền vững và có năng suất hơn. Một ví dụ về sự đơn giản hóa hệ thống trong bối cảnh đương đại là: Washington D.C. trao lại các quyền lực chính trị và tài nguyên kinh tế cho 50 tiểu bang trong một hệ thống liên bang mới được tiếp thêm sức mạnh. Chinh phục tức là cố gắng sử dụng vũ lực để giành giật ài nguyên từ các quốc gia láng giềng nhằm tiếp thêm các yếu tố đầu vào mới. Các cuộc chiến tranh tiền tệ cũng chính là một dạng chinh phục mà không sử dụng bạo lực. Sụp đổ chỉ là một dạng thức bất thình lình, không chủ ý và hỗn loạn của sự đơn giản hóa.

Liệu Washington có phải là một Rome thời hiện đại? Phải chăng Washington và một số chính quyền khác đã đi quá xa trên lộ trình thuế cao, nhiều quy định, quan liêu hơn và hành vi tư lợi nhiều hơn đến mức các yếu tố đầu vào của xã hội đã sản sinh ra hậu quả tiêu cực? Có phải một số nhân vật tinh hoa trong kinh doanh, tài chính và các định chế đã quá gắn kết với chính phủ đến mức tất cả những người này đều cùng nhau nhận lãnh những khoản tiền thưởng khổng lồ vì đã tạo ra những tiện ích xã hội tiêu cực? Những cái được gọi là “thị trường” hiện có đang bị bóp méo bởi sự thao túng, sự can thiệp và giải cứu đến nỗi chúng không thể đưa ra những dấu hiệu giá cả đáng tin cậy để phân bổ nguồn lực hay không? Có phải chính những bên chịu trách nhiệm lớn nhất về việc bóp méo các dấu hiệu giá cả cũng lại là những bên nhận được các nguồn lực theo sự phân bổ sai lầm? Khi các man tộc xuất hiện, dưới bất cứ hình thức nào, đâu là phần bù đắp dành cho các công dân bình thường vì họ đã phản kháng lại thay vì cứ để cho hệ thống sụp đổ và mặc cho giới tinh hoa tự xoay xở?

Theo lịch sử và lý thuyết phức hợp, các câu hỏi trên đây mang tính phân tích chứ không mang tính ý thức hệ. Sự thích đáng của những câu hỏi này được xác nhận từ trải nghiệm của rất nhiều nền văn minh trong vòng 5 thiên niên kỷ và từ việc nghiên cứu các hệ thống tự nhiên đã gia tăng cấp độ phức hợp qua hàng chục tỷ năm. Khoa học và lịch sử đã giúp hình thành nên khung mẫu hoàn hảo để có thể ứng dụng kiến thức về năng lượng, tiền và hệ thống phức hợp nhằm hiểu được các rủi ro khi đồng đôla sụp đổ trong một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Điều quan trọng hàng đầu là các hệ thống đáng quan ngại nhất – các loại tiền tệ, các thị trường vốn và các công cụ phái sinh – đều là những phát minh xã hội và do đó có thể được xã hội cải tạo. Vẫn có thể tránh được trường hợp xấu nhất, đó là khi không còn động lực để thực thi việc cải tạo này. Vẫn chưa quá muộn để có thể lùi một bước khỏi bờ vực sụp đổ và phục hồi lại một ranh giới an toàn trong hệ thống tiền tệ toàn cầu dựa trên đồng đôla. Không may là giới tinh hoa – lại dàn xếp để đi ngược lại những giải pháp theo lẽ phải thông thường. Giảm bớt lợi nhuận biên là điều tệ hại đối với xã hội, nhưng họ lại thấy tốt cho những người tiếp nhận các yếu tố đầu vào – ít nhất cho tới khi nào cạn kiệt những đầu vào đó. Ngày nay, các nguồn lực tài chính bị bòn rút khỏi xã hội và chảy vào giới tinh hoa dưới nhiều dạng thức: thuế, chi phí giải cứu, thế chấp gian lận, các lãi suất và chi phí cắt cổ dành cho người tiêu dùng, các công cụ phái sinh và những khoản tiền thưởng dối trá. Vì các công dân đang bị nghiền nát dưới sức nặng của việc bòn rút tô kinh tế nên nguy cơ sụp đổ ngày càng cao. Nền tài chính phải quay về vai trò đúng đắn của nó là tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, chứ bản thân tài chính không phải là cứu cánh. Lý thuyết phức hợp đã chỉ ra con đường tìm đến sự an toàn, thông qua các định chế được đơn giản hóa và có quy mô được thu nhỏ hơn. Thật không thể tin được rằng Bộ trưởng Ngân khố Geithner và Nhà Trắng lại đang tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho một ngành ngân hàng có quy mô lớn hơn và tập trung hơn, bao gồm cả nguyên bản cho một ngân hàng trung ương toàn cầu đặt tại IMF. Bất cứ thành công nào trong nỗ lực trên của Bộ Ngân khố và Nhà Trắng cũng chỉ đơn giản là đẩy nhanh “giai đoạn cuối” của đồng đôla.

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: James Rickards – Các cuộc chiến tranh tiền tệ – NXB Trẻ 2014.

Bình luận về bài viết này