Những biến hóa của chế độ cực quyền – Phần VI


Một chế độ cực quyền mềm hơn

Trong đời sống hàng ngày, người ta nói chung không còn phải đụng đầu với sự khủng bố, cũng như với sự hiện diện chính trị khắp nơi nữa. Họ có thể bỏ qua nó để tập trung vào những việc riêng và tìm cách kiếm sống bên ngoài các vòng chính thức. Điều đó không có nghĩa là họ có thể hoàn toàn quên Nhà nước, vì giới quan liêu vẫn có măt khắp mọi nơi mọi lúc và những sự yên ổn khó mà có được nếu không có bảo trợ hoặc đút lót. Nhưng nói chung chính quyền đã mở ra một lối thoát cho những người có thể là phản loạn, hoặc ít ra là bất mãn, nếu buộc họ phải tham gia đời sống chính trị một cách tích cự, như dưới thời Mao. Nhưng đời sống chính trị không biến mất. Đảng vẫn tiếp tục không đưa ra các quyết định lớn và vẫn hoạt động đều đặn, mà còn mở rộng sự tồn tại của nó đến tạn các doanh nghiệp tư nhân, kể cả của nước ngoài. Những doanh nghiệp này buộc phải có một chi bộ Đảng theo quy định. Hiện nay Đảng có bảy mươi hai triệu đảng viên và đang kết nạp hàng loạt trong thanh niên, nhất là trong sinh viên.

Do đó, chính quyền hiện nay là chính quyền của một Nhà nước – Đảng. Đối với nó, không hề có một định chế luật pháp nào có thể đóng vai trò kìm hãm, kiểm soát hoặc làm đối trọng với nó. Hệ thống tư pháp đúng là đã được phát riển và được hiện đại hóa từ buổi đầu cải cách, nhưng vẫn phải phục tùng hoàn toàn quyền lực chính trị. Giới ly khai cũng có những nhân vật có giá trị, nhưng phần lớn đang ở nước ngoài, và những nhân vật còn ở trong nước thì bị cô lập bằng một hệ thống rất phức tạp của sự kiểm soát từng cấp, đi từ cấp nhà tù đến cấp kiểm soát đơn giản từng lúc, qua những hình thức giám sát chỗ ở một cách mềm mỏng. Hơn nữa, vì những người ly khai Trung Quốc không được sự ủng hộ như của các nước phương Tây đối với những người ly khai Liên Xô và Đông Âu trước đây. Tiếng tăm trong nước và ảnh hưởng của họ đối với các sự kiện chính trị cũng rất hạn chế. Việc thiếu một phản quyền lực (contre-pouvoir) ấy không chỉ là do gánh nặng của lịch sử và các thói quen. Nó là kết quả của một ý chí có hệ thống của những nhà lãnh đạo không do dự sử dụng những phương tiện lớn lao về tài chính và con người để ngăn chặn sự xuất hiện và phát triển của những sức mạnh ấy. Đúng là hiện nay người ta không kiểm soát tất cả mọi cái, nhung bao giờ cũng ngăn chặn một cái gì đó có thể trở nên không thể kiểm soát được. Như vậy, cái vẫn còn mang tính độc tố mạnh nhất trong hệ thống cực quyền Trung Quốc chính là mặt tiêu cực của nó: không phải những năng lực tổ chức, động viên hay thuyết phục của nó (mặc dầu những năng lực này không thể bị xem thường), mà là quyết tâm của nó không để cho những người khác làm như vậy thay cho nó.

Cái cách mà chính quyền Trung Quốc tạo ra một khoảng trống chung quanh nó không phải không đặt ra nhiều vấn đề, bởi vì điều chủ yếu là sự bất lực của nó trong việc hạn chế tham nhũng trong những giới hạn chấp nhận được. Nhưng nó lại thích sống với con long xả Lerne [trong huyền thoại Hy Lạp, có nhiều đầu, mỗi chiếc đầu nếu bị cắt sẽ lập tức mọc ra chiếc đầu khác, n đã bị dũng sĩ Hercales giết chết] và tự giới hạn vào những thắng lợi hạn chế và tạm thời của nó. Thái độ ấy chỉ có thể được cắt nghĩa bằng truyền thống Trung Quốc. Việc kiểm duyệt các phương tiện truyền thông không những sâu sắc hơn so với những thời trước đây, mà chủ yếu là sự tiến hóa lịch sử đã đem lại cho nó một ý nghĩa khác. Thật vậy, chính quyền biết rõ báo chí tự do có thể đóng một vai trò như thế nào để hạn chế tham nhũng, và nó có thể khuyến khích một số tờ báo tố giác một kẻ tham nhũng nào đó ở địa phương, nhưng nó không muốn có tự do báo chí nói chung, vì nó cho rằng tự do báo chí là ngược lại với lôgích cai trị cũng như với những lợi ích của nó.

Chế độ của Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, như vậy, vẫn có thể được coi là nằm trong phạm trù chế độ cực quyền, dù cho nó có giảm bớt đi bằng một bước thụt lùi mà nó buộc phải làm trong lĩnh vực kinh tế. Chế độ cực quyền đã được cải cách ấy đã biết thu mình vào một hạt nhân cứng (độc quyền hệ tư tưởng và chính trị theo nghĩa rộng của thuật ngữ này) và thích nghi một cách rõ rệt với thời đại mà không từ bỏ những tham vọng của nó. Phải chăng như thế là nó đã khám phá ra được viên thuốc bất tử và quan hệ giữa chính quyền và xã hội cứ phải giữ nguyên trạng? Tôi không nghĩ thế, nhưng những dấu hiệu của một sự thay đổi sắp tới, nhất là của phương hướng mà nó sẽ có thể đi theo, thì hiện đang không phải là dễ phát hiện.

Một xã hội đang vận động

Nếu như Đảng Cộng sản vẫn duy trì những tham vọng và một phần căn bản những phương tiện của nó, thì chắc chắn rằng một phần ngày càng tăng của đời sống kinh tế và xã hội lại đang thoát khỏi sự kiểm soát trực tiếp của nó. Những biến đổi nhanh chóng của xã hội đang tạo thành một sự tương phản rõ rệt với tính cứng nhắc vẫn được duy trì của hệ thống chính trị. Do đó, sẽ là lôgích khi hướng vào việc nghiên cứu lĩnh vực đang vận động này để thử nắm bắt những gì có thể thay đổi trong mối quan hệ của nó với chính quyền.

Trước hết, phải ghi nhận một sự phân hóa xã hội quan trọng, hệ quả trực tiếp của sự tiến hóa tới một nền kinh tế thị trường. Sự xuất hiện những tầng lớp xã hội mới, làm cho việc nghiên cứu Trung Quốc hiện nay trở nên đặc biệt đáng quan tâm về mặt xã hội học. Nó còn có những hệ quả chính trị, vì sự xuất hiện của các tầng lớp ấy đang phần nào phản bác lại hệ thống kiểm soát mao-it, có từ một thời mà chúng ta chưa có. Vì thế, dưới đây tôi sẽ trình ba tầng lớp quan trọng nhấ: những nông dân di cư, những người thất nghiệp đô thị và những nhà doanh nghiệp.

Sự xuất hiện của những tầng lớp xã hội mới

Hiện ay, có chừng một trăm triệu nông dân di cư rời bỏ làng quê để đi kiếm việc làm ở thành phố. Những người này nói chung kiếm được những việc làm bấp bênh, năng nhọc, nguy hại và rẻ tiền mà những người thành thị không muốn làm. Những người di cư nội địa ấy được gọi là một cách có ý nghĩa là dân công (công nhân của dân, nghĩa là được tuyển qua các kênh không chính thức). Sự di cư ấy là một sự vi phạm hệ thống hộ khẩu cấm nông dân cư trú ở thành phố. Nhưng các nhà chức trách đã bao dung nó vì nó cho phép giảm sức ép dân số ở nông thôn, sức ép này rõ ràng là do việc phi tập thể hóa gây ra, đồng thời cung cấp cho thành phố nhân lực rẻ tiền mà sự phát triển nhanh chóng của các thành phố đang cần tới. Nhưng phải thấy rằng, trái với yêu cầu của nhiều chuyên gia Trung Quốc về di cư vào đầu những năm 1980, các nhà chức trách không xóa bỏ chế độ hộ khẩu. Họ chỉ làm cho chế độ đó thích hợp với tình hình mới bằng cách cấp thẻ tạm trú để nói chung có thể kiểm soát những sự vận động và để trả về những người không tìm được việc làm hợp lệ hoặc không muốn trả tiền cho việc cấp giấy tạm trú. Bất chấp những cuộc vây ráp thường xuyên, hệ thống mới này vẫn không bảo đảm được sự kiểm soát chặt chẽ giống như ngày trước. Ngày nay, số “dân cư trôi nổi” khổng lồ này đặt ra cho chính quyền một vấn đề hội nhập và, cuối cùng là vấn đề quyền công dân. Các nhà chức trách (và dân cư) ở các thành phố trách cứ những người di cư là không tôn trọng kế hoạch hóa gia đình, là nguyên nhân của sự gia tăng ấp bội tình trạng phạm tội đô thị, là tạo ra một sức ép không thể dung thứ được về những thiế tbị công cộng, nhưng trong chừng mực họ thừa nhận lợi ích kinh tế của đám dân công này, thì họ phải áp dụng những biện pháp cần thiết để hội nhập những người di cư này. Vấn đề bình đẳng bắt đầu được đặt ra, nhất là về việc giáo dục con cái họ. Nếu các nhà chức trách địa phương từ chối không cho con cái họ đến trường (hoặc chỉ nhận với những giá quá cao) thì trong tương lai họ phải đối mặt với những khó khăn xã hội lớn hơn. Do đó có thể chính quyền buộc phải thừa nhận đầy đủ sự tự do đi lại và sự bình đẳng về các quyền cho các công dân.

Một tầng lớp mới xuất hiện trong những năm 1990 là những người “xuống yên” (hạ cương) nghĩa là những người bị sa thải hàng loạt do cải cách được đẩy nhanh trong các doanh nghiệp Nhà nước. Về lý thuyết, những người thất nghiệp này có lợi thế là họ vẫn duy trì được một liên hệ với đơn vị gốc của họ để được trả trợ cấp và được tiếp tục bảo đảm về bảo hiểm xã hội. Nhưng tính đặc thù này bị hạn chế, một phần vì những ai không tìm được việc làm sau ba năm sẽ rơi vào loại thất nghiệp thông thường và, mặt khác, vì các doanh nghiệp đã sa thải họ thường không có tiền để trả phụ cấp hay chi phí y tế. Nhờ có sự tăng trưởng, nhiều người hạ cương này lại tìm được việc làm, nhưng thường là bấp bênh. Vì luôn luôn có những vụ sa thải mới, nên từ nhiều năm nay các thành phố có tới từ mười đến mười lăm triệu người thất nghiệp thực sự, chưa kể những người về hưu mà cũng do khó khăn tài chính của các doanh nghiệp, họ không nhận được trợ cấp đều đặn. Kết quả là không những một sự “nghèo khổ mới” xuất hiện ở đô thị, mà những người trước đây được các đơn vị chịu trách nhiệm và kiểm soát bây giờ bị phân tán. Để giải quyết vấn đề đó, chính phủ lập ra một hệ thống quản lý những người thất nghiệp, nhưng bộ máy quan liêu mới ấy còn xa mới thực hiện một cách có hiệu quả những chức năng do nó công bố và nhiều người thất nghiệp không nhận được những gì đáng lẽ họ phải được nhận. Như đã thấy, chính quyền vẫn nắm những phương tiện để hạn chế và bóp nghẹt những yêu sách tập thể tự phát. Từ nhiều năm nay, nó đóng vai trò người chữa cháy một cách có hiệu quả do hàng ngày nó dập tắt được những ngọn lửa tản mạn của sự phản kháng xã hội. Về lâu dài, thật khó mà dự kiến điều gì có thể xảy ra do có sự bất mãn của những người bị gạt ra khỏi sự tăng trưởng. Điều này rõ ràng là ngay cả khi chế độ có những phương tiện ngặn ngừa biểu hiện bất mãn công cộng, thì nó vẫn đụng đầu với hiện tượng bơ vơ về tinh thần của xã hội. Sự khủng hoảng tinh thần ở các thành phố là hiển hiên và thành công của Pháp luân công, cũng như của Kitô giáo, là một bằng chứng rõ rệt.

Ở đầu kia của giai tầng xã hội, sự xuất hiện của tầng lớp các nhà doanh nghiệp cũng có thể đặt ra cho chế độ những vấn đề về kiểm soát. Tầng lớp này đang thật sự nắm một quyền lực kinh tế nào đó và những tài sản của họ từ nay đã có thể truyền cho con cháu, tạo thành một sức mạnh tự chủ. Vấn đề là xem nó có trở thành một tầng lớp được phân biệt rõ rệt với tầng lớp quan liêu, một kiểu giai cấp tư sản đối lập với “giới quý tộc cách mạng” của Đảng để đòi những quyền riêng của nó hay không. Rõ ràng là mô hình phương Tây này hoàn toàn không phù hợp với hiện thực hiện nay. Có nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân giữ được một tính độc lập nào đó. Nhưng phần lớn các trường hợp, đó là những doanh nghiệp có qui mô nhỏ. Các doanh nghiệp quan trọng hơn, tuy không thuộc sở hữu Nhà nước nữa, lại có những qui chế sở hữu mơ hồ, tương ứng với những hiện thực phức tạp. Nhất là những người chủ thực sự của chúng trên thực tế không độc lập với Nhà nước, vì đó là những giám đốc doanh nghiệp Nhà nước cũ, những cán bộ của bộ máy quan liêu kinh tế ở các cấp khác nhau, tóm lại, đó là những thành viên cũ của giới quan chức hay những bà con họ hàng gần gũi của họ. Thật vậy, giống như ở Ba Lan và Hungary những năm 1988 – 1989, nhưng trên một quy mô lớn hơn nhiều, cuộc cải cách các doanh nghiệp ở Trung Quốc đã đưa tới một sự chiếm hữu tài sản Nhà nước bởi những kẻ quan liêu có địa vị tốt nhất bởi gia đình họ. (Đặc biệt xem Hà Thanh Liên, Tích lũy tư bản nguyên thủy ở Trung Quốc hiện nay, Hong Kong, Mirror Book, 1997). Kết quả là, đáng lẽ được chứng kiến sự ra đời của một tầng lớp những nhà doanh nghiệp mới, phân biệt rõ rệt với giới quan chức, thì người ta lại thấy đó chủ yếu là một sự phân chia nội bộ của giới này, một sự phân phối lại các vai trò, đôi khi trong mỗi gia đình, giữa giới quan liêu chính trị với giới quan liêu doanh nghiệp, nhưng giới này vẫn còn phụ thuộc vào giới kia để thành công. Thật vậy, độc quyền và lợi tức tình thế vẫn còn là chuyện thông thường trong nền kinh tế thị trường vừa ra đời. Việc có những mối “quan hệ tốt” là điều cần thiết để giành được nhiều giấy phép, tiền và thông tin, điều đó buộc các “nhà tư bản chủ nghĩa” – dù nguồn gốc xã hội là thế nào – cũng phải tìm kiếm sự thiện cảm và bảo hộ của những ông lớn. Tầng lớp doanh nghiệp – mà tất cả các hội của họ đều được các viên chức của Đảng bảo trợ – Không thể ứng xử như một sức mạnh độc lập. Tuy vậy, sự tiến triển của cuộc “đại chuyển đổi” này là điều đáng quan tâm theo dõi. Thật vậy, không loại trừ rằng sau thời kỳ tích lũy tư bản nguyên thủy và do đẩy sâu hơn cải cách kinh tế, sự phân chia các chức năng sẽ đưa tới những bất đồng rõ rệt về lợi ích, và do đó, đưa tới một sự phân chia thật sự trong giới quan chức.

(còn tiếp) 

Người dịch: Lê Dân

Nguồn: TĐB 2001 – 21, 22 & 23

Bình luận về bài viết này