Lý luận, chiến lược và tác động của việc Mỹ và Liên minh châu Âu đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc – Phần III


Sau khi báo cáo này được công bố, “kiềm chế và tiếp xúc Trung Quốc” dần dần trở thành đại danh từ trong chiến lược đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc của Mỹ, cho dù sau này vẫn có học giả đưa ra sáng kiến được kiềm chế và cân bằng hoặc chiến lược tiếp xúc đơn thuần. Nhưng trên thực tế, từ Chính quyền Bush (con) đến Chính quyền Obama, chiến lược đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc của Mỹ luôn là sự kết hợp của các yếu tố lý luận. Ý kiến của các nhà quyết sách thường nằm giữa phe kiềm chế và phe tiếp xúc, tức là tiến hành đồng bộ, cùng tiếp xúc và kiềm chế. Việc đưa ra lựa chọn này không chỉ là vì quan điểm của hai phe bất phân thắng bại, mà còn vì trong tình hình Mỹ vẫn không thể xác định ý đồ chiến lược sau khi Trung Quốc trỗi dậy, chiến lược này phù hợp hơn nữa với lợi ích của Mỹ. Đương nhiên, Chính phủ Mỹ sẽ căn cứ theo sự thay đổi của tình hình quốc tế hoặc ý đồ của các nhà quyết sách để điều chỉnh chính sách đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong bối cảnh những năm gần đây, tình hình quốc tế nảy sinh những thay đổi quan trọng, nhân tố kiềm chế và cân bằng về an ninh trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc tăng lên một cách rõ rệt. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ năm 2008, kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh chóng, tình hình căng thẳng ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và Biển Đông đang leo thang, khiến cho trong nước Mỹ lại một lần nữa xuất hiện những tranh luận về việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không ít người yêu cầu Mỹ tăng cường bố trí quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, xử sự cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trong tác phẩm “Cạnh tranh bá quyền: Trung Quốc, Mỹ và cạnh tranh quyền kiểm soát châu Á” của mình, Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Princeton, Aaron Friedberg tuyên bố Trung Quốc và Mỹ sẽ tạo nên sự cạnh tranh về quyền chủ đạo ở châu Á. Aaron Friedberg cho rằng tiếp xúc nhiều không có lợi cho việc thúc đẩy Trung Quốc cải cách chính trị, Mỹ phải gây áp lực lớnhơn với Trung Quốc, chính sách cũng phải cứng rắn hơn; đồng thời Mỹ phải bảo đảm ưu thế quân sự của Mỹ sẽ không suy yếu, và tỏ rõ quyết tâm hiện diện lâu dài ở châu á với các nước đồng minh truyền thống của Mỹ. Tóm lại, trọng tâm kiến nghị chiến lược của Aaron Friedberg là “cứng rắn” và áp đặt “sự kiềm chế và cân bằng tốt hơn” đối với Trung Quốc.

Những sự phê phán đối với chiến lược quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Obama cũng tương đối nhiều, rất nhiều người cho rằng phải tăng cường tiếp xúc với Trung Quốc, tránh để cho sự trỗi dậy xảy ra bi kịch xung đột quốc tế. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của Viện Brookings Kenneth Lieberthal, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc của Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie Micheal Swaine… đều kêu gọi tăng cường tiếp xúc với Trung Quốc. Trong cuốn “Thách thức của Mỹ: Tiếp xúc với Trung Quốc trỗi dậy trong thế kỷ 21”. Micheal Swaine cho rằng cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, địa vị của Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng ngày càng quan trọng, vì vậy Mỹ phải tăng cường tiếp xúc Trung Quốc, quản lý và kiểm soát tốt hơn mối quan hệ với Trung Quốc, để cùng hợp tác đối phó với các vấn đề nóng khu vực và toàn cầu; đồng thời phải giảm bớt sự hoài nghi chiến lược và tình hình đối địch của hai bên.

Những tranh luận này tuy chưa khiến cho chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc xuất hiện sự điều chỉnh quan trọng, nhưng lại xuất hiện sự thay đổi về sách lược, “sách lược mới là ‘kiệt tác ngoại giao’ trong quan hệ với Trung Quốc, sách lược mới tiếp tục duy trì sự kết hợp khéo léo giữa răn đe, chèn ép, tạo cảm giác mất anninh và thận trọng”. Sự thay đổi này chuyếu bao gồm: Một là, lợi dụng sự tranh chấp lãnh thổ tồn tại giữa các nước châu Á tạo ra sự kiềm chế và cân bằng lực lượng khu vực có lợi cho Mỹ; hai là, coi việc Mỹ quay trở lại Đông Nam Á là trọng điểm của chiến lược quay trở lại châu Á, đồng thời áp dụng một loạt biện pháp có ý đồ can sự sâu sắc; ba là, tập trung chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” vào Trung Quốc, tăng cường gây sức ép bao vây đối với Trung Quốc, tìm cách xây dựng vòn vây toàn diện từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á đến Nam Á; bốn là, thông qua việc vận dụng sức mạnh thông minh, duy trì ưu thế ảnh hưởng đối với các nước châu Á trong quá trình cạnh tranh với Trung Quốc, năm là, thúc đẩy xây dựng và tìm kiếm cơ chế đa phương chủ đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tất cả những điều này cho thấy trọng tâm phòng ngừa và kiềm chế của Mỹ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc đang tăng lên. Báo cáo quân sự “Duy trì địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ: Nhiệm vụ ưu tiên của quốc phòng trong thế kỷ 21” được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng 1/2012 nêu rõ: “Với tư cách là cường quốc khu vực đang trỗi dậy, ở rất nhiều mặt Trung Quốc có thể ảnh hưởng kinh tế và an ninh của Mỹ”. Vì vậy, Mỹ sẽ đẩy mạnh mức độ, “bảo đảm có thể tự do thực hiện trách nhiệm hiệp ước ở khu vực Đông Á”.

Phần lớn các thành viên của EU đều là nước sáng lập và nước bảo hộ hệ thống quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, vì vậy nhận thức và chiến lược của EU đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn sẽ có những điểm tương đồng với Mỹ. Trong nhận thức đó đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nội bộ EU cũng tồn tại hai quan điểm khác nhau: Một quan điểm cho rằng trong quá trình cải cách và phát triển, Trung Quốc ưu tiên thúc đẩy các quyền lợi như tạo ra của cải, thúc đẩy kinh tế xã hội và văn hóa… khiến cho hàng chục triệu người dân Trung Quốc thoát khỏi cảnh nghèo đói, và đã thúc đấy cải cách pháp luật và chế độ quan trọng. Trung Quốc có quyền thông qua sự trỗi dậy hòa bình để tìm kiếm vị trí của mình trong cách công việc thế giới, châu Âu phải giữa thái độ hoan nghênh đối với sự trỗi dậy hòa bình này. Một quan điểm khác thì cho rằng Trung Quốc là “Trung Quốc phẫn nộ”, là quốc gia có tính khiêu khích, đe dọa hòa bình của Đài Loan và thế giới. Đồng thời, Trung Quốc còn tồn tại các vấn đề như xâm phạm nhân quyền, đàn áp dân chủ với quy mô lớn… Giống với phe kiềm chế và phe tiếp xúc của Mỹ, hai quan điểm khác nhau này cũng không ngừng tranh luận, cùng ảnh hưởng đến việc EU xây dựng chính sách và chiến lược đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhưng dựa vào kinh nghiệm lịch sử từng trải qua thảm họa chiến tranh và quá trình nhất thể hóa của châu Âu, quan điểm của EU đối với hệ thống trật tự quốc tế cũng có những điểm không giống với Mỹ. Đúng như “Báo cáo chiến lược an ninh của EU” từng đưa ra chiến lược an ninh của EU nghiêng về “chủ nghĩa đa phương có hiệu quả”, ủng hộ hơn nữa các tổ chức và cơ chế quốc tế đa phương. Điều này rõ ràng không giống với xu thế đơn phương và xu thế vũ lực trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhận thức và chiến lược đối phó của EU tự nhiên cũng có điểm không giống với Mỹ. Do địa vị của EU trong hệ thống toàn cầu không phải là nước bá quyền giống như Mỹ, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng không có đồng minh quân sự, EU coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là cơ hội, nhấn mạnh vào những thách thức chủ yếu bao gồm đến từ sự cạnh tranh kinh tế, di dân bất hợp pháp của Trung Quốc, công tác quản lý của nội bộ Trung Quốc không tốt, hoặc những khó khăn có thể tạo nên khi tiếp xúc với các nước phát triển, chứ không phải là mối đe dọa quân sự. Vì vậy, chiến lược đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc của EU chủ yếu là tiếp xúc mang tính xây dựng. Lời mở đầu của “Văn kiện chính sách lâu dài của quan hệ EU – Trung Quốc” được EU đưa ra năm 1995 cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là một sự trải nghiệm quốc gia chưa từng có từ Chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay. Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ đem đến cơ hội và thách thức to lớn đối với hệ thống quốc tế, việc Trung Quốc căn cứ theo các quy phạm quốc tế để tiến hành cải cách chính trị, kinh tế và xã hội sẽ là con đường tốt nhất bảo đảm sự ổn định của Trung Quốc. Sau này, EU lại liên tục công bố các văn kiện chính sách, chiến lược đối với Trung Quốc, các văn kiện này đều coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là tiền đề, có thể coi là văn kiện chiến lược để EU đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Từ những văn kiện này có thể cho thấy EU giữ thái độ hoan nghênh đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, chiến lược đối phó với của EU có hai mục tiêu: Một là, thông qua tiếp xúc để giành lấy lợi ích kinh tế từ sự trỗi dậy của Trung Quốc; hai là thông qua tiếp xúc kinh tế thương mại và xây dựng một loạt khả năng, thúc đẩy nội bộ Trung Quốc cải cách, khiến cho xã hội và chế độ của Trung Quốc trở nên phù hợp với mong muốn của phương Tây, tức là trở nên dân chủ và mở cửa hơn nữa. Điều đáng được đề cập đến là mục tiêu thứ hai vừa có thể thúc đẩy lợi ích kinh tế của EU ở Trung Quốc, đồng thời vừa phù hợp mục đích của chủ nghĩa tự do đối với việc “nước khác” căn cứ theo hình tượng của mình để tiến hành cải cách.

Rất nhiều học giả cho rằng từ năm 1995 – 2005 là thời kỳ trăng mật của quan hệ Trung Quốc – EU. Từ sau năm 2005, nhận thức của EU đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc nảy sinh những thay đổi tế nhị. Từ năm 2004 – 2005, những nỗ lực tìm cách xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc của EU đã gây nên sự tranh luận trong nội bộ EU và giữa Mỹ với EU đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. EU nhận thức được rằng tuy phần lớn các nước EU đều thu lợi từ sự trỗi dậy về kinh tế  của Trung Quốc, nhưng tỷ lệ nhập siêu thương mại giữa Trung Quốc và EU dần dần tăng lên. Trung Quốc viện trợ phát triển cho các nước khác mà không kèm theo điều kiện, điều này đã hình thành sự cạnh tranh với sự viện trợ đối ngoại kèm theo điều kiện chính trị của Mỹ và EU, ở mức độ nào đó cũng là sự cạnh tranh đối với mô hình quản lý do phương Tây thúc đẩy. Ngoài ra, việc Mỹ phản đối EU xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc cũng khiến EU đối diện với sức ép. Những nhân tố này khiến cho EU phải xem xét lại chính sách đối với Trung Quốc. Năm 2006, EU công bố văn kiện chiến lược đối với Trung Quốc mới với tiêu đề “EU – Trung Quốc: Đối tác gắn bó hơn, trách nhiệm mở rộng”, đã nhấn mạnh hơn nữa tính tương hỗ của quan hệ Trung Quốc – EU và trách nhiệm quốc tế mà Trung Quốc phải đảm nhận. Sự chuyển biến được thể hiện trong văn kiện là kết quả được các nước EU tiến hành điều chỉnh sau khi tranh luận về chính sách đối với Trung Quốc. Khi giải thích bối cảnh công bố văn kiện, Ủy viên phụ trách các mối quan hệ đối ngoại của EU Benita Ferrero-Waldner cho rằng mục đích của văn kiện này là để đối phó với sự tái trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là nước lớn về kinh tế và chính trị quốc tế, từ đó có thể dễ dàng nhận ra ý nghĩa của “Thuyết về trách nhiệm của Trung Quốc”.

(còn tiếp) 

Nguồn: Tạp chí Triển vọng quốc tế (TQ) – số 3/2014

CVĐQT số 9/2014

Bình luận về bài viết này