Một định nghĩa tạm thời
Ở đây, chúng ta sẽ bàn luận về các cuộc khủng hoảng trong các công ty hay tổ chức thuộc nhiều thể loại, từ các cuộc khủng hoảng gây ra bởi các tai nạn công nghiệp đến các thảm họa tự nhiên. Để chi ra tất cả các thể loại này, chúng tôi đưa ra định nghĩa sau đây, xem như một định nghĩa tạm thời cho các cuộc khủng hoảng trong các công ty hay tổ chức:
Một cuộc khủng hoảng trong các công ty hay tổ chức là một sự kiện hoặc một loạt các sự kiện cụ thể, không ngờ tới, không theo lệ thường, gây ra sự không chắc chắn ở mức độ cao, nó đe dọa hoặc được xem là đe dọa các mục tiêu với ưu tiên cao của một công ty hay tổ chức.
Như chúng tôi đã khẳng định, các sự kiện không phải là khủng hoảng, trừ khi tính khốc liệt của chúng có đôi chút bất ngờ. Vì vậy, khủng hoảng là các sự kiện không ngờ tới. Vì chúng vượt quá mọi ước tính được hoạch định trước, chúng không thể được kiểm soát bằng các thủ tục theo lệ thường. Một khi một công ty hay tổ chức bỏ mặc các thủ tục theo lệ thường, bộ phận lãnh đạo sẽ đồng thời phải đối mặt với sự không chắc chắn và một mối đe dọa ở mức độ đáng lo ngại. Ở mức độ nghiêm trọng nhất, mối đe dọa này có khả năng gây ra hậu quả mang tính hủy hoại đối với một công ty, sự nghiệp của những người lãnh đạo, và các mục tiêu cao nhất của công ty đó. Hãy xem Bảng 1.1 để có một sự miêu tả cụ thể cho mỗi phần trong định nghĩa tạm thời của chúng tôi.
Bảng 1.1 – Các thành phần chủ chốt của định nghĩa tạm thời về khủng hoảng trong các công ty hay tổ chức
Không ngờ tới | Một sự kiện diễn ra bất ngờ. Bất ngờ này có thể là một điều gì đó mà một công ty hay tổ chức không thể lường trước hoặc lên kế hoạch trước. Nó cũng có thể phát sinh từ các tình thế mà ngay cả những kế hoạch kiểm soát khủng hoảng tích cực nhất cũng không thể kiểm soát được. |
Không theo lệ thường | Các vấn đề xảy ra hàng ngày trong hầu như tất cả các công ty hay tổ chức. Để giải quyết các vấn đề này, các công ty hay tổ chức thực hiện các thủ tục theo thông lệ. Khủng hoảng là những sự kiện không thể kiểm soát được bằng các thủ tục theo lệ thường. Thay vào đó, khủng hoảng đòi hỏi các biện pháp đặc biệt và đôi khi còn thái quá. |
Gây ra sự không chắc chắn | Vì khủng hoảng là không ngờ tới và vượt quá các hoạt động theo lệ thường của các công ty hay tổ chức, nên chúng gây ra sự không chắc chắn rất cao. Các công ty hay tổ chức không thể ý thức được tất cả các nguyên hân và hậu quả cuối cùng của các cuộc khủng hoảng, nếu không có sự điều tra ở một mức độ nhất định. Những cố gắng làm giảm sự không chắc hắn có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm sau khi một cuộc khủng hoảng xảy ra. |
Gây đe dọa đối với các mục tiêu có ưu tiên cao | Những cuộc khủng hoảng gây ra những mối đe dọa ở mức độ rất nghiêm trọng đối với một công ty hay tổ chức và các đơn vị có liên quan. Những mối đe dọa này có khả năng ngăn cản những cố gắng đạt được mục tiêu quan trọng nhất của một công ty. Bởi vậy, những cuộc khủng hoảng có khả năng phá hủy vĩnh viễn một công ty. |
Khủng hoảng và rủi ro
Hãy lưu ý rằng, định nghĩa ở trên không đề cập đến rủi ro. Chúng tôi tách riêng khủng hoảng và rủi ro, vì chúng tôi tin rằng: Mặc dù rủi ro là một phần tự nhiên của cuộc sống, nhưng khủng hoảng thường có thể được tránh khỏi. Dĩ nhiên là: Có nhiều người gặp nhiều rủi ro trong cuộc sống của họ hơn người khác. Ví dụ, có nhiều người chọn sống cạnh các nhà máy lọc dầu, sống ở các vùng bờ biển thường xuyên gặp bão, hoặc trong các vùng mà các vụ lở bùn và cháy rừng thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, xin hãy hiểu rằng khủng hoảng và rủi ro có liên quan đến hau, vì sự truyền đạt thông tin về rủi ro kém có thể dẫn đến khủng hoảng.
Các kiểu khủng hoảng
Bây giờ, sau khi bạn đã ghi nhớ định nghĩa đó về khủng hoảng trong công ty hay tổ chức, hãy nghĩ đến một vài sự kiện có thể được xem như một cuộc khủng hoảng. Bạn đã bao giờ rơi vào một tình trạng khủng hoảng, trực tiếp hoặc gián tiếp chưa? Có thể bạn chưa từng đối mặt với sự phá sản của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500, nhưng có lẽ bạn đã từgn chứng kiến một trận lũ lụt, sự thiếu trung thực của một lãnh đạo trong công ty, một vụ bùng phát ngộ độc thực phẩm ở một chuỗi nhà hàng Quốc gia, một thảm họa cháy công nghiệp, hoặc những tác động lan rộng của một sự kiện khủng bố. Tất cả các sự kiện này đều có thể được xem là các tình huống khủng hoảng.
Những học giả về truyền đạt thông tin trong môi trường khủng hoảng thiết kế một hệ thống phân loại các kiểu khủng hoảng để giúp họ lên kế hoạch đối phó với khủng hoảng, và nhờ đó giảm sự không chắc chắn khi khủng hoảng xảy ra. Điều phân biệt đơn giản nhất và có lẽ cũng là hữu dụng nhất khi phân loại các kiểu khủng hoảng là chia chúng thành hai thể loại: Các cuộc khủng hoảng gây ra một cách cố ý và các cuộc khủng hoảng gây ra bởi các yếu tố tự nhiên, không điều khiển được. Khi những nhà lên kế hoạch đối phó với khủng hoảng cố gắng “nghĩ những điều không thể nghĩ đến” để đoán tất cả các khủng hoảng mà họ có thể sẽ phải đối đầu, danh sách này không những dài vô tận, mà còn độc nhất vô nhị cho riêng công ty đó. Chúng tôi không có tham vọng liệt kê tất cả các kiểu khủng hoảng có thể xảy ra, bởi các hành động cố tình hay vô ý. Thay vào đó, chúng tôi xin cung cấp một danh sách các thể loại mà hầu hết các cuộc khủng hoảng đều nằm trong đó.
Những khủng hoảng do cố ý
Chúng tôi phân biệt 7 thể loại chung cho các cuộc khủng hoảng gây ra bởi các hoạt động cố ý nhằm gây hại cho một công ty:
1 – Khủng bố
2 – Phá hoại
3 – Bạo lực ở nơi làm việc
4 – Quan hệ giữa nhân viên và ban quản lý không tốt
5 – Kiểm soát rủi ro không tốt
6 – Sáp nhập theo kiểu chiếm đoạt
7 – Sự lãnh đạo thiếu đạo lý.
Kể từ sự kiện đau thương xảy ra vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, khủng bố đứng hàng đầu tiên trong danh sách các nguyên nhân cố ý khẩn cấp nhất gây ra khủng hoảng. Các công ty thuộc mọi thể loại giờ đây bắt buộc phải nhận thức được rằng: Các hoạt động khủng bố rất dễ gây cho họ những tổn thất nặng nề, phá hủy cả công ty và cả toàn bộ Quốc gia.
Các công ty cũng dễ bị tàn phá bởi sự phá hoại, bao gồm cố tình phá hỏng một sản phẩm hoặc khả năng hoạt động của một công ty bởi một ai đó bên trong công ty. Điển hình là phá hoại với mục đích trả thù. Tương tự, bạo lực ở nơi làm việc giờ đã trở nên quá phổ biến ở Mỹ. Những nhân viên hoặc cựu nhân viên khổ sở vì cách đối xử của một công ty gây ra bạo lực ở nơi làm việc với mục đích quá khích. Kết quả thường là: nhiều người bị thương, thiệt mạng, đồng thời, công ty và lực lượng lao động bị chia rẽ.
Các cuộc khủng hoảng trên phạm vi lớn cũng có thể bị gây ra bởi quan hệ giữa nhân viên và ban quản lý không tốt. Nếu một công ty không thể tạo nên các mối quan hệ tích cực giữa ban quản lý và các nhân viên, rắc rối sẽ dễ dàng xảy ra. Ví dụ, một công ty có thể mang tiếng xấu là có điều kiện làm việc không tốt. Nếu những điều kiện này được duy trì, công ty này có thể sẽ gặp khó khăn cả trong việc giữ nhân viên cũ và tuyển thêm nhân viên mới. Nếu thiếu nhân viên có đủ năng lực, một công ty không thể tiếp tục hoạt động.
Một khả năng khác là các nhân viên có thể rất bực mình, đến mức họ quyết định đình công. Trong hầu hết các trường hợp, các cuộc đình công của nhân viên gây ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định tài chính của một công ty. Chúng tôi nhận ra rằng, quan hệ không tốt giữa nhân viên và ban quản lý không phải là nguyên nhân của tất cả các cuộc đình công hoặc rắc rối về việc thay thế nhân công. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng khi vệc thay thế nhân công hoặc các cuộc đình công dẫn đến các tình huống khủng hoảng, mối quan hệ giữa ban quản lý và nhân viên thường gây nhiều bàn cãi.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Robert R. Ulmer, Timothy L. Snellnow & Mathew W. Seeger – Truyền thông hiệu quả trong khủng hoảng – NXB TT 2009.