Kỳ thực, sau sự kiện Sở Hoài vương, thế lực của nước Sở mỗi lúc một suy yếu, cái uy phong bá chủ ngày trước đã mai một. Nhưng cà cuống chết đến đít vẫn còn cay, đặc biệt là thế lực cát cứ địa phương của nước Sở rất nghiêm trọng, các bộ tộc đều có khả năng tác chiến độc lập nhất định. Bên cạnh đó là lãnh thổ rộng lớn, tài nguyên, nhân lực, vật lực làm hậu thuẫn đã tạo nên khả năng có thể chống cự tương đương với nước Tần. Nếu nước Tần muốn đánh bại hoàn toàn nước Sở thì phải dồn hết sức lực của đất nước.
Trong khi chinh phạt nước Sở, Tần Vương Chính đã phạm phải một sai lầm rất lớn. Thứ nhất là lực lượng trong tay ông khá mỏng, vì những vùng đất mới chiếm được của Yên và Triệu phải điều quân đến phòng thủ; thứ hai là binh lính của nước Tần đều giao phó cho một người chỉ huy, mà người này lại thiếu quyết đoán, do vậy ông ta có tâm lý bám vào sự may mắn, hy vọng có thể dùng một lượng nhỏ quân đội mà giành được thắng lợi trong cuộc chinh phạt nước Sở.
Trong hội nghị bàn bạc phương án tấn công nước Sở, Tần Vương Chính nhắm được một vị đại tướng trẻ tuổi tên là Lý Tín. Ông hỏi Lý Tín: “Nếu ngươi là người cầm đầu cuộc chiến đấu phạt Sở này thì ngươi cần bao nhiêu binh mã?”. Lý Tín trả lời: “Hai mươi vạn đại quân”.
Tần Vương Chính lại chuyển ánh mắt sang Vương Tiễn và dò hỏi: “Ngươi cảm thấy thế nào?”
Vương Tiễn đáp: “Theo tin thần tính toán nếu không có 60 vạn binh mã thì không xong”.
Tần Vương nói: “Vương tướng quân đã già rồi, không nên sợ hãi như vậy. Lý tướng quân tuổi trẻ, còn uy lực, vậy theo Lý tướng quân nhé!”
Tần Vương Chính bèn phong cho Lý Tín làm đại tướng, Mông Vũ làm phó tướng, dẫn hai mươi vạn binh mã tiến về phía Nam. Vương Tiễn lấy cớ đau ốm cáo lão về quê an dưỡng.
Trong thời gian này, Tần Vương Chính lại ban cho Vương Trách làm đại tướng, dẫn quân đi đánh nước Ngụy. Vương Trách dẫn đại quân bao vây Đại Lương. Trời mưa gió triền miên không ngớt nước sông dâng lên rất cao. Vương Trách lệnh cho quân sĩ phá đê cho nước tràn vào thành. Đại Lương không cần tấn công cũng tự bị phá. Ngụy Vương Giả bị bắt làm tù binh, nước Ngụy diệt vong, nước Tần chia nước Ngụy thành ba châu quận.
Nhưng điều mà Tần Vương Chính không ngờ tới là đại quân tấn công nước Sở lại bị đánh tơi bời. Lý Tín và Mông Vũ chia quân làm hai ngả, một tấn công Bình Dư, một ngả tấn công vào Tẩm Khâu, hẹn hội quân ở Thành Phụ. Sau khi Lý Tín tấn công Bình Dư, lập tức tiến thẳng đnế đánh Tây Lăng, giao chiến với đại tướng nước Sở là Hạng Yên. Do lực lượng quân đội hai bên ngang bằng nhau, quân của Lý Tín bị đánh cho đại bại, bảy viên đô úy chết, binh sĩ bị thương vô số, quân Tần đành phải rút lui về trong biên giới nước Tần.
Tần Vương Chính biết tin vô cùng giận dữ, giáng chức của Lý Tín, đồng thời đích thân phi ngựa đến quê của Vương Tiễn, mời Vương Tiễn xuất quân.
Vương Tiễn từ chối nói: “Thần đã già rồi, xin đại vương mời người khác!”
Tần Vương Chính nói: “Lần trước là do ta hồ đồ, lần này không phải là tướng quân xuất binh thì không được. Xin tướng quân đừng nên từ chối”.
Vương Tiễn nói: “Vậy nếu không có sáu mươi vạn đại quân thì không được”.
Tần Vương Chính nói: “Được rồi, cứ theo lời của tướng quân mà làm”.
Năm 224 trước Công nguyên, Tần Vương Chính tổng động viên toàn bộ quân đội của nước Tần, tập trung sáu mươi vạn binh lực, đích thân tiễn Vương Tiễn xuất chinh.
Chỉ một năm sau, quân đội của Vương Tiễn đã bắt sống Sở vương Phụ Sô, nước Sở chính thức bị diệt vong.
Cũng trong năm đó, Vương Tiễn lại dẫn quân tiến đánh, làm Việt quân phải hàng phục, lập nên quận Hội Kê, thống nhất cả lưu vực Trường Giang.
Con trai của Vương Tiễn là Vương Bôn sau khi diệt nước Yên lại chỉ huy quân đội tiến về phía Nam, thôn tính nước chư hầu cuối cùng là nước Tề.
Năm 221 trước Công nguyên, mấy chục vạn quân Tần tấn công nước Tề như đi vào chỗ không người. Quân đội của Tề vương về cơ bản không có sức chống cực. Lâm Tri bị chiếm lĩnh trong chớp mắt. Nước Tề cũng phải tuyên bố diệt vong.
Từ năm 230 trước Công nguyên bắt đầu việc chinh phạt nước Hàn, Tần Vương Chính đã mất khoảng thời gian là 10 năm để thôn tính sáu nước, chấm dứt cục diện cát cứ chia rẽ trong một thời gian dài, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã thiết lập một nhà nước phong kiến thống nhất theo chế độ trung ương tập quyền.
Lòng tham của con người là vô đáy, cho anh ta vàng bạc thì anh ta muốn có cả châu ngọc, phong cho anh ta chức công tước thì lại muốn được phong chức tể tướng, loại người này tuy giàu sang quyền quý nhưng lại can tâm làm kẻ ăn mày. “Được một thốn tiến một xích, được voi đòi tiên”, tham lam vô độ, bị ngập ngụa trong tiền bạc, biến mình thành nô lệ cho sự giàu sang, vì lợi mà không từ một thủ đoạn nào, tìm mọi cơ hội để kinh doanh quyền thế, loại người này sẽ chỉ nhận được sự chê cười của thiên hạ mà thôi; người tự biết mình là đủ, dù là ăn cơm nhạt rau hoang cũng thấy ngon hơn sơn hào hải vị, mặc áo vải thô cũng thấy ấm áp hơn mặc áo da cáo, loại người này tuy gọi là bình dân nhưng thực chất còn cao quý hơn các bậc vương tôn quý tộc.
Làm việc lớn có thành công và cũng có thất bại, công lao càng lớn thì tai họa đến càng nhanh, nên biết “Công cao vượt chủ”. Vương Tiễn trong tay nắm binh quyền của cả nước rất hiểu rõ đạo lý này, nên không chỉ khống chế thái độ biểu hiện công lao, địa vị, sự tự kiêu ngạo mạn, tuyệt đối không “duỗi” cái chí của mình ra để còn mở đường cho con cháu về sau.
8/ Tôn trọng đối phương
Trong giao tiếp, nếu bạn vô tình bị người khác phỉ báng, lúc đó, bạn phải phân tích thật kỹ càng. Khi người khác bị phỉ báng, bạn không nên nói lời khinh xuất, còn khi mình bị phỉ báng thì bạn không nên tức giận, xấu hổ, không nên thoái chí nản lòng. Chỉ cần bạn đi đứng, nói năng, hành động đúng đắn thì những lời nói kia sẽ dần trôi đi theo thời gian, bởi vì đối với người quân tử thì hoàn toàn kông có chỗ cho sự phỉ báng.
Phỉ báng bắt nguồn từ sự thù hận đố kị sẽ sinh ra phỉ báng Luận ngữ có chuyện nói xấu Khổng Tử, Tử Cống nói: “Trọng Ni không bị nói xấu. Trọng Ni, giống như mặt trời và mặt trăng, nhưng đối với mặt trời mặt trăng thì có gì có thể gây hại, có gì có thể phỉ báng đây?” Cũng chính là: Nhật nguyệt kinh thiên, muôn đời sáng soi, mọi người tuy muốn tự tuyệt với nhật nguyệt nhưng sẽ không thể làm tổn hại đến ánh hào quang của chúng. Không nói rằng bạn tự tuyệt mà nói rằng người muốn tự tuyệt, đây là cách đặc biệt làm cho lời nói của mình uyển chuyển, cho thấy rõ ràng bậc thánh hiền không dùng lời nói cứng rắn, thô bạo để phê bình người khác.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Vietbook – Nghệ thuật nắm bắt cơ hội tùy cơ ứng biến – NXB VHTT 2010.