Bí quyết của thành công – Phần IX


11/ Nuôi chí trong thanh đạm

Chính vì không tranh đấu với người khác nên mọi người cũng không ai tranh đấu với bạn. Không tranh đấu với đời tức là nuôi chí trong sự thanh đạm.

Đề xướng “thanh đạm” không phải để chúng ta trốn tránh hiện thực mà là hi vọng cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.

Có một số người lúc có tuổi, vinh hoa phú quí đều không màng đến nữa, nhưng đại bộ phận vẫn không rút ra được khỏi vòng danh lợi và vì danh lợi mà trăn trở khôn nguôi.

Trong Giới Dư thư của Gia Cát Lượng có viết: “Hành động của người quân tử lấy tĩnh để tu thân, lấy việc kiệm để dưỡng đức, không thanh bạch không thể có chí sáng, không yên lặng không thể vươn xa. Công phu học phải tĩnh, muốn có tài phải học, không học không phát triển được. Lười biếng thì không thể đi sâu nghiên cứu, nóng vội thì không thể hiểu biết cặn kẽ. Năm tháng trôi qua, ý cũng trôi qua, người toại nguyện như ý trên đời này rất hiếm hoi. Cứ giữ cảnh nhà nghèo, còn gì bằng được?”

Ở đây, chữ “kiệm”, chữ “tịnh” rất quan trọng đối với đạo làm người, kiệm tức là thanh bạch, tịnh tức là yên tĩnh. Một số người nói “thanh đạm” dường như là “lãnh đạm”, là “vô tri”, kỳ thực thanh đạm chủ yếu là chỉ nên cần kiệm, giản dị trong cuộc sống vật chất. Bởi vì phẩm chất tinh thần của con người chỉ trong lúc giản dị bình thường mới bộc lộ ra. Đó gọi là “thanh đạm” để sáng chí. Sáng cái chí theo đuổi những tinh thần “Đức”, “Tài”, “Học”. Còn sự lãnh đạm có thể giúp cho cuộc sống an lành, có ý nghĩa hơn. Có điều đây không phải là mục đích theo đuổi cuộc sống vật chất giản đơn, nên trong những người mê vật chất có chút “vô vi”, kỳ thực “vô vi” chính là sự biểu hiện siêu việt của tinh thần. Chúng ta có thể hình dung, nếu ai đó chỉ chìm đắm trong biển dục vọng vật chất thì liệu có thể hi vọng anh ta vượt lên được hiện thực không? Vì thế “thanh đạm để sáng chí” là rất có lý. Còn về “tĩnh tâm để vươn xa” cũng rất sâu sắc. Giới hạn đời người có cao có thấp, chí hướng của con người có xa có gần, điều đáng tiếc nhất của việc làm người là tầm nhìn hạn chế, không có chí lớn, cuối cùng vật lộn trong một khoảng trời đất nhỏ hẹp. Đó là người có hiểu biết nghèo nàn, bụng dạ hẹp hòi. Nguyên nhân lớn nhất làm con người có tầm nhìn nông cạn chính là bộp chộp, tham lam, nóng lòng lập công đoạt lợi, không thể tĩnh tâm, không chịu được cô đơn, tự nhiên không thể làm nên đại sự, kết quả là chỉ có thể để năm tháng trôi đi vô nghĩa, dần dần tài năng cạn kiệt, không để lại gì cho đời. Do vậy, về mặt tinh thần phải tĩnh tâm, đứng trước sự cô đơn hiu quạnh không bị gục ngã, không bị vật chất cám dỗ, đó chính là “tu thân”, “quảng tài”. Xét trong lịch sử, những người siêu việt, những người có công trạng có ai là không vậy đâu.

Xưa nay, rất nhiều người dùng mười chữ “đạm bạc dĩ minh chí, ninh tĩnh dĩ chí viễn” (thanh đạm để sáng chí, tĩnh lòng để vươn xa) để tự động viên mình. Tinh thần của con người một khi đã thoát ra khỏi sự ràng buộc của hiện thực, không chỉ đạt được lưỡng tiện trong sự được mất về vật chất, mà còn có một thái độ “vô khả vô bất khả” (cái gì cũng có thể, cái gì cũng không thể) đối với rất nhiều quan niệm thế tục. Một khi về mặt quan niệm cho rằng lưỡng khả thì rất nhiều buồn phiền, thiên bẩm cố chấp của con người sẽ tan biến như mây khói. Chẳng hạn hai người tranh luận với nhau một vấn đề nào đó, anh thắng thì tôi không thể hiện những điều anh nói là đúng, ngược lại, tôi thắng, anh cũng không chịu thừa nhận. Nếu hai người cứ tranh cãi không ai chịu ai, như vậy đành phải chờ người thứ ba phân giải. Nếu người thứ ba đó đồng quan điểm với ai, chắc chắn sẽ thiên về người đó, và tôi sẽ không phục. Nếu người đó có cùng quan điểm với tôi, chắc chắn sẽ đứng về phía tôi, bạn cũng sẽ không phục. Mà cũng không thể có người quan điểm giống cả tôi và bạn. Nhưng như vậy không những bạn và tôi đều không phục mà từ chỗ “hai nước tương giao” biến thành “ba nước thế chân vạc”. Con người không phải lúc nào cũng có thể phán xử một cách công bằng đúng đắn. Bởi vì con người không phải là một cỗ máy, con người còn có tâm tư, thói quen và thành kiến, hơn nữa công lý cũng thường xuyên thay đổi. Do vậy, những người có tấm lòng rộng mở đối với cuộc sống có thể luôn giữ một hái độ rộng lượng khoan dung. Trong lòng anh ta đất trời rộng mở, cuộc sống tươi vui, tinh thần tự do, “vô cầu” chính là đạo lý này.

12/ Trong gian nan cần sáng suốt

Một con người trước hết phải nhận thức được mình đang ở trong hoàn cảnh nào, đồng thời có thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Trên đường đời không vì thành công mà vui vẻ, cũng không vì thất bại mà nhụt chí. Bất kể là tai họa hay hạnh phúc cũng vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng của cuộc sống, nỗ lực sáng tạo ra hoàn cảnh mới tốt đẹp hơn.

Thời Hán, Tư Mã Thiên có viết bộ Sử ký, được Lỗ Tấn coi là “kiệt tác của nhà sử học, một khúc ly tao không vần”, có tính dân tộc sâu sắc và đạt tới trình độ tuyệt vời. Nó đã mang lại bước chuyển lớn trong đề tài ca tụng sự phản kháng và nổi dậy của nhân dân bị áp bức. Bộ sách này dù là về sử học hay văn học đều có tác động lâu dài, cách viết của nó bộc lộ tinh thần nhẫn nhục của Tư Mã Thiên. Ông đã nuốt tủi ngậm hờn để hoàn thành bộ kiệt tác vĩ đại này.

Tô Vũ đi sứ Hung Nô bị giữ lại đến năm thứ hai. Hán Vũ đế rất tức giận, bèn cử Nhị sư tướng quân Lý Quảng Lợi thống lãnh ba vạn đại quân đi đánh Hung Nô, nhưng toàn quân đại bại trở về. Kỵ Đô úy Lý Lăng dẫn năm nghìn tinh binh giao chiến với Hung Nô, Đơn Vu dùng hai vạn quân đánh bại Lý Lăng. Lý Lăng anh dũng quyết chiến, giết được hơn ba nghìn quân địch. Do có kẻ phản bội bán đứng nên quân Hung Nô biết Lý Lăng không có viện binh, lại đã hết sạch tên bắn, liền thắt chặt vòng vây. Lý Quảng Lợi cũng không dẫn binh đến viện trợ. Lý LLăng không còn cách nào khác đành phải đầu hàng. Quần thần trong triều lần lượt thổi phồng, khuếch đại sai lầm của Lý Lăng. Khi Hán Vũ đế hỏi chuyện của Lý Lăng, Tư Mã Thiên liền nói rất thẳng thắn, rằng: “Với người thân thì hiếu nghĩa, với quân sĩ thì tin cậy, luôn hết mình vì sự an nguy của đất nước. Con người ông ta là vậy, có phong thái của bậc quốc sĩ. Chuyện hôm nay chỉ vì không may, đều là vì đất nước mà gặp nạn. Thật là đau xót. Hơn nữa quân của Lý Lăng chưa đầy năm nghìn, bị vây giữa nơi binh mã cấp bách, chống lại hàng vạn quân địch, không có quân cứu viện, cầm đao lên liều chết với địch, những danh tướng thời xưa cũng không thể hơn ông ấy. Tuy lần này thất bại nhưng con người ông ấy không bại, âu cũng là việc đáng ghi nhớ trong thiên hạ. Ông ấy không chết cũng là vì muốn báo đáp nhà Hán”. Tư Mã Thiên không làm tăng thêm tội cho Lý Lăng mà lại gỡ tội cho Lý Lăng. Hán Vũ đế tức giận, khép cho ông tội “phủ hình”, tức bị thiến. Tư Mã Thiên và Lý Lăng đều là bề tôi trong cùng một triều, bình thường không qua lại với nhau, chỉ vì trung thành nói thật mà đắc tội, phải chịu cực hình khó chịu nhất của con người. Lúc đó, gia cảnh nhà ông rất nghèo túng, không có tiền để chạy tội, bạn bè lúc thường qua lại thân thiết giờ cũng làm ngơ. Đòn này thật quá nặng nề, quá đau đớn khiến ông không thiết sống nữa. Sau nhiều ngày tự vật lộn với chính mình, cuối cùng Tư Mã Thiên đã bình tĩnh lại và cho rằng mình phải nhẫn nhục chịu đựng để viết cuốn Sử ký làm nên một sự nghiệp lớn lao. Phải học tập Khổng Tử, Khuất Nguyên, lấy văn chương làm vũ khí để vạch trần đen tối, ca ngợi chính nghĩa, đả kích cái xấu xa, đánh giá những kỳ tích, hoạt động của những nhân vật lịch sử trong cuộc sống, trong công việc và chiến đấu.

Khổng Tử nói: “Bậc quân tử không dụng tâm trí thì tên tuổi không được truyền tụng”. Tư Mã Thiên nói: “Người xưa phú quý mà tên tuổi bị mai một, không thể ghi chép truyền tụng lại thì đời sau, không thể xưng là người phi phàm”. Người phi phàm mà ông nói ở đây là người có thể luận thuyết, danh của Tư Mã Thiên không thể nói là giống với những kẻ mua danh hay hư danh ở đời. Ông là người có hoài bão lớn lao, muốn viết bản cáo trạng đối với xã hội phong kiến. Nếu không có Tư Mã Thiên thì những nghiệp lớn khó mà truyền lại cho hậu thế.

Hạnh phúc và niềm vui của đời người có thể khiến cho bạn từ trong sự dâng cao của khát vọng tiến tới chỗ sa ngã. Chỉ có lao động và tiết kiệm mới là cái tích cực khiến cho bạn từ trong nỗi đau khổ có thể tăng thêm dũng khí để tồn tại, khám phá ra chân lý của cuộc sống.

Trên đường đời, chúng ta đi càng nhiều thì càng nhận thức một cách rõ ràng thế giới này. Chỉ có từ sự hiển thị của lương tri xây dựng lên một thế giới tinh thần; từ trong cảnh giới của triết học để tự giải phóng mình.

Chúng ta không ai là không muốn có được sự hưởng thụ cao về mặt vật chất, muốn an ủi tinh thần những linh hồn suốt đời đau khổ. Để cho mõi một tâm hồn trong cuộc đời mình hướng thiện, không có những mê hoặc hay lo sợ, vĩnh viễn sống một cuộc sống tự do. Bằng ngòi bút chân thực, ông đã vạch trần tội chứng của thế lực tà ác, đồng thời ngợi ca sự lương thiện của con người.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Vietbook – Nghệ thuật nắm bắt cơ hội tùy cơ ứng biến – NXB VHTT 2010.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s