Khoan dung với sự vô lễ hay lỗi lầm của người khác sẽ làm cho người ta phải khâm phục bạn, sau đó bạn sẽ có được những kết quả tốt ngoài tưởng tượng. “Bị nhớ hãy tích lại, muốn làm tốt biến to thành nhỏ” chính là ý nghĩa này. Khoan dung sẽ thành phẩm chất vĩ đại nhất của mỗi người nói riêng và nền văn hóa thế giới nói chung.
Tinh hoa của học thuyết Nho gia là nghệ thuật điều hòa các mối quan hệ giữa người với người. Khoan dung là một bộ phận cấu thành quan trọng của nghệ thuật xử thế. Khoan dung ứng vào thực tế cuộc sống chính là sự hiền hòa, như lời Khổng Tử nói: “Vô ý, vô cớ, vô tất, vô ngã”, tức là thế này cũng tốt, thế kia cũng được, tùy cơ ứng biến. Những người có tính hiền hòa như thế thì được gọi là người “ba phải”. Người có tính ba phải nổi tiếng nhất phải kể đến Tư Đức Mã Tháo thời hậu Hán. Khi nghe Lưu Bị cất nhắc Gia Cát Khổng Minh ông ta bèn nói “tốt”. Có người nói với ông ta rằng đứa con đã chết, ông ta nói: “Tốt quá”. Người vợ trách rằng: “Con người lấy đức làm trọng, sao nghe thấy chuyện con người ta chế mà lại nói là tốt”. Ông ta trả lời rằng: “Ta lại thấy như vậy là tốt”. Vì thế, chuyện người có tính ba phải này lưu truyền cho tới ngày nay. Sự hòa dịu của con người tuy không bắt buộc giống như Tư Mã Đức Tháo, nhưng tinh thần này vẫn có ích trong việc đối nhân xử thế. Trên đời thái độ xử thế khoan dung “đại nhân không tính toán với tiểu nhân” rất đáng được học tập, trong suy nghĩ của bậc “đại trượng phu”, trời đất là mênh mông, cuộc sống là vui vẻ, tinh thần là tự do, cho nên người khoan dung độ lượng có thể có thái độ vị tha đối với cuộc sống.
15/ Người thức thời là tuấn kiệt
Con ốc sên dường như rất thích thú khi cử động hai chiếc sừng nhỏ ở trên đầu của mình, nhưng hai chiếc sừng nhỏ này lại không có uy lực mạnh mẽ. Nếu như chỉ tập trung tranh giành trên chiếc sừng mềm yếu đó thì phạm vi xung quanh chẳng phải càng thu hẹp hơn hay sao, chẳng phải là tự hạn chế mọi cơ hội của mình hay sao? Như thế, dù có thành công nhưng cũng là việc không hợp lẽ lắm. Song sự tranh giành giữa người với người thường cũng chỉ như thế mà thôi, điều này há không phải là chuyện đau lòng sao?
Từ “đấu tranh” nghe giống như một hành động dũng cảm mà xứng đáng, nhưng vấn đề là phải có suy nghĩ sáng suốt. Rốt cuộc là vì nguyên nhân gì lại đấu tranh, có phải là vì danh dự, vì việc tự tình nữ nhi mù quáng hay tiền bạc? Sau một hồi suy ngẫm thì sẽ phát hiện rất nhiều sự đấu tranh to nhỏ chẳng qua đều là vì chuyện vặt vãnh, chuyện không tên mà thôi.
Cuộc đấu tranh trên cái sừng của con ốc sên cũng giống như hình ảnh thu nhỏ từ cuộc đấu tranh của con người. Vì những chuyện chẳng có ý nghĩa gì to tát mà đấu tranh, rốt cuộc bỏ phí cuộc đời, đây là việc khiến cho người ta cảm thấy thật đáng tiếc. Năng lực cá nhân cho dù chưa thể hoàn thành công việc to lớn thì chí ít cũng nên vận dụng vào những việc có ý nghĩa, không phải chỉ gói gọn ở hai sừng ốc sên bé nhỏ ấy, phải cố gắng mở rộng đến phạm vi rộng lớn hơn.
Khi Tùy Dương Đế đến Dương Châu, lệnh cho Dương Tố trấn giữ Trường An. Dương Tố là người có địa vị cao, quyền thế lớn, hách dịch, xa xỉ thường ngồi trên giường tiếp khách, người hầu đứng xếp hàng bên cạnh. Một hôm, Lý Tịnh lấy tư cách là dân thường đến hiến kế. Dương Tố ngồi trên giường tiếp kiến ông ta. Lý Tịnh bước lên trước nói: “Nay thiên hạ đang loạn, anh hùng hào kiệt ồ ạt nổi lên. Ông là đại thần của triều đình, phải có dự định chiêu mộ hào kiệt, không nên dùng thái độ kiêu ngạo để tiếp khác”. Dương Tố nghe xong vội ngồi dậy, tỏ vẻ rất vui mừng trò chuyện với Lý Tịnh, sau đó quay về phòng. Trong lúc Dương Tố và Lý Tịnh đang nói chuyện, có một thị nữ rất xinh đẹp, tay cầm chiếc phất trần màu đỏ đứng ở trước chăm chú nhìn Lý Tịnh, khi Lý Tịnh ra về thì cô ta vội vàng đến bên hỏi: “Họ gì? Sống ở đâu?”. Lý Tịnh nói với cô ta.
Lý Tịnh trở về phòng trọ, đến canh năm đột nhiên nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Lý Tịnh tỉnh dậy ra mở cửa thì thấy một người mặc bộ quần áo màu tím, đội chiếc mũ lớn, gánh hành lý trên một chiếc gậy. Người khách lạ nói: “Thiếp là người con gái cầm cây phất trần đỏ trong nhà Dương Tố”. Lý Tịnh vội mời cô ta vào phòng, người này cởi áo mũ ra, hóa ra là một cô gái đẹp khoảng mười tám, mười chín tuổi, sau khi hai bên chào hỏi nhau xong, người con gái nói: “Thiếp đến gửi tấm thân này cho ngài”. Lý Tịnh nói: “Dương phủ rộng lớn, quyền cao chức trọng, thế này sao được?” Người con gái nói: “Ông ta đã lớn tuổi rồi, rất nhiều thị nữ đã rời khỏi ông ta, ông ta cũng không sao truy cứu được. Trước khi đến đây thiếp đã suy nghĩ hết mọi lẽ rồi, ông không phải lo lắng gì đâu”. Rồi cô ta nói cô ta họ Trương. Lý Tịnh vừa mừng vừa sợ, cảm thấy thấp thỏm không yên. Mấy hôm sau, cô gái vẫn không hề thay đổi ý kiến, lại cũng không nghe thấy có người đang đi tìm mình nên Trương Thị đã cải trang thành nam nhi rồi cùng Lý Tịnh quay về Thái Nguyên.
Một hôm tới quán trọ Linh Thạch, giường đã chuẩn bị sẵn, thị dê trên bếp cũng đã chín, Trương Thị đang chải tóc, Lý Tịnh đang kỳ cọ cho ngựa bên ngoài thì bỗng có một người tầm thước, râu quai nón dài, đỏ, cưỡi con lừa quê đến, vào phòng, đặt hành lý lên trên bếp, lấy chiếc gối rồi tự nhiên nằm xuống nhìn Trương Thị chải đầu. Lý Tịnh rất bực, Trương Thị nhìn kỹ người này, một tay nắm lại, một tay đưa ra đằng sau xua xua, ý bảo Lý Tịnh đừng nổi nóng. Trương Thị chải đầu, mặc quần áo xong liền hỏi ông ta họ gì, ông ta nói: “Họ Trương, là con thứ ba”. Trương Thị nói mình cũng họ Trương, nên gọi nhau là huynh muội. Cô gọi Lý Tịnh lại: “Chàng Lý mau vào gặp anh ba”. Lý Tịnh vội chào người khách. Ba người ngồi với nhau, người khách hỏi đang nấu món gì trên bếp, Trương Thị nói: “Là thịt dê, có vẻ đã chín rồi”. Người khách nói: “Tôi đói rồi”. Lý Tịnh vội ra phố mua rượu. Người khách lấy ra một con dao nhỏ, cắt thịt và ăn uống rồi đem số thịt, xương còn lại cho lừa, hành động rất nhanh. Người khách hỏi: “Xem ra Lý lang là kẻ hàn sĩ, làm thế nào có được người con gái đẹp như vậy?” Lý Tịnh thuật lại mọi chuyện cho ông ta nghe, nói rằng dự định đến Thái Nguyên lẩn trốn. Người khách lúc này muốn uống rượu bèn đến mở hành lý của mình lấy ra một cái đầu người và một bộ tim gan. Ông ta cất đầu đi, thái tim ra nhắm rượu, vừa uống vừa nói: “Đây là người vong ân bội nghĩa nhất trên đời, tôi hận hắn ta mười năm rồi, hôm nay đã tìm thấy hắn ta, rửa được hận”, rồi nói tiếp: “Tôi thấy anh Lý quả thật dung mạo hiên ngang, là người rất có tương lai, anh có nghe thấy ở Thái Nguyên có người rất tài giỏi không?” Lý Tịnh đáp: “Tôi đã từng nhìn thấy một người họ Lý, mới hai mươi tuổi, là một nhân vật phi thường”. Vì thế hai người hẹn gặp nhau trên cầu Thần Dương, muốn thông qua một người tên là Lưu Văn Tĩnh, người đó quen biết với vị công tử họ Lý nnày để gặp anh ta.
Đúng ngày hẹn, Lý Tịnh gặp người khách rồi lại hẹn Lưu Văn Tĩnh gặp công tử Lý, công tử Lý phong thái rất đường hoàng đĩnh đạc, sau khi uống vài chén người khách nói với Lý Tịnh: “Đây mới đúng là chân thiên tử”, rồi từ biệt, lại hẹn gặp nhau trên cầu Thần Dương. Khi gặp thì người khách đang đánh cờ với một đạo sĩ, Lưu Văn Tĩnh cũng mời công tử Lý đến. Vị đạo sĩ đang đánh cờ nhìn thấy vẻ sáng sủa của công tử Lý liền nói: “Ván cờ này xin thua”, rồi không chơi nữa mà rời khỏi đó. Người khách lại hẹn gặp Lý Tịnh tại một ngôi nhà nhỏ ở Kinh Sư. Lý Tịnh gặp vợ con của ông ta, lại thấy trong nhà bầy la liệt đồ quí hiếm, nô tì rất đông. Uống rượu xong, ông ta gọi người nhà khiêng ra hai mươi chiếc giường, bên trên che gấm hoa, lật ra đều là đồ quý và tiền bạc, nói: “Đây là toàn bộ tiền bạc của tôi, tăng cho anh hết, vì sao ư? Muốn hoàn tất sự nghiệp, còn phải đấu tranh hai mươi, ba mươi năm nữa. Bây giờ thiên hạ đã có chủ, tôi còn ở đây làm gì? Công tử Lý ở Thái Nguyên thực sự là một quốc chủ anh minh, trong vài ba năm nữa thiên hạ sẽ thái bình. Lý Tịnh, câu có kỳ tài, nếu phù trợ cho chủ anh minh, tận tâm tận lực thì sẽ thành đại thần. Không c1o Trương muội, tôi không thể quen biết được với cậu. Không có Lý Tịnh thì cũng chẳng thể làm Trương muội được vinh dự. Người ta hoàn thành sự nghiệp cũng không phải là ngẫu nhiên. Hôm nay tôi giao hết gia sản cho anh, mong anh dùng nó để phò trợ minh chủ, giúp đỡ công tử Lý ta làm tròn đại nghiệp. Hy vọng anh sẽ nỗ lực hết mình, mười năm sau, trong vòng mấy nghìn dặm vùng Đông Nam này sẽ có chuyện kỳ lạ xảy ra, đó chính là thời điểm thành công của ta. Trương muội có thể uống rượu chúc mừng cùng anh Lý”.
Sau đó người lại ra lệnh cho người nhà ra bái kiến, rồi nói: “Lý Tịnh và Trương muội từ nay sẽ là chủ nhân của các người”. Nói rồi bèn cùng vợ và một người hầu thắng ngựa đi.
Lý Tịnh được nhà cửa của ông ta, phút chốc trở thành người giàu có, dùng tiền bạc giúp Lý Thế Dân giành được thiên hạ. Sau khi Lý Thế Dân lên ngôi hoàng đế, Lý Tịnh làm quan đến chức Hữu bộc xạ bình chương sự. Sau được tin là ông khách có bộ râu quai nón kia phò giúp cho quốc vương, Lý Tịnh và Trương Thị liền hướng về phía Đông Nam dâng rượu. Tương truyền binh pháp của Lý Tịnh là đều do ông khách có bộ râu quai nón này truyền lại, sau này Lý Tịnh được phong là Vệ quốc công.
Nghe đâu trước đó ông khách có bộ râu quai nón kia có ý muốn tranh giành thiên hạ với Lý Thế Dân, muốn xem thật giả thế nào nên mời Lý Thế Dân đến. Ông ta nhìn khắp lượt, rồi nói: “Tôi muốn định thiên hạ”. Lý Thế Dân ung dung mỉm cười: “Tôi muốn là định được thiên hạ”, ông khách có râu quai nón bất giác thở dài, bước ra đến cửa, tự nhận không bằng Lý Thế Dân, từ bỏ tham vọng tranh đoạt thiên hạ. Rồi quyết tâm gửi gắm hết sản nghiệp cho Lý Tịnh, bảo anh ta phò giúp Lý Thế Dân làm nghiệp lớn. Hành động này đích thực là sự thể hiện đầy đủ bản sắc anh hùng, tính cách khẳng khái, thức thời của người nghĩa hiệp. Hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, ngưỡng mộ tán thưởng lẫn nhau, cùng trở thành người tốt đều là những biểu hiện của nghĩa khí. Trong thời buổi thiên hạ loạn lạc, nhân dân đều mong chờ người hiền ra giúp đời, trị quốc an dân, hy vọng có bậc anh hùng hào kiệt thật sự biết lấy đại cục làm trọng, không bận tâm đến cái được mất của cá nhân, sớm chấm dứt sự tranh giành, đạt đến mức độ lý tưởng thiên hạ thái bình.
Hoàn cảnh xã hội tương đối ổn định cũng luôn cần đến nghĩa khí, vì xã hội luôn phát triển tiến lên phía trước, đòi hỏi trượng nghĩa trở thành một tập tục xã hội không thể thiếu. Thiết nghĩ lấy sự thành thực để gặp nhau, giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau, cùng nhau làm nên đại sự thì có gì là không tốt. Điều này nếu được phổ biến thì sẽ thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Từ đó có thể thấy những bậc nghĩa hiệp được đời sau yêu quý không phải là ngẫu nhiên.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Vietbook – Nghệ thuật nắm bắt cơ hội tùy cơ ứng biến – NXB VHTT 2010.