“Khởi phát” và “thu nạp” hay hai năng lực để đi vào bản chất của thực tại – Phần III


Thuật ngữ thứ hai từ cách tính này (hanh – r) được hiểu như là sự kéo dài trực tiếp của thuật ngữ trước đó và mang nghĩa phát triển và mở rộng. Nó gợi ra, qua hình ảnh về năng lượng được tỏa ra từ các thực phẩm và làm chín chúng (trang 44), sức mạnh chứa đựng khả năng khởi nguyên tương tự nhằm truyền bá dần dần đến mọi nơi trong thực tại và đạt tới sự phát triển sung mãn. Từ kích thước xuyên cá thể của quá trình này, nơi mà tính liên tục của sự hiện tồn được rút ra, Thoán từ bắt đầu từ các môtíp về “những đám mây”, về “cơn mưa”, và từ phương thức của một “dòng chảy” liên tục:

Vân hành vũ thi phẩm vật lưu hình

(Nghĩa là: Mây đi mưa tới, sắp đặt các vật, lưu chuyển các hình – ND)

Sự thai nghén này tiếp tục từ đó diễn ra tiến trình vận động hiện tại như Vương Phu Chi nói, không có gì phản ánh sự phát triển đó tuyệt vời hơn là các đám mây; sự hòa trộn hữu hiệu này bao trùm cả mặt đất và lam cho muôn vật tốt tươi, không có gì làm nổi bật sự phát triển đó tuyệt vời hơn là mưa. Giờ thì ta sẽ đi từ các hiện tượng vật lý này, là cách thức biểu hiện nhạy bén đến cái tạo ra khả năng ấy; phù hợp với nguyên tắc bất quan bất kiến: nó là dòng chảy hay “luồng chảy” ấy vốn không ngừng vượt qua các nét cá thể và mới hóa chúng phù hợp theo chủng loại của chúng (so sánh: ý nghĩa của phẩm – s); nhờ nó, sự hiện tồn không ngừng “được thực tại hóa” và luôn ở trạng thái vận động mãi.

Hai thuật ngữ cuối cùng của hình thức cơ bản này liên hợp cái này với cái kia nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của hai thuật ngữ đầu. Bởi thế cả bốn khái niệm này, theo Vương Phu Chi đều cùng phản ánh “một lý luận”. Khái niệm “lợi ích” (lợi – t) gợi ra tính hiệu quả từ khả năng khởi nguyên và phát triển, đưa đến kết luận về sự ưu thắng khi nó diễn ra đối với mọi sinh thể: bởi thế nó xa vời với ý nghĩa và quyền lợi cá thể hay quyền lợi vị kỷ (tương ứng với lợi ích cá nhân), nó tạo ra giá trị về tính thực chứng tổng thể của quá trình này, tại đó sự mở rộng năng lượng dương được thực hiện vì tất cả và “không hề tiết kiệm”. Thuật  ngữ cuối cùng trong số các khái niệm này, tóm lại, khái niệm về “tính toàn vẹn” (nó có hai nghĩa trong thuật ngữ này bằng tiếng Pháp: Trinh – u) ghi nhận “sự đúng đắn” đồng thời như là hằng số và sự “bền vững” (chính nhi cố – v): bởi thế, trong thế gian, Vương Phu Chi nói, “cái không phải là thẳng (đúng đắn) thì không có khả năng bảo tồn”; và bởi lẽ Thiên không bao giờ sai lệch tính đúng đắn trong tiến trình phát triển của nó (và trước tiên là tiến trình vận hành của các sao và các mùa) mà nó luôn luôn có khả năng theo đuổi tiến trình đó).

Nỗ lực cơ bản nhằm chứng minh mà từ đó Vương Phu Chi được cung cấp chứng tỏ rằng “lợi ích” và “toàn vẹn” đi sóng đôi với nhau và hai khái niệm này liên kết lẫn nhau. Bởi vì cái lợi ích được rút ra từ sự thực hành của khả năng khởi nguyên ấy luôn luôn tương hợp với “phận riêng của mỗi người” và bởi vì nó cũng tôn trọng lợi ích chung, cho nên một lợi ích như vậy luôn luôn là “đúng đắn”; tính đúng đắn trong mối tương hỗ cũng được phản ánh như vậy đối với mọi tình huống và mọi sinh thể tồn tại là có lợi cho tất cả. “Đức” và “Phúc”, Vương Phu Chi kết luận, đều “bắt nguồn từ” “cùng một cội nguồn và không bao giờ mâu thuẫn với nhau”. Điều đó có nghĩa từ phương diện mà nó không thể sáng rõ hơn được nữa, nếu ta tái thể hiện vị thế này qua các thuật ngữ vốn rất quen thuộc của ta, mối liên hệ liên kết “Phúc” và “Đức” (theo cách “tổng hợp”, như cách nói của Kant, và không phải bằng phân tích, bởi lúc đó nó chỉ còn có nghĩa là sự hòa trộn đơn giản của hai) khẳng định hoàn toàn từ đây, thế giới này, là duy nhất trong cách nhận thức của người Trung Hoa, và nó cũng không cần tới một sự hòa giải cuối cùng nào để đợi chờ ở cõi Thiên đường): qua lăng kính xuyên cá thể và tổng quát vốn là cách nhìn của quá trình vận hành thế thực tại này (khác biệt với ý nghĩa của cách nhìn cá nhân về “linh hồn” của phương Tây, đặc biệt ý nghĩa của các định đề triết học của Kant), sự liên kết phối thuộc của Phúc và Đức, do đó, không bao hàm một sự vượt gộp nào của kinh nghiệm hay của các cảm giác, nó hàon toàn tự vận động từ bên trong của chính quá trình ấy và hoàn toàn tự ý.

Cũng như vậy, lời Thoán từ đã đề cập tới khái niệm “tính lợi ích” và “tính toàn vẹn từ phương diện phối kết qua cách gợi mở tổng quan:

Đức sáng bao la, từ đầu chí cuối

Sáu vị thế khởi động, cái nào theo thời gian cái ấy;

Trong mọi thời điểm, sáu con rồng vượt lên cùng hướng về Trời

Con đường của Càn (khả năng khởi nguyên vĩnh hằng)

đổi thay và chuyển hóa

Và mỗi con rồng mang bản chất rồng trở thành thuộc tính

của nó để tạo ra sự đúng đắn.

(Tất cả) tự bảo tồn và tự thống nhất trong một sự hài hòa vĩnh cử;

đó chính là “lợi ích” và “sự toàn vẹn”.

Trước khi là khái niệm của bậc minh triết (như cách hiểu rất hẹp ở Legge, trang 214, hay Wilhelm, trang 415), cái “đức sáng bao la” qua đó mở ra sự phát triển này, theo Vương Phu Chi là Đức sáng chính quá trình của Thiên: cái đưa ra cách biểu thị tạo ra ý nghĩa về quá trình hoạt động ấy của thực tế và không diễn ra vô ích, không phải mù quáng, và tương tự quá trình này không ngừng tự liên kết với chính nó và sự trải rộng của nó là không bao giờ ngưng trệ (cái “kết thúc” cũng bao hàm cái “mở đầu”, ngay cả nó là sự tiếp tục của chính nó, bởi thế, không hề có sự mở đầu từ đầu). “Sáu vị trí” hiển nhiên là sáu hào của quẻ kép được vạch ra trong các giai đoạn kế tiếp nhau của quá trình phát triển sinh thể và sự vật. Nếu một trong sáu vị trí chuyển hóa “theo thời gian của nó”, thì sự khác biệt này của các trường hợp phải được quên đi như tất cả đều đồng quy vào một kết quả, như những con ngựa được thắng cùng một cỗ xe: con ngựa của tiến trình “bị điều khiển” bởi các hiện tượng và nhịp nhàng khởi hành trong cõi thế gian. Cũng tương tự, dù sự thay đổi mà đối tượng là thực tại vẫn không ngừng tiếp diễn, mỗi đặc trưng cá thể được rút ra từ quá trình tạo sinh lớn lao, đều nhận từ quá trình ấy “chuẩn mực” riêng của mình, cái tạo ra “bản chất” và đi kèm với nó là “số phận” (tắc, tính, mệnh – w). Và từ đó, mỗi một chuẩn tuân thủ sự đòi hỏi tự thân từ bản chất của nó, các đòi hỏi cá nhân này tự ngăn ngừa lẫn nhau, các số phận này tự thống nhất và tự hòa giải. Trong các điều kiện như vậy, kết quả chỉ có thể là một sự “hài hòa”.

Có thể đọc thấy sự phát triển tương tự từ vấn đề của Minh triết. Nhờ có “đức sáng” vốn đóng vai trò vĩnh hằng bởi lẽ nó biết kết hợp từ đầu đến cuối, trong thâm tâm, cái luận lý mang tính khởi nguyên và mang tính quy tắc của tiến trình vận hành của sự vật (So sánh khái niệm: Hành – Kì minh giả, vô phi hành dã – x), cái luận lý này cũng có thể nắm bắt từng phần từ tất cả các giai đoạn phát triển của hiện thực, có thể tự sinh cho những gì đòi hỏi từ mỗi trường hợp riêng biệt và không bao giờ sai lệch định hướng đường đi. “Tính lợi ích” và “Tính toàn vẹn” khi đó tiếp nhận ý nghĩa chính trị: nhờ ảnh hưởng mở rộng không mệt mỏi của sự truyền bá tình cảm đạo đức của ông, nhà minh triết trở nên có ích cho tất cả “ngay cả khi họ không nhận biết”, đạo đức của ông xuyên thấm vào họ một cách tự nhiên và ông nâng họ lên đúng tầm cuộc sống, khi mở rộng không ngừng trong mọi người, tác động vào mọi người mà mọi người không biết; ông “bảo tồn” họ, do vậy, bằng cách giữ vững sự thống nhất của họ trong tính “đúng đắn”: như Thoán từ đã đúc kết lại điều này khi theo dõi quá trình phát triển ấy, “hòa bình” cho “mọi xứ sở” là sự chuyển dịch xã hội của sự hài hòa tự nhiên này.

Như vậy, đạo đức chỉ là sự phản ánh, trên bình diện nhân văn, cái đã tạo ra tính luận lý sáng ngời của hiện thực. Bởi vì, như đã thấy, chính năng lực khởi nguyên và mở rộng có sẵn trong cội nguồn của tất cả mọi hiện tượng tiếp thêm sức lực thường xuyên cho nhận thức, hướng dẫn cách ứng xử cho ta. Và đó cũng là năng lực trực cảm mà ta luôn luôn gặp ở tâm điểm của cách nhìn Trung Hoa. Cũng như vậy, ta không ngừng quay quanh nó, đề đạt tới ở đây bằng nhiều cách: bởi lẽ nắm bắt nó một cách đúng đắn là rất khó, khi nó là đơn giản (khi đặt vào vị trí cực tiểu trong cấu trúc lý thuyết và khi không thể hiện bất luận một tín điều nào), cũng như khi nó tạo ra dao động nào đó từ những đối lập vốn cắm rễ rất sâu trong nền văn hóa của ta, những đối lập thường xuyên xuất hiện, diện đối diện giữa thực tại và cái thiện, giữa “Bản tính” và “Ân điển”. Bởi vì, ở Trung Hoa, ta nên hiểu rằng, cái thực tại cũng là cái lý tưởng. Cho nên, như khi chứng kiến sự bay vụt lên của rồng mà ta đọc thấy trong quẻ kép đầu tiên này, cái thực tại luôn luôn là đúng đắn với mỗi thời kỳ của sự phát triển của thực tại ấy.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: François Jullien – Các biểu tượng của nội giới hay cách đọc triết học về kinh dịch – NXB ĐN 2007.

Bình luận về bài viết này