Cuộc chiến giành quy chế kinh tế thị trường của Trung Quốc


Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giành được sự công nhận là nền kinh tế thị trường, giúp nước này tránh được những bất lợi gây ra từ phía các đối tác thương mại chính, đã gặp trở ngại khi điều khoản chính trong thỏa thuận gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Bắc Kinh đã hết hiệu lực vào ngày 11/12.

Mặc dù Trung Quốc đã gia nhập WTO được 15 năm, song Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản vẫn duy trì những quy định khắt khe nhằm ngăn chặn hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập vào thị trường của mình. Phía Bắc Kinh tức giận cho rằng việc các đối tác thương mại lớn không trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc vào ngày 11/12 như cam kết là một ví dụ về “chủ nghĩa bảo hộ trá hình” và “sự phân biệt đối xử” của phương Tây.

Bắc Kinh rất mong muốn nhận được quy chế kinh tế thị trường để các nước khác sẽ khó khăn hơn khi tiến hành các vụ kiện chống bán phá giá chống lại Trung Quốc. Bán phá giá là khi giá hàng xuất khẩu của một nước thấp hơn giá mặt hàng cùng loại bán trên thị trường nội địa của nước đó.

Khi Trung Quốc gia nhập WTO ngày 11/12/2001, các điều khoản trong thỏa thuận nêu rằng các nước thành viên có thể coi đây là một nền kinh tế phi thị trường, cho phép các nước được áp đặt các khoản thuế quan lớn chống phá giá trên cơ sở các mức giá thấp của Trung Quốc không phản ánh đúng thực tế thị trường. Trung Quốc được cho biết điều khoản đó sẽ thay đổi vào cuối năm 2016, khi nước này được nâng cấp lên quy chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, thay vì được hưởng lợi thế thương mại này, Bắc Kinh tiếp tục phải đối mặt với sự nghi ngờ đối với các mặt hàng xuất khẩu của mình, với nhiều lời chỉ trích cho rằng Trung Quốc chưa có đủ điều kiện để được trao quy chế là nền kinh tế thị trường.

Truyền thông nhà nước ngày 9/12 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương nói: “Trung Quốc sẽ có các biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình nếu các thành viên (WTO) tiếp tục việc áp dụng các quy định chống phá giá cũ đối với các sản phẩm của Trung Quốc sau khi điều khoản của thỏa thuận gia nhập WTO hết hiệu lực”. Giới chuyên gia thương mại quốc tế cho rằng Trung Quốc sẽ phải khởi động một cuộc hiến pháp lý lâu dài ở WTO chống lại các đối tác thương mại để gình được sự công nhận quy chế mới cho mình.

Trong một bình luận gay gắt, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã khẳng định: “Trung Quốc sẽ tự động chuyển sang quy chế kinh tế thị trường” vào ngày 11/12. Ngày 9/12, Tân Hoa Xã viết: “Việc từ chối (công nhận quy chế kinh tế thị trường của Trung Quốc) đồng nghĩa với chủ nghĩa bảo hộ trá hình, đi ngược lại xu hướng toàn cầu và phá hoại sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu”. Hãng tin này cũng lên án “sự phân biệt đối xử của phương Tây đối với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, đối với Washington, việc trao quy chế kinh tế thị trường không thể tự nhiên diễn ra, và các điều khoản chống bán phá giá trong thỏa thuận gia nhập “vẫn được giữ nguyên”. Bộ Thương mại Mỹ trong một tuyên bố đã nêu rõ: “Mỹ vẫn quan ngại về sự mất cân bằng nghiêm trọng trong nền kinh tế do Nhà nước quản lý của Trung Quốc, ví dụ như tình trạng sản xuất vượt cầu tràn lan, kể cả trong các ngành công nghiệp thép và nhôm, và sự sở hữu đáng kể của Nhà nước trong nhiều ngành và nhiều lĩnh vực”. Theo Bộ Thương mại Mỹ, “Trung Quốc chưa thực hiện được những cải cách cần thiết để vận hành theo quy luật thị trường”. Tuyên bố bổ sung thêm rằng Washington do đó sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp “thay thế” để tính toán mức độ phá giá.

Điều này chưa chắc sẽ thay đổi dưới thời ông Donald Trump vì vị Tổng thống đắc cử này dọa sẽ áp đặt các mức phạt thuế quan tới 45% để bảo vệ việc làm cho người dân Mỹ. Quan điểm này cũng được Liên minh các nhà Sản xuất Mỹ (AAM) ủng hộ khi cho rằng thặng dư thương mại Trung Quốc đã làm mất 3,2 triệu việc làm ở Mỹ kể từ khi Bắc Kinh gia nhập WTO. Trong một tuyên bố, Chủ tịch AAM Scott Paul cho biết có hơn 1000 vụ kiện chống phá giá đối với Trung Quốc đã được đưa ra trên toàn cầu kể từ năm 1995 và nói: “Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề kinh tế đóng vai trò trung tâm trong mùa bầu cử năm nay. Trong 15 năm, các loa động và các nhà sản xuất đã yêu cầu Trung Quốc phải chơi theo luật, và suốt 15 năm ấy Bắc Kinh không hề thay đổi”.

Trong khi đó, EU đang có cách tiếp cận có phần khác sau khi Ủy ban châu Âu hồi tháng trước công bố một biện pháp mới để chống bán phá giá, nhưng không nhằm cụ thể vào Trung Quốc mà có thể áp dụng với bất cứ nước nào bị nghi ngờ bán phá giá. Ông Franck Proust, thành viên Nghị viện châu Âu nói: “Điều này tránh khả năng Trung Quốc trả đũa bởi tất cả các nước đều đối xử như nhau”.

Tuy nhiên, bất cứ quyết định nào về Trung Quốc đều phải được sự đồng thuận của 28 nước thành viên EU cũng như của Nghị viện châu Âu, điều mà khối này đã không thể đạt được trước thời hạn 11/12. Ông Proust nói: “Chúng tôi đã lãng phí nhiều thời gian. Thời hạn này, chúng tôi đã biết từ năm 2001, song rất tiếc là kế hoạch này sẽ không hoàn thành được ít ra là trước Hè năm 2017”. Nhật Bản cũng cho biết sẽ không công nhận nước láng giềng của mình là một nền kinh tế thị trường.

Milan Nitsche, phát ngôn viên của Tổ chức Aegis châu Âu – một liên minh công nghiệp đại diện cho khoảng 30 ngành công nghiệp châu Âu – cho rằng trong khi WTO chưa đưa ra phán quyết cuối cùng về điều khoản gây tranh cãi, “EU và các thành viên WTO khác có thể tiếp tục coi Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường”.

Nguồn: AFP – 13/12/2016

TKNB – 14/12/2016

Bình luận về bài viết này