Về sự ủng hộ của châu Á đối với nền dân chủ Myanmar – Phần cuối


Nhật Bản lựa chọn hỗ trợ về kinh tế

Trong khi đó, Nhật Bản đã tập trung vào việc ủng hộ các nỗ lực và công việc thực tế ở Myanmar. Đó là bởi các bên liên quan ở Nhật Bản có quan điểm tích cực về quá trình chuyển tiếp non trẻ này, tin rằng các nền dân chủ châu Á có thể đóng vai trò đem lại nhiều lợi ích hơn ở Myanmar. Chẳng hạn, trưởng đại diện Văn phòng tại Myanmar của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lập luận rằng “khung thời gian của châu Á khác với các nước châu Âu”, và ông ngụ ý rằng cách tiếp cận kiên nhẫn của châu Á phù hợp hơn cho việc ủng hộ các cải cách chính trị mà vẫn duy trì được sự ổn định chính trị.

Cách tiếp cận kiên nhẫn của Nhật Bản mang tính thực dụng. Trong khi đại sứ quán Nhật Bản và JICA thừa nhận giá trị của dân chủ, thì họ không tin vào cách tiếp cận giáo điều dân chủ là trên hết. Thay vào đó, họ coi ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế quan trọng hơn, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Đó là lý do tại sao Nhật Bản lại tập trung phần lớn sự hỗ trợ của mình cho tiến trình hòa bình với các sắc tộc thiểu số (1 tỷ USD tiền hỗ trợ), cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội (6,4 tỷ USD trợ cấp và giúp đỡ kỹ thuật và 25 tỷ USD qua các khoản vay chỉ riêng từ năm 2011 đến 2013), và xóa nợ (3 tỷ USD). Quả thực, phần lớn các bên liên quan được phỏng vấn tin rằng chính phủ sẽ không có được tính hợp pháp nếu nó không thể giải quyết được các vấn đề kinh tế – xã hội cấp bách trong vòng 1 hoặc 2 năm. Cách tiếp cận thận trọng của Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi sứ mệnh của JICA. JICA là một tổ chức định hướng phát triển, và không được luật pháp Nhật Bản cho phép đưa ra sự giúp đỡ về chính trị hoặc quân sự. Tuy nhiên, Nhật Bản đã đem lại sự ủng hộ cải cách chính trị ở Myanmar theo cách gián tiếp. Chẳng hạn, mỗi năm Nhật Bản trao học bổng cho 70 cựu sĩ quan quân đội Myanmar học tập tại các trường đào tạo sau đại học. Cũng như Mỹ đã tận dụng học bổng Fulbright như một công cụ quyền lực mềm cho phép sinh viên nước ngoài trải nghiệm nền dân chủ và trở thành các bên tham gia ủng hộ dân chủ, học bổng của Nhật Bản có thể đem lại cho các sĩ quan Myanmar cơ hội trải nghiệm dân chủ ở Nhật Bản.

Người đứng đầu MISIS nói trong một cuộc phỏng vấn rằng sự hỗ trợ của Nhật Bản trong lĩnh vực pháp lý là đặc biệt có giá trị. Kể từ năm 2013, Nhật Bản đã gửi 3 chuyên gia tới Văn phòng Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Tòa án Tối cao nhằm hỗ trợ việc soạn thảo các điều luật và đưa ra lời khuyên về lập pháp có liên quan tới kinh tế. Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Myanmar ưa thích sự hỗ trợ dành cho các điều luật liên quan tới kinh tế như là một điểm thâm nhập nhằm giúp thiết lập một hệ thống y tế và pháp lý độc lập. Công việc của Nhật Bản dựa trên ý tưởng rằng lập pháp trong các lĩnh vực chính sách ít gây tranh cãi hơn có thể đem lại những trải nghiệm có giá trị về tầm quan trọng của pháp trị, trách nhiệm và tính minh bạch.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực pháp trị, Nhật Bản không đưa ra sự hỗ trợ nhằm cải thiện quyền tiếp cận của công dân tới công lý. U Kyaw Myint, một luật sư có sức ảnh hưởng của Myanmar, nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ không nên chỉ được đem đến cho chính phủ mà còn cho các bên tham gia xã hội. Ông đưa ra vô số vấn đề trong khu vực pháp lý, bao gồm nạn tham nhũng, tình trạng thiếu đạo đức trong số các thẩm phán, và niềm tin yếu ớt của thẩm phán vào luật sư. U Kyaw Myint đã thành lập Phòng thực hành pháp lý cho các trung tâm và trường luật Yangon, và Mạng lưới giúp đỡ pháp lý Myanmar, tất cả chúng cung cấp giáo dục về luật và đạo đức pháp lý. Trong khi các nước bảo trợ phương Tây như Đan Mạch, EU, Na Uy, Thụy Điển, Anh và Mỹ đã ủng hộ những hoạt động như vậy, thì Chính phủ Nhật Bản lại lựa chọn không làm thế. Đây là một thiếu sót lớn do việc làm rộng lớn hơn của Nhật Bản trong lĩnh vực pháp lý của Myanmar hẳn sẽ tạo điều kiện cho nước này thúc đẩy cải cách tòa án sâu sắc hơn.

Nhật Bản cũng có thể bắt đầu đưa ra sự hỗ trợ cho cải cách lực lượng cảnh sát, có khả năng bằng việc cộng tác với Malaysia. Theo khảo sát Asian Barometer về Myanmar hồi tháng 3/2016, lòng tin của người dân vào cảnh sát đặc biệt yếu ớt. Từ năm 2007 đến năm 2012, Nhật Bản đã ủng hộ cải cách dân chủ đối với lực lượng cảnh sát của Indonesia. Điều này có tầm quan trọng chính trị mạnh mẽ, do quân đội Indonesia đang tìm cách duy trì quyền nắm giữ các vấn đề an ninh công cộng, thậm chí sau việc tách cảnh sát ra khỏi quân đội. Thực tế rằng cả đại sứ Nhật Bản lẫn đại sứ Indonesia hiện nay tại Myanmar đều là các cựu sĩ quan cảnh sát sẽ mở ra khả năng hợp tác ba bên về cải cách lực lượng cảnh sát tương tự. Quả thực, đại sứ Indonesia tại Myanmar thiết tha tiến hành một dự án hợp tác chung nhằm ủng hộ các cải cách dân chủ trong lực lượng cảnh sát Myanmar. Việc gia tăng niềm tin của công chúng về thực thi pháp lý sẽ góp phần tạo nên sự ổn định lớn hơn ở nước này.

Tóm lại, cho đến nay Nhật Bản đã có lập trường “chờ xem sao” đối với việc ủng hộ dân chủ, trong khi đó đưa ra sự hỗ trợ đáng kể về mặt kinh tế – xã hội. Trong khi Nhật Bản tránh dùng cụm từ “hỗ trợ dân chủ” trong viện trợ của mình, nước này có thể cần phải mở rộng sự giúp đỡ về cải cách tòa án và bắt đầu giúp cải cách lực lượng cảnh sát.

Nhìn về phía trước

Trong khi Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản có chung quan điểm tích cực về quá trình chuyển tiếp dân chủ của Myanmar, tất cả họ đều do dự trước việc thúc đẩy dân chủ một cách chủ động. Rất có khả năng là họ vẫn bị tác động bởi các chuẩn mực của mình về chủ quyền truyền thống và không can thiệp và có cùng nhận thức chung của châu Á rằng dân chủ phải được phát triển từ trong nước.

Đương nhiên, cả 3 nước này đều ưa thích các chế độ dân chủ so với chế độ độc đoán ở nước láng giềng của mình vì chúng được coi là có thể đoán trước được, minh bạch hơn và ổn định. Tuy nhiên, vì lợi ích an ninh khu vực, những nước này cũng ưa thích sự thay đổi dần dần thay vì thay đổi nhanh chóng và có khả năng gây bất ổn. Do vậy, Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản đã chọn cách tăng cường cơ sở vật chất, đem lại sự giúp đỡ về kỹ thuật và xây dựng năng lực, tham gia đối thoại và cải thiện các thể chế cung cấp dịch vụ, thay vì trực tiếp thúc đẩy một quá trình chuyển tiếp dân chủ nhanh hơn và có ảnh hưởng sâu rộng hơn.

Do tầm cỡ của những thách thức và khó khăn mà Chính phủ Myanmar sẽ phải đối mặt khi hướng lái nền dân chủ Myanmar, các nền dân chủ châu Á có thể làm được nhiều hơn nữa. Với việc Chính quyền NLD hiện tại tha thiết nhận được sự hỗ trợ lớn hơn và xác thực hơn từ các nước tương đương ở châu Á giúp đỡ tiến trình dân chủ hóa của mình, thời điểm đã chín muồi để các nước châu Á vứt bỏ sự dè dặt và nỗ lực gấp đôi nhằm củng cố nền tảng dân chủ cho Myanmar.

Khi tính nhạy cảm của chính Myanmar với sự can thiệp giảm đi đôi chút, thì 3 nền dân chủ châu Á được nghiên cứu ở đây có thể cộng tác nhằm đem lại sự hỗ trợ tốt hơn và có mục tiêu hơn. Trong khi Nhật Bản có nguồn tài chính dồi dào và đem lại sự phát triển thực chất, thì Ấn Độ và Indonesia có thể chia sẻ những kinh nghiệm phong phú của mình về dân chủ hóa và sự tinh thông của họ về chủ nghĩa liên bang, chia sẻ quyền lực, xây dựng hòa bình và hòa giải sắc tộc. Trong các cuộc phỏng vấn, các nhà ngoại giao và các quan chức từ 3 nước thể hiện sẵn sàng thăm dò sự phối hợp được nâng cấp như vậy. Điều quan trọng là 3 chính phủ tiến về phía trước với các dự án hợp tác ba bên cụ thể với sự cấp bách và hào phóng lớn hơn nhiều – hoặc gánh chịu rủi ro rằng bối cảnh chính trị ôn hòa hiện nay ở Myanmar một lần nữa sẽ bắt đầu trở nên tồi tệ.

Nguồn: Carnegie Endowment for International peace – 19/10/2016

TLTKĐB – 13/11/2016

Bình luận về bài viết này