Những bài học bị bỏ sót về lịch sử Hoa Kỳ – Phần I


Đất này được ban phước do phải vượt qua chỉ một sự chuyên chế: sự bạo ngược hiện nay.

Milton và Rose Friedman

Khi tôi ngày càng quan tâm đến vai trò của các hệ thống quyền sở hữu chính thức, tôi đã thực hiện nhiều chuyến đi đến các nước tiên tiến để hiểu xem bằng cách nào các chuyên gia quyền sở hữu của họ bắt tay vào việc tích hợp các quyền sở hữu ngoài pháp luật của một quốc gia vào một hệ thống quyền sở hữu hợp pháp. Sau 13 năm, với hàng ngàn dặm và thêm một ít tóc bạc, tôi đã thăm hầu như mọi tổ chức liên quan đến quyền sở hữu ở các nước tiên tiến – từ các bạn của tôi ở Sở Đăng bạ Đất đai Hoàng gia và Nhà Chức trách Đất đai Alaska cho đến Tokyo Nhật Bản. Chẳng có ai có câu trả lời. Tất cả các chuyên gia mà tôi đã hỏi, tất cả các chuyên viên cùng với vô số các định chế và cơ quan liên quan đến quyền sở hữu mà tôi đã thăm, đều thú nhận rằng họ chưa bao giờ nghĩ về vấn đề này.

Những người điều hành các hệ thống quyền sở hữu ở các quốc gia tiên tiến có những mối quan tâm giống nhau một cách căn bản. Họ chủ yếu bật tâm tới các vấn đề liên quan đến các quyền sở hữu. Tuy nhiên, quan tâm chủ yếu của tôi không phải là bản thân các quyền sở hữu mà là các “siêu quyền – meta rights” – khả năng tiếp cận hoặc quyền đối với quyền sở hữu. Mặc dù chúng tôi đã có nhiều chủ đề cùng quan tâm như làm sao để tái tổ chức một hệ thống lưu trữ hồ sơ nhằm tích hợp những thông tin thu thập được trong một lĩnh vực vào một cơ sở dữ liệu, hoặc phát triển các thủ tục để làm cách nào số hóa các ranh giới trên các bản đồ, các chuyên gia về quyền sở hữu đã không thể nói cho tôi làm thế nào để đưa những người nắm giữ tài sản của họ bằng những thỏa thuận ngoài pháp luật vào hệ thống quyền sở hữu hợp pháp. Người dân được cho các quyền đối với quyền sở hữu hợp pháp như thế nào?

Điều hiển nhiên là, từ một số kiến thức ít ỏi về lịch sử phương Tây mà tôi đã đọc, ở một thời điểm nào đó trong quá khứ của họ, tất cả các quốc gia phương Tây đã thực hiện việc chuyển tiếp từ những thỏa thuận phi chính thức, rải rác thành một hệ thống quyềnsở hữu hợp pháp được tích hợp. Vậy tại sao tôi lại không đi tới đó – nghiên cứu lịch sử của phương Tây để xem các hệ thống quyền sở hữu của họ đã tiến hóa ra sao? Những người bạn của tôi ở các nơi tán thành một cách toàn tâm, và những người yêu thích lịch sử ở Sở Đăng bạ Đất đai Hoàng gia [Anh] và Hội những người Vẽ bản đồ địa chính có Giấy phép Đức [German Association of Licensed Surveyors] đã chỉ cho tôi các cuốn sách ưa thích của họ.

Sau khi đọc hàng ngàn trang tài liệu, tôi đã đi đến kết luận căn bản rằng sự chuyển tiếp sang các hệ thống quyền sở hữu hợp pháp được tích hợp chẳng mấy liên quan đến công nghệ (mặc dù công nghệ có vai trò hỗ trợ rất quan trọng). Sự thay đổi cốt yếu là làm cho luật pháp thích ứng với nhu cầu xã hội và kinh tế của đại đa số dân chúng. Dần dần, các quốc gia phương Tây trở nên có khả năng thừa nhận rằng các khế ước xã hội được sinh ra ngoài luật chính thống là một nguồn hợp pháp của luật và tìm được cách hấp thụ các khế ước này. Như vậy, luật làm ra để phục vụ việc hình thành tư bản và tăng trưởng kinh tế. Đây là điều đem lại sinh lực cho các định chế quyền sở hữu hiện thời của phương Tây. Hơn thế nữa, cuộc cách mạng về quyền sở hữu này luôn luôn là một chiến thắng chính trị. Ở mọi nước, nó là kết quả của một vài nhà khai sáng khi quyết định rằng uật chính thống chẳng có ý nghĩa gì nếu một phần khá lớn dân chúng sống ngoài luật.

Lịch sử khác nhau về quyền sở hữu ở Tây Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều có cái gì đó hữu ích để nói về những mối quan tâm hiện thời của các nước đang phát triển và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Ở mỗi nước, tình trạng vô luật pháp rành rành thực ra không phải về tội phạm mà là về sự va chạm giữa làm quy tắc ở mức thấp nhất và làm quy tắc ở phía trên cùng. Từng trường hợp, cách mạng đã kéo theo sự hợp nhất dần dần của cả hai hệ thống.

Tuy nhiên, lịch sử chi tiết của tất cả các nước này là quá nhiều cho cuốn sách này. Vì thế, tôi quyết định tập trung vào Hoa Kỳ bởi vì 150 năm trước nó cũng đã từng là một nước thế giới thứ ba. Chính phủ và bộ máy của các bang trẻ, vẫn chưa hợp nhất về mặt pháp lý, đã nỗ lực đối phó với luật và sự hỗn loạn của những người nhập cư, những kẻ chiếm đất, những kẻ đào vàng, các băng nhóm có vũ trang, các nghiệp chủ bất hợp pháp, và những nhân vật sống động khác, những người đã làm cho việc lấn chiếm miền Tây nước Mỹ hoang dã đến vậy và, nếu nhìn muộn hơn, lãng mạn đến vậy. Đối với một người thuộc thế giới thứ ba như tôi, bức tranh quá khứ này của người nước ngoài thật quen thuộc đến kinh ngạc. Mặc dù các cộng sự của tôi và tôi gặp khó khăn với 11 điểm Dow Jones, nhưng chúng tôi cảm thấy rất quen thuộc với những kẻ chiếm đất ở Virginia của Thomas Jefferson hoặc các khu định cư với các lán làm bằng các súc gỗ ở Kentucky của Daniel Boone.

Giống như các nhà chức trách thế giới thứ ba hôm nay, chính phủ Mỹ đã cố ngăn chặn sự tăng lên theo hàm số mũ của những kẻ chiếm đất và những thỏa thuận ngoài pháp luật, nhưng không giống như các nhà chức trách thế giới thứ ba, họ cuối cùng đã thừa nhận rằng, theo lời của một nghị sĩ Quốc hội Mỹ, “hệ thống đất đai hầu như tan vỡ… và thay vì lập pháp cho họ, chúng ta phải lập pháp theo họ, theo đuổi hoàn toàn đến tận núi đá Rocky Mountains hoặc đến Thái Bình Dương”. Cái mà các nhà chính trị Mỹ cuối cùng đã học được, như Francis Philbrick đưa ra, là “các lực lượng làm thay đổi luật, theo cách khác với cách tầm thường, nằm ở ngoài luật”. Thậm chí Luật Trang trại (Homestead Act) nổi tiến năm 1862, một luật cho người chiếm đất quyền làm chủ 160 mẫu đất miễn phí một cách đơn giản nếu thỏa thuận là sẽ sống trên đó và phát triển nó, chẳng phải là một hành động hào phóng chính thức mà là một sự công nhận của việc đã rồi: Những người Mỹ đã chiếm – và cải thiện – đất một cách ngoài pháp luật hàng thập kỷ rồi. Các nhà chính trị của họ đã thay đổi luật dần dần để tích hợp thực tế này vào hệ thống pháp lý chính thống và có được một số điểm chính trị trong cuộc mặc cả. Như vậy, sau khi đã thay đổi luật của họ cho phù hợp với những thỏa thuận ngoài pháp luật hiện tại, các quan chức Mỹ đã giúp các quyền sở hữu của những người định cư và những người khai mỏ Mỹ được chuyển thành tư bản. Như ở Hoa Kỳ trong thế kỷ XIX, thách thức vốn hóa đối với những người nghèo ở các nước thế giới thứ ba và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây là một thách thức chính trị mà phải được cải cách bằng các công cụ pháp lý.

Trong mô tả tiến hóa quyền sở hữu ở Hoa Kỳ, như tôi sẽ đưa ra trong bài này, tôi không dám viết lại lịch sử của Hoa Kỳ; giống như người trùng tên huyền thoại của tôi, tôi đơn giản chỉ là thăm dò nó. Trong quá trình này, như bạn sẽ thấy, tôi tìm thấy nhiều thí dụ nhắc nhở tôi về các nước đang phát triển và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây: sự di cư hàng loạt, sự bùng nổ của các hoạt động ngoài pháp luật, sự bất an chính trị, và sự bất mãn chung với hệ thống pháp luật cổ lỗ sĩ từ chối thừa nhận rằng các học thuyết và công thức của nó chẳng mấy thỏa đáng đối với thế giới thực. Tôi cũng thấy luật pháp của Hoa Kỳ đã dần dần tích hợp các thỏa thuận ngoài pháp luật để tạo ra một trật tự hòa bình ra sao – do đó xác nhận ý kiến của Thẩm phán Holme rằng chính “kinh nghiệm” là cái mang cuộc sống cho luật, và như chúng ta sẽ thấy, luật phải tương thích với cách mà người dân thực sự dàn xếp cuộc sống của họ. Cách mà luật tiếp tục sống là giữ mối quan hệ gắn với các khế ước xã hội đã kết nối những người thật sự lại với nhau ở trên đời.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Hernando de Soto – Bí ẩn của vốn – NXB CTQG 2016

Bình luận về bài viết này