Năm 1866, Quốc hội lần đầu tiên công bố rằng đất mỏ của liên bang chính thức được mở cho khai thác đối với công dân Hoa Kỳ – 18 năm sau khi hàng trăm ngàn người khai mỏ đầu tiên đã thử khai thác vàng trên đất liên bang ở California. Đạo luật 1866 đã nêu dứt khoát rằng tất cả việc khai thác quặng sẽ phải tuân theo những “tập quán hoặc quy tắc địa phương của những người khai mỏ ở nhiều vùng mỏ”, những thứ không mâu thuẫn với luật Hoa Kỳ. Mục đích của luật không phải để phá hủy các quyền nảy sinh ngoài pháp luật mà là để tăng cường chúng “với một số quy chế như cách thức duy trì và vận hành chúng, những cái không mâu thuẫn với các luật khai mỏ hiện hành, mà đơn giản tạo ra tính quy củ và nhất quán cho toàn hệ thống”. Một khía cạnh quan trọng khác của luật khai mỏ đầu tiên này là “nội dung của luật lấy trực tiếp từ những quy chế khai mạch mỏ của Vùng mỏ Grass Valley của hạt Nevada, California… và Vùng mỏ Gold Mountain của hạt Storey, Nevada”. Khi thông qua đạo luật, Quốc hội đã đi xa hơn để ca ngợi sự thiên tài của người Mỹ tạo ra những dàn xếp ngoài pháp luật:
Điều quan trọng là hệ thống vĩ đại này được thiết lập bởi nhân dân với những năng lực căn bản của họ, và là bằng chứng với chứng cớ cao nhất có thể về tài năng đặc biệt của nhân dân Mỹ trong xây dựng đế chế và trật tự. Điều đó sẽ được bảo tồn và khẳng định. Sự tự chủ của nhân dân là đây, được thể hiện ở một trong những khía cạnh vĩ đại nhất của nó, và đơn giản là thuyết phục chúng ta, không phá hủy, mà gắn lên nó ấn chỉ quyền lực quốc gia và quyền lực không thể nghi ngờ.
Và như vậy Đạo luật 1866 không chỉ thừa nhận tính hợp pháp của các khế ước xã hội được sinh ra ở bên ngoài luật chính thức mà còn hợp nhất các nguyên lý và các quyền mà những người định cư đã giành được trong những yêu sách về đất định cư và quyền ưu tiên mua trước. Luật cũng đã mở rộng quyền sở hữu cho bất kể cá nhân hoặc hiệp hội nào đã chi tiêu 1000 USD bằng công sức và cải thiện trên đất đòi quyền, dù được đo đạc hay không. Đây là một sự công nhận dứt khoát rằng giá trị gia tăng vào các tài sản là cái gì đó mà luật cần khuyến khích và bảo vệ.
Ngày 10 tháng 5 năm 1872, Quốc hội đã thông qua luật khai mỏ tổng quát, thiết lập một cơ cấu chính thức cơ bản cho luật khai mỏ Mỹ mà được tiếp tục cho đến ngày nay. Luật này giữ lại hai nguyên lý quan trọng nhất của Đạo luật 1866: công nhận các luật của những người khai mỏ, và quyền của bất kể người nào cải thiện một mỏ để mua quyền sở hữu nó từ chính phủ với một giá phải chăng. Trong khoảng thời gian 20 năm, các quyền được phát sinh ngoài pháp luật và những dàn xếp ngoài pháp luật của những người khai mỏ đã được tích hợp vào một hệ thống chính thức mới. Ngay cả Tòa án Tối cao, mà thái độ thù địch của nó với các quyền phi chính thức đã châm ngòi cho sự phản ứng dữ dội ủng hộ những người chiếm đất, đã tái khẳng định sự hợp lệ của các luật khai mỏ liên bang năm 1866 và năm 1872 trong vụ Jennison với Kirk. Theo Tòa án, hai đạo luật “đã đem đến sự thừa nhận của Chính phủ đối với các quyền chiếm hữu được theo các tập quán địa phương, các luật, và những quyết định của các tòa án… [và] đã công nhận nghĩa vụ của Chính phủ tôn trọng các quyền tư nhân nảy sinh dưới sự ưng thuận và chấp thuận ngầm của nó. Nó không kiến nghị một hệ thống mới, mà là thừa nhận, điều tiết và ban hành một hệ thống đã được thiết lập rồi, hệ thống mà nhân dân đã gắn bó với”. Vào những năm 1880, các quy tắc và tập quán vùng mỏ ngoài pháp luật đã được tích hợp vào một hệ thống nhất quán của luật quyền sở hữu chính thức.
* * *
Vào cuối thế kỷ XIX, các nhà chính trị và các thẩm phán Mỹ đã đi một con đường dài trong lĩnh vực luật quyền sở hữu – và chính những người chiếm đất là những người đã dẫn họ đến đó. Điều này cũng đúng với lĩnh vực nhà ở: Trong năm 1862, khi Quốc hội thông qua “Luật Trang trại” nổi tiếng, cấp 160 mẫu đất miễn phí cho bất kể người định cư nào mong muốn sống trên đất ấy trong 5 năm và phát triển nó, chỉ là sự thừa nhận cái mà những người định cư đã tự làm rồi. Bất chấp tiếng tăm huyền thoại của Luật Trang trại, hầu hết việc định cư đã xảy ra trước khi nó được ban hành. “Từ năm 1862 đến năm 1890, dân số Hoa Kỳ tăng 32 triệu người – nhưng chỉ có khoảng 2 triệu trong số đó định cư ở 372.649 trang trại được cấp đất thông qua Luật Trang trại”. Cho đến khi Quốc hội cuối cùng chuẩn y nó, những người định cư đã có nhiều lựa chọn pháp lý khả dĩ khác về mặt lịch sử, Luật Trang trại đúng là có giá trị tượng trưng lớn lao, nó đánh dấu sự chấm dứt của cuộc đấu tranh kéo dài, mệt mỏi và cay đắng giữa luật của giới ưu tú có thế lực và một trật tự mới mang lại bởi sự di cư hàng loạt và nhu cầu của một xã hội mở rộng và bền vững. Bằng cách chấp nhận theo các thỏa thuận ngoài pháp luật của những người định cư, luật chính thức đã hợp pháp hóa chính mình, trở thành quy tắc của đại đa số nhân dân ở Hoa Kỳ chứ không phải là quy tắc ngoại lệ.
Tầm quan trọng đối với các quốc gia thế giới thứ ba và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây
Đối với các nước thế giới thứ ba và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đang cố gắng thực hiện quá độ tư bản chủ nghĩa, kinh nghiệm của Hoa Kỳ là vô cùng quan trọng. Sự công nhận và tích hợp các quyền sở hữu ngoài pháp luật là nhân tố then chốt trong việc biến Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế thị trường và nhà chế tạo ra tư bản quan trọng nhất trên thế giới. Như Gordon Wood nhấn mạnh, trong thời gian này “có cái gì đó trọng đại đã xảy ra trong xã hội và văn hóa, nó đã giải phóng những khát vọng và năng lực của những người dân thường, điều chưa từng có trong lịch sử Mỹ”.
Cái “trọng đại” gì đó chính là một cuộc cách mạng về các quyền đối với các quyền sở hữu. Những người Mỹ, không phải luôn luôn hăm hở hoặc có chủ ý, đã dần dần hợp pháp hóa những tiêu chuẩn và những dàn xếp ngoài pháp luật về quyền sở hữu do những người Mỹ nghèo nhất tạo nên và tích hợp chúng vào luật của xứ này. Vào đầu thế kỷ XIX, thông tin về quyền sở hữu và các quy tắc điều chỉnh nó rất tản mát, manh mún, và không được kết nối. Nó đã sẵn có trong các số cái thô sơ, sổ sách cá nhân, các điều lệ phi chính thức, các quy chế của quận [hạt], hoặc lời chứng ở mọi trang trại, hầm mỏ, hoặc khu định cư đô thị. Như ở các nước thế giới thứ ba và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, ngày nay, hầu hết thông tin này chỉ liên quan đến cộng đồng địa phương và không sẵn có trong khuôn khổ của bất kể mạng lưới nhất quán nào về những hình thức biểu thị được hệ thống hóa. Mặc dù các quan chức Mỹ có lẽ cũng chẳng có chủ ý hoặc nhận ra nó, khi họ xây dựng các luật quốc gia như các đạo luật về quyền ưu tiên mua trước và luật khai mỏ, họ đã tạo ra các hình thức biểu thị, những cái đã tích hợp tất cả những dữ liệu lỏng lẻo và biệt lập về quyền sở hữu vào một hệ thống quyền sở hữu chính thức mới.
Đây không phải là một việc dễ hoặc một việc có thể làm nhanh; cũng chẳng phải là không có bạo lực. Nhưng kinh nghiệm Mỹ rất giống cái đang diễn ra ngày nay ở các nước thế giới thứ ba và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây: luật chính thức không có khả năng theo kịp sáng kiến của nhân dân, và chính phủ đã mất kiểm soát. Kết quả là, người dân ở ngoài phương Tây ngày nay sống trong một thế giới đầy những nghịch lý không khác cái mà sử gia G. Edward White đã mô tả: “Khi người khai mỏ rời lán của mình và đi làm, anh ta sử dụng công nghệ công nghiệp mới nhất. Khi người nông dân bước ra khỏi căn lều tồi tàn của mình, thường anh ta sử dụng máy móc nông nghiệp hiện đại nhất”. Những người thế giới thứ ba cũng sống và làm việc trong các lán và nhà ổ chuột cùng với tivi và bàn tính điện tử. Họ cũng được tổ chức trong các câu lạc bộ đòi quyền đất. Và các chính phủ của họ cũng đã bắt đầu cho họ các quyền ưu tiên mua trước.
Nhưng điều mà họ vẫn cho có là quyền hợp pháp được thảo ra một cách hữu hiệu để tích hợp quyền sở hữu của họ vào một thống pháp luật chính thức – nó cho phép họ dùng nó để tạo vốn. Thông qua chiếm hữu, quyền ưu tiên mua trước, cấp đất dựng nhà ở, các luật của người khai mỏ, và do vậy những người Mỹ đã xây dựng một khái niệm mới về quyền sở hữu, “khái niệm nhấn mạnh đến khía cạnh năng động của quyền sở hữu, liên kết nó với tăng trưởng kinh tế”, và thay thế khái niệm “nhấn mạnh tính chất tĩnh gắn kết nó với sự an toàn khỏi sự thay đổi quá nhanh”. Thay vì thế, quyền sở hữu ở Hoa Kỳ đã thay đổi từ chỗ là các phương tiện để duy trì một trật tự kinh tế cũ trở thành một công cụ hùng mạnh để tạo ra một trật tự mới. Kết quả là, các thị trường được mở rộng và vốn cần thiết để cấp nhiên liệu cho tăng trưởng bùng nổ về kinh tế.
Cuối cùng, các bài học về thời kỳ quá độ của Hoa Kỳ sang tính chính thức sẽ không chỉ thấy trong những chi tiết kỹ thuật, mà cả ở sự thay đổi thái độ chính trị và ở các xu hướng pháp lý phóng khoáng. Bằng việc thông qua các luật tích hợp dân cư ngoài pháp luật vào hệ thống, các nhà chính trị Mỹ đã bày tỏ ý tưởng cách mạng rằng, các định chế pháp lý chỉ có thể sống sót khi chúng đáp ứng các nhu cầu xã hội. Hệ thống pháp luật Mỹ nhận được sinh lực của mình bởi vì nó được xây dựng trên kinh nghiệm của những người Mỹ bình thường và trên những dàn xếp ngoài pháp luật mà họ đã tạo ra, trong khi từ chối một số học thuyết thông luật Anh không mấy thỏa đáng đối với các vấn đề riêng của Hoa Kỳ. Trong quá trình kéo dài và gian khổ để tích hợp các quyền sở hữu ngoài pháp luật, các nhà lập pháp và luật gia Mỹ đã tạo ra một hệ thống mới hướng nhiều hơn tới một nền kinh tế thị trường hiệu quả và năng động. Quá trình này tạo thành một cuộc cách mạng, sinh ra từ những mong đợi thực tế của những người dân bình thường mà chính phủ đã phát triển thành một cấu trúc chính thức được hệ thống hóa và chuyên nghiệp.
Điều này không có nghĩa rằng, các quốc gia đang phát triển va xã hội chủ nghĩa trước đây phải bắt chước một cách mù quáng quá trình quá độ của Hoa Kỳ. Có rất nhiều hệ quả tiêu cực trong kinh nghiệm của Hoa Kỳ và cần phải được loại trừ một cách thận trọng. Nhưng như chúng ta vừa thấy, có nhiều cái để học. Bài học căn bản là, việc coi những thỏa thuận ngoài pháp luật là không tồn tại hoặc cố gắng nghiền nát chúng mà không có một chiến lược để hướng chúng vào khu vực hợp pháp, là một việc vô ích – đặc biệt ở thế giới đang phát triển, như chúng ta đã thấy, khu vực ngoài pháp luật hiện nay chiếm đại đa số dân cư của các nước đó và đang nắm giữ hàng ngàn tỷ đôla vốn chết.
Các nỗ lực tạo ra một cách mạng quyền sở hữu ở những nơi khác trong thế giới thứ ba và xã hội chủ nghĩa trước đây sẽ phải đối mặt với những đòi hỏi, những trở ngại, và những cơ hội riêng duy nhất của họ. Chúng ta phải tranh đua với các cuộc cách mạng khác đang xảy ra về truyền thông, công nghệ thông tin và đô thị hóa nhanh chóng. Nhưng tình trạng căn bản là như nhau. Ngày nay, trong nhiều quốc gia đang phát triển và xã hội chủ nghĩa trước đây, luật quyền sở hữu không còn thỏa đáng đối với cách thức mà đại đa số nhân dân sống và làm việc. Làm sao mà một hệ thống pháp luật tham vọng là hợp pháp và thích đáng nếu nó cắt bỏ 80% dân số của nó? Thách thức là phải chỉnh sửa thất bại pháp lý này. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho thấy rằng đây là một nhiệm vụ ba nội dung: chúng ta phải tìm được các khế ước xã hội thực về quyền sở hữu, tích hợp chúng vào luật chính thức, và vạch ra một chiến lược chính trị – cái làm cho cuộc cải cách có thể thực hiện được.
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Hernando de Soto – Bí ẩn của vốn – NXB CTQG 2016