Cải cách thể chế chính trị và phát triển xã hội ở Trung Quốc lục địa – Phần VI


VI/ Cải cách thể chế chính trị: Quá khứ và hiện tại

Ngay từ năm 1980, Đặng Tiểu Bình đã nêu ra tầm quan trọng của cải cách chính trị, “tạo ra về mặt chính trị một nền dân chủ cao hơn, thiết thực hơn so với nền dân chủ của các nước TBCN”, và nhấn mạnh về mặt chế độ phải đảm bảo ba thứ dân chủ hóa, tức là dân chủ hóa đời sống chính trị trong đảng và nhà nước, dân chủ hóa việc quản lý kinh tế và dân chủ hóa toàn bộ đời sống xã hội, khơi lên sự khát khao hy vọng của nhân dân Đại lục. Thực tiễn cụ thể thì có “4 hóa” trong đội ngũ cán bộ, tức là cách mạng hóa, trẻ hóa, tri thức hóa, chuyên môn hóa. Đến năm 1986 Đặng Tiểu Bình vẫn suy nghĩ những vấn đề này, và cho rằng cải cách thể chế chính trị không đápứng yêu cầu cải cách thể chế kinh tế, nhưng không còn nhấn mạnh những mục tiêu cơ bản của dân chủ hóa nữa. Tại Đại hội 13 ĐCS Trung Quốc tháng 10 năm 1987 trong Báo cáo công tác của Tổng Bí thư Đảng Triệu Tử Dương có một phần chuyên trình bày về cải cách thể chế chính trị, yêu cầu xây dựng chế độ đối thoại hiệp thương XHCN, chế độ công chức nhà nước chia công chức ra làm loại chính vụ và loại nghiệp vụ, khi mời hay thăng chức, thuyên chuyển đều coi trọng sát hạch; các cơ quan nhà nước coi trọng tinh giản, loại trừ các tệ nạn lâu ngày không thay đổi như bộ máy trì trệ và chủ nghĩa quan liêu. Cải cách thể chế chính trị được tính là cải cách hành chính, mục đích là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu suất công tác của bộ máy nhà nước, tạo thành giai điệu chính của “cải cách chính trị” trong những năm 80 của Trung Quốc Đại lục. Nhưng sau sự kiện 4 – 6, đảng nắm chặt trở lại việc khống chế xã hội và đời sống chính trị, cải cách thể chế chính trị quán triệt như thế nào, quán triệt cái gì, dường như không còn là một khâu được coi trọng trong quá trình cải cách.

Hãy tạm không bàn về kinh nghiệm thực tiễn, riêng về mặt tìm tòi lý luận, hơn 10 năm qua không thể nói là không có thành quả, đặc biệt là việc thảo luận của giới học thuật Đại lục từ năm 1986 – 1989, tham khảo kinh nghiệm của phương Tây và Liên Xô, Đông Âu, rút ra được những khơi gợi cực kỳ có ý nghĩa cho Trung Quốc Đại lục phát triển nền chính trị dân chủ XHCN, trong đó còn đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm như định vị đảng và chế độ tuyển cử. Đáng tiếc là từ sau “4 – 6”, Trung Cộng đã chuyển phương hướng thảo luận và thực tiễn, để mất cơ hội tự đổi mới nghìn năm có một. Cùng với sự phát triển sâu sắc thêm của cải cách kinh tế, hiện tượng “không phù hợp” giữa chính trị và kinh tế mà nhiều năm trước Đặng Tiểu Bình đã nhắc đến nay càng thêm gay gắt: đảng vẫn khống chế quyền lực nhà nước, nhưng uy tín và quyền lực chung của nó đã suy giảm cực độ, do đó không thể nào duy trì được trật tự xã hội ổn định, pháp luật kỷ cương và quy phạm xã hội đặt hờ cho có, không đóng được vai trò kiềm chế hành vi tham lam phạm pháp của nhân dân.

Mùa thu năm 1986, trong một bài nói, Đặng Tiểu Bình đã định giai điệu chính cho cải cách chính trị. Có ba mục tiêu chung: một là củng cố chế độ XHCN; hai là phát triển lực lượng sản xuất của xã hội XHCN; ba là phát huy nền dân chủ XHCN, huy động tính tích cực của đông đảo nhân dân. Nội dung cải cách bao gồm: trước hết là phải tách biệt giữa đảng và chính quyền, giải quyết vấn đề đảng phải làm thế nào để lãnh đạo giỏi; hai là trao quyền cho cấp dưới; ba là tinh giản bộ máy. Công tác cụ thể thì phải là: qua việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ mà giữ gìn sức sống của nhà nước và của đảng, khắc phục chủ nghĩa quan liêu, nâng cao hiệu suất công tác, trao quyền tự chủ cho công nhân, nông dân và trí thức.

Nhưng chiều sâu và chiều rộng cuộc thảo luận về cải cách thể chế chính trị đẩy lên sau đó còn có tính gợi mở hơn so với cách đặt vấn đề của Đặng Tiểu Bình. Điểm xuất phát của Đặng Tiểu Bình là: đảng vĩnh viễn ở địa vị hạt nhân và đóng vai trò lãnh đạo, bất luận kết quả cải cách như thế nào đảng vẫn phải ở vị trí trung tâm chính trị. Việc thảo luận của giới học thuật thì thoát ra khỏi sự ràng buộc, phương hướng tìm tòi của họ là làm thế nào chuyển sang một thể chế chính trị hợp với lợi ích của nhân dân? Thể chế này có tính chất gì? ĐCS nên ở vào vị trí như thế nào?

Từ năm 1986 đến năm 1989, thảo luận của giới khoa học lục địa về cải cách thể chế chính trị dần dần nhập lại thành 3 phương hướng:

1/ Cải cách thể chế chính trị không những phải phát triển cùng nhịp bước với cải cách thể chế kinh tế, có nghĩa là sự biến đổi của cơ sở kinh tế (kiến trúc hạ tầng) tất yếu đòi hỏi kiến trúc thượng tầng, bao gồm thể chế chính trị, có sự biến đổi tương ứng, mà có một số học giả (như Gao Fang ở Đại học Nhân dân Trung Quốc) thậm chí còn cho rằng cải cách thể chế chính trị cần đi trước cải cách kinh tế, bởi vì kinh tế kế hoạch là do thể chế chính trị tập trung quyền lực cao độ củng cố và thúc đẩy. Thể chế chính trị không thay đổi, sự phát triển của kinh tế thị trường vẫn chỉ có thể tiến hành dưới sự lãnh đạo của đảng, có thể làm cho thị trường không đóng được vai trò cần đóng của mình. Gao Fang gần đây còn cho rằng, không có việc phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện sự lãnh đạo tập thể trong Đảng, chấn chỉnh tư tưởng chỉ đạo của Đảng và sửa đổi nhiều án oan, án giả, án sai, thủ tiêu chế độ lãnh đạo suốt đời, thực hiện “4 hóa” trong cán bộ, thì việc xây dựng hiện đại hóa kinh tế trong những năm 80 sẽ không thể diễn ra thuận lợi.

Ngoài ra còn có học giả cho rằng cần thay đổi chức năng của chính phủ, không nên để chính phủ khống chế các xí nghiệp và điều phối nguồn lực, không có sự tách biệt thực sự giữa chính quyền và xí nghiệp thì cơ chế thị trường sẽ khó vận hành.

2/ Bộ khung thống trị tập trung quyền lực cao độ, không gì không quản, nhưng không quản tốt được cái gì, thiếu hiệu suất, lại làm cho bộ máy ì trệ cứng nhắc, gây ra đủ loại tệ hại quan liêu. Muốn giải quyết thể chế “bản vị quan” và hiện tượng “ý chí của thủ trưởng”, biện pháp là phải tăng độ trong suốt của hoạt động chính trị và quá trình chính trị, tăng cơ chế liên thông chính trị, áp dụng cơ chế đối trọng, đề xướng việc phân chia quyền lực, dùng quyền lực chế ước quyền lực.

3/ Mục tiêu cuối cùng của thể chế chính trị phải là dân chủ hóa chính trị. Nhấn mạnh chủ quyền thuộc về dân, nhân dân lập pháp, luật lớn hơn quyền là nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng chế độ dân chủ XHCN. Nhà nước cần dốc sức vào việc nâng cao tố chất văn hóa và ý thức dân chủ của nhân dân và để cho nhân dân tự do bàn luận về chính trị, triệt để thực hiện tự do ngôn luận. Nhà nước không thể chỉ tuyên truyền theo cách lý tưởng hóa về việc nhân dân làm chủ, mà còn phải thực hiện trong thực tế “nền dân chủ đúng trình tự”. Hiện nay có ba sai lầm lớn trong việc xây dựng nền dân chủ: “một là thiếu trình tự, hai là các trình tự khác nhau xung đột nhau, ba là có trình tự không được tuân thủ”. Tất yếu cần có trình tự được nâng cao thì mới có thể kiện toàn nền chính trị dân chủ.

Ý tưởng trên đây đã vượt khỏi phạm vi “cải cách hành chính”, tức là đã không còn thỏa mãn với việc thuần túy cải thiện chức năng và biểu hiện của đảng và chính phủ. Tương phản với những phương pháp trị đằng ngọn đó, phương pháp trị đằng gốc chỉ có thể là dân chủ chính trị, để cho quyền lực trở về tay nhân dân, để cho nhân dân luận bàn chính sự và giám sát sự vận hành của chính phủ, thì mới có thể cơ bản thay đổi biểu hiện của chính quyền. Tuy các học giả vẫn chưa trình bày một cách hoàn toàn cụ thể làm thế nào để quán triệt việc dân chủ hóa chính trị, nhưng rõ ràng họ đã thoát ra khỏi phương thức tư biện nhất quán của ĐCS, tức là mọi thứ đều lấy Đảng làm hạt nhân, mà chủ trương theo sự lựa chọn của nhân dân. Những cách đặt vấn đề này dần khiến cho Trung Cộng cảnh giác: nguy cơ “hữu” khuynh dường như lại xuất hiện, tranh luận về cải cách thể chế chínht rị cuối cùng do sự kiện “4 – 6” mà bỗng nhiên kết thúc.

(còn tiếp) 

Người dịch: Nguyễn Như

Nguồn: TĐB 96 – 13 & 14

Đinh Vĩ (Ding Wei) là PGS Khoa Chính trị và Quan hệ quốc tế, Đại học Thẩm Tín Hội, Hương Cảng.

Bình luận về bài viết này