Tư duy khởi sự kinh doanh – Phần XI


Có thể thấy rõ hơn trong Hộp dưới đây:

Bất cập trong hệ thống giấy phép kinh doanh

Vấn đề mà doanh nghiệp thường phàn nàn trong hệ thống giấy phép kinh doanh hiện hành là việc thực thi cấp phép còn thiếu minh bạch. Trong một khảo sát gần đây của ADB-GTZ, nhiều doanh nhân cho biết, họ bị cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phép với lý do rất chung chung như không phù hợp với quy hoạch kinh tế – xã hội của địa phương, hay có dấu hiệu kinh doanh ngầm, khó kiểm soát hay có tiềm ẩn nguy cơ xấu cho xã hội.

Một thực tế khác đáng lưu ý là nhiều giấy phép kinh doanh đã bị bãi bỏ nay lại “tái xuất”. Đặc biệt, việc bãi bỏ một số giấy phép kinh doanh nhưng không thay đổi triệt để cách làm luật của các cơ quan hành chính nên vẫn không thay đổi được “bản chất sự việc”, các cơ quan này thường tìm cách mở rộng quyền lực của mình thông qua việc tái ban hành các luật lệ cũ dưới hình thức mới.

Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định việc thay thế các giấy phép kinh doanh thành “đăng ký kinh doanh không cần giấy phép” nhằm giảm chi phí thủ tục hành chính và tăng chủ động kinh doanh của doanh nghiệp, trên thực tế, còn khó kiểm soát, giám sát và ít hiệu quả hơn nhiều so với giấy phép kinh doanh.

Ông Phạm Duy Nghĩa, Trưởng bộ môn Luật kinh doanh, khoa Luật, Đại học Quốc iga Hà Nội cho rằng khuyết điểm lớn nhất trong việc cấp phép ở Việt Nam là tồn tại tư duy coi giấy phép kinh doanh như là điều kiện để được gia nhập thị trường, tức là Nhà nước kiểm soát và ngăn chặn từ đầu. Ông Nghĩa cho biết, ở nhiều nước khác, một người có thể mở cửa hàng ăn mà không cần phải xin cấp phép. Nhưng họ sẽ bị kiểm soát thường xuyên bởi hiệp hội ngành (như phải tham gia các khóa đào tạo về an toàn thực phẩm) hay qua kiểm tra đột xuất về việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai, khi triển khai các hoạt động kinh doanh

Kể từ khi được cấp giấy phép kinh doanh, người khởi sự tiến hành các hoạt động kinh doanh. Quá trình kinh doanh đòi hỏi nghiệp chủ phải tổ chức hàng loạt các hoạt động từ tiếp tục nghiên cứu thị trường, tổ chức cung ứng các nguồn lực đầu vào, tiến hành chế biến sản phẩm hoặc tạo ra dịch vụ, tổ chức vận chuyển hàng hóa tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ ở thị trường mục tiêu của mình. Tất cả các hoạt động đó liên quan đến nhiều đối tác kinh doanh khác nhau và chịu ảnh hưởng của các hoạt động quản lý vĩ mô. Nếu các quy định về thủ tục mua bán, hợp đồng đơn giản và chặt chẽ thì hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi; nếu các thủ tục rườm rà, liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều cấp quản lý,… thì hoạt động kinh doanh gặp những khó khăn nhất định. Mức độ khó khăn tăng tỷ lệ thuận với các quy định thủ tục rườm rà.

Ngoài việc thiết lập quan hệ với các đối tác kinh doanh, nghiệp chủ còn phải tiếp xúc, xử lý hàng loạt các công việc liên quan đến các cơ quan quản lý vĩ mô như đăng ký bản quyền; đảm bảo vệ sinh môi trường; chống hàng giả, hàng nhái, hàng gian; thống kê, báo cáo, kê khai thuế quan… Tất cả các công việc này đều liên quan đến các quy định pháp luật, chính sách quản lý vĩ mô và cách thức xử lý công việc của cán bộ công quyền. Nếu luật pháp quy định rõ ràng, thực thi nghiêm minh sẽ không có chỗ đứng cho hàng giả, hàng nhái, hàng gian… Trong điều kiện này các doanh nghiệp lằm ăn chân chính có nhiều cơ hội phát triển. Việc kê khai, báo cáo.. càng đơn giản bao nhiêu càng giảm được thời gian và chi phí cho các hoạt động này bấy nhiêu.

Những năm gần đây, hàng năm Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường công bố xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, trong đó có những chỉ tiêu phản ánh khía cạnh của môi trường kinh doanh, cụ thể như: khả năng tiếp cận vốn, lạm phát, mức độ ổn định của chính sách vĩ mô, lực lượng lao động đã qua đào tạo, cơ sở hạ tầng.

Các chỉ số này của Việt Nam chưa ổn định, lên xuống thất thường: năm 2008, Việt Nam xếp thứ 70/134; năm 2009 xếp thứ 75/133; năm 2010 xếp thứ 59/139 và gần đây nhất năm 2011 lại tụt 6 bậc so với năm 2010, tức thứ 65/142. Cũng tương tự, việc đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh hàng năm cũng được các tổ chức nghiên cứu chuyê sâu thế giới khảo sát và công bố. Tạp chí Forbes của Mỹ khảo sát và đánh giá môi trường kinh doanh gồm các chỉ tiêu: tự do hóa thương mại, tự do hóa tiền tệ, bảo vệ quyền sở hữu, năng lực sáng tạo, trình độ công nghệ, tình trạng quan liêu, mức độ bảo vệ nhà đầu tư, tình trạng tham nhũng, tự do cá nhân. Theo đó, năm 2010 xếp Việt Nam thứ 118 trong số 128 nước được đánh giá, tụt 5 bậc so với năm 2008 và 2009. Cũng tương tự như vậy, theo Diễn đàn doanh nghiệp hàng năm, đa phần các doanh nghiệp đều đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam tồi tệ nhất trong ba năm 2008 – 2011 (Hộp dưới).

Môi trường kinh doanh Việt Nam rớt điểm

Theo khảo sát, lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả xếp ở vị trí thấp điểm nhất. Một lần nữa, môi trường kinh doanh tại Việt Nam lại được các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước lên tiếng báo động tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 2/12/ Kết quả điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2011 do ban thư ký Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thực hiện cho thấy số điểm năm nay chỉ đạt 2,04/4 điểm, thấp hơn nhiều so với số điểm 2,52 của năm ngoái và gần với mức 1,9 điểm năm 2008 (năm khủng hoảng tài chính toàn cầu).

Môi trường kinh doanh khá u ám

Qua khảo sát 240 doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ có 26% số doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam là tốt và rất tốt, bằng một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, 23,71% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh kém (năm 2010 con số này chỉ 4,9%).

Đáng chú ý trong 14 lĩnh vực được điều tra không có lĩnh vực nào đạt mức 3 điểm (thang điểm 4 cao nhất). Trong đó, lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái xếp ở vị trí thấp điểm nhất và nằm trong tốp năm nhóm vấn đề ít được cải thiện nhất.

Nói về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham, cho rằng: “Việc thực thi kém hiệu quả về các quyền sở hữu trí tuệ khiến các doanh nghiệp nước ngoài phải kín đáo chuyển giao các quyền sở hữu trí tuệ có giá trị, chứ không giám chuyển giao công khai. Cũng chính điều này khiến cho các doanh nghiệp FDI e ngại về nạn bắt chước tại Việt Nam”.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) Christopher Twomey cho rằng vấn đề cấp thiết đặt ra cho Việt Nam là cải tiến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Thực thi hiệu quả bằng việc xử phạt nặng hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ để không ai tái phạm.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận ngoại tệ, tiếp cận đất đai, cơ sở hạ tầng và đáng chú ý là kinh tế vĩ mô sau nhiều năm liền có vị trí cao thì năm nay bị xếp vào nhóm ba lĩnh vực đáng lo ngại nhất của môi trường kinh doanh.

Doanh nghiệp đòi đơn giản thủ tục hơn nữa

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, qua rà soát 16 luật về doanh nghiệp cho thấy có đến 206 quy định chưa đạt tiêu chí minh bạch, 243 quy định chưa hợp lý, 149 quy định chưa thống nhất và 85 quy định chưa đạt tiêu chí khả thi.

Cụ thể, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật có những quy định không cần thiết hoặc thiếu minh bạch, thậm chí gây cản trở, gây khó khăn, thậm chí hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

“Ví dụ như các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký đầu tư, thẩm tra đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư còn trùng lặp… Đáng chú ý là một số quy định còn phân biệt đối xử, chưa đảm bảo công bằng giữa các thành phần kinh tế. Đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật được rà soát. Trước mắt là sửa đổi các luật: Đất đai, Quản lý thuế, Đấu thầu…” – ông Huỳnh nói.

Các doanh nghiệp cũng đưa ra năm giải pháp khuyến nghị đến Chính phủ. Đó là tiếp tục cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa, cải thiện hệ thống thông tin, viễn thông và năng lượng, cải thiện hệ thống hạ tầng vận tải, giảm rào cản gia nhập thị trường và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Riêng các doanh nghiệp FDI còn đề nghị nâng cao tính minh bạch và dễ dàng tiếp cận các văn bản luật, kế hoạch, số liệu thống kê…

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Nguyễn Ngọc Huyền, Ngô Thị Viết Nga (đcb) – Giáo trình khởi sự kinh doanh – NXB ĐHKTQD 2016.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s