Trật tự thế giới mới của Donald Trump – Phần III


Những khuyến nghị của Kissinger dành cho ông Trump có thể được tóm tắt như sau:

1/ Đừng dốc toàn lực vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc, bất kể trong lĩnh vực thương mại hay trong vấn đề Biển Đông Việt Nam. Thay vào đó, nên tìm kiếm sự “thảo luận toàn diện” và đặt mục đích theo đuổi cái chính sách đối thoại và “cùng phát triển” đã được khuyến cáo trong cuốn sách Trật tự thế giới. Kissinger vẫn thường xuyên theo dõi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Khi ông nói rằng Tập coi “sự đối đầu là quá nguy hiểm” và nghĩ rằng “các nước đối đầu cần phải trở thành đối tác và hợp tác trên cơ sở có lợi đôi bên”, là ông nói với giọng chắc nịch. Theo Kissinger, những câu hỏi mà người Trung Quốc muốn đặt ra cho Tổng thống Mỹ là: “Nếu là ông, chúng tôi có thể có tìm cách triệt hạ sự trỗi dậy của ông. Ông có tìm cách triệt hạ chúng tôi không? Nếu không, thế giới sẽ trông như thế nào khi cả hai chúng ta đều muốn hùng mạnh?”. Ông Trump cần phải có câu trả lời cho những câu hỏi này. Thay vào đó, Kissinger đã nói đi nói lại, nếu Mỹ và Trung Quốc cứ ông nói gà bà nói vịt thì đến lúc cả hai sẽ sa vào tình trạng của năm 1914 ở Thái Bình Dương, đó là chưa nói trong lĩnh vực thông tin.

2/ Theo quan điểm của một Nga hậu đế quốc đang trở nên yếu kém và chấn thương, thì Putin đang thèm khát được công nhận là “một cường quốc lớn, bình đẳng, chứ không phải là một người van xin trong một hệ thống do Mỹ vạch ra”. Thông điệp của Kissinger gửi ông Trump đã tỏ ra đúng với bản năng mách bảo của ông: “Không thể dùng cách cải tà quy chính để đưa được nước Nga vào hệ thống quốc tế. Điều này đòi hỏi phải có sự thương lượng, nhưng cũng cần có sự thông cảm”. Theo Kissinger, thỏa thuận chính cần đạt được là hãy biến Ukraine thành “một cầu nối giữa NATO với Nga hơn là thành một tiền đồn của cả hai bên”, giống như Phần Lan hay Áo trong cuộc Chiến tranh Lạnh, là những nước “tự do thực hiện quan hệ kinh tế và chính trị của riêng mình, cả với châu Âu và nước Nga, mà không tham gia bất cứ liên minh quân sự hay an ninh nào”. Một nước Ukraine không liên kết như vậy có thể sẽ bị phân quyền, làm gia tăng quyền tự trị của các khu vực tranh chấp phía đông, nơi đã diễn ra cuộc xung động không nghỉ kể từ các phong trào ly khai nhận được sự ủng hộ của Nga sau vụ sáp nhập Crimea. Nếu không có một sự thỏa thuận như vậy, chúng ta có thể sẽ vô tình sử dụng quá mức ưu thế tài chính và quân sự để biến một nước Nga hậu Putin thành một phiên bản Nam Tư rộng lớn, “bị xé nát bởi xung đột trải dài từ Saint Peterburg đến Vladivostok”.

3/ Hãy coi Brexit là một cơ hội để hướng các nước châu Âu lục địa tránh khỏi cách hành xử quan liêu để trở về với trách nhiệm chiến lược. (“Họ đang nói về các vấn đề sách lược trong khi lại từ bỏ bản chất của… cái mà họ đã đại diện trong suốt quá trình lịch sử”).

4/ Nên thực hiện hòa giải ở Syria như chúng ta đã làm ở Nam Tư cũ cách đây gần 20 năm. Giờ đây Kissinger khuyến nghị một sự “chia bang” cho Syria tương tự như việc liên bang hóa nước Bosnia theo thỏa thuận Washington. Dayton, với một “đường tránh cho Assad” kéo dài khoảng một năm, hoàn toàn chịu sự “giám sát” của các cường quốc hữu quan bên ngoài. Iran cần phải chịu sự kiềm chế, với mức giống như Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, bởi lẽ nước này cũng gây ra một mó đe dọa tương tự như là một đế quốc và một tác nhân cách mạng. Nhưng duy trì thỏa thuận Iran để đến bây giờ lại từ bỏ nó thì “có thể sẽ giải thoát Iran khỏi những điều ràng buộc nhiều hơn là giải thoát Hoa Kỳ”. Và cuối cùng hãy lợi dụng liên minh mới chống Iran và chống ISIS giữa các quốc gia Arập với Israel, cho dù là một liên minh ngấm ngầm, để thực hiện một kiểu thỏa thuận hòa bình mới do các nước Arập tài trợ, có khả năng “cải thiện cuộc sống của người Palestine với mức khả dĩ cao nhất, có thể bao gồm cả một thứ gần giống chủ quyền quốc gia cho Palestine… có nghĩa là một quyền tự trị trên thực tế mà không có một thượng tầng kiến trúc pháp lý”.

Liệu đây có thể là một mô hình vai trò dành cho một Tổng thống mới không, nếu ông chú ý đến lời khuyên của Kissinger? Không ngạc nhiên là Kissinger và Goldberg đã đàm luận nhiều về Ricahrd Nixon. Tuy nhiên, với tất cả phẩm cách của Nixon như là một nhà tư tưởng chiến lược, bối cảnh năm 2017 có lẽ không đủ giống với bối cảnh năm 1969 cho dù sự giống nhau là hữu ích. So sánh với trường hợp Việt Nam, quân lực Mỹ ngày nay chỉ phải tham gia vào một ít cuộc xung đột, và hiếm khi phải đóng vai trò tuyến đầu. Việc mở cửa với Trung Quốc là thuộc về quá khứ, không phải ở tương lai; vấn đề ngày nay là một tiềm năng khép cửa. Tập không phải là Mao. Cũng như thế, nước Nga của Putin không phải là Liên Xô mà bảy năm trước khi Nixon nhậm chức Tổng thống đã triển khai tên lửa hạt nhân tại Cuba và tiếp tục khích động cách mạng toàn cầu trên khắp thế giới trong suốt thập kỷ 1970. Châu Âu không bị chia rẽ như trong năm 1969 khi quân đội Liên Xô vẫn đi tuần trên đường phố Praha. Và Trung Đông cũng đã thay đổi sâu sắc, nhất là do có sự nổi lên của đạo chính thống dòng Shia và Sunni, một tư tưởng có uy lực hơn nhiều so với chủ nghĩa dân tộc Iran và Arập trước đây. Với thời gian gần một nửa thế kỷ qua, có lẽ chỉ có thành phố Quneitra trên khu vực biên giới giữa Israel và Syria là địa điểm ổn định nhất trong khu vực.

Nếu không phải là Nixon thì ai là người làm kiểu mẫu vai trò chiến lược cho ông Trump? Mặc dù tên người đó không được nêu ra trong cuộc phỏng vấn của Kissinger với Goldberg, nhưng có một câu trả lời rõ ràng, đã được phát biểu trong công trình tổng hợp kinh điển của vị cựu bộ trưởng ngoại giao này, đó là cuốn Diplomacy (Nghệ thuật ngoại giao). Câu trả lời này là Theodore Roosevelt, nhân vật tương phản với Woodrow Wilson, một người mà Kissinger ghét cay ghét đắng.

“Roosevelt”, Kissinger viết, “đã xuất phát từ một tiền đề cho rằng Hoa Kỳ là một cường quốc giống như bất kỳ cường quốc nào khác chứ không phải là hiện thân đặc biệt của đức hạnh. Khi nào quyền lợi của nó xung đột với quyền lợi của các nước khác, nước Mỹ có nghĩa vụ cầu viện đến sức mạnh của mình để chiến thắng”. Roosevelt đã không xây dựng một bức tường dọc theo biên giới Hoa Kỳ – Mexico, nhưng ông đã nêu rõ “Hệ quả” cho Học thuyết Monroe, là học thuyết khẳng định quyền của Hoa Kỳ được thực thi “một quyền năng cảnh sát quốc tế cho dù là bất đắc dĩ, trong những trường hợp.. làm sai trắng trợn hay những trường hợp bất lực” ở khu vực Mỹ Latinh và Caribean. Nguyên tắc này đã trở thành cơ sở cho những cuộc can thiệp vào Haiti, Colombia, Cộng hòa Dominicana, và Cuba – và cho việc giành được vùng lãnh thổ Kênh đào Panama: một trong những dự án hạ tầng cơ sở lớn đầu thế kỷ XX.

Hơn nữa, Roosevelt còn tỏ ra coi thường các đề án tự do như giải trừ vũ khí đa phương và an ninh tập thể, vốn là những niềm hào hứng không chỉ của Woodrow Wilson mà còn của ứng viên tổng thống ba lần bị thất bại của Đảng Dân chủ William Jennings Bryan:

“Tôi coi thái độ của Wilson – Bryan đối với việc tin vào những bản hiệp ước hòa bình cuồng tín, vào những lời hứa bất khả thi, vào đủ các loại giấy lộn không dựa trên bất cứ một sức mạnh hiệu lực nào, là một sự ghê tởm [Roosevelt viết]. Sẽ là vô cùng tốt hơn cho một dân tộc và cho cả thế giới nếu có được truyền thống về chính sách đối ngoại của Friederick Đại Đế và Bismarck hơn là có thái độ quốc gia thường trực như của Bryan hoặc của Bryan – Wilson… Một sự ngay thẳng nhạt nhẽo không dựa vào vũ lực sẽ cực kỳ tồi tệ và thậm chí còn tai hại hơn so với việc vũ lực không chính đáng”.

Đối với Roosevelt, nguyên tắc của Hồng y Giáo chủ Richelieu có nghĩa là: “Trong những vấn đề nhà nước, ai có sức mạnh thường là người có lý, và ai yếu sẽ chỉ khó giữ cho mình khỏi bị sai trong quan điểm của đa số mọi người”. Roosevelt thông cảm với Nhật Bản khi nước này tấn công nước Nga năm 1904. Ông cũng đồng ý việc Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên bốn năm sau. Đối với Roosevelt, quy luật địa chính trị thực tiễn duy nhất là cân bằng thế lực, và ông tận hưởng cơ hội để đóng vai người buôn bán quyền lực. Vì thế chính nhà riêng của Roosevelt  bên Vịnh Oyster là nơi mà nước Nga và Nhật Bản bắt đầu những cuộc thương lượng hòa bình và kết thúc bằng Hòa ước Portsmouth (1905), một hiệp ước có mục đích hạn chế thành quả thắng lợi của Nhật Bản và tái lập thế cân bằng ở Viễn Đông. Khi chiến tranh nổ ra ở châu Âu năm 1914, Roosevelt ban đầu ngập ngừng chưa biết đứng về phe nào, nhưng sau đó ông đã quyết định rằng chiến thắng của người Đức có thể đe dọa nghiêm trọng cho nước Mỹ hơn là chiến thắng của nước Anh, bởi vì “trong vòng một hai năm”, một nước Đức chiến thắng “sẽ đòi thống trị ở Nam và Trung Mỹ”.

Cũng theo Roosevelt, sự tương đồng văn hóa giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh không phải là không quan trọng. Điều đáng tiếc duy nhất của ông là những người đồng bào Mỹ của ông – là những người phản đối lời kêu gọi của ông đối với việc gia tăng vũ trang để chống lại mối đe dọa của Đức – đã không thể hết lòng chiến đấu như những người anh em của họ ở Thế giới Cũ. “Dân nước tôi là những người thiển cận, và họ không hiểu những vấn đề quốc tế”, ông đã than phiền như thế với nhà văn người Anh Rudyard Kipling trong thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ nhất. “Dân nước ông cũng thiển cận, nhưng họ không thiển cận như dân chúng tôi trong những vấn đề này… Do được ngăn cách bởi đại dương rộng lớn, dân nước tôi tưởng rằng họ không có gì phải sợ… và rằng họ không phải có trách nhiệm gì…”.

(còn tiếp) 

Người dịch: Nguyễn Văn Dân

Nguồn: Niall Furgeson – Donald Trump’s New World Order – The American Interest, Vol 12, No 4, 21/11/2016.

TN 2017 – 1, 2 & 3

Bình luận về bài viết này