Tư duy khởi sự kinh doanh – Phần XII


Mấy năm lại đây, Chính phủ rất quan tâm và quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh nước ta. Đặc biệt những năm 2014 – 2015 nhiều cải cách hành chính đã được triển khai từ chính phủ đến các cơ quan cấp bộ và các địa phương cả nước với quyết tâm giảm thủ tục hành chính theo định hướng đến năm 2016 môi trường kinh doanh nước ta đạt trung bình nhóm ASEAN-4 (Hộp dưới).

Việt Nam muốn tiến sát Thái Lan về môi trường kinh doanh

Chính phủ yêu cầu đến năm 2016, môi trường kinh doanh đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4, tiến gần với Thái Lan

Thông tin trên được tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết tại Hội thảo sáng nay (12/3/15). “Nếu môi trường kinh doanh Việt Nam đạt mức trung bình ASEAN-4 thì sẽ tiến gần đến Thái Lan”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung phát biểu.

Yêu cầu này cho thấy Chính phủ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, trong bối cảnh 3 – 5 năm tới là giai đoạn then chốt đối với tiến trình hội nhập quốc tế, sau khi hoàn tất đàm phán và bắt đầu triển khai hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước chủ chốt, xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN.

Trước đó, Nghị quyết 19 ban hành đầu năm 2014 đặt mục tiêu đến cuối năm nay chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN-6 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Brunei). Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, Chính phủ đánh giá cần gia tăng nhiệm vụ hơn nữa cho các Bộ, ngành, địa phương, bởi hơn một nửa giải pháp vẫn bị đánh giá có năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh thấp trong khu vực.

Chẳng hạn, đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới về năng lực cạnh tranh cho thấy Việt Nam xếp thứ 68, sau các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Môi trường kinh doanh cũng được Ngân hàng thế giới xếp ở vị trí 78 trên 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, kém Thái Lan 52 bậc.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2015, Chính phủ cũng đã tập trung bàn luận về các giải pháp để cải thiện xếp hạng. Theo đó, đến cuối năm nay, một số chỉ tiêu phải giảm một nửa thời gian thực hiện so với hiện nay như nộp thuế, tiếp cận điện, làm thủ tục phá sản… Sang năm 2016, Việt Nam đặt mục tiêu lọt top 60 nước trên thế giới về khởi sự kinh doanh, top 50 về bảo vệ nhà đầu tư, top 20 về chỉ số tiếp cận tín dụng.

Nhằm hoàn thành mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành phải tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo cạnh tranh minh bạch, bình đẳng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tái cơ cấu nền kinh tế…

Hàng năm tổ chức VCCI đã sử dụng các tiêu chí nhất định để xếp hạng tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh cho 63 tỉnh/thành ở nước ta. Những tỉnh xếp hạng cao đã chú trọng đến việc tạo các điều kiện thuận lợi nhất định cho hoạt động kinh doanh; ngược lại, các tỉnh xếp sau đang ít chú ý đến cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực trạng này của môi trường kinh doanh nước ta đã gây ra rất nhiều khó khăn, thậm chí làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ta. Điều này dẫn đến những tính toán, lựa chọn của những người khởi sự kinh doanh: trước khi khởi sự bên cạnh việc nghiên cứu cơ hội kinh doanh phải chú ý đánh giá chính xác môi trường kinh doanh để lựa chọn cho mình nơi kinh doanh thuận lợi. Khi đã chấp nhận, người sắp khởi nghiệp phải chú ý nghiên cứu các điều kiện môi trường kinh doanh rất cụ thể tại địa phương mình muốn kinh doanh để thật am hiểu khi tiến hành các hoạt động kinh doanh, giải quyết các công việc có liên quan tại các cơ quan công quyền. Nếu không nhận thức đúng hoặc bỏ qua các vấn đề này đôi khi hoạt động kinh doanh “coi như” chấm dứt ngay từ khi mới khởi sự. Mặt khác, mỗi nghiệp chủ lại đều cần nhận thức được chính bản thân mình cũng có trách nhiệm góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh mà mình hoạt động trong đó.

3.2.3/ Nền kinh tế thị trường mang tính đan xen

Nhiều doanh nghiệp nước ta ngày nay kinh doanh trong nền kinh tế thị trường mang tính đan xen: vừa ở nơi thị trường mang tính cạnh tranh, vừa ở nơi mà thị trường chưa hoặc chưa thực sự cạnh tranh. Trong khi nước ta chưa có thị trường cạnh tranh thì nhiều thị trường ở nhiều nước đã mang tính cạnh tranh. Hơn nữa, dù thị trường tổng thể ở nước ta chưa thực sự cạnh tranh thì thị trường rất nhiều loại sản phẩm cụ thể cũng đã mang tính cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp nước ta vẫn phải trực tiếp hoặc gián tiếp cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng loại của nước ngoài. Vì thế, doanh nhân không thể chỉ am hiểu thị trường chưa cạnh tranh lại không am hiểu thị trường mang tính cạnh tranh.

Cầu là mối quan hệ giữa giá của một mặt hàng với lượng cầu đối với mặt hàng đó, trong điều kiện những yếu tố khác không đổi. Giá được đo theo đơn vị tiền và lượng cầu được tính theo đơn vị hàng mà người tiêu dùng sẵn lòng mua và có thể mua trong một thời điểm. Quy luật cầu cho thấy mối quan hệ nghịch biến giữa giá và lượng cầu: khi giá tăng, lượng cầu của người tiêu dùng giảm đi.

Cung là mối quan hệ giữa giá của một mặt hàng với lượng cung đối với mặt hàng đó, trong điều kiện những yếu tố khác không đổi. Giá được đo theo đơn vị tiền và lượng cung được tính theo đơn vị hàng mà người bán sẵn lòng bán và có thể bán trong một thời điểm. Quy luật cung cho thấy mối quan hệ đồng biến giữa giá và lượng cung: khi giá tăng, lượng cung của người bán cũng tăng lên.

Mức giá mà lượng cầu bằng lượng cung gọi là giá cân bằng thị trường hay là giá cả thị trường. Giá này chính là giá cả tại thị trường cạnh tranh. Tại mức giá này, người bán đã bán được bằng với mức giá mà họ mong muốn và bán được hết hàng, người mua cũng mua được hàng với giá mà họ muốn mua. Nếu giá thị trường thấp hơn giá cân bằng, lượng cầu của người tiêu dùng sẽ vượt lượng cung của nhà sản xuất dẫn đến một số người có cầu nhưng không được đáp ứng; nếu giá thị trường cao hơn mức giá cân bằng, lượng cầu của người tiêu dùng sẽ ít hơn lượng cung của nhà sản xuất, dẫn đến có một lượng cung không được người tiêu dùng chấp nhận. Cũng vì vậy, người mua và người bán đều nhận thức được điểm cân bằng cung – cầu là điểm đem lại lợi ích lâu dài cho cả hai phía.

Như thế, muốn kinh doanh nghiệp chủ phải có nhận thức giá cả phải là giá cả thị trường (chứ không phải giá do người bán mong muốn); Khi bán hàng không thể và không chú ý nghiên cứu thị trường: cung – cầu, tính chất cạnh tranh,… và chính điều này mới đem lại lợi ích và sự phát triển lâu dài cho doanh nghiệp.

Nếu nhìn ra toàn cầu thì các doanh nghiệp nước ta đang kinh doanh trong môi trường vừa chưa thị trường (như đã chỉ ra ở đặc điểm trên), vừa mang đặc điểm thị trường cạnh tranh (với nhiều doanh nghiệp có quan hệ xuất nhập khẩu hàng hóa). Ngày nay, hình ảnh phổ biến của các thị trường trên thế giới là thị trường cạnh tranh, xu thế phát triển chủ yếu ngày nay là xu thế mở rộng cạnh tranh của thị trường. Ở nước ta, thị trường cũng mang nhiều màu sắc: có loại hàng hóa thị trường đã mang tính cạnh tranh như thị trường bán lẻ hàng hóa, thị trường nông sản ở các chợ truyền thống, thị trường viễn thông… và cũng còn nhiều thị trường của nhiều loại hàng hoa chưa thực sự là thị trường; đặc biệt là thị trường hàng hóa liên quan đến các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước,…

Trong bối cảnh này, một lời khuyên đơn giản: thứ nhất là nguyên tắc “nhập gia, tùy tục”, kinh doanh ở thị trường nào phải biết ra quyết định phù hợp với thực trạng thị trường đó; thứ hai, nếu muốn kinh doanh thành đạt trong nền kinh tế thị trường hiện đại người khởi nghiệp hãy biết “quên” dần đi các cách ứng xử trong thị trường phi cạnh tranh hoặc ít cạnh tranh để hình thành các cách thức ra quyết định kinh doanh trong môi trường cạnh tranh.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Nguyễn Ngọc Huyền, Ngô Thị Viết Nga (đcb) – Giáo trình khởi sự kinh doanh – NXB ĐHKTQD 2016.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s