Tư duy khởi sự kinh doanh – Phần XIII


Hộp dưới cho chúng ta cái nhìn mang tính lịch sử: ngay từ đầu thế kỷ XX người ta đã nhận thức được tác động xấu của cách định giá bằng giá thành. Mặc dù vậy, chúng ta cũng hãy cùng nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác: phổ biến người Việt kinh doanh đều chỉ biết một điều: định giá từ giá thành. Cũng do chỉ chấp nhận hoặc nghĩ rằng có một phương thức định giá từ giá thành nên nếu chỉ nhìn lợi ích ngắn hạn thì người bán hàng rất có lợi: người bán có quyền định giá vì bản thân mình chứ không vì khách hàng; giá thành càng cao, người bán càng được bán giá cao và do đó càng có nhiều lãi hơn (lãi thường tính theo tỷ lệ % so với giá thành). Vì thế người bán cố tình định giá trên cơ sở giá thành mặc dù kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.

Định giá từ giá thành

Một văn phòng du lịch đã đặt dài hạn các chuyến tàu đặc biệt vào chủ nhật với giá 250 Mark cho mỗi chuyến. Tàu có 400 ghế, đều là ghế hạng ba. Chủ nhật đầu tiên văn phòng đã quy định mức giá vé là 2 Mark/vé và đã có 125 người mua. Như thế văn phòng thu “thô” được 250 Mark, bằng với phần chi ra. Giám đốc văn phòng suy nghĩ: với mức giá quy định này văn phòng mới chỉ bù đắp được giá thành. Tất nhiên, văn phòng cũng cần phải kiếm một chút lợi nhuận. Vì thế giá vé được tăng lên thành 3 Mark/vé. Chủ nhật tiếp theo văn phòng bán được 50 vé, thu được 150 Mark và đã bị lỗ ròng là 100 Mark. Trong văn phòng lại có người nghĩ: trong khi chi phí trung bình là 5 Mark/người mà văn phòng lại vận chuyển họ với giá chỉ có 3 Mark là không thể chấp nhận được. Thế là giá vé lại được tăng lên thành 6 Mark/vé và kết quả là chủ nhật tiếp theo tàu chỉ còn chở có 6 hành khác. Bây giỡ lỗ vốn đã tăng lên 214 Mark. Cuối cùng giám đốc suy nghĩ: Việc gắn giá bán với giá thành thật vô nghĩa, nó chỉ đem lại lỗ vốn mà thôi: Vì thế giá vé đã được hạ xuống chỉ còn có 1 Mark. Kết quả thật mỹ mãn: số khách của chủ nhật tiếp theo là 400, thu được 400 Mark nên đã dôi ra (lãi) 150 Mark và thật đặc biệt: giá thành đã giảm xuống chỉ còn 63,5 Pf./người.

Tất nhiên, cách định giá này làm người mua luôn bị thiệt thòi. Song với các bài “Chính sách giá cả như thế nào đem lại lợi ích cho doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường?”. “Bị áp thuế bán phá giá và những vấn đề đặt ra” và “Giá thuốc, chất lượng thuốc, quản lý thuốc”, tác giả Nguyễn Ngọc Huyền đã chỉ rõ những cái hại cho chính người sản xuất do phương thức định giá đó đem lại: bị áp thuế bán phá giá nên khó xuất khẩu, sản xuất đình đốn, sau nhiều năm buông lỏng quản trị dẫn đến những yếu kém tồn động nhiều năm trở thành căn bệnh khó chữa. Ngày nay, sức cạnh tranh của phổ biến các doanh nghiệp Việt Nam là thấp hoặc không có, thậm chí rơi vào thế bất lợi vì giá thành sản phẩm quá cao. Thiết nghĩ nhận thức được điều này cũng cực kỳ cần thiết để người khởi nghiệp biết tránh các suy nghĩ, cách làm “tầm thường”, sai quy luật mà những người đi trước đã vấp phải. Đây cũng chính là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể khởi nghiệp và kinh doanh thành công.

3.2.4/ Môi trường kinh doanh hội nhập quốc tế

Thế kỷ Xxi là thế kỷ mà môi trường kinh doanh vận động mang các đặc trưng cơ bản khác hẳn so với mọi thời kỳ trước đó. Có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, phạm vi kinh doanh mang tính toàn cầu

Quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đã tiến được những bước dài. Ngày nay, thế giới đã hình thành nhiều khu vực kinh tế như khối thị trường chung châu Âu, Hiệp hội các nước Đông Nam Á, Khu vực kinh tế Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Châu Phi…

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày càng lớn mạnh, đến nay đã thu hút khoảng 160 nước trên thế giới tham gia; nhiều nước còn lại đang xúc tiến các công việc cần thiết để gia nhập tổ chức này.

Đặc trưng này mở rộng môi trường kinh doanh của mọi doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp nước ta kinh doanh ngày nay không chỉ hoạt động ở phạm vi đất nước mình mà còn có quyền kinh doanh ở thị trường khu vực và thế giới – họ có quyền kinh doanh ở mọi nước thành viên WTO còn lại. Điều này cũng mở ra cơ hội kinh doanh mới cho nhiều doanh nghiệp nước ta. Nếu trước đây, các doanh nghiệp chỉ bán hàng ở thị trường Việt Nam thì nay họ có thể và phải nghĩ đến bán hàng hoặc sản xuất và bán hàng ở mọi quốc gia khác thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới. Thị trường sẽ vô cùng rộng lớn. Vấn đề là ở chỗ không phải cứ vào WTO là mọi doanh nghiệp nước ta đều mang được hàng sang bán ở các nước khác. Sẽ chỉ có doanh nghiệp nào sản xuất hàng hóa có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp cùng loại ở các nước khác, doanh nghiệp đó mới có lợi thế này. Vậy loại hàng hóa nào thì có lợi thế cạnh tranh? Có lẽ tính quy luật phổ biến là lợi thế cạnh tranh phổ biến của các doanh nghiệp gắn trước hết với lợi thế cạnh tranh quốc gia. Nước ta có lợi thế cạnh tranh gì so với các nước khác thì doanh nghiệp nào khai thác được lợi thế ấy sẽ là doanh nghiệp có khả năng nhiều nhất về lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp của các nước khác. Nền kinh tế toàn cầu hóa đòi hỏi các doanh nghiệp của mỗi quốc gia không kinh doanh theo tư duy cũ “tự cung, tự cấp” mà phải chuyển sang cách tư duy mới – sản xuất tối đa các sản phẩm/dịch vụ mà nước mình có lợi thế. Như thế, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh quốc gia trong suy nghĩ, tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng là nhiệm vụ của mỗi người muốn khởi nghiệp thành công.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới mỗi doanh nghiệp kinh doanh ngày nay lại không chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp ở chính nước mình mà còn phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp cùng loại trong khu vực và trên thế giới. Như thế, số lượng đối thủ cạnh tranh, tính chất và cường độ cạnh tranh sẽ cao hơn hẳn so với mọi thời kỳ trước đó. Điều này sẽ đem lại bất lợi trước tiên cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các loại sản phẩm/dịch vụ mà nước khác có lợi thế cạnh tranh. Vì thế, trước khi khởi sự nghiệp chủ phải tính toán và tránh ngay từ đầu những sản phẩm/dịch vụ mà lợi thế có ở các quốc gia khác khi tìm kiếm ý tưởng kinh doanh cho mình.

Tất nhiên, khi đã mạnh, doanh nghiệp mới có thể vượt qua được các cản trở để có thể có lợi thế ngay cả với những sản phẩm/dịch vụ không thuộc lợi thế cạnh tranh của nước mình song dù sao, đó cũng không nên là con đường khôn ngoan cho các doanh nghiệp mới.

Thứ hai, tính chất bất ổn của thị trường là rất rõ ràng và ngày càng mạnh mẽ

Môi trường kinh doanh càng mở rộng bao nhiêu sẽ càng có sự tham gia của nhiều thành viên kinh tế bấy nhiêu. Toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đã rút ngắn khoảng cách về không gian, làm cho các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau vẫn có thể cạnh trnah trực tiếp với nhau không phải chỉ ở sản phẩm đầu ra mà còn ở việc cung cấp các nguồn lực đầu vào. Nhiều đối thủ ở nhiều nước và khu vực khác nhau với trình độ nhận thức và phản ứng trước thị trường hết sức khác nhau lại cùng cạnh tranh với nhau sẽ mang lại bức tranh cạnh tranh rất nhiều màu sắc. Chính bức tranh cạnh tranh đa màu này tất yếu sẽ dấn đến tính bất ổn ngày càng cao của môi trường kinh doanh: “Nhìn ra phía trước chúng ta chỉ thấy một thế giới của sự hỗn mang và bất định. Một thế giới của sự thay đổi ngày càng nhanh. Một thế giới mà ở đó nền kinh tế sẽ không còn dựa vào đất đai, tiền bạc hoặc dựa vào nguyên vật liệu mà dựa vào vốn trí tuệ. Một nơi mà cạnh tranh sẽ trở nên quyết liệt và thị trường trở nên tàn nhẫn… Một nơi mà khách hàng sẽ tiếp cận vô hạn với sản phẩm, dịch vụ và thông tin. Một nơi mà mạng lưới thông tin sẽ còn quan trọng hơn cả quốc gia. Và là một nơi mà bạn hoặc sẽ hoạt động kinh doanh theo sát thời gian thực hoặc sẽ chết.

Tính chất bất ổn cao dẫn đến phá vỡ các tính phổ biến trước đây về hoạt động kinh doanh và quản trị kinh doanh. Điều này đòi hỏi những người khởi nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tích lũy các kiến thức kinh doanh và quản trị kinh doanh hiện đại cần thiết, tìm kiếm con đường đi tương đối đảm bảo cho doanh nghiệp của mình, đồng thời phải xác định nghiệp chủ có trách nhiệm đưa doanh nghiệp phát triển trong môi trường đầy cạm bẫy và biến động.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Nguyễn Ngọc Huyền, Ngô Thị Viết Nga (đcb) – Giáo trình khởi sự kinh doanh – NXB ĐHKTQD 2016.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s