Mặt thứ hai của vấn đề là quá trình kinh doanh có tư duy liên tục và chủ động đổi mới sản phẩm/dịch vụ đảm bảo luôn thích ứng với sự thay đổi của nhu cầu và cầu? Điều này nói thì dễ nhưng làm không dễ. Bản thân mỗi con người cũng thường chứa đựng những tư duy đầy mâu thuẫn: vừa thích cái mới và cũng vừa sợ cái mới. Thích cái mới vì sự “lạ” của cái mới đó; nhưng sợ cái mới bởi thói quen không dám chịu mạo hiểm. Hình như với phổ biến loài người thì số người “sợ mạo hiểm” trước cái mới có vẻ chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với số người thích khám phá cái mới. Trong khi đó, chỉ những người dám khám phá, sẵn sàng tạo cái mới đáp ứng nhu cầu mới của con người mới là kẻ chiến thắng trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Có thể nói tư duy liên tục đổi mới sản phẩm/dịch vụ là điều kiện để kinh doanh phát triển. Mặc dù rất cần có tư duy liên tục đổi mới sản phẩm/dịch vụ song có thể nói chỉ những con người có tư duy tiến bộ mới sẵn sàng chấp nhận cái mới, mới có chỗ tư duy liên tục đổi mới sản phẩm/dịch vụ. Điều này có ý nghĩa lớn là ở chỗ người khởi sự tạo lập doanh nghiệp kinh doanh cần nhận thức được và nếu thấy mình thiếu thì cần rèn luyện để dám có tư duy chấp nhận cái mới, liên tục đổi mới sản phẩm/dịch vụ khi triển khai các hoạt động kinh doanh.
+ Kinh doanh ở phạm vi nào và phục vụ đối tượng khách hàng nào? Người có tư duy kinh doanh không tốt, tư duy theo lối mòn hay nghĩ đến kinh doanh trong nước, phục vụ khách hàng truyền thống trong nước. Cũng ó người lại ở thái cực ngược lại: chỉ nghĩ đến kinh doanh ngoài nước mà quên khách hàng truyền thống trong nước. Thực ra kinh doanh trong nước, ngoài nước hay cả trong và ngoài nước hoàn toàn tùy thuộc vào sản phẩm/dịch vụ cụ thể mà người khởi sự tiến hành kinh doanh. Tuy nhiên, nguyên lý mang tính thời đại ngày nay mỗi doanh nghiệp đều có quyền hoạt động ở cả trong và ngoài nước; khách hàng của doanh nghiệp có mặt ở tất cả các nước thuộc tổ chức thương mại thế giới. Tư duy như thế, doanh nghiệp không tự giới hạn ở thị trường hạn hẹp mà luôn tính đến thị trường rộng lớn. Tính quy luật phổ biến là nếu kinh doanh một sản phẩm/dịch vụ chuyên môn hóa sâu thì phải nghĩ đến thị trường rộng lớn; ngược lại, nếu kinh doanh tổng hợp thì có thể nghĩ đến thị trường hẹp hơn. Điều này không có nghĩa là cứ kinh doanh tổng hợp thì chỉ kinh doanh ở thị trường hẹp mà chỉ có thể nghĩ đến thị trường hẹp hơn. Điều này không có nghĩa là cứ kinh doanh tổng hợp thì chỉ kinh doanh ở thị trường hẹp mà chỉ có nghĩa các loại hàng hóa cụ thể phải đáp ứng đúng cầu của từng thị trường rất cụ thể. Ví dụ kinh doanh chuỗi siêu thị, có thể Metro có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới song kinh doanh mặt hàng cụ thể của Metro ở Việt Nam lại khác với Metro ở Đức chẳng hạn…
+ Tư duy về môi trường kinh doanh. Có người kinh doanh nhưng coi thường đặc điểm của môi trường kinh doanh bởi họ không nhận thức được môi trường tác động trực tiếp và rất mạnh mẽ đến kết quả và hiệu quả kinh doanh; họ cũng không nhận thức được rằng trong thế giới bao la của loài người mỗi nước tạo ra một (thậm chí nhiều) môi trường cụ thể rất khác biệt. Có quốc gia tạo ra môi trường mà đánh giá chung theo các tiêu chí mà nhiều tổ chức đánh giá môi trường kinh doanh đưa ra và được đa số ủng hộ là khá thuận lợi; ngược lại, cũng có những quốc gia mà kinh doanh ở đó gặp nhiều rủi ro, bất trắc. Vì thế, nhận thức về môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển kinh doanh là một trong những biểu hiện của người có tư duy kinh doanh tốt.
+ Kinh doanh theo mô hình nào? Có thể nói cho đến nay không phải ai cũng thống nhất về phạm trù mô hình kinh doanh mặc dù trả lời đúng câu hỏi mô hình kinh doanh lại rất quan trọng đối với người kinh doanh. Có thể hiểu mô hình kinh doanh là phạm trù đề cập đến cách thức kết hợp nguồn lực phục vụ khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ – kỹ thuật xác định.
Về nguyên tắc, cơ sở công nghệ – kỹ thuật nào có thể hình thành nên cách thức kết hợp nguồn lực phục vụ khách hàng tương ứng. Tuy nhiên, có sử dụng được công nghệ – kỹ thuật để tạo ra mô hình kinh doanh mới hay không lại phụ thuộc vào trình độ của con người. Chẳng hạn, nếu nhìn vào lĩnh vực thương mại có thể thấy với sự phát triển của công nghệ – kỹ thuật từ xưa đến nay loài người đã trải qua các mô hình bán hàng từ kiểu cổ xưa nhất như bán hàng ở chợ truyền thống (mà ngày nay còn đầy rẫy ở nước ta), qua mô hình bán hàng kiểu tự chọn, rồi đến 1996 mô hình bán hàng kiểu siêu thị ra đời và ngày nay dù công nghệ Internet phát triển không phải chỉ ở một quốc gia mà còn ở phạm vi toàn cầu song không phải ở đâu cũng phát triển được mô hình bán hàng qua mạng. Có quốc gia mà ở đó nhiều người kinh donah đã khéo phối hợp nguồn lực theo hướng sử dụng mạng để bán hàng; song cũng nhiều nơi hầu như bán hàng qua mạng vẫn chỉ đang ở giai đoạn chuẩn bị các điều kiện tiền đề cần thiết.
Vấn đề vẫn là ở chỗ nếu biết sử dụng mô hình kinh doanh hiện đại, khả năng thành công sẽ cao và kinh doanh phát triển nhanh và ngược lại. Vì thế, rất cần có tư duy tốt về mô hình kinh doanh.
+ Tư duy về hợp tác và cạnh tranh trong kinh doanh. Khía cạnh này của tư duy kinh doanh cũng là vấn đề mà không phải ai cũng nhận thức tốt. Biểu hiện của những người không có tư duy tốt ở góc độ này chính là phổ biến người Việt vẫn mang nặng trong nhận thức của mình câu châm ngôn “buôn gian, bán lận”. Những người này vẫn cứ nghĩ rằng đã buôn bán là phải gian lận mà họ không nghĩ được rằng đó là lối tư duy chỉ tồn tại ở các thị trường đang rất thấp cấp. Họ không nghĩ được rằng sự vật đã thay đổi nhiều; ngày nay kinh doanh chỉ phát triển được trên cơ sở “buôn bán thật thà”.
Những người có tư duy tốt về vấn đề này là những người nhận thức đúng đắn việc xử lý các mối quan hệ kinh doanh ngày nay là “vừa cạnh tranh, vừa hợp tác”. Một mặt, bất cứ ai kinh doanh trong thị trường ngày nay cũng phải thấm nhuần quan điểm phải chấp nhận và chiến thăng trong cạnh tranh vì cạnh tranh vốn là quy luật phổ biến trong vũ trụ; chấp nhận kinh doanh là phải chấp nhận cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu cách nay hàng thế kỷ con người quan niệm cạnh tranh là “một mất, một còn” thì ngày nay quan niệm cạnh tranh đã thay đổi: họ vừa phải cạnh tranh, vừa phải nhằm giành chiến thắng trong cạnh tranh và cũng vừa cần phải hợp tác với đối thủ để làm gia tăng giá trị phục vụ khách hàng.
Rất cần thay đổi tư duy nhưng thay đổi tư duy kinh doanh này đối với người Việt cũng lại là điều không đơn giản.
+ Tư duy về sự phát triển kinh doanh. Quan điểm phát triển kinh doanh trước đây là phát triển bằng mọi giá còn tư duy kinh doanh ngày nay là phát triển bền vững. Nếu trước đây người ta quan niệm “đời cua, cua máy; đời cáy, cáy đào” thì ngày nay tư duy hoàn toàn thay đổi: phát triển kinh doanh ngày hôm nay phải trên cơ sở đảm bảo các điều kiện để con cháu mai sau tiếp tục phát triển. Không phải người Việt Nam nào cũng thay đổi được từ tư duy cũ sang tư duy mới ở góc độ này. Như thế, rất cần người kinh doanh có đủ năng lực tư duy phát triển bền vững vì chỉ trên cơ sở đó lợi ích cá nhân mới gắn với lợi ích xã hội, sự phát triển kinh doanh cua bản thân mới có ý nghĩa đem lại điều kiện để con cháu tiếp tục phát triển.
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Nguyễn Ngọc Huyền, Ngô Thị Viết Nga (đcb) – Giáo trình khởi sự kinh doanh – NXB ĐHKTQD 2016.