Liệu Iran có thể trở thành Triều Tiên thứ hai?


Philip Gordon & Amos Yadlin

Các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa gần đây nhất của Triều Tiên, để chứng tỏ rằng vũ khí hạt nhân do nước này phát triển đã đạt được tiến bộ, có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ tại châu Á. Tuy nhiên, hậu quả của vụ thử rõ ràng đã vượt ra khỏi khu vực châu Á và Bắc Mỹ. Trên khắp Trung Đông, dư luận đặt nghi vấn rằng phản ứng của Mỹ đối với vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, khi số vũ khí này giờ đây có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, sẽ là câu trả lời cho những gì sẽ xảy ra ở Iran. Các nhà lãnh đạo và người dân trong khu vực, đặc biệt là ở Israel và các quốc gia vùng Vịnh, lo ngại rằng họ sẽ có thể sớm được xem ngay gần nhà một bộ phim điện ảnh đang chiếu ở Đông Á.

Sự lo lắng này không phải là vô căn cứ và sự tương đồng giữa hai trường hợp đang gây chú ý cho dư luận. Năm 1994, Chính quyền Bill Clinton từng tuyên bố rằng “Thỏa thuận khung” sẽ “đóng băng và sau đó xóa bỏ” chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời hứa hẹn rằng “Hàn Quốc và các đồng minh khác của chúng ta sẽ được bảo vệ tốt hơn”, “tòa thế giới sẽ an toàn hơn” và “Mỹ cùng với các thanh sát viên quốc tế sẽ giám sát Triều Tiên cẩn trọng để đảm bảo rằng nước này sẽ thực hiện các cam kết của mình”. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã lừa gạt, thỏa thuận đổ vỡ và trong vòng một thập niên, Triều Tiên đã quay lại phát triển vũ khí hạt nhân.

Chính quyền George W. Bush đã thử một cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn, nhưng cũng thất bại. Mặc dù đưa ra học thuyết mới về tấn công phủ đầu và cam kết ngăn chặn các quốc gia thù địch như Triều Tiên sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông Bush đã không thể làm gì ngoại trừ tuyên bố “lên án hành động khiêu khích này” khi Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân vào năm 2006. Và mặc dù cam kết Triều Tiên sẽ phải chịu “hoàn toàn trách nhiệm” nếu phát triển vũ khí hoặc vật liệu hạt nhân, Chính phủ Mỹ vẫn không hành động khi Bình Nhưỡng tiến hành xây dựng một lò phản ứng nước nặng sản xuất plutoni bí mật ở Syria. Theo các quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, nỗ lực của Triều Tiên chỉ dừng lại khi Israel tự tay giải quyết và tiến hành ném bom khu vực này vào năm 2007. Mặc dù tấn công quân sự Iran không phải là lựa chọn lý tưởng, nhưng Mỹ và các đồng minh cần tiếp tục cân nhắc.

Năm 2009, Chính quyền Barack Obama triển khai chính sách “kiên nhẫn chiến lược”, tránh đối đầu quân sự, từ chối đàm phán với Triều Tiên, nhưng kết quả là Mỹ cũng chỉ có thể kiên nhẫn đứng nhìn Bình Nhưỡng xây dựng một kho vũ khí hạt nhân quan trọng và đạt được tiến bộ trong phát triển hệ thống mang vũ khí hạt nhân.

Tiếp đến là Chính quyền Donald Trump. Tháng 1/2017, khi nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong-un đánh tiếng về ý định thử tên tửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, Tổng thống Trump khoe khoang trên Twitter rằng “điều đó sẽ không xảy ra!” và sau đó tuyên bố rằng ông đã điều “một hạm đội” đến khu vực. Phó Tổng thống Mike Spence củng cố thông điệp của ông Trump bằng chuyến thăm đến khu phi quân sự của Hàn Quốc đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng không nên “thử thách quyết tâm (của Trump) hay sức mạnh của quân đội Mỹ”. Tuy nhiên, Triều Tiên đã thử vũ khí và điều này cho thấy rằng các phản ứng của Mỹ không hề mang lại hiệu quả hơn so với những gì mà nước này từng sử dụng để đối phó với Triều Tiên trong vòng 20 năm qua.

Trước tình hình như vậy, việc các nhà lãnh đạo và dân chúng trên khắp Trung Đông nghi ngờ khả năng Mỹ thành công trong việc ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân cũng là điều dễ thông cảm. Tuy nhiên, có những điểm khác biệt chính giữa hai nước này và điều quan trọng là phải rút ra bài học đúng đắn từ kinh nghiệm với Triều Tiên. Vẫn còn thời gian để ngăn Iran không theo bước Triều Tiên, nhưng chỉ khi các nhà lãnh đạo Mỹ và các nước khác đánh giá khách quan về thách thức và nhận ra điểm tương đồng cũng như điểm khác biệt giữa hai tình huống này.

Một số người cho rằng từ thất bại ngoại giao đối với Triều Tiên, Mỹ và các đối tác nên tránh mọi cuộc đàm phán và chỉ tập trung cô lập kinh tế và ngoại giao đến khi Chính phủ Iran nhượng bộ hoặc sụp đổ. Nhưng đó sẽ là một sai lầm vì một số lý do. Đối với Triều Tiên, Thỏa thuận khung đổ vỡ một phần là do Quốc hội Mỹ, nhất quyết không “dỗ dành” Bình Nhưỡng, từ chối cung cấp năng lượng cho Triều Tiên như đã thỏa thuận trước đó. Nhưng việc không thực hiện thỏa thuận đã không làm cho Triều Tiên sụp đổ hay thỏa hiệp mà dẫn đến sự xuất hiện của một quốc gia vũ khí hạt nhân hoang tưởng với khả năng tên lửa đạn đạo liên lục địa – hầu như không phải là quảng cáo cho chiến lược đó. Do đó, cách tiếp cận đúng đắn với Iran hiện nay không phải là từ bỏ đàm phán, dẫn đến khả năng xuất hiện quốc gia hạt nhân Iran hoặc sẽ phải đưa ra lựa chọn thảm khốc là tấn công Iran, mà phải là tiến hành đàm phán thành công.

Iran là một xã hội cởi mở và năng động hơn Triều Tiên. Iran có một chính phủ không được nhiều người ủng hộ, tầng lớp trung lưu có học thức và dân số trẻ mong muốn hội nhập với cộng đồng quốc tế, nên điều này sẽ khiến chính quyền phải chịu nhiều áp lực hơn. Mặc dù chưa thể đảm bảo nhưng sau một thập kỷ nữa khi một số hạn chế hiện nay đối với chương trình hạt nhân của Iran hết hiệu lực, với nhà lãnh đạo khác cầm quyền tại Tehran, có thể sẽ có nhiều cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn, các đảm bảo về hạt nhân và thậm thậm chí hợp tác khu vực có thể diễn ra.

Sẽ là ngây thơ khi tin rằng sẽ có một chính phủ tại Iran – ngay cả khi chính phủ đó không thù địch với Israel và các quốc gia Hồi giáo do người Sunni chiếm đa số – hoàn toàn từ bỏ nỗ lực phát triển ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân đã được thực hiện nhiều thập kỷ nay. Tuy nhiên, sẽ là khôn ngoan khi xem xét quan điểm cho rằng sự kết hợp đúng đắn giữa khuyến khích và làm thoái chí có thể khiến các nhà lãnh đạo Iran khác nhau chấp nhận những giới hạn có ý nghĩa và giám sát hiệu quả ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân. Triều Tiên đã có lựa chọn khác và hiện là một trong những nước nghèo nhất và bị cô lập nhất trên thế giới. Tehran, hoặc thực tế hơn, những người Iran, có thể nhìn vào tiền lệ đó và quyết định một tương lai khác.

Điểm khác biệt nữa là giải pháp quân sự nhằm ngăn chặn Iran sở hữu năng lực hạt nhân sẽ vẫn là lựa chọn cuối cùng. Ở Triều Tiên, quyền tấn công phủ đầu quân sự từ lâu không thể thực hiện được do thực tế chiến lược rằng hầu hết dân số Hàn Quốc, bao gồm thủ đô Seoul, nằm trong tầm bắn của hàng ngàn tên lửa của Triều Tiên. Đồng thời tất cả các nước láng giềng của Triều Tiên, bao gồm Hàn Quốc, phản đối sử dụng hành động quân sự để ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Một cuộc tấn công phủ đầu chống lại chương trình hạt nhân của Iran tất nhiên sẽ tốn kém và không rõ hiệu quả, nhưng khi cân nhắc giữa chi phí và hậu quả từ khả năng hạt nhân của Iran, đây vẫn sẽ là một lựa chọn thực tế được nhiều nước láng giềng của Iran ủng hộ.

Vì vậy, mặc dù giải pháp quân sự đối với Iran là không lý tưởng, nhưng Mỹ và các đồng minh vẫn cần tính đến lựa chọn này. Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ vẫn duy trì và phát triển thêm các khả năng như: sử dụng Massive Ordnance Penetrator, quả bom 30.000 pound (gần 14 tấn) có khả năng phá hủy các boongke dưới mặt đất, để bảo vệ chính sách mà Mỹ từng tuyên bố rằng nước này sẽ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân; triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả tại Israel và các quốc gia vùng Vịnh để đảm bảo rằng thủ đô của các nước này không bị Iran đe dọa như cách thức mà Triều Tiên đang làm với Seoul. Tehran có thể sẽ nhìn vào tiền lệ của Bình Nhưỡng và sẽ đưa ra một quyết định khác.

Sự khác biệt cuối cùng là mặc dù Triều Tiên hiện đã trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân được trang bị nhiều tên lửa tầm xa, nhưng vẫn còn thời gian với Iran. Ngay cả các nhà lãnh đạo ở Washington và Trung Đông phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng nên thừa nhận rằng cho đến nay thỏa thuận này ít nhất đã ngăn chặn Iran tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và họ nên sử dụng thời gian đó một cách khôn ngoan. Mỹ nên chấp nhận các kết luận của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và các cơ quan khác rằng Iran đang tuân thủ thỏa thuận và cần tiếp tục trì hoãn áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung định kỳ để duy trì thỏa thuận. Một quyết định đơn phương của Chính quyền Trump tuyên bố Iran không tuân thủ, hoặc gây ra một cuộc khủng hoảng giả tạo trong quá trình tiến hành các cuộc thanh sát, như một số nhân vật trong chính quyền này đang lên kế hoạch, sẽ chỉ có tác dụng cô lập Mỹ và tạo cho Iran cái cớ để nối lại các hoạt động hạt nhân.

Thay vào đó, Mỹ và các đối tác quốc tế nên tận dụng thời gian mà thỏa thuận hạt nhân tạo ra để bắt đầu tính đến khả năng Iran sẽ bỏ qua cơ hội trấn an cộng đồng quốc tế và thay vào đó tìm cách làm theo kịch bản của Triều Tiên. Mỹ nên khởi động cuộc đối thoại chiến lược chân thật với tất cả các đối tác quốc tế để bàn biện pháp thẩm tra và thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran trong khi thỏa thuận vẫn còn hiệu lực, cũng như những gì cần làm nếu Iran đang hoặc sẽ vi phạm thỏa thuận trong tương lai.

Theo thỏa thuận hạt nhân Iran, nước này có thời gian từ 10 năm đến 15 năm để chứng minh rằng chương trình năng lượng hạt nhân của họ là hoàn toàn vì mục đích hòa bình. Nếu tại thời điểm các hạn chế đó được dỡ bỏ, Iran vẫn là quốc gia chủ yếu tài trợ khủng bố, không muốn sống trong hòa bình với các nước láng giềng cũng như không thể đảm bảo rằng nước này không có ý định sở hữu vũ khí hạt nhân, Mỹ và các đối tác trong khu vực và trên thế giới sẽ phải quyết định làm thế nào để đối phó với Iran. Để có thể cùng đưa ra được một quyết định phù hợp, Mỹ và các nước đối tác nên bắt đầu thảo luận từ ngày hôm nay.

Triều Tiên luôn có một đồng minh, đó là Trung Quốc, quốc gia không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với những vi phạm về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bởi nước này lo sợ sẽ dẫn đến sự sụp đổ của một chế độ và mất đi một quốc gia ủy nhiệm. Iran không có người bảo vệ như vậy. Nếu Iran không thể sử dụng thời gian mà thỏa thuận hạt nhân tạo ra để trấn an thế giới rằng “Iran sẽ không bao giờ tìm kiếm, phát triền hoặc sở hữu bất kỳ vũ khí hạt nhân nào”, các cường quốc của thế giới cần thống nhất rằng họ vẫn còn đầy đủ các lựa chọn, trong đó có lựa chọn quân sự và tái áp dụng các lệnh trừng phạt khiến Iran phải quay lại đàm phán từ đầu.

Không thể phủ nhận những điểm tương đồng gây khó chịu giữa trường hợp của Triều Tiên và Iran, nhưng cũng có thể là sai lầm nếu bỏ qua những khác biệt. Nếu các nhà lãnh đạo Mỹ và các đối tác Trung Đông rút ra được bài học đúng đắn từ kinh nghiệm đối với Triều Tiên, họ sẽ có cơ hội tránh đi vào vết xe đổ đối với Iran.

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/articles/north-korea/2017-08-01/will-iran-become-next-north-korea

TLTKĐB – 15/08/2017

Bình luận về bài viết này