Một số lý thuyết về phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội và việc vận dụng ở Việt Nam hiện nay – Phần XIII


b/ Lý thuyết quản trị công mới (NPM – New Public Management)

Đại diện tiêu biểu cho lý thuyết này là Osborne, Gaebler, Hood, Pollitt, Barzelay, OECD… Lý thuyết “quản trị công mới” được hình thành vào những năm 1980 nhằm hiện đại hóa hoạt động quản trị khu vực công vì mục tiêu kinh tế, hiệu quả và hiệu lực cao. Một trong những triết lý cải cách khu vực công theo tư duy NPM là định hướng thị trường đối với khu vực công nhằm nâng cao hiệu quả và đáp ứng kịp thời các nhu cầu xã hội. Các hướng đổi mới trong quản trị phát triển khu vực công gồm: nâng cao trách nhiệm của bộ máy công quyền; chuẩn hóa các tiêu chuẩn và chỉ tiêu đánh giá kết quả khu vực công; nhấn mạnh kiểm soát đầu ra thay vì kiểm soát quá trình; tăng cường phân cấp quản lý; đưa cạnh tranh vào khu vực công; áp dụng phong cách quản lý và tư duy của khu vực tư nhân vào khu vực công.

c/ Lý thuyết tiếp cận tổng thể về quản lý xã hội

Đại diện tiêu biểu cho cách tiếp cận tổng thể về quản lý xã hội là các nhà xã hội học P.B. Colomy và D. Bell. Trong cách tiếp cận này, xã hội được nhìn nhận từ ba cấp độ: 1 – Cấp độ chiến lược, bao gồm các định hướng, tầm nhìn dài hạn, bao quát được các khuynh hướng phát triển và tiềm năng biến đổi của xã hội trong quá trình phát triển của lịch sử; 2 – Cấp độ trung gian – quản trị các biến đổi xã hội diễn ra trên bề mặt trung hạn (meso), ba hàm biến đổi quá trình kinh tế, chính trị, kết cấu xã hội và văn hóa, biến đổi các giá trị nội và ngoại lai,…; 3 – Cấp độ tình huống – quản trị xung đột, khủng hoảng và bất thường diễn ra trong những giới hạn thời gian và không gian cụ thể.

Công cụ và cơ chế thực hiện chức năng quản lý đối với từng cấp độ có những đặc thù, tuy nhiên cần có sự phối hợp thích hợp để phát huy công năng của từng loại chiến lược quản trị trong từng giai đoạn phát triển xã hội. Ba cấp độ quản lý này liên quan mật thiết với nhau, hỗ trợ cho nhau khi có cơ chế phối hợp phù hợp. Ngược lại, cơ chế không phù hợp có thể gây ra những biến động, phương hại tới mục tiêu của từng cấp độ.

Quản lý phát triển xã hội được hiểu là hành động hay quá trình vận động từ trạng thái yếu kém sang trạng thái đầy đủ năng lực hiện thực hóa các mục tiêu xã hội. Vì thế, quản lý phát triển xã hội tập trung vào phân tích các quá trình, nguồn lực và hiện tượng đóng vai trò tạo thuận lợi hay cản trở sự vận động theo hướng đạt các mục tiêu đã lựa chọn của xã hội. Dưới góc độ phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội có quan điểm tiếp cận toàn diện về những thách thức phát triển liên quan tới lịch sử, văn hóa, xã hội và kinh tế có thể làm cho quá trình phát triển trở nên phức tạp, về các phương diện dân tộc, địa phương và các phương diện quốc tế có ảnh hưởng tới sự phát triển, từ đó có những phương thức, giải pháp quản lý chủ động, phù hợp, bảo đảm cho xã hội phát triển bình thường, tránh rủi ro. Như vậy, quản lý vì phát triển xã hội cần sử dụng những khuôn khổ phân tích bao hàm những yếu tố bên trong và bên ngoài, không gian và thời gian, trước mắt và lâu dài.

Quản lý phát triển xã hội gắn chặt với lĩnh vực chính sách công, bởi lẽ quá trình phát triển xã hội không thể nằm ngoài các quá trình phát triển chính sách mà trong đó chủ thể hoạch định chính sách là nhà nước đóng vai trò quyết định. Chính sách công hoàn toàn dựa vào hệ thống quan điểm, mô hình và tiếp cận bảo đảm cho việc thấu hiểu, liên kết lợi ích và vai trò của các chủ thể tham gia sân chơi, quan hệ động lực và thể chế định hình khu vực này. Quản lý phát triển xã hội dưới góc độ chính sách công cần phải được xác định rõ những đặc điểm của các phương án can thiệp khác nhau trong quá trình phát triển, bao gồm mục tiêu và giới hạn, quá trình huy động nguồn lực và sự hậu thuẫn xã hội, sự đồng thuận và chia sẻ xã hội, khả năng thu hút hay xây dựng đồng minh chiến lược trong các cộng đồng lợi ích xã hội…

Quản lý phát triển xã hội nhấn mạnh tới sự quản lý như một nghề và người thực hiện chức năng này là chuyên gia thực hành nghề nhuần nhuyễn, thuần thục. Những người này phải là những chủ thể chủ chốt bảo đảm thực hành thành công các mục tiêu xã hội trong từng giai đoạn và ngữ cảnh khác nhau. Quản lý phát triển xã hội được coi là lĩnh vực liên ngành phức tạp nhất, đề xuất các kỹ năng thực tiễn trong việc xúc tiến và phối hợp các loại hành vi, quan hệ và quyết định trong việc giải quyết các vấn đề nhằm thực hiện kết hợp các can thiệp quản lý hiệu quả và hiệu lực cao. Quản lý phát triển xã hội đề cao hệ thống tri thức quản trị, quá trình và kỹ thuật, công cụ và kỹ năng cần thiết trong việc biến ý tưởng và chính sách thành những chương trình hành động và kết quả cụ thể.

d/ Lý thuyết phát triển xã hội dựa vào sự tham gia

Đại diện tiêu biểu cho lý thuyết này là các tổ chức quốc tế như WB, UNDP, các tổ chức NGOs, các nhà tài trợ từ các nước phát triển.

Tư tưởng chính của lý thuyết phát triển có sự tham gia được khởi xướng từ đầu những năm 1970, đến nay vẫn đang được vận dụng rộng rãi vào việc thực hiện nhiều dự án phát triển trong nhiều quốc gia. Phát triển có sự tham gia là thu hút người dân địa phương vào các dự án phát triển kinh tế – xã hội phục vụ cho chính dân địa phương. Một trong những tiếp cận quan trọng của nhóm lý thuyết này là nhu cầu cơ bản cho phát triển, “trao cho người nghèo cơ hội tham gia vào thiết kế sáng kiến vì lợi ích của họ”, khi đó các dự án phát triển sẽ hiệu quả và thành công hơn, bởi vì chúng được sự đồng thuận, chia sẻ và phối hợp thực hiện của các bên hưởng lợi như dân địa phương có dự án triển khai. Phát triển có sự tham gia được chấp nhận rộng rãi và thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng trong nhiều loại hình tổ chức khác nhau, từ các tổ chức kinh tế tới tổ chức xã hội và quản trị công. Trong lĩnh vực quản trị phát triển xã hội, tiếp cận này được cải cách theo logic phát triển “từ dưới lên”. Sự tham gia đòi hỏi sự phát huy năng lực địa phương (bản địa), tránh sự áp đặt từ bên ngoài. Nói cách khác, phát triển có sự tham gia là nuôi dưỡng và nâng cao năng lực của người dân trong việc khẳng định vai trò của mình trong phát triển xã hội.

III/ Quan điểm, định hướng vận dụng các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay

1/ Bối cảnh vận dụng các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay

Lịch sử loài người chỉ ra rằng, sự phát triển của một quốc gia, một xã hội chỉ có thể thành công trên cơ sở xác lập được một lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội thật sự khoa học. Lý thuyết đó phải dựa trên những nguyên lý và quy luật phát triển phổ biến của giới tự nhiên nói chung và của xã hội loài người nói riêng, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể và thực tiễn của mỗi quốc gia, mỗi xã hội trong quá trình phát triển. Đó vừa là sản phẩm, là kết quả của sự học hỏi, tiếp thu và vận dụng sáng tạo những mô hình, những lý thuyết phát triển, những kinh nghiệm của quốc gia và quốc tế trong quá khứ, trong hiện tại gắn với xu thế phát triển của thời đại mới. Đồng thời, đó còn là sản phẩm và kết quả của sự tự trải nghiệm, tổng kết, đúc rút thành lý luận và lý thuyết phát triển của các thế hệ những nhà khoa học, nhà quản lý và những người hoạt động thực tiễn ở mỗi quốc gia, trên các lĩnh vực của đời sống đương đại. Việt Nam là nước đang phát triển có điểm xuất phát thấp, một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, vừa thoát khỏi chiến tranh đang trên đường tìm kiếm và xây dựng một lý thuyết và mô hình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của mình sao cho vừa phù hợp với trào lưu chung của thời đại và những giá trị, chuẩn mực phát triển chung của nhân loại, vừa phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng, bản chất chế độ chính trị – xã hội và thực tiễn đất nước, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi và tương lai phát triển của dân tộc trong thời kỳ mới. Để làm được điều đó, chúng ta phải nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu và vận dụng sáng tạo những lý thuyết và mô hình phát triển xã hội của thế giới. Việc tiếp thu và vận dụng các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh sau đây:

1 – Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đặc biệt là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, loài người đã sáng tạo, trải nghiệm và chứng kiến rất nhiều mô hình và lý thuyết phát triển khác nhau. Mỗi loại mô hình đều dựa vào một lý thuyết phát triển chủ đạo, thể hiện bản chất chế độ chính trị – xã hội và truyền thống văn hóa của những nước áp dụng mô hình ấy. Mỗi quốc gia, trên cơ sở tham khảo các lý thuyết và mô hình phát triển của những nước có ít nhiều thành công, xuất phát từ điều kiện đặc thù và những cách tiếp cận khác nhau đã vạch ra con đường và những chiến lược phát triển riêng để đưa đất nước đi lên với những mức độ khác nhau. Có những quốc gia phát triển nhanh nhờ tìm ra và áp dụng có kết quả những lý thuyết và mô hình phù hợp, nhưng cũng có không ít quốc gia phải trả giá đắt cho sự ngộ nhận, ấu trĩ khi áp dụng máy móc, nóng vội những lý thuyết và mô hình phát triển của bên ngoài, hoặc phải gánh chịu những hậu quả và ảnh hưởng tiêu cực do mặt trái của sự phát triển đó mang lại. Nhiều lý thuyết đã được đưa ra và thể nghiêm như: Lý thuyết “tự điều tiết” của trường phái kinh tế học cổ điển (gắn liền với lý thuyết “bàn tay vô hình” của A. Smith và thuyết “cân bằng tổng quát” của L. Walras); lý thuyết về tăng cường vai trò điều tiết của nhà nước của J.M. Keynes; lý thuyết kinh tế hỗn hợp của P.A. Samuelson (“nhà nước ít hơn, thị trường nhiều hơn” hay “nhiều nhưng có thể, ít nhưng cần thiết”); lý thuyết tự do (nhà nước tối thiểu) của Friedrich August von Hayek; lý thuyết phát triển “cân đối có kế hoạch” ứng dụng trong mô hình chủ nghĩa xã hội quan liêu, bao cấp kiểu Xô Viết…

(còn tiếp) 

Nguồn: Ngô Ngọc Thắng & Đoàn Minh Huấn (đcb) – Một số lý thuyết về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội – NXB CTQG 2014.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s