Thực tiễn đã kiểm nghiệm và cho thấy, những lý thuyết đó đều không thành công hoàn toàn, trọn vẹn, hoặc chỉ thành công hạn chế ở một giai đoạn, một khía cạnh nào đó. Hệ quả là, trong lịch sử đã diễn ra và lan truyền làn sóng khủng hoảng về mô hình phát triển ở mọi khu vực trên thế giới, nhất là từ giữa những năm 80 đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX với sự sụp đổ của mô hình phát triển kinh tế – xã hội theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung phi thị trường ở các nước xã hội chủ nghĩa thuộc Liên Xô và Đông Âu. Sự thất bại của mô hình phát triển nền kinh tế thị trường có sự điều tiết bởi Nhà nước phúc lợi xã hội ở Thụy Điển và một số nước tư bản phát triển Bắc Âu, Tây Âu từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1990. Hay sự bế tắc của mô hình phát triển theo chủ nghĩa tự do mới mà biểu hiện rõ nhất là cuộc đại suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ năm 2008; sự phát triển quá nóng của nền kinh tế Trung Quốc và khủng hoảng nợ công của Mỹ và các nước châu Âu hiện nay là một minh chứng về sự phát triển không bền vững. Điều đó đã cảnh tỉnh mọi người về mặt trái và tác động tiêu cực của những lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội có tính thiên lệch và cực đoan, đồng thời buộc các quốc gia phải cùng nhau xem xét lại mô hình phát triển của mình, phải thận trọng, sáng suốt, nêu cao trách nhiệm hơn khi đề ra lý thuyết phát triển cũng như khi vận dụng, tiếp thu lý thuyết và mô hình phát triển từ nước khác. Chính vì vậy, ngay từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ đang lan ra toàn cầu, tại khóa họp thường niên lần thứ 63 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23/9/2008, Tổng thống Pháp lúc đó là Nicolas Sarkozy, Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chủ chốt của thế giới tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh để rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng thời “tái xây dựng một chủ nghĩa tư bản điều chỉnh”. Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) diễn ra ở Pittsburgh (Mỹ) ngày 24/9/2009, Thủ tướng Anh Gordon Brown kêu gọi hình thành một “cơ chế quản lý kinh tế toàn cầu mới”. Vào cuối năm 2009, tại cuộc gặp các đại diện của trên 50 đảng cánh tả ở thủ đô Caracas, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã kêu gọi thành lập Quốc tế V. Như vậy, thực tiễn phát triển kinh tế, chính trị – xã hội toàn cầu hiện nay đã và đang đặt ra những nhu cầu mới mà nhân loại cần phải quan tâm, đặc biệt là mặt chính trị – xã hội của thể chế kinh tế thế giới trong thời đại toàn cầu hóa, để bảo đảm các yếu tố, các điều kiện phù hợp cho sự phát triển nhanh và bền vững của các nền kinh tế nói riêng và sự phát triển của các quốc gia nói chung. Đây cũng là điều mà Việt Nam phải cân nhắc khi lựa chọn và áp dụng các lý thuyết và mô hình phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội, nhất là khi chúng ta lựa chọn con đường phát triển theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một mô hình chưa có tiền lệ trong lịch sử, ở bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng hiện nay.
2 – Việc tìm kiếm, xây dựng và tiếp thu, vận dụng những lý thuyết phát triển tiên tiến vào phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam được tiến hành trong bối cảnh trên thế giới đang diễn ra khủng hoảng lý thuyết và mô hình phát triển, đồng thời nhân loại đang tìm lối thoát và kỳ vọng vào Lý thuyết phát triển bền vững được coi là lý thuyết phát triển hợp lý nhất hiện nay. Như đã trình bày ở phần trên, quan niệm phát triển bền vững xuất hiện từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX, được phổ biến rộng rãi vào năm 1987, với hàm ý tổng quát là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau, trong đó phải đảm bảo có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữa ba mặt của sự phát triển gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Trong hai thập niên qua, trên bình diện quốc tế đã có không ít hội nghị thượng đỉnh thảo luận về chủ đề này và đưa ra nhiều văn kiện, quyết sách quan trọng. Qua các bản tuyên bố, các văn kiện được thông qua, nội hàm phát triển bền vững ngày càng được bổ sung và phát triển với phương pháp tư duy và cách tiếp cận mới, hệ thống, sâu rộng, bao quát và có tầm nhìn xa hơn. Vấn đề phát triển bền vững ngày càng được đặc biệt quan tâm, trở thành yêu cầu phát triển chung của nhân loại.
Lý thuyết phát triển bền vững đã được Việt Nam tiếp nhận ngay khi nó được phổ biến từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Sớm nhận thấy những hạn chế, bất cập trong các lý thuyết phát triển trước đây trên thế giới, Việt Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ những tư tưởng, quyết sách và các chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó có Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) về phát triển bền vững toàn cầu, đồng thời xây dựng Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam Phát triển bền vững đã trở thành một trong những tư tưởng chủ đạo trong chính sách và chiến lược phát triển của Việt Nam, được quán triệt và thể hiện từ trong các văn kiện của Đảng và trong các văn bản quản lý, các chương trình hành động của Chính phủ, cũng như cam kết của Việt Nam với quốc tế. Điều đó được phản ánh trong Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, nhằm phát triển bền vững đất nước trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội, phát triển văn hóa, phát triển con người, bảo vệ môi trường. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đã nêu lên những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, đề ra những chủ trương, chính sách, công cụ pháp luật và những lĩnh vực hoạt động ưu tiên cần được thực hiện để phát triển bền vững trong thế kỷ XXI. Đây cũng là một chiến lược khung bao gồm những định hướng lớn, làm cơ sở pháp lý để các ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân có liên quan triển khai thực hiện và phối hợp hành động, nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước, đồng thời thể hiện sự quyết tâm và cam kết của Việt Nam với quốc tế. Những sự kiện quốc tế và trong nước nói trên là bối cảnh thuận lợi, là cơ sở pháp lý và định hướng rõ ràng cho việc vận dụng các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay.
3 – Việc xác định và vận dụng các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xa hội ở nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh đất nước trải qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (2001 – 2010), nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,26%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. Năm 2010, tổng sản phầm trong nước bình quân đầu người đạt 1.168 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; năng lực sản xuất và tiềm lực kinh tế của đất nước không ngừng tăng lên, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 tăng gấp 3,26 lần năm 2000, góp phần đưa nền kinh tế vượt qua tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á (1997 – 1998) và khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu (bắt đầu từ năm 2008). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng, công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được những thành tựu nổi bật, tỉ lệ hộ nghèo giảm 2 – 3%/năm; thu nhập thực tế bình quân theo đầu người tăng hơn 2 lần. Đến năm 2010, nước ta đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đề ra cho năm 2015. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Bên cạnh những kết quả nêu trên, dưới góc độ phát triển bền vững cho thấy sự phát triển của nước ta cũng còn nhiều yếu kém, bất cập. Những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. “Công tác quy hoạch, kế hoạch và việc huy động, sử dụng các nguồn lực còn hạn chế, kém hiệu quả, đầu tư còn dàn trải… Tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có một số mặt yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về giáo dục, đào tạo và y tế; đạo đức, lối sống trong một bộ phận xã hội xuống cấp. Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng; tài nguyên, đất đai chưa được quản lý tốt, khai thác và sử dụng kém hiệu quả… Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển”. Nói về nguyên nhân của tình hình trên, trong bài viết về quan điểm xuyên sốt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ: Những hạn chế, yếu kém trên đây có phần do nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó nổi lên là: Quan điểm phát triển bền vững chưa được nhận thức sâu sắc và thể hiện một cách cụ thể, nhất quán trong hệ thống chính sách, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết. Trong quản lý, điều hành còn thiên về tốc độ tăng trưởng mà chưa coi trọng đúng mức đến chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của sự phát triển; chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc.
Trên bình diện quốc tế, việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong giai đoạn mới diễn ra trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường. Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nhận định: Trong thập niên tới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, nhưng xung đột sắc tộc và tôn giáo, tranh giành tài nguyên và lãnh thổ, nạn khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia có thể gia tăng cùng với những vấn đề toàn cầu khác như đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên… buộc các quốc gia phải có chính sách đối phó và phối hợp hành động… Toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen rất phức tạp… Sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước ngày càng trở thành phổ biến. Kinh tế tri thức phát triển mạnh, do đó con người và tri thức ngày càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia… Quá trình tái cấu trúc các nền kinh tế và điều chỉnh các thể chế tài chính toàn cầu sẽ diễn ra mạnh mẽ, gắn với những bước tiến mới về khoa học, công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên. Mặt khác, khủng hoảng còn để lại hậu quả nặng nề, chủ nghãi bảo hộ trỗi dậy trở thành rào cản lớn cho thương mại quốc tế. Kinh tế thế giới tuy đã bắt đầu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, bất ổn; sự điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là những nước lớn sẽ có tác động đến nước ta.
(còn tiếp)
Nguồn: Ngô Ngọc Thắng & Đoàn Minh Huấn (đcb) – Một số lý thuyết về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội – NXB CTQG 2014.