Một số lý thuyết về phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội và việc vận dụng ở Việt Nam hiện nay – Phần XV


4 – Trải qua 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 – 2010 và gần 30 năm đổi mới theo hướng phát triển nhanh và bền vững, đồng thời với những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, trong đời sống vật chất và tinh thần trên lĩnh vực đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và mô hình phát triển đất nước trong thời kỳ mới, đặc biệt là nhận thức về xã hội, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã có những bước tiến rõ rệt và khá căn bản. Đó là:

+ Trong quan niệm về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, chúng ta không chỉ đề cập đến sự phát triển xã hội nói chung, mà đã có những nhận thức mới về xã hội, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, đã nhận thức rõ hơn phương diện xã hội trong xã hội tổng thể. Đó là các vấn đề xã hội, các quan hệ xã hội và cơ cấu xã hội trong chỉnh thế cấu thành xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống con người.

+ Việc phát triển xã hội tổng thể sẽ không thể thực hiện được nếu không có nhận thức đúng đắn, quan tâm đúng múc, giải quyết kịp thời và hữu hiệu lĩnh vực (phương diện) xã hội, đặt trong mối liên hệ hữu cơ, không thể tách rời với các lĩnh vực (phương diện) khác như kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường… Phát triển xã hội đòi hỏi phải đồng bộ và thống nhất với các lĩnh vực trên, đặc biệt là thống nhất kinh tế với chính trị, chính sách kinh tế với chính sách xã hội phải gắn kết, đi đôi với nhau; đầu tư cho xã hội, cho việc giải quyết các vấn đề xã hội là đầu tư cho phát triển, là đầu tư theo chiều sâu, nhằm mục tiêu sâu xa là phát triển con người với tư cách là yếu tố cơ bản quyết định, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững.

+ Phát triển xã hội đòi hỏi phải cấu trúc lại mô hình tăng trưởng kinh tế, phát triển chính trị và phát triển văn hóa với vai trò tạo động lực cho phát triển xã hội, gồm: chuyển mô hình tăng trưởng chủ yếu từ vốn tài chính sang tăng trưởng dựa vào vốn phi tài chính, đặc biệt là vốn con người; thay đổi quan niệm coi đầu tư phát triển xã hội là đầu tư cho phúc lợi xã hội bằng quan niệm coi đầu tư cho phát triển xã hội là đầu tư cho phát triển vốn xã hội, vốn con người; chuyển tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, chú trọng chất lượng, hiệu quả tổng hợp, tính bền vững.

+ Trong điều kiện nước ta, quản lý xã hội đòi hỏi chủ thể lãnh đạo (Đảng) và quản lý (Nhà nước) phải có tầm nhìn chiến lược và chương trình hành động thiết thực, chủ động, sáng tạo cùng các công cụ quản lý đồng bộ, từ thể chế, chính sách, cơ chế đến tổ chức, bộ máy và con người, bảo đảm các nguồn lực và điều kiện cần thiết cho phát triển.

+ Trong điều kiện kinh tế thị trường, phát triển xã hội và quản lý xã hội đòi hỏi phải xây dựng và tăng cường Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, chú trọng việc phát huy và giải quyết tốt mối quan hệ của các thành tố quan trọng đối với phát triển là kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Phải hoàn thiện chức năng xã hội của Nhà nước thông qua việc xây dựng mô hình nhà nước dịch vụ công, vận dụng hợp lý các quy luật của thị trường vào quản lý phát triển xã hội, tạo sự cạnh tranh trong khu vực công và giữa khu vực công với khu vực tư trong cung ứng dịch vụ phát triển xã hội; mở rộng vai trò của các loại hình tổ chức phi lợi nhuận (gồm cả pháp nhân và thể nhân dân sự) trong phát triển xã hội bằng cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm khắc phục các giới hạn của nhà nước và thị trường đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Đặc biệt, quản lý phát triển xã hội của nhà nước trong nền kinh tế thị trường càng phải chú trọng đề cao luật pháp và đạo đức, năng lực, trình độ quản lý điều hành, thi hành công vụ của bộ máy và đội ngũ công chức, đồng thời phát huy vai trò của người dân và các tổ chức dân sự trong xã hội.

+ Vì sự ổn định và bền vững của xã hội, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội đòi hỏi Nhà nước, xã hội và mọi người dân phải thường xuyên chăm lo đến sự an toàn của môi trường sống của con người và xã hội, bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội – nhân văn, ngăn chặn và hạn chế những tác động tiêu cực của thảm họa môi trường tạo nên bởi chính hành vi của con người và xã hội. Phát triển kinh tế – xã hội bền vững phải gắn liền với bảo vệ môi trường, là yêu cầu sống còn của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Như vậy, những chuyển biến trong nhận thức về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trên vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của quá trình đổi mới đất nước nói chung và đổi mới tư duy về mô hình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội nói riêng, tạo môi trường tâm lý xã hội thuận lợi cho việc chủ động, sáng tạo và vận dụng có hiệu quả các lý thuyết phát triển xã hội ở nước ta hiện nay.

Bối cảnh tình hình đất nước và quốc tế trên có ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chiến lược phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, vừa là cơ hội thuận lợi, vừa đặt ra những yêu cầu mới, những vấn đề mới, đòi hỏi phải tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi và vận dụng sáng tạo những lý thuyết và mô hình phát triển của nhân loại, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ chiến lược tới.

2/ Một số quan điểm định hướng trong vận dụng các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay

Từ những phân tích ở trên cho thấy việc nhận thức và vận dụng các lý thuyết phát triển xã hội ở nước ta hiện nay cần quán triệt những quan điểm mang tính nguyên tắc và định hướng sau đây:

Một là, cần quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có quan điểm “mở” và quan điểm phát triển, chủ động, sáng tạo khi tiếp cận và vận dụng các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vào nước ta.

Karl Marx là nhà bác học vĩ đại của giai cấp vô sản, người đã sáng tạo nên chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội, cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp luận để nhận thức quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người như một quá trình lịch sử – tự nhiên. Học thuyết Marx là chìa khóa giúp ta nhận thức và cải tạo thế giới theo hướng phát triển bền vững, hài hòa giữa con người với tự nhiên. Tuy nhiên, bản thân K. Marx không bao giờ coi học thuyết, lý luận của mình như một cái gì đã xong xuôi, “bất khả xâm phạm”, tuyệt đối hoàn thiện, không cần phải bổ sung, phát triển, trái lại, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng học thuyết của ông không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động. Như vậy, học thuyết Marx, theo tinh thần của chủ nghĩa duy vật biện chứng, không phải là một hệ thống khép kín, bất biến, mà là một hệ thống mở, đòi hỏi luôn phải được bổ sung, phát triển và hoàn thiện. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx – Lenin luôn chỉ ra rằng, chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo. Theo tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn căn dặn cán bộ, đảng viên khi học tập chủ nghĩa Marx – Lênin không có nghĩa là phải học thuộc lòng từng câu chữ, mà là: “Phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Marx – Lenin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp củ chủ nghĩa Marx – Lenin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”. Đồng thời, Người cũng yêu cầu phải thường xuyên bổ sung, phát triển lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn. Trên một ý nghĩa nào đó cũng có thể và cần thiết phải vận dụng những quan điểm trên của chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh khi tiếp cận và vận dụng các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội hiện đại vào thực tiễn nước ta. Những lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội nói chung, đều là sự tổng kết, khái quát hóa sự vận động của hiện thực xã hội trên những mặt, những lĩnh vực, những khía cạnh nhất định trong không gian và thời gian nhất định. Tuy nhiên, thực tiễn xã hội luôn vận động và biến đổi không ngừng. Do đó, sẽ không bao giờ có một lý thuyết toàn diện nhất, đầy đủ nhất, hoàn thiện nhất bao quát mọi khía cạnh, mọi khả năng và xu hướng vận động và phát triển của xã hội, nếu như vậy thì mọi khoa học nói chung và khoa học xã hội nói riêng sẽ trở nên không cần thiết và không có lý do để tồn tại. Vì vậy, không nên quan niệm các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội như là những chân lý tuyệt đối, hoàn hảo, có thể vận dụng ngay mà không cần nhắc đến điều kiện, hoàn cảnh và mục đích sử dụng chúng có phù hợp với chúng ta hay không. Nói cách khác, cần có quan điểm “mở”, quan điểm phát triển và sáng tạo, chủ động khi tiếp cận và vận dụng các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội từ bên ngoài vào thực tiễn nước ta.

(còn tiếp) 

Nguồn: Ngô Ngọc Thắng & Đoàn Minh Huấn (đcb) – Một số lý thuyết về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội – NXB CTQG 2014.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s