Hai là, việc xem xét, đánh giá, lựa chọn và vận dụng lý thuyết phát triển và quản lý phát triển xã hội cần dựa trên quan điểm khách quan, khoa học.
Có một thực tế là, những lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội được phổ biến và áp dụng ở nhiều nước hiện nay hầu hết đều là kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm của các nhà khoa học ở các nước tư bản phát triển trên cơ sở khảo sát thực tiễn và tổng kết mô hình phát triển ở một quốc gia hay khu vực, một lĩnh vực phát triển nào đó của nhân loại, ít nhiều đã được thực tiễn kiểm nghiệm ở một mức độ nào đó. Nhiều tác giả của những lý thuyết trên đã được giải thưởng Nobel về các lĩnh vực khoa học và hoạt động xã hội khác nhau. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là những lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội với tư cách là sản phẩm khoa học thì vận dụng vào đâu cũng được, đều cho kết quả tốt. Vấn đề còn tùy thuộc ở cách tiếp cận, quan điểm, động cơ, mục đích và bối cảnh, điều kiện, môi trường của người lựa chọn và sử dụng chúng. Mặt khác, bản thân những lý thuyết trên là đứa con tinh thần, là kết quả lao động nghiêm túc của các nhà khoa học, phần nào phản ánh quan điểm và cách tiếp cận riêng của họ. Do giới hạn của nhận thức, do hạn chế về thông tin hoặc do điều kiện khách quan và chủ quan, có thể những lý thuyết đó chỉ đáp ứng được một khía cạnh nào đó của sự phát triển xã hội tại những thời điểm cụ thể, trên những địa bàn và lĩnh vực cụ thể khác nhau. Vì vậy, cần có thái độ tiếp thu một cách có phê phán trên tinh thần khách quan, khoa học và trân trọng khi tiếp cận những lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội với tư cách là những giá trị chung, phản ánh cố gắng của nhân loại trong quá trình tìm kiếm những con đường, phương thức và mô hình phát triển phù hợp. Cần sáng suốt, thận trọng và khách quan khi phân tích, đánh giá đúng sai, chỉ ra ưu điểm và hạn chế của những lý thuyết trên, tránh lặp lại những thiên kiến sai lệch của quá khứ thời Chiến tranh Lạnh, khi thế giới bị chia thành hai phe “địch – ta”, các sản phẩm khoa học xã hội và các lý thuyết phát triển được nhìn nhận và đánh giá một chiều qua lăng kính chính trị và đấu tranh giai cấp một cách giản đơn, thô thiển. Chẳng hạn, có một thời ở các nước xã hội chủ nghĩa tồn tại quan điểm cho rằng kinh tế thị trường là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, là đối lập với chủ nghĩa xã hội, do đó những gì liên quan tới nó đều là tiêu cực, bóc lột, hoặc quan điểm tuyệt đối hóa vai trò của nhà nước và kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, gắn với nó là cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, coi đó là mô hình phát triển tối ưu của chủ nghĩa xã hội so với mô hình phát triển thị trường tự do tư bản chủ nghĩa, vì vậy mà không cần đổi mới, không cần học cái hay, cái hợp lý trong những lý thuyết, những mô hình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa… Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, những quan điểm và cách tiếp cận chủ quan, thiên kiến, thiếu khoa học nói trên chỉ là sự biện minh hoặc tự tạo điều kiện nuôi dưỡng cho chủ nghĩa bảo thủ, biệt lập, cục bộ, khép kín, hoặc che đậy sự non kém, ngộ nhận, tự đề cao, đó chính là kẻ thù của đổi mới, cách mạng, tiến bộ, khoa học và phát triển.
Ba là khi nghiên cứu, tiếp cận và vận dụng các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội cần có quan điểm lịch sử – cụ thể, quan điểm toàn diện.
Không thể phủ nhận một thực tế là các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội mà chúng ta từng tiếp cận và được du nhập vào nước ta vốn thuộc các trường phái khác nhau, chủ yếu từ các nước phương Tây. Mỗi lý thuyết đều có những hạt nhân hợp lý, những ưu điểm cũng như những hạn chế nhất định, vì chúng đều là những sản phẩm của sự nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và khái quát lý luận ở những điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, xuất phát từ những cách tiếp cận, những quan niệm và cách nhìn khác nhau và hướng đến những mục tiêu cụ thể khác nhau. Có những nội dung, tư tưởng và cách làm nào đó được đề cập trong các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội khi vận dụng vào thực tiễn có thể là phù hợp, không có lợi đối với quốc gia khác trong điều kiện tương tự, hoặc không thể thực hiện được khi hoàn cảnh và điều kiện vận dụng chúng không phù hợp. Những lý thuyết và mô hình trên, theo quy luật phủ định biện chứng, qua thực tiễn với tư cách là tiêu chuẩn của chân lý, sẽ ngày càng được chọn lọc, điều chỉnh bổ sung hoặc bị thay thế bởi những lý thuyết và mô hình phát triển hợp lý và hoàn thiện hơn. Chẳng hạn, lý thuyết bàn tay vô hình, đề cao cơ chế thị trường tự do của Adam Smith đã được các nước tư bản Âu – Mỹ áp dụng suốt mấy trăm năm, được coi là chủ thuyết phát triển của xã hội tư bản từ cuố thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, lý thuyết trên chỉ phù hợp và phát huy tác dụng trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản, giai đoạn cạnh tranh tự do không cần đến sự can thiệp của nhà nước, hoặc chỉ cần “nhà nước tối thiểu”. Khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn độc quyền, thối nát, mà biểu hiện của nó là những cuộc suy thoái và khủng hoảng chu kỳ, điển hình là cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 gây ra hàng loạt các vấn đề xã hội bức xúc, nạn thất nghiệp tràn lan, chứa đựng nguy cơ bùng nổ xã hội nghiêm trọng, đã chứng tỏ sự bất cập của lý thuyết phát triển của chủ nghĩa tự do cổ điển do A. Smith đại diện. Lúc này, sự ra đời của lý thuyết về vai trò “bàn tay hữu hình” nhà nước của John Maynard Keynes, chuyển từ tư duy kinh tế thị trường tự do sang tư duy kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước chính là cứu cánh cho chủ nghĩa tư bản. Keynes đã chứng minh rằng, muốn thoát khỏi khủng hoảng, thất nghiệp, nhà nước phải điều tiết nền kinh tế. Ông bác bỏ quan điểm “nhà nước tối thiểu” và đề xuất chủ trương mở rộng những chức năng của nhà nước, xem đó là cách duy nhất để cứu vãn sự sụp đổ của các thể chế kinh tế đương thời. Theo ông, rốt cuộc không có cơ chế tự động an toàn của nền kinh tế thị trường tự do. Nền kinh tế thị trường phải được điều tiết bởi nhà nước nhằm khắc phục hai khuyết tật lớn của xã hội tư bản là “không có việc làm đầy đủ và phân phối của cải một cách bất công”. Từ chỗ bị các môn phái của lý thuyết thị trường tự do của A. Smith cooi là “tà giáo”, lý thuyết của Keynes dần dần chiếm vị trí địa vị chi phối ở các nước tư bản phát triển trong suốt thập niên 40 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX. Trong thời gian trên, lý thuyết Keynes đã được sử dụng làm nền tảng lý luận cho việc xây dựng các nhà nước phúc lợi xã hội ở hàng loạt nước tư bản phát triển Bắc Âu và một số nước Tây Âu, điển hình là mô hình Nhà nước phúc lợi xã hội của Thụy Điển do Đảng Dân chủ xã hội cầm quyền tồn tại trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, Keynes đã không thành công trong việc xây dựng một lý thuyết phát triển với sự kết hợp thỏa đáng giữa tăng trưởng kinh tế và đáp ứng việc làm của người lao động trong thời gian lâu dài. Sau ba thập kỷ hoạt động suôn sẻ, nền kinh tế của các nước tư bản Âu – Mỹ vận hành theo lý thuyết Keynes lại rơi vào trì trệ, suy thoái, lạm phát và thất nghiệp gia tăng, nhất là từ giữa những năm 1970, khi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại phát triển như vũ bão, làn sóng quốc tế hóa kinh tế diễn ra mạnh mẽ gắn với sự mở rộng hoạt động của các tập đoàn tư bản độc quyền xuyên quốc gia. Lý thuyết Keynes đã dần dần nhường bước cho chủ nghĩa tự do mới (neo-liberalism), mà người đặt nền móng là Friedrich August von Hayek (1899 – 1992). Năm 1944, trong cuốn Con đường dẫn đến sự nô dịch (The Road to Serfdom), Hayek kịch liệt phê phán sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế thị trường, đồng thời ca ngợi tư tưởng tự do kinh tế ở các thế kỷ XVIII – XIX và cho rằng việc vận dụng các tư tưởng đó vào điều kiện kinh tế trong thế kỷ XX vẫn là cần thiết và lý tưởng. Những tư tưởng của chủ nghĩa tự do mới đã được Thủ tướng Anh M. Thatcher và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhiệt thành hưởng ứng và áp dụng trên thực tế từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, sau đó được giới cầm quyền của nhiều nước trong tổ chức OECD và một số nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh làm theo. Những người đại diện của các nước trên đã gặp nhau tại thủ đô Hoa Kỳ và thông qua bản Tuyên bố chung gọi là :Thị trường nhiều hơn, nhà nước ít hơn. Thực hiện phương châm trên, người ta đã thu hẹp khu vực sở hữu nhà nước, đẩy mạnh tư nhân hóa, hạn chế sự can thiệt của nhà nước vào công việc kinh doanh, giảm chi từ ngân sách quốc gia cho các lợi ích công cộng, điều chỉnh phân phối thu nhập theo hướng bất lợi cho người lao động như có lợi cho chủ tư bản nhằm khuyến khích tiết kiệm và đầu tư. Trong lý thuyết phát triển của chủ nghĩa tự do mới thì tăng trưởng kinh tế phải đi trước, công bằng xã hội sẽ theo sau, người nghèo phải chấp nhận và chờ đợi. Thực tế cho thấy những nước áp dụng tích cực nhất lý thuyết trên không những không giải quyết được những vấn đề xã hội nan giải của chủ nghĩa tư bản, mà còn làm cho nó trở nên gay gắt, bùng nổ thành cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ cuộc đổ vỡ thị trường tài chính Phố Wall vào cuối năm 2007, đầu năm 2008 và hiện nay đã lan ra nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu, mà đỉnh cao là cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha, Italy và đặc biệt là ở Mỹ – nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới. Điều đó đã khiến cho Mỹ bị Cơ quan đánh giá chỉ số tín nhiệm quốc tế Standar&Poor’s (S&P) hạ mức đánh giá tín dụng từ AAA xuống còn AA+, vì cho rằng giới lãnh đạo và hệ thống chính trị nước này đã bất lực trong việc tìm ra giải pháp nhằm ngăn chặn khủng hoảng kinh tế dẫn đến bất ổn xã hội, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Rõ ràng là, sự khủng hoảng trong lĩnh vực kinh tế, tài chính có nguyên nhân từ khủng hoảng niềm tin vào giới chính trị, vào những lý thuyết và mô hình phát triển mà nó đang áp dụng và truyền bá.
(còn tiếp)
Nguồn: Ngô Ngọc Thắng & Đoàn Minh Huấn (đcb) – Một số lý thuyết về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội – NXB CTQG 2014.