Thứ tư, quá trình phát triển phải bảo đảm đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại và không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai. Tạo lập điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận tới những nguồn lực chung và được phân phối công bằng những lợi ích công cộng, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau, sử dụng tiết kiệm những tài nguyên không thể tái tạo lại được, gìn giữ và cải thiện môi trường sống, phát triển hệ thống sản xuất sạch và thân thiện mới môi trường; xây dựng lối sống lành mạnh, hài hòa, gẫn gũi và yêu quý thiên nhiên.
Thứ năm, khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh và bền vững đất nước. Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất, trước mắt cần được đẩy mạnh sử dụng ở những ngành và lĩnh vực sản xuất có tác dụng lan truyền mạnh, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực sản xuất khác.
Thứ sáu, phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương; của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mọi người dân. Phải huy động tối đa sự tham gia của mọi người có liên quan trong việc lựa chọn các quyết định về phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường ở địa phương và trên quy mô cả nước. Bảo đảm cho nhân dân có khả năng tiếp cận thông tin và nâng cao vai trò của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt của phụ nữ, thanh niên, đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc đóng góp vào quá trình ra quyết định về các dự án đầu tư phát triển lớn, lâu dài của đất nước.
Thứ bẩy, gắn chặt việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển bền vững đất nước. Phát triển các quan hệ song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế và khu vực; tiếp thu có chọn lọc những tiến bộ khoa học – công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển bền vững. Chú trọng phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu đối với môi trường do quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế gây ra.
Thứ tám, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, việc tiếp thu và vận dụng các lý thuyết phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội phải quán triệt những quan điểm, mục tiêu và các giải pháp lớn trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu năm quan điểm phát triển có ý nghĩa chỉ đạo:
1/ Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược.
Tư tưởng chỉ đạo trong Chiến lược là: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nahnh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nước ta có điều kiện phát triển nhanh và yêu cầu phát triển nhanh cũng đang đặt ra hết sức cấp thiết. Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
2/ Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng nước ta thành nước xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, coi đây là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển.
3/ Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
Chiến lược nhấn mạnh yêu cầu: “Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước”; coi phát triển nhanh nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ là một trong những đột phá chiến lược và là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
4/ Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học – công nghệ ngày càng cao; đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn phát triển ở nhiều nước cho thấy, thể chế chứ không phải tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý kinh tế là yếu tố quyết định sự phát triển. Một hệ thống thể chế phù hợp, chất lượng cao là điều kiện để huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, Chiến lược nhấn mạnh yêu cầu phải hoàn thành thể chế kinh tế thị trường, tháo gỡ mọi cản trở, tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp. Ở đây đặt ra vấn đề về chức năng, vai trò của bộ máy nhà nước và việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, vốn là một trong những vấn đề trung tâm của các học thuyết kinh tế.
(còn tiếp)
Nguồn: Ngô Ngọc Thắng & Đoàn Minh Huấn (đcb) – Một số lý thuyết về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội – NXB CTQG 2014.