Một công ty Amazon (hoặc Apple, hoặc GE) tiếp theo chắc chắn sẽ thất bại ngay – Phần đầu


Ben Casselman

Khi Jeff Bezos thành lập một cửa hàng sách trực tuyến vào năm 1994, không ai có thể đoán rằng trong vòng chưa đầy 15 năm, công ty Amazon về cơ bản sẽ định hình lại thị trường bán lẻ ở Hoa Kỳ. Không một ai, ngoại trừ bản thân Bezos: Như cuốn sách của Brad Stone về Amazon, “The Everything Store (Cửa hàng tạp hóa),” đã làm rõ rằng, mục tiêu của Bezos ngay từ đầu là thay đổi cách thức mua sắm của người Mỹ.

Sự nổi lên đáng kể của Amazon mang lại hai bài học quan trọng cho các nhà kinh tế: Đầu tiên, một công ty có tham vọng, có sáng tạo có thể có một tác động rất lớn không chỉ đối với ngành nghề mà còn đối với cả nền kinh tế nói chung. Ngày nay, Amazon có hơn 230.000 nhân viên, con số này chưa tính đến hàng ngàn người làm việc theo hình thức là nhà thầu theo hợp đồng tại các nhà kho của công ty, bán sản phẩm trong chợ và bán sức lao động thông qua “Amazon Mechanical Turk (Dịch vụ web của Amazon, giao dịch các dự án cần người thực hiện các thao tác thông minh mà computer chưa thực hiện được — ND)”. Amazon đã góp phần làm suy yếu toàn bộ các ngành nghề — các cửa hàng tổng hợp, các nhà sách, các cửa hàng dịch vụ cho thuê phim — trong khi giúp tạo ra những ngành nghề hoàn toàn mới.

Bài học thứ hai: sự thành công của Amazon gần như hoàn toàn không thể đoán trước, ít nhất là từ những người ngoài cuộc. Đối với một nhà kinh tế chỉ xem xét số liệu về các doanh nghiệp mới, thì Amazon chỉ đơn thuần là một cửa hiệu sách, một doanh nghiệp hầu như không nổi tiếng về mức tăng trưởng đột phá của nó ngay cả trước khi Internet làm xáo tung các ngành nghề. Và thậm chí nếu có ai đó nhìn kĩ hơn, điều gì phân biệt Amazon với Pets.com hay Kozmo.com hoặc bất kỳ công ty khởi nghiệp nào khác bay cao rồi lại đâm xuống đất khi bong bóng công nghệ vỡ tung vào năm 2000?

Kết quả của những bài học ấy là các nhà hoạch định chính sách liên quan đến tinh thần doanh nhân ở cả cấp độ địa phương và quốc gia đã từ lâu ủng hộ điều mà nhà kinh tế Robert Litan gọi là cách tiếp cận “sút cầu môn: cố khuyến khích càng nhiều công ty khởi nghiệp càng tốt. Hầu hết các công ty đó sẽ thất bại. Trong số những công ty còn trụ lại được, thì hầu hết sẽ không bao giờ tăng trưởng thành được những động cơ kinh tế lớn. Nhưng theo thống kê, sẽ có một vài doanh nghiệp xoay sở để trở thành một Amazon tiếp theo, với những phần thưởng rất lớn cho nền kinh tế địa phương của họ.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu dự kiến sẽ được công bố vào hôm thứ Hai, một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường MIT cho rằng sự nổi lên của Amazon nghĩ cho cùng không phải là điều không thể đoán trước. Các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã tìm ra một tập hợp các đặc điểm có thể xác định những công ty nào có một cú sút cầu môn thành công. Điều đó có thể giúp các thành phố và bang tìm ra một cách tiếp cận khác với cách tiếp cận “sút cầu môn” và cố gắng thúc đẩy những loại hình công ty đặc trưng có nhiều khả năng nhất trong việc tạo ra việc làm và thúc đẩy sự đổi mới.

Cách tiếp cận sút cầu môn, thực sự theo tôi, là cách tiếp cận tốt nhất, có thể được thực hiện dựa trên những thông tin đã có sẵn trước đây“, Catherine Fazio, người đang nghiên cứu những tác động về chính sách của nghiên cứu mới này đã nói như vậy. “Nhưng nếu bạn có cái nhìn sâu sắc hơn nữa vào tiềm năng khởi nghiệp… thì bạn có thể bắt đầu thử nghiệm với các chương trình mới và sẽ có một cách tiếp cận phù hợp hơn.”

Nghiên cứu mới được đưa ra giữa lúc tinh thần doanh nhân ở Hoa Kỳ sụt giảm trong ba thập kỷ qua. Năm 1980, người Mỹ khởi động với hơn 450.000 công ty mới, theo số liệu từ Cục điều tra dân số; năm 2013, năm gần nhất có sẵn dữ liệu, chỉ có hơn 400.000 công ty mới mặc dù dân số Hoa Kỳ đã tăng gần 40 phần trăm. Tỷ lệ các công ty khởi nghiệp sụt giảm tương ứng với một sự suy giảm các biện pháp kinh tế năng động khác — Người Mỹ đang ít thay đổi việc làm hơn, ví dụ, và đang chuyển dịch trong nước ít thường xuyên hơn — các chuyên gia kinh tế hàng đầu lo rằng Hoa Kỳ nói chung đã có khuynh hướng sợ rủi ro hơn.

Nghiên cứu mới, dưới sự hướng dẫn của các nhà kinh tế Scott Stern và Jorge Guzman, gọi đó là chuyện tường thuật trở thành câu hỏi. Họ thấy rằng số lượng các công ty khởi nghiệp nói chung đang sụt giảm, nhưng kiểu tinh thần doanh nhân mà các nhà kinh tế quan tâm nhất — những công ty tăng trưởng nhanh, sáng tạo như Amazon — đã không có xu hướng đi xuống này; trên thực tế, trong vài năm qua, các công ty khởi nghiệp này đã tăng về số lượng.

Nhưng tất cả chưa phải là điều tốt. Stern và Guzman thấy rằng có rất ít những công ty khởi nghiệp có tham vọng đó thành đạt và trở thành những công ty lớn. Nói cách khác, Hoa Kỳ có thể có rất nhiều những người như Bezos, nhưng kiểu công ty như Amazon thì lại rất ít. Phát hiện này phù hợp với những nghiên cứu khác gần đây cho thấy ngay cả những công ty thành đạt nhất cũng không tạo ra được nhiều việc làm như họ đã từng làm. Hai xu hướng trên cộng lại gợi ý cho thấy rằng vấn đề của Hoa Kỳ nằm ít ở thất bại trong việc tạo ra các doanh nghiệp mới, mà nằm nhiều ở thất bại trong việc giúp các doanh nghiệp đó tăng trưởng.

Đó là một vấn đề quy mô,” Stern nói. “Cỗ máy đã biến các kiểu công ty đó ngày nay thành kiểu động cơ kinh tế nói trên có vẻ ít mạnh mẽ hơn.”

Khởi động lại động cơ đó là điều then chốt, bởi vì về mặt lịch sử,gần một phần năm tất cả các việc làm mới mỗi năm đều được tạo ra từ các công ty mới thành lập. Nhờ công trình nghiên cứu của John Haltiwanger và những nhà kinh tế khác, các nhà kinh tế biết được rằng trong nhiều năm qua lợi ích của các công ty khởi nghiệp phần lớn xuất phát từ một số lượng nhỏ tương đối các công ty tăng trưởng nhanh. Nói chung, nhiều doanh nhân, thậm chí không muốn trở thành những kiến trúc sư vĩ đại. Họ muốn là ông chủ của chính mình, hoặc theo đuổi một đam mê, hoặc xây dựng một doanh nghiệp mà họ có thể truyền lại cho con cái. Tuy nhiên, các doanh nhân khác thì lại thiết lập ngay từ đầu mục tiêu tạo ra một tập đoàn lớn.

Về lý thuyết, chính những công ty có tham vọng đó là những công ty mà các nhà hoạch định chính sách cần khuyến khích mạnh nhất. Vấn đề là không ai biết làm thế nào để nhận diện chúng.

Stern và Guzman không khẳng định rằng họ có thể dự đoán công ty nào sẽ trở thành công ty Amazon tiếp theo, nhưng họ cho rằng có khả năng nhận diện những công ty đang nỗ lực như vậy. Họ thấy rằng các công ty khởi nghiệp có tham vọng đều có cùng một số phẩm chất. Tên của những công ty đó, ví dụ, có xu hướng ngắn hơn và ít có khả năng gắn với tên của người sáng lập. Họ có xu hướng thành lập những công ty cổ phần, hơn là những công ty trách nhiệm hữu hạn, và họ thường đăng ký thành lập công ty tại Delaware, một bang được biết đến với các quy định thân thiện với doanh nghiệp. Họ thường đăng ký cầu chứng ngay từ đầu trong hoạt động của doanh nghiệp. Bằng cách nhìn vào những biến nói trên và các biến khác, Stern và Guzman tính toán điều mà họ gọi là Entrepreneurial Quality Index (Chỉ số Chất lượng Doanh nghiệp) — về cơ bản là một thước đo cách thức một công ty mới thành lập đạt được mức tăng trưởng cao. Khi mới được thành lập, Amazon được xếp hạng trong tốp đầu 1 phần trăm của tất cả các công ty mới thành lập trên bảng chỉ số. “Chúng ta thấy rất rõ rằng Jeff Bezos không có ý định khởi nghiệp một hiệu sách ở góc phố“, Stern nói.

(còn tiếp)

Ben Casselman là trưởng nhóm những tác giả viết về kinh tế học của trang FiveThirtyEight.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

NguồnThe Next Amazon (Or Apple, Or GE) Is Probably Failing Right NowFiveThirtyEight,Mar 3, 2016.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s