Tình thế nan giải của việc cải cách thể chế – Phần I


Ngày 22 tháng Tám 1787, một nhóm nhỏ các đại biểu tham dự Hội nghị lập hiến đã chèo thuyền ra bến cảng Front Street ở Philadelphia để có được hình dung về Cuộc cách mạng công nghiệp. Từ trên bến cảng, họ theo dõi một chiếc máy với tiềng động ầm ĩ đang chạy ngược dòng chảy của sông Delaware. Theo một người chứng kiến, nó “đi trên mặt nước như một vật sống”. “Vật” đó là một trong những phiên bản đầu tiên của tàu hơi nước. Nó không phải do Robert Fulton – “cha đẻ của tàu hơi nước”, người ở đâu đó gần đây và có lẽ cung đang chứng kiến cuộc trình diễn này – chế tạo ra, mà do một người có tên là John Fitch. Khác với Fulton, Fitch đã không thể thu hút nguồn tài trợ đủ để hoàn thiện và chế tạo phát minh của mình.

Sự hiện diện của Fitch ở Philadelphia vào ngày hè nóng bỏng đó không phải là tình cờ. Với sự khuyến khích của các đại biểu bang Virginia tham dự Hội nghị (trong đó có George Washington và James Madison), Fitch đã thực hiện buổi chạy thử nhằm lôi kéo Hội nghị chấp thuận một chính sách công nghiệp – cụ thể là tài trợ cho dự án của ông. Nhưng ý nghĩa của sự kiện này vượt quá tầm hiểu biết của các đại biểu, cũng như họ không thể hình dung được tương lai của năng lượng hơi nước trong giao thông vận tải và sản xuất. Không ai đề cập cuộc thử nghiệm trong suốt tiến trình hội nghị, song cũng phải nói một cách công bằng về độ nhạy bén của các đại biểu – con tàu chỉ chạy một quãng ngắn với vận tốc khoảng ba dặm một giờ, một tốc độ mà ngay cả Fitch cũng phải thừa nhận là quá chậm để có thể chứng tỏ được giá trị về mặt thương mại của nó.

Thật đáng kinh ngạc, phần then chốt trong công trình của họ vẫn được duy trì trong suốt hơn hai thế kỷ với những biến động về kinh tế, xã hội và công nghệ vượt xa bất cứ điều gì họ có thể tiên đoán. Thành tựu này là một minh chứng rõ rệt và đầy sức thuyết phục cho cả tính đúng đắn trong logic chính trị của họ lẫn sức mạnh bền bỉ của các thể chế được thiết kế phù hợp. Thắng lợi của các nhà Sáng lập trong việc hình thành những thể chế này vừa là sản phẩm của một lý thuyết đúng đắn, vừa là kết quả của sự cân bằng hết sức tài tình những lợi ích kinh tế và khu vực cạnh tranh nhau trong thời đại của họ. Dựa trên những tư tưởng vĩ đại của Locke, Montesquieu, Harrington, Hume và Newton, họ đã suy nghĩ kỹ lưỡng và thấu đáo về việc tổ chức các thể chế như thế nào để lôi kéo được những công dân tư lợi và chính trị gia đầy tham vọng cùng hợp tác với nhau vì mục đích chung, với niềm tin tưởng rất có cơ sở rằng nếu họ thất bại thì chính quyền nhân dân sẽ kết thúc trong tình trạng xung đột bạo lực và chế độ độc tài.

Những nỗ lực của họ thành công một phần bởi Hiến pháp đã tạo ra một khuôn khổ trong đó vô số thể chế chính trị nhỏ, chính thức và không chính thức, công và tư, có thể phát triển mạnh mẽ. Nếu lời văn Hiến pháp đã thành công trong việc hoàn thành cam kết được hàm ý trong tiêu đề của nó, thì cũng cần biết rõ rằng những thể chế này chứa đựng một logic chính trị dễ hiểu. Mỗi thể chế chúng ta đã xem xét ở các bài trước đều được định hình bởi những chiến lược nhằm vượt qua các trở ngại giống nhau đối với hành động tập thể – xung đột nội bộ, các vấn đề giao dịch và ngồi không hưởng lợi, chi phí quá cao cho việc điều phối hoạt động – cũng như để giảm thiểu thiệt hại cho thể chế từ những sự ủy quyền thường xuyên được sử dụng để đối phó với các vấn đề này.

Mỗi thể chế cũng phản ánh nền chính trị ở hình thức ban đầu của nó, hiện thân cho sự vận động của những liên minh thành công nhằm định hình các quyết định tương lai sao cho phù hợp với ưu tiên của chúng. Trên thực tế, các thể chế chính trị về bản chất là ủng hộ cho một số nhóm, một số lợi ích hoặc giá trị này hơn các nhóm, các lợi ích hoặc giá trị khác. Ví dụ, các đại biểu tham dự Hội nghị lập hiến đến từ những bang nhỏ đã chiến thắng trong trận chiến để có một Thượng viện phân bổ số ghế theo bang và tương xứng với Hạ viện, và cho tới ngày nay, công thức phân bổ này vẫn chi phối rất nhiều chương trình của liên bang, mang lại lợi ích cho các bang ít dân nhất trên cơ sở sự thiệt hại của những bang đông dân nhất. Một thế kỷ trước đây, các nhà cải cách Cấp tiến thuộc tầng lớp thượng lưu đã thay đổi những quy tắc điều tiết viẹc làm trong các cơ quan chính phủ, đăng ký cử tri, lựa chọn ứng cử viên và bỏ phiếu trong một cuộc tấn công có chủ ý vào quyền lực của bộ máy đảng phái được vận hành bởi các nhà lãnh tụ thuộc “lớp người ưu tú về mặt xã hội của tầng lớp dưới”, và cuối cùng đã thành công. Đôi khi, những lợi thế mà các quy tắc và thể chế mang lại dịch chuyển từ nhóm lợi ích này sang nhóm lợi ích khác. Trong nhiều thập kỷ, việc cản trở thông qua luật vẫn là vũ khí lựa chọn của những thượng nghị sĩ phân biệt chủng tộc cố gắng ngăn cản việc thông qua các đạo luật về quyền công dân. Tới năm 2005, nó đã trở thành công cụ sẵn có cuối cùng để những người Dân chủ tự do cản trở việc bổ nhiệm các ứng cử viên thẩm phán bảo thủ của Tổng thống George W. Bush. Ra đời từ sự cạnh tranh giữa các lợi ích để đạt được lợi thế về chính trị, sự thiên lệch tác động tới mọi thể chế chính trị ở một mức độ nào đó; chúng không thể tránh khỏi việc ủng hộ một số bộ phận này hơn một số bộ phận khác của xã hội.

Như vậy, câu hỏi ở đây không phải là liệu các thể chế chính trị cụ thể có mang tính trung lập hay không. Bởi các quy tắc ra đời và thay đổi như một bộ phận của cuộc cạnh tranh giữa các lợi ích, chúng chắc chắn không thể trung lập. Thay vào đó, câu hỏi sẽ là những sự thiên lệch này tích tụ ở mức độ nào, để hướng toàn bộ hệ thống chính trị ủng hộ một số lợi ích này hơn những lợi ích khác? Nếu bản thân hệ thống thiên lệch hoặc không đầy đủ, những ý tưởng về việc thay đổi nó nên được đánh giá như thế nào?

Sự thiên lệch của các thể chế Mỹ

Những sự thiên lệch cố hữu trong mỗi thể chế cụ thể được tích tụ ở mức độ nào? Chắc chắn là những thể chế khác nhau sẽ ủng hộ một số tập hợp lợi ích khác nhau, và sự phổ biến tràn lan của các cơ quan chính quyền do dân bầu, các cơ quan hành chính, tổ chức bầu cử và các nhóm lợi ích sẽ khiến cho rất nhiều yêu cầu và ưu tiên được chú ý một cách đầy đủ. Nhưng trong khi hệ thống chính trị luôn rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động mang tính cạnh tranh với nhau, tính đa nguyên bản thân nó không bảo đảm rằng những sự thiên lệch trong thể chế này sẽ bù đắp cho nhau để đạt tới một sự cân bằng tương đối đồng đều. Trên thực tế, chúng đã không làm được điều này.

Sự thiên lệch nhóm

Nền chính trị Mỹ ủng hộ các nhóm có khả năng vượt qua vấn đề hành động tập thể của mình một cách tốt hơn và huy động nhiều nguồn lực hơn để theo đuổi các mục tiêu chính trị. Chắc chắn rằng phổ thông đầu phiếu khiến số lượng trở thành ưu thế. Với những điều kiện khác như nhau, các nhóm lớn hơn và những lợi ích được đông người chia sẻ hơn sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn vì quyền lực cao nhất của chính quyền được nắm giữ bởi các chính trị gia cần phiếu bầu để giành chiến thắng và duy trì việc làm. Nhưng các điều kiện không bao giờ như nhau: các nguồn lực chính trị và năng lực hành động tập thể được phân phối rất bất bình đẳng. Như những phân tích đã cho thấy, sự thiên lệch nhóm luôn tồn tại khi các nhóm có nhiều tiền bạc, sự tổ chức, kiến thức, sự đồng thuận bên trong và kỹ năng lãnh đạo tốt hơn giải quyết các vấn đề hành động tập thể của mình dễ dàng hơn so với những nhóm sở hữu ít nguồn lực hơn. Và vì thương lượng là trung tâm của nền chính trị, sự thành công trong việc đạt tới các mục tiêu chính trị phụ thuộc vào kỹ năng và nguồn lực mà những người tham gia mang tới bàn thương lượng.

Hơn nữa, thành công thường có xu hướng tự củng cố. Các lĩnh vực kinh tế có thể tác động tới các bộ “riêng” của chúng, ví dụ như nông nghiệp và giáo dục, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của các quan chức chính phủ để giúp chúng giải quyết các vấn đề hành động tập thể bên trong cũng như cạnh tranh có hiệu quả để có được các nguồn lực của chính phủ. Các đạo luật dành cho cá nhân quyền được khởi kiện đòi thực thi luật bảo vệ môi trường giúp làm giảm đáng kể chi phí để theo đuổi một số mục tiêu cụ thể về môi trường. Đạo luật về quyền bỏ phiếu năm 1965 đã dồn các nguồn lực của Bộ Tư pháp dành cho cuộc đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc vào việc đăng ký cử tri. Tương tự, những đạo luật chuyển phần lớn các vụ kiện mang tính đại diện cho nhóm từ các tòa án bang tới tòa án liên bang đã cố gắng dành cho những nhà sản xuất một thời điểm thuận tiện hơn để tự bảo vệ mình chống lại các nguyên đơn đang yêu cầu bồi thường thiệt hại lớn hơn.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Samuel Kernell & Gary C. Jacobson – Logic chính trị Mỹ – NXB CTQG 2007.

Bình luận về bài viết này