Tại sao Việt Nam tiếp đón tàu sân bay Mỹ?


Mỹ đang gửi một trong những tàu chiến lớn nhất, tàu sân bay USS Carl Vinson đến Việt Nam trong tuần này. Đây sẽ là tàu sân bay đầu tiên cập bến nước này kể từ khi chiến tranh kết thúc tại Việt Nam cách đây hơn 40 năm.

Theo BBC, trong một số khía cạnh, đây là một sự kiện thông thường: các tàu chiến Mỹ khác đã ghé thăm cảng Việt Nam từ năm 2003. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mang tính biểu tượng. Trước đây, Việt Nam thường giữ khoảng cách để các mẫu hạm đậu ngoài khơi, giới chức ra thăm các tàu này ngoài khơi xa. Bằng cách chào đón tàu sân bay USS Carl Vinson vào bên trong cảng ở thành phố Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba và là một trong những địa điểm gần nhất với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam rõ ràng đang gửi đi những thông điệp mạnh mẽ nhất.

Thông điệp rõ ràng nhất là một sự đáp trả đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam đang báo hiệu qằng nước này có một người bạn rất mạnh và sẵn sàng tiếp tục gần gũi hơn với họ. Tuy nhiên, thông điệp này được đặc biệt lựa chọn giọng điệu cẩn thận. Việt Nam thực hiện chính sách “ba không”: không để  nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, không tham gia các liên minh quân sự và không kéo bên thứ ba vào các tranh chấp. Không nên mong đợi lập trường này thay đổi. Việt Nam sẽ không nhập cuộc do Mỹ cầm đầu để ngăn chặn Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam dường như không sử dụng chuyến thăm của mẫu hạm này cho các mục đích riêng. Năm 2017, Việt Nam ủy quyền cho công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha để khoan khí đốt ngoài khơi  bờ biển phía Đông Nam. Đây là động thái đáng ngạc nhiên, trong bối cảnh ban lãnh đạo Việt Nam đã hiểu rằng các đối tác Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối. Trung Quốc đã thực sự đáp trả: đe dọa tấn công tiền đồn quân sự Việt Nam được xây dựng ở bãi Tư Chính (Vanguard Bank) gần khu vực giếng khoan. Thiếu sự hậu thuẫn quốc tế, chính phủ Việt Nam đã lùi bước và đề nghị hãng Repsol ngừng công việc.

Việt Nam vẫn có tham vọng khai thác các mỏ dầu khí ngoài khơi. Do đó, ban lãnh đạo Việt Nam có thể hy vọng rằng chuyến thăm này của mẫu hạm USS Carl Vinson và các tàu chiến hộ tống sẽ ngăn chặn Trung Quốc lặp lại các đe dọa trước đây. Có thể là Việt Nam đã phối kết hợp hoạt đọng thăm dò với việc người Mỹ tới.

“Thông điệp tinh tế”

Việt Nam cũng gửi một thông điệp tinh tế và dài hơi hơn cho Trung Quốc. Bắc Kinh biết rằng Hà Nội sẽ không phá vỡ hoặc hạ cấp mối quan hệ, trừ khi có điều gì đó rất kịch tính xảy ra.

Năm 2014, quan hệ hai nước căng thẳng khi Trung Quốc đưa giàn khoan đến khoan dầu ở bên ngoài quần đảo tranh chấp Hoàng Sa. Việt Nam đáp lại bằng cách cử các đặc sứ tới Mỹ để thỏa luận và Trung Quốc lùi bước.

Bằng cách chào đón Hải quân Mỹ đến Đà Nẵng trong tuần này, Hà Nội đang ra chỉ dấu cho thấy sự không hài lòng của họ với hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông – các mối đe dọa quân sự nhắm vào các căn cứ của Việt Nam và việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo khổng lồ ở Trường Sa – và nhắc nhở Bắc Kinh rằng Việt Nam có thể có thêm các động thái đi xa hơn nữa tiến tới quan hệ đối tác với Mỹ. Đó là áp lực đối với Trung Quốc để điều chỉnh hành vi của Bắc Kinh.

Quốc tế rất chú ý

Tờ Washington Times dẫn lời Phó Đô đốc John Fuller phát biểu trên tàu USS Carl Vinson rằng: “Sự hiện diện của Mỹ có ý nghĩa lớn. Tôi nghĩ điều rõ ràng là chúng tôi đã có mặt trong vùng Biển Đông và đang hoạt động ở đây”.

Một sỹ quan Mỹ phát biểu rằng mục tiêu của tàu USS Carl Vinson tại Biển Đông là “để thúc đẩy tự do hàng hải, để bay lá quốc kỳ của Mỹ và hợp tác với các đối tác và đồng minh – tất cả để gửi thông điệp cho Trung Quốc là cả vùng biển này không phải của họ”.

Nhà báo Bill Hayton của BBC tại London bình luận: “Việt Nam vẫn có tham vọng khai thác các mỏ dầu khí ngoài khơi. Do đó, Hà Nội có thể hy vọng rằng chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson và các tàu chiến sẽ ngăn Trung Quốc lặp lại các mối đe dọa trước đây. Có khả năng Việt Nam phối hợp các hoạt động thăm dò cùng với sự xuất hiện của chiến hạm Mỹ”.

Trước đó, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam từng làm việc tại Học viện quốc phòng hoàng gia Australia, nói: “Chuyến thăm của USS Carl Vinson có hai ý nghĩa: Thứ nhất Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực để trấn an các quốc gia trong vùng rằng Mỹ dưới thời Tổng thống Trump không tách rời khu vực. Thứ hai, Việt Nam ủng hộ sự hiện diện hải quân của Mỹ ở Biển Đông, miễn là sự hiện diện đó góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực. Nói cách khác, có sự đồng thuận về lợi ích chiến lược của hai bên trong việc bảo đảm tự do hàng hải và trên không cho tàu và máy bay quân sự”.

Về câu hỏi tại sao tàu ghé cảng Đà Nẵng mà không phải là cảng Cam Ranh, Giáo sư Carl Thayer cho rằng có 3 yếu tố thúc đẩy việc chọn Đà Nẵng. Trước hết là các điều kiện kỹ thuật tốt hơn ở Đà Nẵng, so với cảng quốc tế Cam Ranh (chứ không phải là cảng quân sự Cam Ranh). Ngoài ra, Mỹ muốn thủy thủ của mình được tham gia các hoạt động giao lưu với người địa phương. Cảng quốc tế Cam Ranh có vị trí tương đối tách biệt với khu dân cư. Tại Đà Nẵng, tàu có thể được neo đậu tại cảng Tiên Sa và các hoạt động dân sự, xã hội và thể thao đều có thể được tổ chức gần đây, trong lúc thủy thủ đoàn của tàu Mỹ có thể được nghỉ ngơi tham gia và khám phá một thành phố lớ của Việt Nam. Sau cùng, còn yếu tố tâm lý: Đà Nẵng quen thuộc với người Mỹ hơn là Cam Ranh.

Nguồn: TKNB – 06/03/2018

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s