Trước khi tiến xa hơn, chúng ta cần phải có định nghĩa rõ ràng. Một thực thể ví dụ như một con khỉ đầu chó được cho là có tính vị tha nếu nó hành động để gia tăng ích lợi của một thực thể khác trong khi lại gây tổn hại đến chính bản thân nó. Tập tính vị kỷ có tác động hoàn toàn ngược lại. “Ích lợi” ở đây được hiểu là “khả năng sống sót”, cho dù sự ảnh hưởng của nó lên sự sống và cái chế trên thực tế dường như nhỏ đến mức có thể bỏ qua. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài sự tác động vô cùng nhỏ và có vẻ bình thường lên khả năng sống sót lại có thể tạo ra một tác động mạnh lên quá trình tiến hóa, đấy chính là một trong những hệ quả đáng kinh ngạc của học thuyết Darwin hiện đại. Bởi vì có quá nhiều thời gian để cho những ảnh hưởng đó tập hợp lại.
Cũng cần phải nhận ra rằng các định nghĩa trên về tính vị tha và vị kỷ chỉ đề cập đến khía cạnh tập tính, không phải cảm tính. Tôi không quan tâm đến động cơ tâm lý ở đây. Tôi sẽ không bàn luận liệu con người cư xử mang tính vị tha có phải thực sự hành động vì động cơ vị kỷ vô thức hay động cơ bí ẩn khác. Có lẽ là do các động cơ vị kỷ, cũng có lẽ không phải và có thể chúng ta sẽ chăng bao giờ biết, nhưng cho dù trong bất cứ trường hợp nào, vấn đề đó không phải là điều đề cập tới ở đây. Định nghĩa tôi đưa ra chỉ liên quan đến vấn đề: liệu ảnh hưởng của một hành động có làm giảm hoặc tăng khả năng sống sót của cá thể được xem là có tính vị tha và cá thể được xem là hưởng lợi từ lòng vị tha của cá thể kia.
Mô tả các tác động của hành vi lên khía cạnh sống sót lâu dài là công việc rất khó. Trên thực tế, khi chúng ta áp dụng các định nghĩa vào các hành vi cụ thể, chúng ta phải lãm rõ hơn bằng từ “biểu kiến”. Một hành động vị tha biểu kiến là hành động có vẻ bề ngoài như thể nó phải làm cho “cá thể vị tha” gần như chết (tuy chỉ ở mức độ nhẹ), và cá thể tiếp nhận có khuynh hướng sống sót. Nếu nghiên cứu sâu, nhiều hành động vị tha biểu kiến hóa ra lại là hành động vị kỷ đã được ngụy trang. Một lần nữa, tôi không có ý nói rằng động cơ thúc đẩy chính là tính vị kỷ đã được che đậy, nhưng tác động thực sự của hành động đó lên khả năng sống sót sẽ trái ngược với điều mà chúng ta nghĩ đến lúc ban đầu.
Tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ về các tập tính vị kỷ và vị tha biểu kiến. Chúng ta khó có thể kiềm chế được thói quen suy nghĩ cảm tính khi đối mặt với chính bản thân mình, vì vậy, thay vào đó, tôi sẽ chọn ví dụ từ những động vật khác. Đầu tiên sẽ là một vài ví dụ hỗn hợp về tập tính vị kỷ ở mỗi cá thể động vật.
Những con mòng biển trứng cá (Larus ridibundus) làm tổ thành các quần thể lớn, các tổ chỉ cách nhau vài chục centimet. Khi con non đầu tiên mới nở, chúng nhỏ bé, không thể tự vệ và rất dễ bị nuốt chửng. Thông thường, một con mòng biển sẽ đợi khi con mòng biển láng giềng quay đi, có thể là đi bắt cá, nó sẽ chộp ngay lấy và nuốt chửng một trong số các con mòng biển non. Nhờ vậy, nó có được bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, không phải mất công đi xa bắt cá, và không phải rời tổ của nó mà không được bảo vệ.
Một ví dụ khác được biết đến nhiều hơn là tập tính ăn thịt đồng lại rùng rợn của bọ ngựa cái (Mantis religiosa). Bọ ngựa thuộc nhóm côn trùng lớn, ăn thịt. Chúng thường ăn những côn trùng nhỏ hơn như ruồi, nhưng chúng cũng sẽ tấn công bất cứ cái gì di chuyển. Khi chúng giao phối, con đực cẩn thận tiếp cận con cái, leo lên lưng con cái và phóng tinh. Nếu con cái có cơ hội, nó sẽ ăn thịt con đực, bắt đầu bằng cách ăn đầu con đực hoặc vào lúc con đực tiếp cận hoặc ngay sau khi con đực leo lên lưng nó hay cũng có thể là lúc chúng tách nhau ra sau giao phối. Nhưng việc con đực mất đầu dường như không ảnh hưởng đến quá trình giao phối. Trên thực tế, phần đầu của côn trùng chứa một số trung tâm thần kinh ức chế, vì thế có thể con cí đã giúp con đực thực hiện giao phối tốt hơn bằng cách phá hủy các trung tâm đó. Nếu điều đó đúng, thì đấy chính là một lợi ích phụ. Lợi ích ban đầu của hành động này chính là nó có được một bữa ăn ngon.
Từ “vị kỷ” có vẻ như không phản ánh đúng những trường hợp đặc biệt như tập tính ăn thịt đồng loại, mặc dù các trường hợp này phù hợp nhất với định nghĩa của chúng ta. Có lẽ chúng ta có thể đồng tình hơn đối với tập tính hèn nhát được ghi nhận từ loài chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực. Chúng luôn đứng bên bờ bước, ngập ngừng trước khi nhào xuống vì chúng sợ trở thành mồi ngon cho những con hải cẩu. Nhưng nếu một con trong số chúng nhào xuống, những con còn lại sẽ biết ngay liệu dưới nước có hải câu hay không. Dĩ nhiên không một con nào muốn trở thành chuột thí nghiệm, vì vậy chúng đợi, và thậm chí đôi khi còn đẩy nhau xuống nước.
Thông thường, tập tính vị kỷ chỉ đơn giản là từ chối chia sẻ một số nguồn tài nguyên có giá trị như thức ăn, lãnh thổ, và bạn tình. Bây giờ tôi sẽ cung cấp một số ví dụ về tập tính vị tha biểu kiến.
Tập tính “đốt” những kẻ cướp mật của ong thợ là công cụ bảo vệ rất hiệu quả. Nhưng những con ong thực hiện nhiệm vụ đó lại là phi đội cảm tử. Khi đốt kẻ khác, các nội quan quan trọng của chúng thường bị xé nát và những con ong sẽ chết ngay sau đó. Sứ mệnh cảm tử của chúng sẽ bảo đảm cho kho thức ăn dự trữ quan trọng của cả tổ, nhưng chính bản thân chúng không thể được hưởng những lợi ích đó. Theo định nghĩa mà chúng ta đưa ra, đấy chính là hành động mang tính vị tha. Chú ý! Chúng ta không bàn về động cơ có ý thức. Các động cơ này có thể có hoặc không hiện hữu cả ở trong ví dụ này và các ví dụ về tính vị kỷ, nhưng các động cơ đó không liên quan với các định nghĩa đã nêu.
Hi sinh tính mạng của mình vì bạn rõ ràng là hành động vị tha, nhưng hành động đó cũng chỉ mang lại một chút nguy hiểm cho kẻ thực hiện mà thôi. Nhiều loài chim nhỏ sẽ kêu báo động khi chúng nhìn thấy chim săn mồi như diều hâu, nhờ đó cả đàn chim có thể lẩn trốn kịp thời. Có bằng chứng gián tiếp cho thấy rằng tiếng kêu báo động của chú chim đã đẩy nó vào tình huống nguy hiểm bởi vì tiếng kêu sẽ gây sự chú ý của chim săn mồi đối với riêng nó. Sự nguy hiểm mà chú chim gặp phải rất nhỏ, nhưng dù sao đi nữa, thoạt nhìn thì hành động của nó dường như phù hợp với định nghĩa về hành động vị tha của chúng.
Những hành động vị tha phổ biến nhất và dễ thấy nhất ở động vật thường do những con bố mẹ, đặc biệt là con mẹ, thể hiện đối với con của chúng. Chúng có thể ủ ấm cho con non ở trong tổ hoặc bằng chính cơ thể của chúng, cho con non ăn bằng mọi giá dù có tổn hại đến chính bản thân nó, sẵn sàng mạo hiểm bảo vệ cho con non khỏi những kẻ săn mồi. Lấy một ví dụ cụ thể, nhiều loài chim làm tổ dưới đất thường thực hiện cái gọi là “màn trình diễn đánh lạc hướng” khi một loài săn mồi, chẳng hạn như cáo, tiến tới. Chim giữ tổ bố/mẹ đi khập khiễng tránh xa khỏi tổ của nó, một bên cánh xòe ra như thể bị gãy. Kẻ săn mồi phát hiện con mồi bị thương và dễ dàng bị lừa ra xa khỏi tổ có chim non. Cuối cùng khi kẻ săn mồi đã được dụ đi xa khỏi tổ, chim bố/mẹ không cần giả vờ để đánh lạc hướng nữa, tung cánh bay đi ngay trước mũi con cáo. Nó đã có thể bảo vệ con non trong tổ một cách an toàn nhưng cũng chỉ hơi mạo hiểm tính mạng mình.
Tôi sẽ không cố gắng đưa ra quan điểm bằng cách kể những câu chuyện. Những ví dụ đưa ra không bao giờ là những bằng chứng chính xác cho bất cứ sự khái quát nào. Câu chuyện trên đơn giản chỉ là một ví dụ minh họa cho tập tính vị tha và vị kỷ ở mức độ cá thể. Tôi sẽ trình bày cách vận dụng định luật cơ bản mà tôi gọi là “tính vị kỷ của gen” để giải thích tập tính vị kỷ và vị tha thể hiện ở các cá thể. Nhưng trước tiên, tôi phải làm sáng tỏ sự giải nghĩa nhầm lẫn đặc biệt trong cách hiểu từ vị tha, bởi vì nó được nhiều người biết đến, và thậm chí nó còn được giảng dạy rộng rãi trong trường học.
Sự giải nghĩa đó dựa trên sự hiểu nhầm mà tôi đã từng đề cập đến. Người ta thường hiểu nhầm sinh vật tiến hóa để làm những việc “vì cái tôi của loài” hoặc “vì điều tốt cho nhóm cá thể”. Thực ra thì cũng dễ hiểu vì sao ý kiến đó xuất hiện trong sinh học. Phần lớn thời gian của động vật là dành cho sinh sản, nhiều hành động hi sinh bản thân thường xuất hiện trong tự nhiên là do cá thể bố mẹ thực hiện cho con non của chúng. “Duy trì nòi giống” là một uyển ngữ thông dụng cho sự sinh sản, và rõ ràng đấy là hệ quả của sinh sản. Như vậy chỉ nới rộng logic một chút chúng ta có thể suy diễn ra “chức năng” sinh sản là “để” bảo tồn loài. Từ quan điểm này chúng ta kết luận rằng: nói chung động vật sẽ hành động theo khuynh hướng duy trì nòi giống, cũng như, tính vị tha dường như dành cho các thành viên trong loài, nhưng đấy chính là bước tư duy sai lầm tiếp theo.
Dòng suy nghĩ này có thể được xuất hiện một cách mơ hồ trong các thuật ngữ của chủ nghĩa Darwin. Tiến hóa được thúc đẩy nhờ chọn lọc tự nhiên, và chọn lọc tự nhiên có nghĩa là sự sóng sót chuyên biệt của “sự thích nghi nhất”. Nhưng chúng ta đang bàn về các cá thể, các chủng, các loài thích nghi nhất hay ở cấp độ nào? Điều đó không phải là vấn đề lớn nếu xét trên một vài mục đích khác, nhưng khi chúng ta nói về tính vị tha nó lại là vấn đề quan trọng. Nếu đó là loài cạnh tranh trong cái mà Darwin gọi là đấu tranh sinh tồn, thì cá thể dường như chỉ là con tốt trong cuộc cờ, sẽ bị thí khi lợi ích chung của loài cần đến nó. Hay nói một cách tôn trọng vai trò của nó hơn, một nhóm, ví dụ như một loài hoặc một quần thể trong một loài, mà cá thể trong đó sẵn sàng hi sinh bản thân chúng cho lợi ích của nhóm, có thể sẽ ít có cơ hội bị tuyệt chủng hơn so với nhóm cạnh tranh mà các cá thể trong nhóm đặt lợi ích cá nhân của chúng lên trước. Do đó thế giới sẽ bao gồm chủ yếu các nhóm của các cá thể vì lợi ích chung. Đó chính là lý thuyết “chọc lọc nhóm” được coi là đúng từ lâu nay do các nhà sinh học không quen với những nội dung chi tiết của tiến hóa đưa ra. Bạn có thể thấy những lý thuyết đó trong cuốn sách nổi tiếng do V.C. Wynne-Edwards hoặc cuốn Khế ước xã hội của Robert Ardrey. Nhưng sự chọn lọc chính thức thường được gọi là “chọn lọc cá thể”, mặc dù cá nhân tôi thích thuật ngữ “chọn lọc gen” hơn.
Câu trả lời ngắn gọn của những người theo thuyết chọn lọc cá thể cho lập luận vừa mới đưa ra có lẽ như sau. Thậm chí trong nhóm các cá thể có tính vị tha, chắc chắn rằng vẫn có một nhóm nhỏ các cá thể từ chối việc hi sinh. Nếu chỉ cần có một kẻ nổi loạn vị kỷ, sẵn sàng lợi dụng tính vị tha của các cá thể còn lại, thì kẻ nổi loạn đó, theo định nghĩa, có nhiều khả năng sống sót và sinh sản hơn những kẻ khác. Những đứa con của nó có khuynh hướng được thừa hưởng những đặc điểm vị kỷ này. Sau một vài thế hệ qua chọn lọc tự nhiên, nhóm vị kỷ ban đầu sẽ bị thống trị bởi các cá thể mang tính vị kỷ và sẽ không khác gì so với nhóm vị kỷ. Mặc dù chúng ta công nhận rằng có thể tồn tại các nhóm vị tha thuần khiết ban đầu không có một cá thể vị kỷ nào, chúng ta cũng khó có thể thấy điều gì ngăn được các cá thể vị kỷ nhập cư vào quần thể từ các nhóm vị kỷ láng giềng, và, thông qua hôn nhân, tính thuần khiết của quần thể vị tha sẽ bị lai tạp.
TH : T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo : Richard Dawkins – Gen vị kỷ – NXB TT 2011.