Bí quyết lãnh đạo kiểu Trung Quốc – Phần II


Không đùn đẩy cho cấp dưới

Do chịu ảnh hưởng từ việc phân chia giai cấp tồn tại hơn 2000 năm của chế độ phong kiến nên thói quen dựa dẫm, ỷ lại của người Trung Quốc vô cùng nặng nề, cấp dưới ỷ lại cấp trên, luôn luôn nghĩ rằng: “Trên trời có sấm sét giáng xuống thì đã có phía trên chống đỡ, có tránh cũng chẳng đến lượt mình”. Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thói dựa dẫm không phải là một việc xấu, họ còn biết cách lợi dụng một cách khéo léo tâm lý này để tạo dựng uy quyền cho bản thân mình, tạo thành cây cổ thụ giúp cho họ tránh nắng, khiến cho họ dựa dẫm vào bạn, cứ như thế quyền lực của bạn cũng được củng cố vững chắc theo. Nhưng làm thế nào để nhân viên dưới quyền cảm thấy người lãnh đạo là một ngọn núi thực sự vững chắc để dựa vào đây? Biết cách nhận lỗi lầm về phía mình, chứ không đùn đẩy cho nhân viên dưới quyền, là một trong những phương pháp mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường sử dụng.

Tần Mục Công chủ động nhẫn lỗi thay cho Mạnh Minh, tự phạt nặng bản thân; ba năm sau, quần thần đều đồng lòng hợp lực nằm gai nếm mật, là một ví dụ hay của việc một người lãnh đạo đã chủ động nhận trách nhiệm về mình.

Mùa đông năm 628 TCN, đại phu Kỳ Tử là người nước Tần ở nước Trịnh đột nhiên cho người trở về nước, báo tin mật cho Tần Mục Công: “Người dân nước Trịnh rất tin tưởng thần, họ để thần giữ cửa Bắc của Đô Thành, nên đây là cơ hội tốt để nước ta dùng binh tiến đánh. Nếu chúa công phái một đội quân đột phá nước Trịnh, chúng tôi trong ứng ngoài hợp, nhất định có thể chiếm được nước Trịnh, nhờ đó mở rộng được biên cương, lập công xây dựng cơ nghiệp”. Tần Mục Công nghe xong không giấu được nỗi vui mừng, việc mở rộng lãnh thổ nhất thời chiếm hết tâm trí của ông, dã tâm tranh bá khiến ông không thể chần chừ. Chính vì vậy, Tần Mục Công ngay lập tức quyết định điều động đại quân đi đánh nước Trịnh.

Kiến Thúc vốn là một lão thần dày dạn kinh nghiệm trận mạc, tất nhiên có nhiều mưu mẹo, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng những cái được và mất, kiên quyết phản đối việc dẫn quân đi đánh nước Trịnh. Nước Tần và nước Trịnh đường sá xa xôi, điều động đại quân hành quân đường dài như thế tất nhiên tướng sĩ sẽ bị tiêu hao tinh thần và sức lực. Còn nước Trịnh lại án binh bất động, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Một bên tinh lực sung mãn, được viện trợ đầy đủ tiếp đánh với một bên mệt mỏi mất sức, tự nhiên bên kia sẽ giữ được thế thượng phong. Lại nói, một hành động lớn như thế, cả đoàn quân rầm rộ hành quân qua cả quãng đường dài hàng trăm dặm như thế, nước Trịnh lẽ nào lại không biết? Các nước chư hầu khác cũng không thể ngồi yên mà nhìn. Một khi quân đã bại trận, không những lòng dân trong nước cảm thấy bất mãn mà các nước chư hầu khác cũng sẽ coi thường nước Tần. Chính vì vậy, Kiến Thúc cố hết sức can ngăn Tần Mục Công không nên phát binh.

Nhưng Tần Mục Công đang chất chứa đầy tham vọng lập công nên để ngoài tai tất cả lời khuyên của Kiến Thúc, kiên quyết cử ba tướng là Mạnh Minh, Tây Khuất Thuật và Kiến Bính tiến đánh nước Trịnh. Kiến Thúc lệ chảy đầm đìa, nói với Mạnh Minh rằng: “Ta chỉ có thể nhìn thấy đại quân xuất phát, nhưng không thấy được ngày các ngươi trở về”. Quả thực mọi việc đã diễn ra theo đúng như lời của Kiến Thúc.

Vào tháng Hai năm sau, quân Tần khi tiến vào nước Hoạt, có một người nước Trịnh tên là Huyền Cao cưỡi trâu đi ngang qua nước Hoạt, liệu định quân Tần sẽ sang đánh nước Trịnh, ngay tức thì giả mạo lệnh của Trịnh, gây rối loạn quân Tần, đồng thời cho người về nước báo tin. Mạnh Minh cho rằng nước Trịnh đã phòng bị từ sớm liền từ bỏ việc đánh Trịnh, sau khi diệt xong Hoạt thì cho rút quân về. Đối với việc nước Tần tiến đánh nước Trịnh, Tấn Tương Công và Kỳ Mưu Thần cho rằng đây là sự khiên chiến đối với địa vị bá chủ của nước Tấn. Để bảo vệ cho nghiệp bá của nước Tấn, Tấn Tương Công quyết định chờ đợi đến lúc quân Tần mệt mỏi, cho quân mai phục tại Hào Sơn, đồng thời liên lạc với Khương Nhung ở gần đó cùng phối hợp với quân Phổ tham chiến. Đầu tháng Tư, Tấn Tương Công chỉnh đốn người ngựa, thân chinh ra trận, đánh bại quân Tần suốt dọc một dải Hào Sơn, bắt sống ba người là Mạnh Minh, Tây Khuất Thuật và Kiến Bính. Cũng may lúc đó có con gái của Tần Mục Công là Văn Doanh hiến kế sách, khuyên Tấn Tương Công thả ba người bọn Mạnh Minh nên nước Tần mới thoát khỏi tổn thất mất đi ba tướng tài.

Tin tức quân Tần đại bại chuyển đến nước Tần, Tần Mục Công lập tức nhận ra tham vọng của mình quá lớn, vội vàng muốn giành thắng lợi, không những khiến ba quân vất vả, mệt nhọc mà còn gây nguy hiểm và làm tổn thất cho tướng sĩ. Khi đó, nếu như Tần Mục Công vì giữ thể diện, chết cũng không nhận lỗi, mà đổi tội cho ba quân, thì Tần Mục Công có thể giữ được thể diện, nhưng từ đó sẽ khiến cho lòng dân không phục, cũng không còn vị tướng sĩ nào nguyện hy sinh tính mạng vì ông nữa, nếu vậy làm sao ổn định được giang sơn? Ngược lại, nếu dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm, mình ông không nhữung thu được danh tiếng của một vị minh quân mà còn có thể thu phục nhân tâm, nâng cao khí thế binh sĩ, chấn chỉnh lại lực lượng. Chính vì vậy, Tần Mục Công đã mắc áo thường dân, đi ra ngoài thành để gặp ba vị tướng quân, khi nhìn thấy ba người bọn họ thì lớn tiếng mà khóc rằng: “Ta không nghe lời Kiến Thúc, khiến cho ba vị tướng quân phải chịu mối nhục này, tất cả đều là do lỗi của ta!”. Mấy người bọn Mạnh Minh rập đầu chịu tội, Tần Mục Công nói: “Đó là do ta đưa ra quyết sách sai lầm, các ngươi làm gì có tội? Ta làm sao có thể chỉ vì một lần thất bại mà bỏ qua tất cả công trạng trước đây của các khanh?” Sau đó, ông lại nói với quần thần: “Tất cả đều là do lòng tham của ta quá lớn mới khiến cho các khanh lâm vào họa này!” Việc Tần Mục Công đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm khiến cho quần thần cảm kích, ba tướng cà nỗ lực hơn nữa để báo đáp, nung nấu ý muốn rửa sạch nỗi nhục của đất nước, từ đó chỉnh đốn lại quân đội, kỷ luật nghiêm minh, đốc thúc binh lính rèn luyện, nhằm chuẩn bị cho lần xuất chinh tiếp theo.

Tần Mục Công rất yêu thương những người dưới trướng, dũng cảm nhận sai lầm, không tìm người chịu tội nhằm giải thoát cho bản thân. Điều này vô cùng quan trọng nếu xét về tính tích cực của bậc quân vương và việc đoàn kết từ trên xuống dưới. Thiết nghĩ, nếu Tần Mục Công ra lệnh giết ba người Mạnh Minh, kết quả tất yếu là triều chính sẽ xảy ra biến loạn, từ đó dẫn đến không còn người để hạ lệnh, nói gì đến việc rửa mối nhục và chiếm lĩnh thành trì? Như vậy, có thể lịch sử nước Tần đã phải viết lại. Có thể thấy, không đổ tội cho nhân viên dưới quyền là một bảo bối của người lãnh đạo để nhằm giành được nhân tâm. Thi Triển Hùng – Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xe đạp Thâm Quyến cũng là một người lãnh đạo dũng cảm dám nhận trách nhiệm về mình và không đổ lỗi cho nhân viên dưới quyền.

Năm 1986, một cô bé người Ireland không may bị ngã khi lái xe có lắp bánh xe đạp của hãng. Thi Triển Hùng lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng, tự hỏi nguyên nhân tại sao. Không gạt bỏ trách nhiệm, cũng không hề trách móc nhân viên dưới quyền, đầu tiên ông tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình. Ông đích thân sang Ireland tận tình thăm hỏi cô bé, đợi kết quả điều tra và xác minh rõ ràng nguyên nhân sự cố có liên quan đến chất lượng của sản phẩm đó xong, ông chủ động đứng ra nhận trách nhiệm và tiến hành bồi thường cho cô bé.

Cách giải quyết của ông đã nhận được sự tán thưởng của rất nhiều người trong cuộc, uy tín của công ty cũng không hề bị ảnh hưởng, và thị trường châu Âu tiềm năng, khó tính không vì sự việc trên mà bị thu hẹp lại.

Đối với một nhà lãnh đạo mà nói, không nhận công lao chỉ là thứ yếu, quan trọng là không được đổ lỗi cho người khác, không để cho những nhân viên dưới quyền mình bị thua thiệt. Một nhà lãnh đạo thực sự yêu quý nhân viên của mình thì không chỉ cần dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm trước những lỗi lầm do nhân viên dưới quyền gây ra mà còn cần chịu trách nhiệm trước những trường hợp vì sai lầm về quyết sách của chính mình. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đứng trước những sai lầm có dũng khí nhận trách nhiệm, hy vọng điều đó có thể giúp giảm nhẹ áp lự và trách nhiệm đè lên nhân viên dưới quyền. Cứ như thế sẽ nuôi dưỡng thêm uy quyền và tham vọng của bản thân, tích cực cổ vũ ý chí phấn đấu của nhân viên, lấy công chuộc tội, kết quả cuối cùng là đạt được thành công.

Biết nghe lời khuyên can

Một sự vật luôn tồn tại nhiều mặt. Cho nên, muốn tìm hiểu toàn diện và khách quan sự vật nào đó thì phải lắng nghe ý kiến từ nhiều chiều, vì chỉ như thế mới có thể hiểu được bản chất, từ đó đưa ra được biện pháp giải quyết tốt nhất. Chính vì vậy, cổ nhân Trung Quốc luôn luôn lấy câu răn dạy rằng: “nghe từ mọi phía mới sáng suốt, nghe từ một phía ắt u tối” để nhắc nhở mình phái biết lắng nghe ý kiến của người khác, nhằm giúp cho bản thân đưa ra được quyết định đúng đắn.

 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Tư Mã An – 72 phép quản lý kiểu Trung Quốc – NXB LĐXH 2011.

Bình luận về bài viết này