Stalin không phải là nhà Marxist, và tuy không khẳng định điều này trên danh nghĩa, về mặt lý thuyết ông ta vẫn duy trì sự kế thừa học thuyết Lenin và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Lenin. Chủ nghĩa Stalin – phát triển từ những học thuyết Lenin đã được Stalin giải thích lại khá táo bạo, thậm chí còn tới mức độ thay đổi hoàn toàn, đặc biệt là ở vai trò nhà nước trong chiến thắng của chủ nghĩa xã hội – là có sử dụng địa chính trị, mặc dù hơi trực cảm. Bởi Stalin, khác với những người Bolshevik – Leninnist, không phủ nhận một nhà nước như thế. Cảm nhận được tính tất yếu của địa chính trị không bằng lời nói, sử dụng phương pháp địa chính trị không trực tiếp, mà gián tiếp, bộ máy chính trị của Stalin dẫu sao cũng xuất phát từ quan điểm rằng nền tảng của “quan hệ quốc tế” nằm ở cuộc đối đầu giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghãi. Những quốc gia còn lại trong hệ thống tọa độ này bị coi là kém phát triển, chưa tiến bộ tới chủ nghĩa tư bản và vì thế càng chưa tới chủ nghĩa xã hội.
Giai đoạn ảm đạm đã tới dưới thời Khrushchev. Vì hạn chế về tư duy và giáo dục, Nikita Sergeyevich không hề hiểu thế nào là chủ nghĩa Marx, thế nào là chủ nghĩa Lenin, và càng chưa bao giờ nghe tới địa chính trị. Điều duy nhất mà Khrushchev thảo luận tương đối mạnh mẽ là về chủ nghĩa cộng sản. Ông ta hiểu nó không phải như một học thuyết mạt thế [một học thuyết tôn giáo hoặc những ý niệm về sự cáo chung của thế giới, về sự cứu chuộc và cuộc sống ở thế giới bên kia, về số phận của Vũ trụ và việc Vũ trụ chuyển sang một tình trạng mới hẳn về chất – ND] của việc xây dựng vương quốc chúa trời trên trái đất, mà là thành tựu của mức thu nhập GDP trên đầu người, phải vượt những chỉ số này của Hoa Kỳ. Hiện tượng Khrushchev tồn tại chủ yếu là dựa vào việc phủ nhận Stalin, vì thế nó chẳng phải giằng xé lâu.
Sự trì trệ thời Brezhnev đã đóng băng những gì còn lại trong nước sau những thí nghiệm của Khrushchev. Không muốn hoạt động tích cực nào, không tư duy gì về sự mở rộng, Brezhnev không sẵn sàng cho cả việc chuyển giao phạm vi ảnh hưởng. Nhiệm vụ của ông ta chỉ là giữ gìn càng lâu càng tốt nguyên trạng, “đóng băng” lịch sử và sống thanh nhàn, hưởng thú vui câu cá, săn bắn cùng vô số quà tặng. Với ông ta, bất cứ chuyển động nào của lịch sử, cho dẫu chỉ một micron cũng là một nhát dao đâm vào tim. Chính dưới thời Brezhnev, địa chính trị chính thức bị cho là ngụy khoa học trong nghĩa đen của từ này – và nghiên cứu nó là điều cấm kỵ. Trong phạm vi hệ tư tưởng chỉ còn lại việc nhìn nhận một cách hạn chế cuộc đối đầu của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội, còn nhìn chung, bất chấp nguyên lý mâu thuẫn của chủ nghĩa Marx khởi thủy, định đề về sự bất di bất dịch của thế giới đã ngày càng phổ biến.
Thời kỳ Gorbachev – Yeltsin được đánh đấu bằng sự đầu hàng và phản bội tất cả những gì các thế hệ người Xô viết đã chinh phục được kể từ cách mạng Nga năm 1917 và thấm máu nhân dân Nga. Hệ tư tưởng Xô viết – một phiên bản trung bình hấp thụ chủ nghĩa Marx thời kỳ đầu, chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin và cả Brezhnev ngủ vùi “cho hòa bình trên toàn thế giới” – bị thay thế bằng ý thức hệ tự do, sao chép không phê phán những phiên bản phương Tây của nó. Sự tồn tại địa chính trị trong những điều kiện này đã bị tảng lờ bởi nó sẽ tiết lộ đường lối phản quốc của chế độ. Các mối đe dọa lợi ích quốc gia, nghịch lý thay, không đến từ bên ngoài, bởi nó nằm trong chính quốc gia Từ quan điểm địa chính trị, quốc gia đã bước vào con đường tự tử một cách tình nguyện, có ý thức nó thực hiện nỗ lực đầu tiên vào tháng 8/1991, nhưng sống sót, rồi lại tiếp tục những cuộc thí nghiệm dai dẳng tước bỏ đời sống của chính mình.
Sau khi đã phá tan toàn bộ tiềm năng cần thiết cho một chiến lược địa chính trị khả dĩ nào đó, vơi lương tâm thanh thản, Yeltsin trao cơ thể nước Nga đã tàn hơi cho Putin, rồi sau đó qua đời. Đấu tranh hơn 10 năm cho đời sống quốc gia, Putin cuối cùng đã công bố cách tiếp cận địa chính trị làm cơ sở cho an ninh quốc gia, ngăn chặn sự sụp đổ của nước Nga, thực hiện một cú sút địa chính trị ở nam Kavkaz vào tháng 8/2008 và chuyển sang phản công địa chính trị vào tháng 3/2014 bằng việc sáp nhập Crimea vào Nga. Là một nhà thực tiễn, Vladimir Putin đã lần đầu tiên sau 100 năm đặt địa chính trị cao hơn ý thức hệ – và với những sự kiện đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta, ông đã không tính sai.
Để thảo ra các mục tiêu phát triển toàn cầu, cần nhận thức địa chính trị đóng vai trò thế nào trong nền an ninh quốc gia, và nói riêng, phải áp dụng phương pháp địa chính trị như thế nào khi hình thành chiến lược hành động của nhà nước Nga trên đấu trường thế giới.
Địa chính trị là thế giới quan mà tiêu chí chủ yếu là sự đối kháng giữa các nền văn minh biển và lục địa, và liên quan với đó là vô số những khía cạnh phát triển lịch sử nhân loại, biểu hiện qua các mối quan hệ tương giao giữa các dân tộc và quốc gia. Địa lý và không gian trong địa chính trị thực hiện các chức năng tương tự như tiền và quan hệ sản xuất trong chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa tự do. Và như thế, bản chất của địa chính trị – vốn tác động lên số phận của nhân loại và dẫn tới những biến đổi lịch sử quan trọng – có thể tóm gọn trong công thức: “Địa lý là số phận”.
Một điều kiện không thể thiếu trong việc thực hiện thành công những nỗ lực chính trị đối ngoại của Nga phải là việc lập ra một mô hình bảo đảm cho an ninh toàn cầu, khu vực và tiểu khu vực trên nguyên tắc đưa những quốc gia và dân tộc ở gần Nga – theo nghĩa văn minh – văn hóa – vào quỹ đạo của cực địa chính trị Á – Âu, được che chắn bởi “chiếc ô hạt nhân Nga”, hoặc sẽ được trực tiếp đưa vào thành phần Nga như mô hình Crimea – trong trường hợp nơi nào đó trong lịch sử từng thuộc về không gian của thế giới Nga. Từ đó có thể thành lập một hệ thống an ninh Á – Âu mới, trong đó sẽ xuất hiện những trục đối trọng với trục hợp tác quân sự chiến lược châu Âu – Đại Tây Dương.
Một hướng hoạt động quan trọng của Liên bang Nga trong việc bảo đảm an ninh quốc gia trong lĩnh vực đối ngoại là thúc đẩy giải quyết những cuộc xung đột khu vực và địa phương bằng con đường hoạt động bảo vệ hòa bình.
Ưu tiên trong việc ngăn chặn và phòng tránh các đe dọa an ninh quốc gia Nga sẽ thuộc về Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Cơ quan An ninh liên bang Nga, trong đó cách tiếp cận địa chính trị ở những cơ quan này phải là cơ sở để phát triển các chiến lược thích hợp và thông qua các quyết định.
Để cân bằng hệ thống an ninh quốc tế đang nghiêng về phía châu Âu – Đại Tây Dương, cần phải tuyên bố rõ ràng và dứt khoát: Nga có quyền sử dụng tất cả những lực lượng và phương tiện có được, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, nếu như việc bùng nổ xung đột vũ trang, bao gồm cả tấn công mạng, làm xuất hiện mối đe dọa cho sự tồn tại của nước Nga như một quốc gia có chủ quyền.
Kết thúc ý thức hệ, sự trở lại của địa chính trị
Sự sụp đổ của hệ thống Xô viết đã cho thấy thất bại của lối tiếp cận mang tính ý thức hệ. Các tư tưởng quan trọng nhất của thế kỷ 20 đã chấm dứt sự tồn tại cùng với sự kết thúc của kỷ nguyên hiện đại. Thời hậu hiện đại chung đã đến. Nếu như học thuyết chính trị đầu tiên – chủ nghĩa tự do – trong thời hậu hiện đại đã biến đổi thành hậu tự do, thì chủ nghĩa phát xít bị bắn hạ ngay khi cất cánh, không sống đến được tuổi vị thành niên. Cách giải thích về mặt ý thức hệ các quá trình của thế giới không còn giá trị nữa. Lấp đầy khoảng chân không vừa xuất hiện này là địa chính trị với sự đối kháng tất yếu, không thể tránh khỏi và khắc nghiệt của nó giữa các nền văn minh biển và lục địa.
Khối Xô viết sụp đổ không đơn giản. Nó đã thua trận chiến vĩ đại giữa các châu lục. Đất liền thua biển, nền văn minh trên bộ đã thua trong cuộc chiến với nền văn minh biển. Đã đến thời ăn mừng của mô hình hậu tự do phương Tây, mà về thực chất là của đế chế biển Hoa Kỳ có tham vọng thống lĩnh thế giới? Không còn khối Xô viết, mà chủ nghĩa tự do không có kẻ thù giai cấp tự nó cũng không còn hấp dẫn với bất cứ ai. Chỉ còn lại thuần túy địa chính trị, biển chống đất liền, và cuộc đối đầu sẽ không dừng lại cho đến khi nào chúng ta, nước Nga, còn tồn tại. Và đó là lúc đế chế độc nhất của thế giới là Hoa Kỳ ăn mừng. Hay đến lúc nào mà họ chưa biến mất. Nhưng lúc đó thì người ta ăn mừng cái gì?
Bản thân khái niệm “đế chế” đã được mô tả chi tiết trong lý thuyết kinh điển những không gian rộng lớn của triết gia vĩ đại Đức, luật sư Carl Schmidt. Schmidt mô tả hai kiểu đế chế, dựa trên hai hình mẫu địa chính trị: đế chế biển, kiểu thuộc địa, hình thành từ các chính quốc và các thuộc địa, và đế chế đất liền, gồm trung tâm và các vùng ngoại biên. Khác biệt là ở chỗ các chính quốc quan hệ với các thuộc địa của mình theo kiểu tiêu thụ, như một phương tiện để làm giàu, để kiếm lợi, trong khi trung tâm của đế chế trên bộ xem các vùng ngoại biên như sự nối tiếp của mình, những gì cần được trang bị cho đủ tiện nghi, cải thiện, dầu tư vào đó sức lực, phương tiện và theo khả năng mà tạo lập những điều kiện tồn tại bình đẳng với trung tâm.
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Valeri Korovin – Thế chiến thứ ba, chiến tranh mạng lưới – NXB Trẻ 2017.