Tờ Business Standard ngày 28/6 đăng bài viết nhận định việc Mỹ đưa ra các biện pháp ngăn chặn hải sản khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và miêu tả sai vào nước này có thể mang lại cơ hội cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ, vì các quy định mới sẽ gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đối thủ cạnh tranh chính của Ấn Độ.
Mỹ, thị trường chủ chốt đối với các nhà sản xuất thủy sản toàn cầu, vừa công bố Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) áp dụng đối với 13 loại hải sản, trong đó có tôm. SIMP có thể sẽ được áp dụng cho mặt hang tôm kể từ ngày 31/12 tới. Chương trình giám sát mới này đòi hỏi cung cấp dữ liệu bổ sung để theo dõi chuỗi cung ứng thủy sản từ điểm đánh bắt đến điểm thông quan vào Mỹ.
Tính đến cuối tháng 3/2018, có tới 2433 trang trại nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 12.509 ha ở Ấn Độ đã được đăng ký với Cơ quan nuôi trồng thủy sản ven biển (CAA) của nước này. Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc khu vực của hãng xếp hạng tín dụng ICRA của Ấn Độ, Pavethra Ponniah nhấn mạnh: “Hầu hết tôm xuất khẩu của Ấn Độ sang thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là từ các trang trại đã đăng ký. Tuy nhiên, tôm xuất khẩu sang Việt Nam (để chuyển tiếp sang Mỹ sau khi bổ sung giá trị) đến từ cả các trang trại đã đăng ký và chưa đăng ký, do đó cản trở triển vọng tái xuất của Việt Nam sang Mỹ (do thiếu truy xuất nguồn gốc). Điều này được dự đoán sẽ góp phần mang lại một sự chuyển dịch hoạt động xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Ấn Độ”.
Theo ICRA, các yêu cầu của SIMP đối với chuỗi cung ứng tôm được dự báo sẽ tạo ra nhiều khó khăn tạm thời cho việc xuất khẩu tôm của Ấn Độ khai thác từ những trang trại chưa đăng ký.
Ấn Độ là nước xuất khẩu tôm lớn nhất sang thị trường Mỹ. Trong năm 2017, tôm xuất khẩu của Ấn Độ chiếm 32% thị phần, theo sau là Indonesia (17,8%), Thái Lan (11,3%), Ecuador (10,8%) và Việt Nam (8,4%).
Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 350.000 tấn tôm (trong khi Ấn Độ xuất khẩu 540.000 tấn), trong đó 19% sang thị trường EU, 17% sang Nhật Bản và 16% sang Mỹ. Trong tổng sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam có 150.000 tấn tôm nguyên liệu thô nhập từ Ấn Độ để chế biến thêm. Thêm vào đó, Việt Nam xuất khẩu 30.150 tấn tôm giá trị sang Mỹ, chiếm 54% sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2017, trong khi con số này của phía Ấn Độ là 16.700 tấn (5%).
ICRA nhận định, với việc các quy định của SIMP bắt đầu được áp dụng từ năm 2019, phần đóng góp của Việt Nam vào nhập khẩu tôm của Mỹ dự kiến sẽ giảm và Ấn Độ nhiều khả năng hưởng lợi từ điều này. Ông Ponniah nhấn mạnh: “Trước mắt, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn do những quy định của SIMP cũng như thế chống bán phá giá cao. Điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang Việt Nam, song lại mở ra cơ hội để Ấn Độ xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ”.
Hơn nữa, gần đây đã xuất hiện các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành nuôi trồng thủy sản của Ấn Độ với việc tập đoàn Aquastar Inc của Mỹ mua cổ phần của Công ty TNHH Sagar Grandhi Exports Pvt Ltd tháng 3 vừa qua. Tập đoàn Nutreco N.V (Hà Lan) cũng tham gia liên doanh với tập đoàn West Coast Group để thành lập một nhà máy nuôi thủy sản ở Ấn Độ trong tháng 6 này. Theo ông Ponniah, các động thái tương tự cũng đưa ra tín hiệu tích cực đối với ngành công nghiệp nuôi tôm của Ấn Độ về lâu dài.
Nguồn: TKNB – 02/07/2018