Một số xu hướng lý thuyết và thực hành địa chính trị trên thế giới – Phần XVII


Bên cạnh Hoa Kỳ, Trung Quốc đang nổi lên là một cường quốc nhập khẩu dầu mỏ. Trung Quốc đang rất có ý thức về vai trò sống còn của nguồn “vàng đen” ở hai khu vực này. Hiện tại, dầu mỏ đang trở thành mục tiêu địa chiến lược quan trọng hàng đầu của Trung Quốc. Nếu như cách đây hơn 20 năm, Trung Quốc còn là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất Đông Á thì ngày nay, Trung Quốc nổi lên là một quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới (xem Biểu đồ). Điều này đã góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện địa chính trị thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. Cựu ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Triền đã từng nói: “Ngoại giao của Trung Quốc trong thế kỷ 21 sẽ là ngoại giao dầu mỏ”. Chính vì thế mà người ta đã nói chính sách ngoại giao ngày nay của Trung Quốc là “ngoại giao vết dầu loang”. Đặc biệt là Trung Quốc đã chuyển từ chính sách “nhập khẩu dầu mỏ từ bên ngoài” sang “khai thác dầu mỏ bên ngoài”.

Trong khi đó, những nước có nguồn dự trữ dầu mỏ lớn cũng cố gắng sử dụng nó như một đòn bẩy chiến lược trên vũ đài chính trị quốc tế. Nước Nga dưới thời Putin trỗi dậy được một phần cũng là nhờ dầu mỏ. Việc châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga đã trở thành một con bài ngoại giao của nước Nga trên ván cờ châu Âu và khiến cho phương Tây phải e ngại trước các vụ việc xảy ra tại Gruzia, với việc nước Nga tiến vào Gruzia để bảo vệ hai khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia; hay như vụ việc mua bán khí đốt giữa Nga với Ukraine.

Dầu mỏ cũng giúp cho Iran thoát được các đòn trừng phạt của Liên hợp quốc trong vấn đề hạt nhân, khi mà nhiều nước phương Tây vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu mỏ của nước này. Dù rất muốn trừng phạt Iran về vấn đề hạt nhân, nhưng các cường quốc phương Tây và một số nước trong ban giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế [IAEA] – là những nước ít nhiều đều phải nhập khẩu dầu mỏ của Iran – rất ngại sử dụng biện pháp cấm vận dầu mỏ vì nếu làm thế, giá dầu sẽ tăng và làm phương hại đến nền kinh tế của họ.

Venezuela luôn là cái gai ở phía Nam đối với Hoa Kỳ vì lập trường cứng rắn của Tổng thống Hugo Chávez phản đối chủ nghĩa bá quyền của Hoa Kỳ. Thế nhưng nước này lại là 1 trong 4 quốc gia hàng đầu cung cấp dầu thô cho Hoa Kỳ. Chính điều đó đã phần nào giải thích cho thái độ cứng rắn của ông Chávez mà Hoa Kỳ không có cách nào trừng phạt được.

Sudan cũng là một quốc gia dầu khí mới nổi ở châu Phi. Chính nhờ có tài nguyên dầu khí mà đất nước thuộc loại nghèo nhất thế giới này với nhiều bê bối về xung đột sắc tộc đã được một số cường quốc nể nang. Từ năm 1995, Trung Quốc – 1 trong 5 nước thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – đã giành được sân chơi dầu khí tại đây và hiện tại, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Sudan.

Hiểu rõ vai trò của địa chính trị dầu mỏ, các quốc gia sản xuất dầu mỏ hiện nay đã biết đoàn kết lại để tạo ra sức mạnh tổng hợp nhằm tạo đối trọng với các cường quốc trong thế cân bằng quyền lực. Cụ thể là đến thập kỷ 1970, các nước này đã cho ra đời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ [OPEC]. Tổ chức này nhanh chóng trở thành nhân tố quan trọng nhất trong việc điều tiết khai thác và tiêu thụ dầu mỏ, chấm dứt sự độc quyền và khống chế của các đại công ty dầu mỏ phương Tây.

Có thể nói, cho đến nay, dầu mỏ vẫn được coi là một tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng nhất trong việc điều tiết nền chính trị đối nội và đối ngoại của những quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ. Về mặt này, nhà báo Mỹ nổi tiếng Thomas Friedman còn khẳng định: “Với tất cả sự kính trọng dành cho Ronald Reagan, tôi không tin rằng ông ấy là người đã làm lụn bại Liên Xô. Rõ ràng, trên thực tế còn có nhiều yếu tố khác, nhưng giá dầu toàn cầu sụt giảm vào khoảng cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 là yếu tố then chốt dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. (Khi Liên bang Xô viết chính thức tan rã vào ngày Giáng sinh năm 1991, giá một thùng dầu dao động ở mức 17 USD)”. Ý kiến của Friedman có thể là quá phóng đại trong trường hợp của Liên Xô, tuy nhiên chúng ta có thể hiểu Friedman chỉ muốn nhấn mạnh đến sức chi phối của dầu mỏ đối với nền kinh tế Liên Xô. Một lần nữa, chúng ta có thêm một ý kiến góp phần khẳng định xu hướng địa chính trị tài nguyên.

Có ý kiến cho rằng loài người cần phải tiết kiệm khai thác các nguồn tài nguyên quý hiếm, đặc biệt là dầu mỏ, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững và lâu dài. Tuy nhiên cũng lại có ý kiến cho rằng, với tốc độ phát triển tăng vọt như hiện nay, rất có thể trong tương lai, con người sẽ tìm ra các phương thức và nguồn tài nguyên thay thế dầu mỏ trong nhiều lĩnh vực sử dụng. Vì thế, các quốc gia cần phải tranh thủ khai thác nguồn tài nguyên vẫn được coi là đắt hàng nhất này trước khi nó bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Nhưng, cho dù thế nào thì bánh xe phát triển của lịch sử cũng không thể dừng lại. Con người vẫn sẽ phải đáp ứng nguyên liệu để phát triển mà không thể tiết chế được các nhu cầu về nguồn lực cho bản thân. Vì thế, dầu mỏ vẫn được coi là quân át chủ bài trong địa chính trị tài nguyên của nhiều quốc gia.

Song địa chính trị tài nguyên không chỉ có dầu mỏ. Trái đất của chúng ta còn có nhiều nguồn tài nguyên khác nữa, từ nguồn tài nguyên thiết yếu nhất và sơ đẳng nhất như đất trồng trọt đến tài nguyên cao cấp nhất phục vụ cho điện hạt nhân là uranium. Từ thời cổ xưa, những vùng đất màu mỡ vẫn là nguồn gốc tranh chấp muôn thuở của nhiều sắc tộc. Trước đây, truyền thuyết cổ đại Hy Lạp ghi lại rằng: Thời bấy giờ nữ thần Athena – con gái của thần Zeus – đã tranh giành đất đai Hy Lạp với thần Poseidon. Hội đồng thần thánh phán rằng, họ sẽ xử cho người nào quyền cai quản miền Atike của Hy Lạp nếu người đó đem đến cho người dân trong vùng một món quà quý nhất. Thần Poseidon tặng họ con ngựa, còn thần Athena tặng họ câu ôliu. Nhờ cây ôliu mà cư dân ở đây đã trở nên giàu có. Thế là Athena thắng cuộc và trở thành thần bảo hộ của thành Athena là thành được mang tên nữ thần từ đó. Rõ ràng, đất nông nghiệp luôn được coi là tài nguyên quý giá nhất. Đến thời hiện đại, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler cũng rất coi trọng đất đai có giá trị nông nghiệp chứ không chú tâm đến công nghiệp và thương mại. Y cho rằng công nghiệp và thương mại chỉ là giải pháp tạm thời, giải pháp lâu dài và bền vững để đảm bảo cho việc tự túc tự cấp của một dân tộc trước hết vẫn là nông nghiệp. Vì thế, quan điểm địa chính trị của Hitler chú trọng đến việc xây dựng một cường quốc đất liền ngay tại châu Âu, chứ không chú tâm đến việc trở thành cường quốc biển. Đó cũng là một nét đặc thù của địa chính trị Đức.

Klare cũng cho rằng “Cuộc cạnh tranh giành tài nguyên là một yếu tố có tính chất quyết định trong việc chi phối sự xung đột kể từ các cuộc chiến tranh được lịch sử ghi chép lại một cách sớm nhất, tại vùng Cận Đồng thời cổ đại. Và đến nay, các quốc gia đấu tranh để giành quyền kiểm soát những vùng đất thích hợp cho hoạt động nông nghiệp – thường là lưu vực các con sông (lưu vực sông Tigre – Euphrates, lưu vực sông Jordan, lưu vực sông Nile…) hoặc những khu vực gần các con suối và các vùng đất màu mỡ. Bên cạnh đó còn nổ ra các cuộc chiến trnah giành các nguồn tài nguyên có giá trị khác như khoáng sản, gỗ và gia vị”. Đó cũng là đặc điểm của quá trình bành trướng thuộc địa quy mô lớn của các cường quốc châu Âu từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 19.

Quả thực, hầu như bất cứ một nguồn tài nguyên quý giá nào cũng đều có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột quốc tế. Nước, một nguồn tài nguyên tưởng chừng như vô tận lại đang trở thành đối tượng tranh chấp của nhiều quốc gia liền kề nhau. Bây giờ người ta mới thấy nguy cơ của tình trạng khan hiếm nước ngọt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nguy cơ này càng trở nên thúc bách khi mà dân số thế giới đang có xu hướng gia tăng, khi tình trạng hạn hán trở nên phổ biến do hiện tượng nóng lên toàn cầu đang diễn ra trầm trọng. Vấn đề thường trở nên phức tạp vì các nguồn cung cấp nước ngọt lại không tuân theo biên giới chính trị của các quốc gia. Vì vậy, rất nhiều nước phải cùng nhau chia sẻ một số lượng hạn chế các nguồn nước chủ yếu. Và vì thế, nguy cơ xung đột vì tranh giành nguồn nước chung sẽ không tránh khỏi gia tăng.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Nguyễn Văn Dân – Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia – NXB KHXH 2011.

Bình luận về bài viết này