Quan niệm về Thái cực và Biến dịch – Phần đầu


I/ Quan niệm về Thái cực

Kinh Dịch, Hệ Từ thượng, đã đưa ra quan niệm về Thái Cực dựa trên cơ chế của Hệ Nhị phân: “Dịch có Thái Cực, sinh ra Hai Nghi, Hai Nghi sinh Bốn Tượng, Bốn Tượng sinh Tám Quẻ, Quẻ định ra lành dữ, lành dữ sinh ra nghiệp lớn” (Dịch Hữu Thái Cực, thị sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái định cát hung, cát hung sinh đại nghiệp).

Như vậy theo Dịch thì cái thuở ban đầu sơ khai của vũ trụ gọi là Thái Cực. Các học giả đời sau mới giải thích Thái Cực là cái khí tiên thiên hay là cái trạng thái hỗn mang thuở sơ khai của vũ trụ, theo ngôn ngữ hiện đại thì đó là cái thể hỗn mang lượng tử (chaos quantique). Người xưa biểu diễn khái niệm về Thái Cực bằng một vòng tròn được chia thành hai nửa bằng nhau qua một đường con hình chữ S. Thái Cực khi tĩnh là trạng thái chưa phân cực, còn gọi là Vô Cực. Thái Cực khi động thì thành Lưỡng Nghi. Như vậy thì quan niệm về Thái Cực của cổ nhân rất giống với quan niệm của khoa học hiện đại.

Biểu tượng của Lưỡng Nghi: nửa đen tượng trưng cho phần âm, nửa trắng tượng trưng cho phần dương của Thái Cực. Trong phần đen có chấm trắng nhỏ – tượng trưng cho khái niệm “trong âm có phục sẵn mầm dương”; trong phần trắng có chấm đen cũng để nói lên trong dương có phục sẵn mầm âm”. Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, Bát Quái đều là kết quả phân đôi của hệ nhị phân và đều là những vòng số cơ bản của hệ này như chúng ta đã khảo sát. Ở đây ta lại lấy thêm quan niệm của người xưa về tính chất dự báo cảu Dịch trong câu “…Bát Quái định cát hung, cát hung sinh đại nghiệp”. Đường cong chữ S là đường nối giữa hai vòng tròn nội tiếp được sinh ra trong lòng Thái Cực; hai chấm đen trắng cũng chính là những tâm của hai vòng tròn đó (Hình 1). Đây chính là xuất phát điểm của đường cong chữ S chia đôi Thái Cực. Đó chính là đường nối hai nửa vòng tròn nội tiếp bên trong vòng Thái Cực. Tuy nhiên đồ hình Thái Cực như trên chỉ biểu diễn được Thái Cực khi đã phân Cực thành âm dương, chưa diễn tả được trạng thái tĩnh ban đầu. Trên một ngàn năm sau, nhà Dịch học đời Tống là Chu Đôn Di mới cải tiến Dịch đồ cũ thành Dịch đồ mới có thêm vòng trống vô cực ở trước vòng Thái Cực, được mọi người chấp nhận cho đến nay (Hình 2).Như thế là trước Thái Cực có Vô Cực, để diễn tả quan niệm của Dịch là vũ trụ tiến từ “không” đến “có”, như trong hệ nhị phân các con số của bất cứ dãy nào cũng bắt đầu từ số 0 (quẻ Khôn).Trạng thái “Không” (vô cực) của vũ trụ không có nghĩa là không có gì hết. Nó chỉ diễn tả vũ trụ ở trạng thái tĩnh, lúc chưa phân cực mà thôi, vì vậy tuy là “không có gì” mà lại là “có tất cả” để có thể hình thành ra muôn vật như vô vàn các con số cùng bắt đầu tư số 0 vậy. Nó giống với khái niệm về “Đạo” của Lão Tử thời xưa. Đạo cũng từ “không” đến “có”, từ số 0 sinh ra số 1, số 2, số 3; số 3 sinh ra vạn vật. Cái “không” ban đầu theo Lão Tử là cái “không thể đặt tên”. Ngài chỉ tạm gọi là “Đạo” mà thôi. Chính “Đạo” đã sinh thành ra cái “có tên” là thế giới hiện hữu. Ngay chương đầu cuốn Đạo Đức Kinh, Ngài đã định nghĩa: “…Cái không tên là đầu mối của Trời Đất. Cái có tên là mẹ của vạn vật” (Vô danh, thiên địa chi thủy. Hữu danh, vạn vật chi mẫu). Như vậy, nền tảng của quan niệm về Thái Cực của Dịch và cả về “Đạo” của Lão Tử cũng đều bắt nguồn từ nguyên lý đầu tiên của Hệ Nhị Phân (hay hệ lưỡng phân, hệ Nhị tiến) mà thôi.

II/ Quan niệm về Biến dịch

Cũng như mô hình Tọa Độ Vũ Trụ đầu tiên thông qua sự sắp xếp phương vị các con số đếm trong các bảng Hà Đồ và Lạc Thư, người xưa đã thể hiện quan điểm về một Vũ Trụ luôn biến động. Vũ Trụ chỉ “tĩnh” ở trạng thái vô cực. Khi đã phân ra âm – dương tức là Vũ Trụ đã đi vào trạng thái “động” không bao giờ ngừng.

1/ Cơ chế của Biến dịch là sự mất cân bằng nội tại

Nguyên nhân của sự chuyển động không ngừng đó, người xưa đã diễn tả trong các mô hình về Hà Đồ và Tiên Thiên Bát Quái cũng như Lạc Thư và Hậu Thiên Bát Quái. Cơ chế chính là ở chỗ Vũ Trụ khi mới được mở ra đã mang sẵn trong lòng nó một sự mất cân bằng, khi thì giữa các hướng, khi thì giữa hai miền âm dương. Khi bị mất cân bằng giữa các hướng thì, Tạo Hóa cũng như các số nhị phân, phải biến dịch để tạo ra sự cân bằng đó, nhưng khi các hướng được cân bằng thì lại hình thành sự mất cân bằng giữa hai miền âm dương, bắt buộc các con số lại phải chuyển động phản pha để lập lại sự cân bằng này. Tuy nhiên, khi hai miền âm dương lập lại được sự cân bằng thì các con số lại rơi vào tình trạng mất cân bằng giữa các hướng. Cứ thế Vũ Trụ cũng như các Tượng Số nhị phân luôn biến dịch phản pha, như một quả lắc đồng hồ vậy. Điều khác nhau cơ bản giữa chuyển động phản pha của quả lắc đồng hồ và các số nhị phân là ở chỗ: đồng hồ thì phải luôn luôn lên giây cót, còn các Tượng Số thì lại do mâu thuẫn trong lòng chúng tạo nên, bắt buộc chúng phải biến dịch theo cơ chế đó. Vì vậy, sự biến dịch của Vũ Trụ là sự tuần hoàn vĩnh cửu. Khoa học về Vật lý Thiên văn hiện đại chưa thấy có lý thuyết đề xuất ra vấn đề cơ chế tuần hoàn phản pha vĩnh cửu của Vũ Trụ như trong Dịch lý cổ. Chúng ta còn phải chờ xem tư duy của khoa học hiện đại trong tương lai có sự trùng lặp với phát hiện của cổ nhân không.

2/ Biến Dịch là sự tuần hoàn qua lại giữa hai trạng thái “âm và dương”

Như trên đã trình bày, sự biến dịch vĩnh cửu của Tạo Hóa biểu hiện trong quy luật của các Tượng Số nhị phân là sự biến dịch có tính tuần hoàn vĩnh cửu. Quan sát trong tự nhiên cổ nhân đã nhận thấy quy luật đó thể hiện ở khắp mọi nơi. Nhìn trên bầu trời đêm, vị trí các chòm sao cũng dịch chuyển theo từng tháng, từng năm, cứ hết một vòng lại trở về chỗ cũ. Mặt trời thì tuần hoàn từ đông sang tây, hết ngày lại đến đêm luân chuyển nhau không ngừng. Mặt trăng hết tròng đến khuyết, theo các chu kỳ cứ 29 ngày rưỡi lại một vòng. Thời tiết hết nóng đến lạnh, hết lạnh lại đến nóng cứ thế tuần hoàn không nghỉ. Hết thảy đều là sự thay đổi tương phản giữa hai trạng thái đối xứng nhau, như nóng lạnh, sáng tối, thịnh suy… mà người xưa gọi chung trong từ “âm và dương”. Trong giới sinh vật cũng thể hiện sự tuần hoàn đó, các quá trình “tre già măng mọc” liên tục diễn ra mãi mãi, ngày một rộng lớn. Xã hội loài người thì trật tự trên dưới như trong các hào, các quẻ của Tượng Số, cũng biến động không ngừng, khi thịnh khi suy, khi bình, khi loạn. Các biến dịch tuần hoàn đó diễn ra khắp mọi nơi, bao quanh chúng ta, chi phối đời sống sinh vật và con người, không bao giờ ngừng.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Hoàng Tuấn – Kinh Dịch và nguyên lý toán nhị phân – NXB HB 2013.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s