Australia lên tiếng về vi phạm trong xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam


Ngày 25/6, Đài Truyền hình quốc gia Australia dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp Australia, cho biết hơn 1500 con bò và 99 con trâu nhập khẩu từ Australia đã biến mất khỏi các trang trại hoặc lò mổ được chấp thuận tại Việt Nam trong 13 tháng qua.

Sau lệnh cấm xuất khẩu gia súc sống và năm 2011, ngành công nghiệp xuất khẩu gia súc sống Australia đã đăng ký Hệ thống đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng xuất khẩu (ESCAS), một hệ thống được thiết lập để đảm bảo phúc lợi động vật cho gia súc xuất khẩu của Australia.

Trong báo cáo mới nhất về việc thực hiện ESCAS, Bộ Nông nghiệp Australia đã chỉ ra hai vi phạm: Vi phạm thứ nhất, được cho là rất nghiêm trọng, đó là việc công ty Purcell Bros, công ty xuất khẩu gia súc lần đầu tiên sang Việt Nam, đã không thể xác minh được 644 con bò và 99 con trâu đang ở đâu sau khi tới Việt Nam.

Vào tháng 11/2018, trâu và bò đã được chuyển từ một trang trại được công ty chấp thuận tới các địa điểm không xác định sau khi công nhân trang trại đã can thiệp vào các camera theo dõi lắp đặt tại trang trại. Tuy nhiên, chủ sở hữu trang trại khẳng định không có gia súc nào bị mất tích, nhưng lại không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng nào khi công ty Purcell tiến hành xác minh xem chúng đang ở đâu.

Theo báo cáo trên, chủ sở hữu trang trại dường như hàon toàn không quan tâm đến các yêu cầu của ESCAS. Báo cáo còn lưu ý rằng công ty Purcell không thể cung cấp thông itn nào để phục vụ cho việc truy xuất hoặc tìm hiểu về phúc lợi của gia súc.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Australia kết luận thông tin mà công ty Purcell cung cấp là chưa đủ và sẽ lưu ý tới vụ vi phạm trên trong quá trình xem xét đơn xin nhập khẩu nào từ nhà nhập khẩu hoặc trang trại trên.

Vi phạm thứ hai liên quan đến việc công ty Dịch vụ vận chuyển gia súc (LSS) không thể xác định được “gần 1000 động vật” mà công ty đã vận chuyển đến Việt Nam và không báo cáo cho Bộ Nông nghiệp Australia trong thời hạn theo quy định của ESCAS.

Tuy nhiên, cuối cùng LSS cũng đã xác minh được rằng trong số 872 gia súc, 471 con đã được chuyển đến các lò mổ được chấp thuận và 401 bị chế hoặc bị giết bằng hệ thống gây mê tại các trang trại.

Theo Bộ Nông nghiệp Australia, LSS đã có biện pháp khắc phục vi phạm và đã triển khai các hệ thống để giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai.

Để xử lý các vụ vi phạm trên, Hội đồng xuất khẩu chăn nuôi Australia (ALEC) đã thuê một công ty độc lập thực hiện “đánh giá thị trường” để báo cáo về chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Giám đốc điều hành ALEC, ông Mark Harvey-Sutton cho rằng gia súc Australia thông thường không bị lọt ra ngoài chuỗi cung ứng tại Việt Nam và khẳng định những trường hợp vi phạm trên không phải là phổ biến. Ông cho biết, ưu tiên cao nhất của ALEC là các nhà xuất khẩu Australia phải duy trì truy xuất gia súc xuất khẩu ở mức cao nhất để đảm bảo phúc lợi động vật, và điều quan trọng là cần có những biện pháp khắc phục các vi phạm bất thường ở các thị trường như Việt Nam. Ngoài ra, ông Harley-Sutton cũng khẳng định rằng sau khi có báo cáo đánh giá của công ty kiểm toán viên độc lập vào tháng 8/2019, ALEC sẽ có những hành đ6ọng cần thiết theo các khuyến nghị mà báo cáo đưa ra.

Được biết, Hiệp hội Phòng chống tàn ác đối với động vật Australia (RSPCA) là một tổ chức luôn phản đối việc xuất khẩu động vật sống để giết mổ. Kể từ năm 2015, RSPCA đã kêu gọi đánh giá độc lập về việc tuân thủ ESCAS ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi có báo cáo nói trên của Bộ Nông nghiệp Australia, RSPCA lại lên tiếng yêu cầu Chính phủ và ngành công nghiệp xuất khẩu gia súc của Australia cần xử lý nghiêm khắc các vi phạm.

Người phát ngôn của RSPCA, Jed Goodfellow đưa ra đề xuất cần xem xét áp dụng biện pháp đình chỉ chuỗi cung ứng trong thời gian tiến hành cuộc đánh giá toàn diện và độc lập về các thỏa thuận ESCAS tại Việt Nam. Ông Goodfellow cho rằng những vi phạm nêu trên nằm trong một “chuỗi dài” các sự cố liên quan đến gia súc Australia xuất khẩu sang Việt Nam.

Ông Goodfellow cho biết thêm các báo cáo còn chỉ ra tình trạng các công nhân lò mổ và trang trại gia súc đã nhiều lần can thiệp vào hệ thống camera quan sát và có thái độ thù địch với các nhân viên của công ty xuất khẩu khi họ cố gắng duy trì chuỗi cung ứng. Ông nói: “Trước đây, chúng tôi đã từng thấy việc đưa gia súc ra khỏi chuỗi cung ứng, thậm chí ngay cả khi có sự hiện diện của các nhân viên của công ty xuất khẩu. Thực tế này cho thấy có một “văn hóa” chống đối hệ thống ESCAS ở Việt Nam, đặc biệt ở một vài chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Do vậy, cần xem xét một cách có hệ thống đối với toàn bộ thị trường này”.

Theo ông Goodfellow, mặc dù thị trường Việt Nam chỉ bằng 1/3 thị trường Indonesia, nhưng số lượng các vụ vi phạm ở đây cao gấp ba lần trong vài năm qua. Chính phủ Australia cần phải quan tâm nghiêm túc đến tình trạng này.

Trong năm 2013, đã xảy ra việc dùng búa tạ để giết bò Australia tại VIệt Nam, và vào năm 2015 và 2016, các vụ việc này đã được chiếu lên truyền hình quốc gia ở Australia, khiến dư luận rất quan tâm.

Ngoài ra, từ lâu đã xuất hiện những cáo buộc về việc buôn bán gia súc không được kiểm soát giữa Việt Nam và các nước láng giềng như Trung Quốc.

Nguồn: TKNB – 27/06/2019

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s