Công việc hoàn tất giao dịch nặng nhọc bắt đầu ngay sau đó. Trước 9:30 sáng, một trăm triệu kiện hàng đã được chuyển đi. Nhiều người tiêu dùng trên khắp đất nước đã nhận được hàng ngay trong ngày. Một tuần sau khi cơn cuồng phong mua sắm kết thúc, phần lớn các kiện hàng đã tới được đích đến của chúng. Vì Alibaba không phải là một nhà bán lẻ giữ hàng sẵn trong kho, các kiện hàng đến từ khắp nơi trên đất nước (và trên thế giới) và đi tới từng ngóc ngách của Trung Quốc, nhờ vào công nghệ của Cainiao Network, nền tảng hậu cần liên kết của Alibaba.
Vào cuối ngày, Alibaba đã xử lý 1,5 tỷ giao dịch với tổng giá trị 168,2 tỷ NDT (tương đương 25 tỷ USD) (hình 1 – 2). Con số này gần gấp đôi doanh thu trung bình mỗi ngày trong năm 2016 của toàn ngành công nghiệp bán lẻ Trung Quốc (bao gồm cả bán hàng ngoại tuyến và hàng xa xỉ như ô tô và bất động sản). Trên thực tế, 167 nhãn hàng đã cán mốc doanh thu hơn 100 triệu NDT (tương đương 15 triệu USD). Người tiêu dùng đã mua tất cả những gì được trưng bày trên website Tmall: quần áo, sản phẩm gia đình, đồ điện tử, trang sức, và nhiều thứ khác – và có trường hợp là cả một chiếc tàu cao tốc hiệu Aston Martin phiên bản giới hạn có giá 2,5 triệu USD.Ngày lễ Độc thân không chỉ là một phép màu marketing; đó còn là cả một kỳ quan công nghệ. Mỗi nhân viên tại Alibaba đã làm việc chăm chỉ trong hàng tháng trời để chuẩn bị cho ngày này, giữa muôn vàn những nhiệm vụ khác, thực hiện hàng tá những bài kiểm tra áp lực để phòng tránh bất cứ lỗi thảm họa nào trong toàn bộ hệ thống, từ công nghệ thông tin (CNTT) tới website hiển thị cho khách hàng, tới thanh toán, kho kiểm hàng hóa và hậu cần. Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ học máy, toàn bộ hệ thống của Alibaba và tất cả những thương nhân, nhà cung cấp thanh toán, kho hàng, và nhà hậu cần độc lập mà Alibaba làm việc cùng đã được kích hoạt để đáp ứng nguồn nhu cầu khổng lồ. Hơn thế nữa, hệ thống hùng mạnh này đang mở rộng ra những lĩnh vực mới của chuỗi giá trị, và vươn tới nhiều khu vực hơn trên thế giới.
Alibaba không phải là phiên bản Trung Quốc của Amazon
Alibaba bắt đầu thu hút sự chú ý toàn cầu với thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (initial public offering – IPO) lớn nhất trong lịch sử vào ngày 19/9/2014. Ngày nay, Alibaba có giá trị vốn hóa thị trường ngang bằng với Amazon và Facebook. Nó đã vượt qua Walmart về doanh thu bán hàng toàn cầu và mở rộng tới tất cả các khu vực lớn trên thế giới. Nhà sáng lập Jack Ma (Mã Vân), người đã từng là một cậu bé lớn lên từ một thành phố nhỏ của Trung Quốc và từng hai lần trượt đại học, đã trở thành cái tên nổi tiếng toàn cầu.
Là một nhân sự điều hành cấp cao của Alibaba, tôi đã gặp nhiều người nghĩ rằng công ty à nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, hay là Amazon của Trung Quốc. Ấn tượng đó không chỉ sai lầm mà còn làm mờ nhạt mô hình kinh doanh đột phá của Alibaba và cánh cửa sổ mà công ty đã mở ra về bối cảnh kinh tế đang phát triển như thế nào. Không giống Amazon, Alibaba thậm chí không phải là một nhà bán lẻ theo nghĩa truyền thống – chúng tôi không cung cấp hay trữ hàng, và các dịch vụ hậu cần đều được thực hiện bởi các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba. Thay vào đó, Alibaba là những gì bạn nhận được khi bạn thực hiện tất cả những chức năng liên quan đến bán lẻ và điều phối chúng trực tuyến trong một mạng lưới rộng lớn và dựa trên dữ liệu bao gồm người bán, nhà tiếp thị, nhà cung cấp dịch vụ, công ty hậu cần, và nhà sản xuất. Nói cách khác, Alibaba thực hiện những gì mà Amazon, eBay, PayPal, Google, FedEx, tất cả những nhà bán buôn, và một phần các nhà sản xuất tại Mỹ thực hiện, được điểm thêm một phần nhỏ lành mạnh của lĩnh vực tài chính để trang trí. Nhưng Alibaba không tự thực hiện tất cả các chức năng. Công ty sử dụng công nghệ để khai thác và điều phối nỗ lực của hàng ngàn doanh nghiệp Trung Quốc, tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh vô cùng khác biệt và thuần Internet (một hệ sinh thái được tạo ra và hoạt động chủ yếu trên mạng trực tuyến) hoạt động nhanh hơn, thông minh hơn, và hiệu quả hơn các hạ tầng kinh doanh truyền thống.
Nhiệm vụ của Alibaba là áp dụng những công nghệ tiên tiến – từ học máy cho tới Internet di động và điện toán đám mây – để cách mạng hóa cách thức kinh doanh. Trung Quốc là một mảnh đất màu mỡ cho mô hình này phát triển vì hạ tầng kinh doanh của đất nước này tương đối yếu và kém phát triển vào thời điểm mô hình này ra đời. Tận dụng những công nghệ mới, Alibaba đã biến đổi toàn bộ ngành công nghiệp bán lẻ non trẻ của Trung Quốc (không thể sánh được với sự phát triển tiên tiến của hệ thống bán lẻ vật lý và trực tuyến của phương Tây) trở thành dẫn đầu mô hình kinh doanh của thế kỷ 21. Các doanh nghiệp đối tác của Alibaba, Ant Financial và Cainiao Network, cũng làm được điều này tương tự đối với lĩnh vực thanh toán và hậu cần của quốc gia này.
Mạng Internet, đặc biệt là thương mại điện tử, ở Trung Quốc đã có con đường tiến hóa vô cùng khác biệt so với Mỹ. Như Jack Ma thường nói, “thương mại điện tử là món chính ở Trung Quốc nhưng chỉ là tráng miệng ở Mỹ”. Trong một khoảng thời gian cực ngắn, những công ty như Alibaba đã biến đổi ngành công nghiệp bán lẻ của Trung Quốc và đang tạo ra những cơn sóng trên toàn cầu. Trên thực tế, Trung Quốc có tỷ lệ bán hàng trực tuyến đến ngoại tuyến lớn gấp đôi Mỹ. Nhưng Alibaba đã làm được điều này theo một cách hoàn toàn khác biệt so với Amazon.
Tất cả những điều này liên quan đến bạn đọc phương Tây như thế nào? Thử nghĩ xem: nếu bạn chuẩn bị khởi động lại hầu như bất cứ ngành nghề nào từ đầu – chế biến thực phẩm, làm đồ nội thất, ngân hàng – với mạng Internet và khả năng học máy hiện có ngày nay nhưng lại không có bất cứ hạ tầng nào được kế thừa của hàng thập kỷ đầu tư kinh doanh, bạn sẽ làm khác đi như thế nào? Có lẽ bạn sẽ xây dựng một doanh nghiệp sử dụng những khả năng vô cùng mạnh mẽ và lại tương đối rẻ của mạng Internet và công nghệ dữ liệu. Chắc chắn rồi, Facebook và Google cũng đã làm như vậy, nhưng họ tạo ra những ngành nghề mới chưa bao giờ xuất hiện. Tại Trung Quốc, chúng tôi đang tái cấu trúc các ngành nghề với hầu hết các doanh nghiệp, bất kể là truyền thống hay kiểu mới.
Tại Mỹ, những doanh nghiệp Internet lớn hàng đầu xuất hiện khi những công nghệ mới được áp dụng cho những vấn đề mới, ví dụ như quảng cáo trực tuyến, đấu giá trực tuyến, hoặc mạng xã hội. Với công việc của tôi tại Trung Quốc, tôi đã được chứng kiến việc áp dụng công nghệ mới vào những vấn đề cũ, như bán lẻ, tài chính, và hậu cần. Khi viết cuốn sách này, tôi hy vọng có thể mô tả chiến lược được áp dụng như thế nào cho trường hợp ở Trung Quốc. Chắc chắn rằng, mỗi ngành nghề đều sẽ phải vật lộn với việc áp dụng công nghệ mới cho những vấn đề cũ. Cho tới nay, nước Mỹ chưa chứng kiến nhiều sự thâm nhập của công nghệ mới đối với những doanh nghiệp truyền thống vì sự hiệu quả của những ngành nghề vững mạnh này ở đây, nhưng sự thay đổi đang đến gần. Đây chính là giá trị của việc nhìn qua “tương lai” của Trung Quốc và tìm hiểu về cách thức mà những doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ mới nhất để cạnh tranh và tạo ra những giá trị mới trong các ngành nghề truyền thống.
Tương lai nhìn từ Trung Quốc
Một cái nhìn về tương lai của Trung Quốc có thể cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây một góc nhìn mới. Một người quan sát xa lạ có thể dễ dàng hình dung về Trung Quốc giống như hai thập kỷ trước đây: công xưởng của thế giới, kém phát triển và đầy những công ty bắt chước. Nhưng ấn tượng này vào năm 2018 là một sai lầm nguy hiểm. Đặc biệt trong ngành Internet, các công ty Trung Quốc đang tạo ra những sản phẩm và trải nghiệm người dùng đẳng cấp thế giới. Các ngành nghề khác đang học theo nhanh chóng qua các ví dụ, bắt đầu thay đổi hết ngành này tới ngành khác qua việc đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Ming Zeng – Alibaba và chiến lược kinh doanh thông minh trong thời đại 4.0 – NXB CT 2019.