Nguyễn Văn Trọng
E.F. Schumacher sinh năm 1911 tại Đức và mất năm 1977 tại Thụy Sĩ. Năm 1930, ông nhân học bổng Rhodes Scholar sang học tập tại Anh. Ông cùng vợ định cư tại Anh năm 1937. Trong thời gian Thế chiến II, ông tham gia Nhóm cố vấn kinh tế cho Chính phủ Anh. Từ năm 1950 đến năm 1970, ông là cố vấn kinh tế cho ngành công nghiệp than của nước này. Ông rất nổi tiếng với tác phẩm Small is Beautiful (Nhỏ là đẹp) (1977) phê phán chủ nghĩa tư bản đạt mức sống cao về vật chất bằng cái giá hủy hoại nền văn hóa. Tuy nhiên tác phẩm A Guide for the Perplexed (Một chỉ dẫn cho người bị bối rối) được hoàn tất trước khi ông mất (1977) mới là tác phẩm được ông xem là thành tựu quan trọng nhất của mình.
Tác phẩm Một chỉ dẫn cho người bị bối rối đề cập đến trạng thái tinh thần bối rối hoang mang của con người hiện đại do bị nhào nặn bởi một thế giới quan lầm lạc mà ông gọi là chủ nghĩa khao học duy vật luận (materialistic Scientism). Theo Schumacher, bước ngoặt tinh thần này của con người hiện đại xảy ra vào thời kỳ Khai sáng ở phương Tây trong một quá trình đoạn tuyệt với tôn giáo nói chung và Ki-tô giáo nói riêng.
Schumacher đã lần lại lịch sử quan niệm về tôn giáo của con người thời cổ đại. Ông cho thấy các tôn giáo truyền thống đã bị con người thời hiện đại hiểu sai lệch như thế nào.
Theo Schumacher thì việc đoạn tuyệt với Ki-tô giáo xảy ra ở xã hội phương Tây vào thời kỳ Khai sáng, do ảnh hưởng sâu sắc bởi triết gia Descartes (1596 – 1650). Descartes cho rằng: “Người nào tìm kiếm con đường trực tiếp đi đến sự thật, thì không phải bận tâm với bất cứ đối tượng nào mà người đó không có được một tính chắc chắn ngang bằng với những chứng minh của số học và hình học”. Chỉ những đối tượng như vậy mới phải thu hút sự chú ý của chúng ta “đến với tri thức chắc chắn và không chút nghi ngờ mà các sức mạnh trí tuệ của chúng ta hình như thích đáng tương xứng”. Descartes viện cớ rằng triết học “đã được trau dồi trong nhiều thế kỷ bởi những trí tuệ tốt đẹp nhất đã từng sống, mặc dù vậy vẫn chẳng có một sự vật nào được tìm thấy mà lại không là đề tài tranh cãi, và hệ lụy là không còn bị nghi ngờ nữa”, sự kiện ấy đã dẫn Descartes đến với điều chẳng khác gì là “cuộc thối lui khỏi minh triết” và hoàn toàn tập trung vào tri thức thật vững chắc và nằm ngoài mọi nghi ngờ giống như toán học và hình học.
Schumacher nhận xét như sau: “Chấp nhận một thứ gì là chân lý, hàm nghĩa chịu nguy cơ lầm lẫn. Nếu tôi tự giới hạn mình ở những tri thức mà tôi xem là chân lý vượt ra ngoài mọi nghi hoặc, thì tôi giảm được nguy cơ lầm lẫn xuống mức tối thiểu, nhưng đồng thời tôi lại có nguy cơ ở mức tối đa bỏ qua những gì là huyền ảo nhất, quan trọng nhất và đáng giá nhất trong cuộc đời”. St. Thomas Aquinas, đi theo Aristotle, đã dạy bảo rằng: “Một tri thức mảnh mai nhất khả dĩ nhận được ở những thứ cao cả nhất, thì đáng mong ước nhiều hơn là tri thức chắc chắn nhất, thu được từ những thứ kém cỏi”. Tri thức “mảnh mai” ở đây được đặt đối lập với tri thức “chắc chắn”, và chỉ ra tính bất xác định. Rất có thể nhất thiết là những thứ cao cả hơn không thể được tri giác với độ chắc chắn ngang bằng với độ chắc chắn mà các thứ kém cỏi hơn có thể được tri giác, trong trường hợp như vậy thì quả thực hẳn sẽ là mất mát rất lớn, nếu tri thức bị giới hạn ở những thứ nằm ngoài khả năng nghi hoặc.
Thế nhưng khái niệm “cao cả hơn” và “thấp kém hơn” hàm nghĩa gì? Theo Schumacher, tổ tiên chúng ta nhìn thấy thế giới hiện hữu như một “Chuỗi của Hiện hữu”, có vẻ như phân chia một cách tự nhiên thành bốn khu vực: khoáng chất, cây cối, động vật và con người. Hiện hữu của cây cối cao hơn hiện hữu của khoáng chất, có một bước nhảy bản thể luận, có thể dùng từ ngữ “sự sống” để biểu tượng cho bước nhảy đó. Những động vật tiêu biểu như chó, mèo có hiện hữu cao hơn cây cối. Bước nhảy bản thể luận này có thể biểu tượng bằng từ ngữ “ý thức”. Con người có hiện hữu cao hơn động vật, mặc dù nhiều người thời hiện đại không thừa nhận điều này. Schmacher dùng biểu tượng “tự-ý-thức” để chỉ bước nhảy bản thể luận ấy. Trình độ hiện hữu cao hơn bao gồm tất cả những thành tố hiện hữu ở trình độ thấp hơn: Con người bao gồm cả khoáng chất, sự sống và ý thức vốn có ở các trình độ thấp hơn. Tổ tiên chúng ta nhìn theo sơ đồ chuỗi trình độ hiện hữu như đánh giá theo chiều thẳng đứng: Con người ở vị trí cao nhất trong bốn trình độ hiện hữu nên phải thể hiện thái độ có trách nhiệm với cả thế giới. Những bước nhảy bản thể luận của các trình độ hiện hữu là những bí ẩn của thế giới:: Con người có thể hủy hoại sự sống của cây cối, biến nó thành khoáng chất; thế nhưng con người không thể tạo ra sự sống từ khoáng chất. Các hữu thể ở trình độ cao hơn khoáng chất, thể hiện mình như các hữu thể có “đời sống bên trong”, vô hình đối với các giác quan của con người. Khi ý thức được những bất toàn của mình, con người thời xưa tự hỏi: Liệu có chăng những Trình độ Hiện hữu ở trên con người? Schmacher nhận xét: “…Đại đa số của loài người, trong suốt lịch sử đã được biết cho đến tận thời gian mới đây, người ta đã tin thật vững chắc rằng Chuỗi của Hiện hữu mở rộng lên trên vượt quá con người. Tín niệm phổ quát ấy gây ấn tượng mạnh cả về độ dài thời gian và cả về cường độ của nó. Những nhân vật của thời xưa, mà chúng ta vẫn còn xem như minh triết nhất và vĩ đại nhất, không những chia sẻ niềm tin ấy, mà còn xem nó là quan trọng nhất và sâu sắc nhất trong tất cả các sự thật”.
Có thể tình trạng vô tín ngưỡng ở con người thời hiện đại phần nào còn do ấn tượng mạnh mẽ trước những thành tựu huy hoàng của khoa học tự nhiên mà trước hết là vật lý học với mô hình theo kiểu cơ học Newton dựa trên toán học. Các thành tựu của khoa học vật lý đã dẫn đến những ứng dụng công nghệ, làm biến đổi sâu sắc nền kinh tế phương Tây, tạo ra các tàu to súng lớn phục vụ cho các mưu đồ đế quốc chủ nghĩa. Các nhà khoa học sáng lập ra vật lý học hiện đại, như Newton, Einstein, Max Plank… không liên quan gì đến các ứng dụng công nghệ này. Tài năng của họ nhằm vào việc nhận thức thế giới, mà đối tượng nghiên cứu của vật lý là khoáng chất không chứa đựng các sức mạnh sự sống, ý thức và tự-ý-thức. Cho đến nay, khoa học không có bằng chứng nào về “thế giới bên trong” của các vật thể khoáng chất bất động, và nghiên cứu vật lý dựa trên các biểu hiện bề ngoài của vật thể mà con người có thể quan sát được bằng các giác quan (hay có trợ giúp của các thiết bị tăng cường sức mạnh cho các giác quan). Khoa học vật lý vì vậy có bản chất là khoa học thường nghiệm. Các khái niệm và lý thuyết vật lý được đông đảo các nhà vật lý chấp nhận (còn được gọi là một paradigm) là vì trong giai đoạn nhất định của quá trình phát triển chúng phù hợp tốt nhất với kết quả thường nghiệm. Trong lịch sử vật lý học, các paradigm đã trải qua khủng hoảng, cách mạng và biến đổi sâu sắc. Vì vậy, các nhà khoa học biết rõ rằng: Kết quả lý thuyết của paradigm phù hợp với quan sát thường nghiệm không thể “chứng minh” được chân lý nào, mà chỉ nhất thời củng cố niềm tin vào hiệu quả của paradigm đang hiện hành. Schumacher nhận xét: “Ở điểm này, những gì chúng ta cần phải thấu hiểu – và viết vào tấm bản đồ tri thức của chúng ta – là điều sau đây: Vì vật lý học và các khoa học chỉ dẫn khác đặt cơ sở cho bản thân mình ở phương diện đã chết của tự nhiên, nên chúng không thể dẫn đến triết học, nếu triết học là đưa ra hướng dẫn về chuyện sống là thế nào. Vật lý học thế kỷ XIX bảo chúng ta rằng, sự sống là một tình cờ vũ trụ không có ý nghĩa hay mục đích. Các nhà vật lý tốt nhất của thế kỷ XX lấy lại những lời nói ấy và bảo chúng ta rằng, họ chỉ xử lý với các hệ thống đặc thù, bị cô lập chặt chẽ, nhằm chứng tỏ các hệ thống ấy vận hành ra sao, hay có thể tạo ra để vận hành như thế nào, và rằng không có những kết luận triết học tổng quát nào có khi nào lại có thể được (hay phải được) rút ra từ tri thức ấy”.
Thế nhưng, con người thời hiện đại bị lóa mắt trước các thành công trong ứng dụng công nghệ lại tin tưởng vào sức mạnh toàn năng của khoa học thường nghiệm. Anh/chị ta cho rằng không có gì huyền bí trong thế giới này, chỉ có những điều chưa được khám phá trong tương lai xa hay gần mà thôi. Schumacher nhận xét rằng con người thời hiện đại nhìn vào các thế hệ trước, “ngoại trừ thế hệ mới đây, như là những người ảo tưởng đầy lâm li thống thiết, sống cuộc đời mình dựa trên những niềm tin phi lí tính và các mê tín dị đoan ngu xuẩn. Ngay cả các nhà khoa học lừng danh như Johannes Kepler hay Isaac Newton cũng có biểu hiện tiêu phí thời gian và năng lượng của mình vào những nghiên cứu vô nghĩa về những thứ không hề tồn tại. Trong suốt lịch sử, một lượng lớn sức khỏe khó kiếm được, đã bị tiêu phí vào việc tôn vinh các Thượng đế tưởng tượng – không những bởi các bậc tiền bối châu Âu của tôi, mà còn bởi tất cả các dân tộc ở mọi miền trên thế giới vào mọi thời đại. Ở mọi nơi, hàng ngàn người có vẻ lành mạnh, đàn ông và đàn bà, tự bắt mình phải chịu những kiềm chế hoàn toàn vô nghĩa, như tự nguyện kiêng khem; tự giày vò mình bằng cuộc sống độc thân; lãng phí thời gian của mình vào những cuộc hành hương, những nghi lễ kỳ quái, những lễ cầu nguyện lặp đi lặp lại và những thứ tương tự; quay lưng lại với hiện thực – và một số người thực ra vẫn còn làm điều này ngay cả vào thời đại khai sáng hiện nay – mọi thứ chẳng để làm gì hết, mọi thứ đều từ tình trạng vô minh và ngu ngốc mà ra; chẳng có gì ngày nay được coi là chuyện nghiêm chỉnh cả, ngoại trừ tất nhiên là như các thứ để ở bảo tàng. Một lịch sử đầy lầm lạc biết chừng nào mà chúng ta đã thoát ra từ đó! Một lịch sử của việc cho là hiện thực, cái mà bất cứ đứa trẻ hiện đại nào cũng đều biết là hoàn toàn phi hiện thực và là chuyện tưởng tượng!”. Schumacher gọi thái độ như vậy của con người hiện đại là chủ nghĩa khoa học duy vật luận.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: E.F. Schumacher – Một chỉ dẫn cho người bị bối rối – NXB TT 2019